Việt Nam xây dựng thương hiệu xe ô tô đầu tiên của mình với kỹ thuật dựa hoàn toàn vào công nghệ Đức. Dây chuyền sản xuất gần như là 100% của Đức. Hàng tỷ USD của các đơn đặt hàng chảy vào các công ty Đức để sản xuất xe theo tiêu chuẩn Euro 5 – không thể bán được tại Đức vì chưa đạt chuẩn chống ô nhiễm mỗi trường.
LTS: Sau đây là bản dịch bài tường thuật của tờ Handelsblatt, một tờ báo Đức chuyên về thương mại và có uy tín quốc tế, số ra ngày 30.9.2018
Hải Phòng. Vài ngày nữa 2 chiếc xe lạ thường sẽ được giới thiệu tại cuộc triển lãm Paris Motor Show vào thứ ba tới [2/10/2018]: Nó đến từ đất nước mà cho đến nay chưa bao giờ sản xuất ô tô. Với chiếc sedan và SUV mang thương hiệu VinFast một thông điệp được gửi đến: Đây là thương hiệu xe ô tô đầu tiên của Việt Nam; những chiếc xe đầu tiên được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là một nửa sự thật. Bởi vì những chiếc xe này được sản xuất bằng máy móc của Đức. Chúng được chế tạo dựa trên cơ sở nguyên mẫu Đức, một nửa các bộ phận là của các công ty Đức, và chúng được lắp ráp bởi những nhân công được đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức.
Như vậy, dự án VinFast cũng là một thành công lớn cho nền công nghiệp Đức: Nhà máy của công ty VinFast tại Hải Phòng được coi là dự án công nghiệp lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, nơi có nền kinh tế mới nổi. Công ty mẹ Vingroup đã đầu tư tổng cộng khoảng 3,5 tỷ USD. Theo thông tin của tờ Handelsblatt, phần lớn số tiền này chảy vào các công ty Đức. Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài gọi đây là một “dự án hải đăng” của nền kinh tế trong nước Việt Nam.
Các công ty Đức đạt được thành công một cách đáng ngạc nhiên: Ai đi từ Hà Nội đến nhà máy VinFast, đầu tiên là trên những con đường bị tắc và cuối cùng trên một đường cao tốc mới nhưng gần như trống rỗng, hầu như chỉ thấy xe Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chạy ngược lại. Trong các khu công nghiệp ở đây cũng hầu như chỉ có các hãng xưởng của các công ty châu Á nằm nối tiếp nhau.
Nhập khẩu từ Đức chiếm chưa tới 3%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Ai muốn tìm hiểu làm thế nào ngành công nghiệp Đức có thể chọc thủng được sự ưu thế này của các công ty châu Á, thì tốt nhất nên tìm tới người đàn ông nhỏ bé với hàm răng hở, và thường để lại sau những câu nói của mình một nụ cười ranh mãnh. Ông Võ Quang Huệ đứng giữa tổng hành dinh của VinFast mới xây ở Cát Hải – Hải Phòng, nó có hình dáng tròn giống như một chiếc UFO vừa hạ cánh.
“Anh có biết ai kiến trúc tòa nhà này không?“, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup hỏi. “Đó là công ty kiến trúc Henn, cũng là một công ty của Đức“. Trên điện thoại, ông chỉ cho thấy những công trình khác của công ty kiến trúc này: Trung tâm sáng tạo BMW tại Munich (München), Studio thiết kế của Porsche tại Weissach và vân vân: ” Tôi truyền đạt những gì tôi biết “, ông Huệ nói.
Ông Huệ đã cho biết nhiều. Trên những khu đất này, rất nhiều kỹ sư Đức hiện đang xây dựng các cơ sở sản xuất: máy ép kim loại xuất phát từ công ty xây dựng nhà máy Schuler, công ty Eisenmann cung cấp dây chuyền lắp ráp, tập đoàn Grob cung cấp động cơ. Tập đoàn Dürr chịu trách nhiệm về hệ thống sơn, robot lắp ráp đến từ công ty ABB Deutschland và hệ thống mạng do Siemens thiết kế. “Dây chuyền sản xuất gần như là 100% của Đức”.
