“Đánh úp” Đồng Tâm: Đảng đối đầu với Dân tộc

Sau 5 ngày im lặng khiến dư luận hết sức căng thẳng, cuối cùng Bộ công an Việt nam mà đứng đầu là Bộ trưởng Tô Lâm đã công bố lễ tang và danh tính 3 công an bị tử vong do chết cháy ở Đồng Tâm.

Ba người bao gồm:
Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, sinh năm 1972; Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Đại úy Phạm Công Huy, sinh năm 1993; cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP Hà Nội.
Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, sinh năm 1992; Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

3 Cảnh sát cơ động “hy sinh” khi tấn công Đồng Tâm

Bộ Công an VN thông báo sẽ tổ chức trọng thể lễ tang 3 người nay theo nghi thức của lực lượng Công an VN vào ngày 16/1 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Cũng hôm 13/ 1 lễ tang của ông Lê Đình Kình cũng được công bố trên các trang mạng Xã hội.
Cụ Lê Đình Kình được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng vào ngày Thứ Hai, 13 Tháng Giêng, 2020.
Thông tin từ Đồng Tâm cho biết:
“7 giờ sáng, gia đình cụ Lê Đình Kình sẽ tổ chức an táng thi hài cụ. Tất cả dân làng Đồng Tâm đều đội khăn tang đưa tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.” Facebooker Trịnh Bá Tư đưa tin hôm Chủ Nhật. “Cộng sản đã thảm sát nhân dân Đồng Tâm, sát hại cụ Kình, chúng còn ngăn cản người dân từ xa đến đưa tang cụ.”
Cụ Lê Đình Kình, năm nay 84 tuổi, qua đời vào sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, khi chế độ Hà Nội đưa hàng ngàn người trang bị các loại vũ khí tấn công vào xã Đồng Tâm nhằm triệt hạ dân làng chống đối vụ cưỡng chế khu vực cánh đồng Sênh, nơi dân làng trồng cấy suốt nhiều chục năm qua.

Lễ tang cụ Lê Đình Kình

Dư luận tiếp tục phẫn nộ trước cái chết của cụ Lê Đình Kình qua rất nhiều bài viết và lời bình luận trên các trang Facebook cá nhân. Người ta không thể tin rằng một chế độ tự nhận là “đầy tớ nhân dân” với khẩu hiệu tuyên truyền “của dân, do dân và vì dân” lại tàn ác như vậy đối với “ông chủ.”
Trên mạng tìm kiếm Google, người ta thấy có tới 14,400,000 kết quả với các chữ “Lê Đình Kình,” chứng tỏ vụ việc đang xảy ra tại Đồng Tâm làm bàng hoàng dư luận thế nào.
Theo một số Blogger, hiện khu vực xã Đồng Tâm hiện vẫn bị công an canh chừng nghiêm ngặt. Bất cứ người nào lạ mặt cũng không thể nào vào được.
(Bản thân bà Dư Thị Thành- vợ của cụ Lê Đình Kình cũng bị công an VN tra tấn ép cung. Mời các bạn xem đoạn video chia sẻ của bà vào hôm 13.1.2020 về việc này)

Facebooker Trịnh Bá Tư viết, “Dù ai có thương cảm mà đến đưa tiễn cụ Lê Đình Kình đến nơi an nghỉ cuối cùng cũng không thể đến nơi. Nhà những người Facebooker từng lên tiếng đả kích nhà cầm quyền Cộng sản Việt nam về vụ Đồng Tâm đều bị công an canh gác, cấm bước chân ra khỏi cửa.”
Rồi đây, những người phụ nữ, vợ, con, cháu ông Kình sẽ sống ra sao khi tất cả các trụ cột của gia đình đã chết hay tù tù tội lâu dài và có thể cũng sẽ bị tử hình, trong khi nhà của họ bị phá tan hoang khi lực lượng của nhà cầm quyền tấn công.

Cụ Lê Đình Kình bị giết bởi 4 phát súng

Facebooker Chú Tễu viết trên mạng xã hội hôm Chủ Nhật: “Đồng bào trong và ngoài nước không thể đến viếng tại Đồng Tâm, xin gửi viếng Cụ (Lê Đình Kình) và chia sẻ với gia đình Cụ, qua tài khoản số tài khoản: Nguyễn Thuý Hạnh – Vietcombank. Tài khoản: 0611 00 1987 139 – Chi nhánh Ba Đình-Hà Nội.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh lâu nay được rất nhiều người tin cậy, nhờ chuyển tiền đến giúp các gia đình có thân nhà đang bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù vì tham gia vận động đòi nhân quyền, dân chủ hóa đất nước.

