Mời các bạn đón xem, bình luận và cùng chia sẻ.
Dự một hội nghị với chính phủ Việt Nam hôm 30/12, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong năm 2019, cùng với đó, GDP là 266 tỷ đô la, bình quân gần 2.800 đô la/người, nhiều báo Việt Nam đưa tin.
Lưu ý rằng Việt Nam có được các kết quả như vậy trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, ông Trọng phát biểu: “Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra một nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.
Gần hai tuần trước, hôm 17/12, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói tại một cuộc họp báo rằng “Việt Nam tiếp tục có thêm một năm ấn tượng”, với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khi nợ công giảm so với năm 2016, và thương mại thặng dự liên tiếp 4 năm qua.
Đại diện của Ngân hàng Thế giới được các báo trích lời nói rằng “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019, tuy nhiên, mặt trời vẫn đang toả nắng ở nền kinh tế Việt Nam”.
Câu nói này lập tức gây xôn xao trên các diễn đàn, Mạng xã hội tại Việt Nam và nước ngoài. Nhiều bình luận đã được đưa ra theo hướng đả kích điều được ví von này.
Về nhận xét do ông Ousmane Dione đưa ra, được Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại, chuyên gia kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh bình luận.
“Có lẽ là ông Giám đốc Ngân hàng Thế giới có cái nhìn lạc quan. Theo tôi, thách thức đối với Việt Nam không hề nhỏ. Việt Nam cần phải nhìn thấy các hạn chế, yếu kém của mình và có các biện pháp hiệu quả để sửa đổi, chứ không nên quá tự mãn hoặc tự khen mình trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay”.
Tiến sĩ Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, chỉ ra các điểm yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu đang đe dọa làm mất đi vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhân lực trẻ không được đào tạo tốt, và kinh tế tư nhân bị cản đường bởi các nhóm lợi ích gắn với các quan chức.
Ông Doanh cho rằng vẫn có cơ hội để Việt Nam phát triển, nhưng giới lãnh đạo cần phải đẩy mạnh cải cách chứ không chỉ để như vậy mà phát triển được.
Ông Lê Đăng Doanh nêu ra những việc có thể làm ngay như sau:
“Hiện nay, khả thi nhất là thực hiện công khai minh bạch. Công bố công khai ra tài chính như thế nào, chi tiêu như thế nào, bổ nhiệm cán bộ thế nào, và chấp nhận có sự cạnh tranh. Bổ nhiệm cán bộ ở các chức vụ thì công bố ra, ai có thể tham gia được, tiêu chí như thế nào để cho mọi người biết rõ hơn và có thể tham gia để chọn lọc được nhân tài”.
Cũng tại hội nghị hôm 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhận định rằng việc tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao như mức của năm 2019 trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045.
Mục tiêu này từng được vị thủ tướng nói đến hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019, theo đó, chính phủ nhắm đến duy trì phát triển kinh tế để khi Việt Nam tròn 100 năm độc lập vào năm 2045, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 18.000 đô la/năm.
Một mặt nhắc lại rằng Việt Nam từng đặt ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa cơ bản vào năm 2020 nhưng đã thất bại, song chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thận trọng cho rằng không phải là không khả thi về mục tiêu đạt thu nhập cao vào năm 2045.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lý giải.
“Từ nay đến 2045, đang còn 25 năm. Trong 25 năm đó, nếu Việt Nam liên tục tăng trưởng 7 đến 8%/năm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước có thu nhập 10.000 đô, 12.000 đô la/đầu người. Cái mục tiêu đó là có khả thi”.
Để đạt mục tiêu nêu trên, tiến sĩ Doanh nhắc lại rằng Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ. Có lẽ các cải cách mạnh mẽ đó phải là dân chủ đa đảng nhưng không thấy ông Doanh nhắc đến điều rất quan trọng này.
Tại hội nghị giữa chính phủ Việt Nam với địa phương diễn ra trong ngày 30 và sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thách thức to lớn trong quá trình phát triển là đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ là hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm.
Điều này cũng đồng nghĩa là tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người.
Ngay trước mắt, trong năm 2020 sắp tới, Việt Nam sẽ phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người, ông Phúc nói.
Như vậy đây là một thách thức rất lớn cho chính phủ Việt Nam.
Một nghịch lý kinh khủng đã, đang và sẽ còn hiện hình trong ‘nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa’ và trong ‘chính phủ kiến tạo’ ở Việt Nam:
Trong tài khóa năm 2020, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến phải vay đến 460.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD để ‘bù đắp ngân sách’.
Nhưng bất chấp chính phủ này vẫn tung ra các báo cáo đầy lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 7% và giống hệt chỉ số thành tích GDP của ‘đảng anh’ Trung Quốc, gấp đôi mức tăng trưởng của Hoa Kỳ và gấp gần 3 lần mức tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy thì đây có lẽ là tăng trưởng ma với tổng sản phẩm nội địa đầy ảo vọng.
Khi nói lên giấc mơ của mình là điều bình thường, nhưng nếu việc đó là phát ngôn của người đứng đầu Đảng và Nhà nước như ông Giáo sư xây dựng Đảng Nguyễn Phú Trọng và người đứng đầu Chính phủ – ông Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra trước công luận, thì lại trở thành một điều không thực tế.
Sẽ dẫn đến lạc quan tếu và sai lầm trong chỉ đạo, điều hành đất nước với gần 100 triệu dân đi vào hư ảo như chính nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà các ông vẫn cố bắt ép người dân phải đi theo.
Trên khắp thế giới, ngay cả thành trì của Chủ nghĩa Cộng sản tại Liên Xô và các nước đông Âu đã sụp đổ được gần 30 năm – thì nay vai trò của Đảng Cộng sản VN cũng nên chấm dứt, và các ảo vọng do thứ chủ nghĩa không tưởng này cũng nên đi vào dĩ vãng.
Lê Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức. / Truyền hình thực tế 31.12.2019