Chuỗi phản ứng dây chuyền từ những năm 1970
Không chỉ có vậy, trong một trung tâm đào tạo ngay tại tổng hành dinh có 200 người Việt Nam đang theo học nghề với văn bằng do Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài cấp. Ở cấp độ cao nhất là bằng tốt nghiệp tương đương với thợ cơ khí công nghiệp Đức hoặc thợ cơ điện ô tô.
Dĩ nhiên sức mạnh tổng quát của ngành công nghiệp ô tô Đức cũng là một nguyên nhân giải thích tại sao các công ty Đức lại có thể giành được nhiều đơn đặt hàng như thế. Tuy nhiên sự thành công này cũng là kết quả của một chuỗi phản ứng dây chuyền mà tiếp cận sâu vào ngành công nghiệp có phân nhánh rộng này. Chuỗi phản ứng được bắt đầu từ ông Huệ. Ông cho biết: “Tôi thấy mình giống như một cầu nối giữa Đức và Việt Nam”.
Câu chuyện bắt đầu vào đầu những năm 70. Việt Cộng bắn qua rừng rậm về phía Sài Gòn và cha mẹ của một thanh niên trẻ ở miền Nam Việt Nam quyết định rằng tốt hơn là cho đứa con trai sang Tây Đức du học và trở thành kỹ sư. Ông học ở Cologne (Köln) và Aachen, sau đó làm việc cho BMW.
Ông Huệ trở thành công dân Đức và đã làm việc cho các hãng xưởng Munich (München) trên toàn thế giới: Ai Cập, Mexico và tất nhiên Việt Nam. Trước khi chuyển sang VinFast, người đàn ông 66 tuổi này là Tổng Giám đốc của Bosch Việt Nam. Sau đó [2năm trước đây] ông nhận được một cuộc gọi điện thoại từ ông Phạm Nhật Vượng.
Ông Vượng là người đứng đầu Tập đoàn Vingroup và là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Ông đã kiếm được hàng triệu đô la đầu tiên ngay sau khi học Đại học ở Ukraine với sản phẩm mì ăn liền. Năm 2002 ông trở về Việt Nam và xây dựng một tập đoàn hùng mạnh. Vingroup hiện bao gồm các trung tâm mua sắm, bệnh viện và trường học. Bây giờ ông Vượng muốn biến Việt Nam thành một đất nước có nền công nghệ ô tô, và ông tìm tới ông Huệ.
Tại VinFast ngay từ đầu họ xác định rõ ràng là sẽ phải mua phần lớn những bí quyết sản xuất ô tô. Thiết kế do studio Pininfarina của Italy đảm nhiệm. Nhưng về kỹ thuật thì VinFast và ông Huệ dựa hoàn toàn vào công nghệ Đức. Ông Huệ đã đàm phán với nhiều thương hiệu xe ô tô của Đức và tìm được lời đồng ý từ công ty cũ của ông là BMW. Hãng xe này đồng ý bán cho VinFast quyền phát triển động cơ và thiết kế cơ bản của dòng xe 5 Series cũ, mà cả hai chiếc xe của VinFast hiện nay đều được chế tạo dựa trên nguyên mẫu này.
45 phần trăm các bộ phận đến từ các công ty Đức
Trong ngành xe hơi, đây là một cách thức bất thường: „Chúng tôi đang xây dựng theo một cách mới“, ông James Deluca -Tổng Giám đốc VinFast hiện nay, trước đây là Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của General Motors – cho biết. Hợp đồng cũng bao gồm những chi tiết, ví dụ như động cơ được sản xuất chính xác như thế nào. Tại BMW, họ không muốn bình luận về thỏa thuận này.
Vì nguyên mẫu của chiếc xe là một chiếc BMW, nên không chỉ các kỹ sư cơ khí của Đức, mà cả các nhà cung cấp của Đức cũng được mời tham gia. Theo ông Deluca -Tổng Giám đốc VinFast- có tới 45% các bộ phận đến từ các công ty Đức. Ngay bên cạnh nhà máy chính, nhà cung cấp ZF hiện đang xây dựng một nhà máy với số tiền đầu tư khoảng 18 triệu Euro, như công ty ZF thông báo với tờ Handelsblatt. Đây là nhà máy Nam Đức đầu tiên ở Việt Nam và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 tới.
