Tòa án Đức cũng mời thêm 3 nhân viên đang làm việc tại ĐSQ Việt Nam ở Berlin với cáo buộc của Viện công tố Liên bang Đức có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra Đức cho biết „ Tòa Thượng thẩm Berlin đã gửi văn bản triệu tập các nhân chứng bao gồm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXH CN Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng, Tham Tán Công sứ Lê Thị Thu, Sĩ quan liên lạc cảnh sát Lê Thanh Hải, Bí thư thứ nhất Lê Đức Trung tới Tòa án Berlin hôm 17.7 để lấy lời khai các chi tiết liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khi công dân Việt Nam này đang làm thủ tục đăng ký tị nạn tại Đức.“
Nguồn tin cho biết thêm „Các văn bản triệu tập được Tòa Thượng thẩm Berlin gửi tới Bộ Ngoại giao Đức cách đây trên 4 tuần, sau đó đã chuyển tiếp tới Đại sứ quán Đức ở Hà Nội để tiếp đưa tới Bộ Ngoại giao Việt Nam ở số 1 phố Tôn Thất Đảm, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tại đây Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh sẽ xem xét và quyết định với yêu cầu này của Tòa án Đức“.
Được biết qua lời khai các nhân chứng trước Tòa tại Berlin, người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở Đức là ông Đoàn Xuân Hưng phải chịu trách nhiệm trước các cáo buộc của Viện Công tố Liên bang Đức khi đã giấu ông Trịnh Xuân Thanh tại cơ quan ngoại giao này từ ngày 23 đến 25.7.2017.
Ông Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cũng phải chịu trách nhiệm đối với các hành động tiếp tay cho việc bắt cóc ông Thanh do các nhân viên dưới quyền đã thực hiện. Cụ thể, bà Lê Thị Thu, Tham tán Công sứ đã trực tiếp ký giấy, đóng dấu bảo lãnh ngoại giao để một nhân viên khác là ông Lê Đức Trung, Bí thư thứ nhất tới khách sạn Sheraton lấy đồ dùng cá nhân cho cô Đỗ Thị Minh Phương, người cũng bị bắt cóc cùng ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23.7.2017 tại trung tâm Berlin.
Đại tá Lê Thanh Hải, sĩ quan liên lạc bị cáo buộc đã lái chiếc xe cá nhân VW màu xanh sẫm của mình, dẫn đường cho chiếc xe bus nhỏ VW T5 của ĐSQ VN ở Berlin với biển ngoại giao, nghi ngờ dùng để chở ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi ĐSQ VN sáng 25.7.2017 theo hướng Brno, CH Séc để bàn giao cho Đào Quốc Oai và các cộng sự.
Kể từ sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh xẩy ra ở Berlin, các hoạt động đối ngoại với phía Đức của Đại sứ quán Việt Nam tại đây gần như bị „ đóng băng“, các nhân viên của ĐSQ VN đã giảm giao tiếp với cộng đồng, chỉ có rất ít hội đoàn nhỏ ở miền Đông nước Đức còn tiếp vị Đại sứ đầy tai tiếng này.
Lê Anh – Thoibao.de
>> Đại sứ quán Đức tại Hà Nội từ chối cấp Visa cho lao động Việt Nam sang học nghề điều dưỡng
>> Trịnh Xuân Thanh phải ngủ trong Gara ô tô ở Brno đêm 25.7.2017 trước khi giao cho Tô Lâm ?