Võ Thị Hảo
*Buộc phải “chết lâm sàng”:
Báo Tuoitre Online (TTO) – trang báo có uy tín hàng đầu trong số các báo chính thống của VN – đã bị Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định đình bản 3 tháng kể từ ngày 16.07.2018. Kèm theo đó, báo phải nộp phạt 220 triệu đồng.
Kéo theo quyết định này sẽ là hàng trăm phóng viên, nhân viên trị sự và kỹ thuật của tờ báo sẽ bị thất nghiệp ít nhất 3 tháng, ảnh hưởng tới gia đình của họ và báo Tuổi trẻ sẽ rất khốn đốn khi phải đối phó với quyế t định bất công và nhẫn tâm.
Việc đình bản TTO là một hành vi của nhà quản lý chống lại quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Báo chí VN.
Quyết định này đã gây phẫn nộ đối với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.Trong hoàn cảnh Luật An ninh mạng vừa được quốc hội thông qua, đặc biệt vi phạm quyền tự do thông tin và tự do Internet, quyết định đình bản TTO đã khiến cho VN càng thêm mất uy tín với nhân dân VN và quốc tế, càng khiến cho VN bị cô lập trên các mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao và càng thêm lệ thuộc vào Trung quốc.
Xử phạt kiểu “đổ vạ”:
Cần xét lại căn cứ mà nhà quản lý đã dựa vào đó để “xử trảm” báo Tuổi trẻ Online(TTO).
Trong công văn do Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc ký ban hành và có hiệu lực ngay từ 16.7.2018 đã kết tội TTO ”thông tin gây mất đoàn kết dân tộc” trong phần bình luận(comment) của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” đăng từ ngày 26.5.2017.
Xem nội dung thì thấy bài báo đó hoàn toàn thiện chí, rất đơn giản dễ hiểu, chỉ nêu vấn đề là trong khi miền Bắc và miền Nam đã có rồi, thì nên xây dựng đường cao tốc cho miền Tây để phát triển kinh tế. Có một comment của bạn đọc mang nội dung “Bắc kỳ lãnh đạo Nam kỳ mà”, hoàn toàn chỉ là một trong nhiều ý kiến nằm ngoài nội dung bài báo, khác chủ thể chịu trách nhiệm và không có gì nặng nề tới mức “thông tin gây mất đoàn kết dân tộc”.
Việc quy kết này là hoàn toàn không thể chấp nhận, theo tư duy quản lý suy diễn thời Cách mạng Văn hóa của TQ ở giữa thế kỷ trước, kiểu “ai đó làm gẫy một chiếc đũa là làm ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”.
Hãy so sánh để thấy ngay vấn đề: khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về vấn đề chống tham nhũng tại quốc hội, trang cá nhân của ông mang tên Nguyenphutrong.org đăng lại bài viết đó. Dưới bài viết có phần comment của bạn đọc, trong đó có ý kiến là chỉ có đảng muốn chống tham nhũng còn chính phủ thì không, vậy có thể quy kết ông Nguyễn Phú Trọng tội chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, nếu theo lối quy kết cho TTO ?! Đương nhiên là hoàn toàn bất công và vô lý.
Với cách đó, ai mà chẳng bị quy tội gây mất đoàn kết dân tộc hoặc phản động khi dưới các quyết định hoặc lời phát biểu, bài viết của họ lại có ý kiến hoặc comment trái chiều từ người đọc?! Có thể giết chết bất kỳ trang báo nào hoặc hạ bệ ai đó theo kiểu này ư?
Đương nhiên người nói, người viết, người đăng bài chỉ có thể chịu trách nhiệm về nội dung mà chính mình đã đưa ra mà thôi. Trong Luật Báo chí cũng không có quy định nào buộc một tờ báo phải bị xử phạt vì ý kiến bạn đọc.
Về việc nhà quản lý kết tội TTO đã “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tỉnh” trong ngày 19.6.2018 lại thể hiện một góc khuất gây quá nhiều băn khoăn.
Theo như TTO đã đưa tin thì trong cuộc tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri là cần có Luật biểu tình và ông hứa báo cáo QH về nội dung này” nhưng Cục báo chí nói rằng trên thực tế ông Quang không phát biểu như vậy.