Lịch trình cho toàn bộ dự án thì rất gấp. Vào mùa hè năm 2019 những mẫu xe đầu tiên sẽ được xuất xưởng. Tuy nhiên VinFast cũng tiến hành nhanh: Nơi một năm trước còn là bãi biển, thì giờ đã là bãi bồi, những chiếc cẩu đã xây xong các nhà xưởng khổng lồ. Một nghĩa trang cũ đã ngay lập tức được di dời sang một bên, giờ đây những ngôi mộ nằm bên cạnh một nhà máy trông giống như những chai gỗ hình nón của trò chơi bowling bị văng đi tứ tung.
Trong tương lai, VinFast không chỉ sản xuất xe chạy xăng. Công ty đã ký với Siemens một thỏa thuận cấp phép động cơ điện cho xe bus mà đã được lên kế hoạch. Ngoài ra Nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật Edag của Đức cũng đang phát triển một mẫu xe điện đầu tiên cho VinFast và sẽ được giới thiệu trong năm tới.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng VinFast có khả năng thành công – đặc biệt là vì nó dựa nhiều vào các đối tác quốc tế. “Với sự hợp tác chặt chẽ với BMW, VinFast có một lợi thế lớn so với những công ty, ví dụ như Proton“, ông Titikorn Lertsirirungsun, quản lý vùng Đông Nam Á của công ty tư vấn LMC Automotive cho biết. Proton, công ty sản xuất ô tô được chính phủ hỗ trợ ở Malaysia, đã chưa bao giờ đạt được thành công quốc tế như mong đợi.
VinFast cũng muốn bán xe của mình ở thị trường quốc tế. Đó là một điều cần thiết cho sự thành công. [chú thích của người dịch: 2 mẫu xe trên của VinFast chỉ đạt tiêu chuẩn Euro 5 – không thể bán được tại Đức vì chưa đạt chuẩn chống ô nhiễm mỗi trường] .Là nhà sản xuất ô tô Việt Nam đầu tiên, VinFast có tham vọng không chỉ cho thị trường trong nước – hiện đang bị chi phối bởi các loại xe Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – mà còn trên thị trường xuất khẩu trên khắp châu Á. Dây chuyền sản xuất sẽ bắt đầu vào mùa hè năm tới, và nhà máy đang xây dựng sẽ có thể sản xuất 250.000 xe mỗi năm – bằng với doanh số bán xe hàng năm hiện tại ở Việt Nam. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch sản xuất 500.000 xe mỗi năm.
Nhưng với động cơ ít nhất là 175 mã lực, đây sẽ là chiếc xe “không thể với tới” (quá đắt) đối với hầu hết người Việt Nam. Tổng giám đốc VinFast, ông James Deluca cho biết họ giới thiệu xe tại Paris để thăm dò nên xuất khẩu tới những thị trường nào. Chiếc xe sẽ được tiếp thị là xe do Việt Nam sản xuất. “Nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại nói chiếc xe có chứa đựng nhiều công nghệ của Đức trong đó”, ông Deluca nói.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)
*) Tựa đề được người dịch thay đổi dựa theo tựa đề của bài báo bản tiếng Anh trên tờ Handelsblatt Global và kết hợp với tựa đề của bài báo trên tạp chí „Auto Motor Sport“ của Đức.
>> Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Thủ tướng Slovakia đe dọa Việt Nam sẽ bị các hậu quả về ngoại giao
>> Phim phóng sự của Đài RTV Slovakia về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
>> Tham tán ngủ ở Liên Hiệp Quốc: Người chụp hình nói gì
>> Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tất cả các nước trên thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa xã hội
>> Từ thợ làm móng tay chuyển sang trồng cần sa tại Đức và xây chùa ở Việt Nam
>> Bức ảnh hay nhất năm 2018 về mối quan hệ giữa hai nước Đức – Việt
>> Cảnh sát liên bang Đức phát hiện 26 người Việt được giấu trong xe bus
>> Tuyên bố của Will Nguyen sau khi rời khám Chí hòa tại TP.Hồ Chí Minh
>> Tuyên bố của EU tại Việt Nam về việc kết án gần đây đối với ông Lê Đình Lượng
>> Cách mạng tháng 8 năm 1945 „Cướp chính quyền tại Việt Nam“ và ngày nay „Cướp người tại Đức“
>> Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Đức hay không?