Báo cáo Gánh nặng bệnh tật từ phát thải của nhà máy điện than ở Đông Nam Á của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay, lượng khí thải từ than trong khu vực sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030, nghiêm trọng nhất ở Indonesia và Việt Nam.
Từ một phân tích chi tiết về các nhà máy nhiệt điện than hiện đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng ở Đông Nam Á, Báo cáo Gánh nặng bệnh tật từ phát thải của nhà máy điện than ở Đông Nam Á của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay, lượng khí thải từ than trong khu vực sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030, nghiêm trọng nhất ở Indonesia và Việt Nam.
Báo cáo dự kiến đến năm 2030, số lượng nhà máy điện than ở Việt Nam sẽ tăng lên đến 133 nhà máy.
Báo cáo ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.
Năm 2011, hầu hết các trường hợp tử vong sớm là do bệnh tim thiếu máu cục bộ (6470) và đột quỵ (5970). Tỷ lệ tử vong sớm là cao nhất ở Indonesia (7480 ca tử vong mỗi năm), theo sau là Việt Nam (4250 người chết mỗi năm). Trung Quốc gánh chịu tỷ lệ tử vong sớm cao thứ ba sau Indonesia và Việt Nam với 3150 ca tử vong mỗi năm.
Năm 2030, trong bối cảnh tương lai sản xuất điện ở Đông Nam Á vẫn dự kiến sẽ phục thuộc vào than. Phân tích của báo cáo cho thấy rằng cái giá phải trả cho sức khỏe con người là rất nghiêm trọng.
Báo cáo ước tính sẽ có khoảng 20.000 người tử vong sớm hàng năm do ô nhiễm than từ các nhà máy điện hiện đang hoạt động ở Đông Nam Á, với những ảnh hưởng lớn nhất ở Indonesia và Việt Nam. Những con số này có thể tăng lên tới khoảng 70.000 người chết mỗi năm vào năm 2030 nếu tất cả các nhà máy than hiện đang được phê duyệt ở Đông Nam Á đi vào hoạt động.
Tổng số ca tử vong sớm cao nhất một lần nữa sẽ là ở Indonesia (24.400 người chết sớm mỗi năm), Việt Nam (19.220 tử vong sớm mỗi năm).
Ngoài Indonesia và Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ tử vong do khí thải than Đông Nam Á lớn thứ ba là ở Trung Quốc, nơi chúng tôi dự kiến sẽ chịu 9000 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030, vì ở ngay gần Đông Nam Á nên chịu ảnh hưởng lớn từ ô nhiễm không khí. Myanmar sẽ có tỷ lệ tử vong sớm cao thứ tư trong 2030.
Cả nước đang bị các nhà máy nhiệt điện than bủa vây
Miền Tây sắp trở thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam nhưng hiện chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể về ảnh hưởng của các nhà máy này.
Xuôi theo dòng sông Hậu, qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, chúng tôi thấy có nhiều công trình nhà máy nhiệt điện than nằm sát bờ sông đang hối hả thi công. Riêng tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã có hai nhà máy đi vào vận hành, khói đen, khói trắng đua nhau tỏa lên trời ngùn ngụt.
Mới vận hành, dân đã than
Bà Ngô Mỹ Linh, nhà gần Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, ngao ngán: “Nhìn cái ống khói to đùng, bà con ở đây mừng thì ít nhưng lo thì nhiều. Mừng vì một số con em được vào nhà máy làm công nhân, mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng, hàng quán bán đồ ăn thức uống ở đây cũng đông khách, kiếm được chút đỉnh. Nhưng thiệt hại thì khỏi phải nói, đặc biệt vào mùa nắng, bụi đen từ nhà máy tỏa ra khắp nơi, không ai chịu nổi”.
Vào những ngày cuối tháng 7-2016, có mặt gần cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh nhà máy phát ra những âm thanh đinh tai nhức óc. Trong khi đó, ống khói thì liên tục phun ra những cột khói đen ngòm, bay xa hàng cây số. Đầu năm 2016, cánh đồng muối ở ấp Cồn Cù (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) cách cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải khoảng 3 km cũng bị nhiễm bụi đen, nghi do bụi của nhà máy điện. Chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận có tình trạng muối nhiễm bụi đen gây thiệt hại nhưng người dân vẫn chưa được hỗ trợ hay bồi thường do thủ phạm làm muối nhiễm đen… không được xác định.
Trong khi người dân ở cạnh các nhà máy điện đã nếm mùi thì người dân ở các công trình đang xây dựng như nhiệt điện Long Phú (xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng), nhiệt điện Sông Hậu I (Hậu Giang) cũng cảm thấy bất an. “Chúng tôi chưa hết lo ngại về nhà máy giấy khổng lồ Lee & Man – nơi có nhiều lo ngại sẽ gây ô nhiễm cho sông Hậu thì nay lại thêm nhà máy nhiệt điện. Người dân ở đây bao đời nay sống dựa vào dòng sông Hậu nên nếu sông này bị ô nhiễm thì từ nguồn nước uống đến nguồn thủy sản cũng bị ảnh hưởng theo. Lúc đó không biết chúng tôi sẽ sống ra sao” – ông Lê Văn Thôn, gần Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, âu lo.
Nguy cơ thành bãi rác thải điện than khủng
Cùng chúng tôi đi thực tế các nhà máy nhiệt điện mới đây, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái và phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho rằng các Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú đều nằm sát bên dòng sông Hậu. “Cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải dù tiếp giáp với biển nhưng cũng gần cửa sông Hậu. Nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ được lập, xét duyệt cho từng dự án riêng lẻ chứ không thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) chung cho cả khu vực. Sông Hậu có vai trò đặc biệt không chỉ về phát triển kinh tế-xã hội mà còn về an ninh quốc phòng nên theo tôi cần phải thực hiện ĐMC thì mới thấy hết được tác động của các nhà máy nhiệt điện đến dòng sông Hậu” – ThS Thiện đề nghị.
Ngoài ra, ông Thiện cũng cho rằng ĐTM của các nhà máy nhiệt điện chưa được phản biện đầy đủ nên thông tin có độ tin cậy không cao. Ông dẫn chứng: “Trong ĐTM nói khói thải hầu như không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế chúng ta thấy khói đen ngòm và đã xảy ra tình trạng muối bị nhiễm bẩn. Thế nhưng cơ quan quản lý môi trường địa phương lại không xác định được mức độ ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Điều đó cho thấy trách nhiệm kiểm tra, kiểm chứng thông tin trong ĐTM có đúng với thực tế đang diễn ra không hay gần như bỏ ngỏ”.
Ông Đỗ Văn Hạ, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng, cho rằng chi phí sản xuất ra điện từ than không rẻ như nhiều người vẫn tưởng vì nó gây ra những hệ lụy lớn làm tăng chi phí y tế, chi phí cải tạo môi trường… Theo ông, nhiệt điện than là loại năng lượng ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Các nước phát triển đã cấm phát triển và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiệt điện than. Tuy vậy, Việt Nam lại phát triển ngược chiều. Việc nhập thiết bị của nước khác để phát triển điện than, đặc biệt là Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải điện than lớn nhất khu vực.
Việc phát triển điện than tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là không hợp lý vì nó phá hủy tài nguyên, gây ô nhiễm đất, nước, phát triển ngược chiều thế giới. Mặt khác, ĐBSCL có nền nông nghiệp tốt, trù phú, nắng nhiều, gió nhiều. Vậy tại sao không phát triển điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió?” – ông Hạ bày tỏ.
Thu Thủy – Thoibao.de (Tổng hợp)