Lẽ thường, và đây là nguyên tắc nghiệp vụ báo chí tối thiểu, một phóng viên hoặc một tờ báo không dại gì “tự sát” bằng cách bịa đặt phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước, đặc biệt khi ông Chủ tịch đó lại là Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhiều năm của ngành công an khét tiếng muốn cho ai sống thì người đó mới được sống. Thêm nữa, đây lại là lời của ông nói về Luật biểu tình – vấn đề lẽ ra rất bình thường nhưng lại quá nguy hiểm theo như quan niệm của nhà quản lý. Lời nói của ông Quang thực ra cũng chỉ rất chừng mực, chỉ là tán thành ý kiến cử tri và hứa sẽ về báo cáo QH.
Trong khi ông Quang phát ngôn điều đó, đương nhiên có hàng chục, hàng trăm người chứng kiến, trong đó phải có ý kiến của cử tri nêu ra trong cuộc họp, nhiều phóng viên báo chí, ông chỉ trả lời ý kiến cử tri.
Ở hoàn cảnh ấy , phóng viên không thể bịa đặt. Trường hợp hy hữu, phóng viên TTO có thể do tai nạn nghề nghiệp mà đánh mất băng ghi âm cuộc nói chuyện để làm bằng chứng trong trường hợp người nói vì bị ép buộc hoặc sợ bị ảnh hưởng mà chối bỏ điều đã nói, mặt khác những người chứng kiến hôm đó cũng vì sợ áp lực mà không dám chứng nhận sự thật cho PV.
Kể cả trong trường hợp báo TTO đã đưa thông tin thiếu chính xác, thì báo chỉ cần đính chính, xin lỗi bạn đọc và người phát ngôn, thậm chí nộp phạt vi phạm hành chính là đủ, không thể tới mức bị đình bản. Về việc này, TTO đã sốt sắng hơn cả mức đính chính. Ba tiếng sau khi đăng bài, TTO đã xóa bỏ hoàn toàn nội dung về luật biểu tình trong bài báo, chỉ dẫn lời của ông Quang nói rằng do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo mới dẫn đến những vụ việc nghiêm trọng xẩy ra ở TPHCM và Bình Thuận( thực chất là những cuộc biểu tình).
Hiện tượng về việc lời phát biểu của Chủ tịch Quang bỗng dưng biến mất và TTO chỉ đưa thông tin ngược lại đã đưa ra rất nhiều câu hỏi: sự thật nằm ở đâu? Ai đã bóp méo sự thật? Vai trò của ông Quang trong việc đình bản báo Tuổi trẻ? Rát nhiều khả năng TTO phải hy sinh cay đắng trong trường hợp phải “liều mình cứu chúa?
TTO khởi kiện?
Theo quy định của pháp luật VN, Báo Tuổi trẻ hoàn toàn đủ căn cứ khởi kiện Cục Báo chí Bộ VHTT và Truyền thông về việc đã xử phạt và ra quyết định đình bản TTO.
Luật Báo chí VN hiện hành nghiêm cấm hành vi “cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng” ( điều 11, chương 9 ).
Tại điều 12 Luật cũng nghiêm cấm “ Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân – ( đương nhiên bao gồm quyền comment), trong Luật Báo chí cũng ghi rõ: công dân có quyền “1: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới. 2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”.
Mặc dù hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi kiện đòi lại công bằng cho chính mình nhưng TTO cũng rơi vào tình trạng “con kiến kiện củ khoai”, cũng như dân oan VN.
Vì “dân oan” TTO biết hơn ai hết, rằng khi họ kiện, ai đó nổi giận và sẽ biến “cái chết lâm sàng” 3 tháng trở thành chết vĩnh viễn. Hàng trăm phóng viên, biên tập viên và gia đình của họ sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng thất nghiệp, khốn khổ mọi bề. Chưa kể là bạn đọc sẽ mất đi trang báo dù chưa hoàn thiện, dù vẫn thường xuyên phải bóp méo thông tin theo lệnh của nhà cầm quyền để sống sót nhưng vẫn còn nuôi nấng chút lương tâm và nhiều phen dũng cảm đồng hành cùng họ.
Nhưng VN là kẻ thù của tự do ngôn luận. Và mọi người dân, mọi tờ báo, đều vẫn phải cố gắng và tranh đấu, dù chỉ là nhích từng milimet một, cho quyền sống và quyền làm người.
TTO cũng vậy thôi./.
Võ Thị Hảo – Thoibao.de
>> Đại sứ quán Đức tại Hà Nội từ chối cấp Visa cho lao động Việt Nam sang học nghề điều dưỡng
>> Trịnh Xuân Thanh phải ngủ trong Gara ô tô ở Brno đêm 25.7.2017 trước khi giao cho Tô Lâm ?