Trong khi đó, các nhà hoạt động cho hay, họ bị bị cảnh sát ‘canh nhà’ không cho đi đâu. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói ông bị ‘canh cửa’ suốt 4 ngày hôm nay và không thể đi dự đám tang cụ Kình.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, căn hộ của vợ chồng ông ở Hà Nội cũng bị cảnh sát canh nhiều ngày nay. Hai vợ chồng ông không thể đi ra ngoài, dù là đi chợ hay đi khám bệnh.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương – người thường xuyên thông tin về vụ việc Đồng Tâm trên Facebook – cũng bị công an canh gác.

Một số Facebookers cũng bị chính quyền bắt giữ do đưa tin về Đồng Tâm, trong đó có Facebooker Chương May Mắn ở Cần Thơ.

Đường vào Đồng Tâm bị phong tỏa


Truyền hình Việt Nam đưa nhiều phóng sự nói về vụ việc Đồng Tâm, trong đó người dân Đồng Tâm là những “kẻ gây rối, chống người thi hành công vụ”. Đồng thời, VTV1 cũng phát đi các phóng sự về gia cảnh tang thương ở nhà các cảnh sát thiệt mạng.
Báo Công an Nhân dân ngày 13/1 có bài viết kêu gọi người dân “Cảnh giác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để kích động, chống phá”.
Thông tin trên mạng xã hội cho hay cả làng ở Đồng Tâm từ già đến trẻ đều đeo khăn trắng. Một số nguồn tin giấu tên bên ngoài Đồng Tâm cho hay, cảnh sát vẫn canh gác nghiêm ngặt ở Đồng Tâm, internet bị cắt. Không một hình ảnh nào về lễ tang lọt ra ngoài.
Các nguồn tin trên mạng xã hội cho biết là do sự ngăn cản của chính quyền, trừ bà con Đồng Tâm và các xã lân cận, không ai có thể đến dự tang lễ cụ Lê Đình Kình.

Trong lúc truyền thông nhà nước không thể dập tắt các lập luận, phân tích đa chiều của giới xã hội dân sự về cái chết của ông Lê Đình Kình trong vụ tấn công Đồng Tâm, báo Hà Nội Mới vô tình để lộ việc CSVN chưa ép buộc được Facebook “tuân thủ pháp luật Việt Nam.”
Cơ quan ngôn luận của Thành Ủy Hà Nội viết rằng Bộ Thông Tin Truyền Thông Cọng sản Việt nam “đã yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật kích động bạo lực” nhưng Facebook “vẫn thực hiện theo quy trình cũ vừa mất thời gian, hiệu quả rất thấp.”
“Chẳng hạn các yêu cầu do Bộ Thông Tin Truyền Thông gửi thì họ đòi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trong khi đó, với vụ việc chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm có những video livestream (phát trực tiếp) dài đến vài tiếng đồng hồ, kêu gọi bạo lực, nhưng họ vẫn làm theo quy trình cũ là dịch toàn bộ sang tiếng Anh sau đó đưa đi thẩm định thường từ hai đến ba ngày,” tờ báo viết.

Trước phản ứng của cộng đồng mạng có vẻ bất lợi cho Cộng sản Việt nam, hàng ngàn dư luận viên thuộc lực lượng “tác chiến không gian mạng” được ghi nhận mở cuộc tấn công, chửi bới các Facebooker có tầm ảnh hưởng như Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, nhà báo tự do Phạm Thành (Blogger Bà Đầm Xòe)…
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bình luận trên trang cá nhân rằng thái độ của Facebook “khá cứng cỏi, thậm chí đề nghị phía Việt Nam phải để cho Facebook thực hiện công việc theo đúng quy trình của họ.” Tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” nói đây là “một tin vui đối với những người Việt có lương tri, biết yêu tự do-dân chủ, biết phẫn nộ trước bất công và biết xót thương cho đồng bào mình – những nạn nhân của bạo quyền.”

Vụ Đồng Tâm là một vết nhơ cho chính quyền Cộng sản trước người dân Việt nam ở trong và ngoài nước cũng như quốc tế.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm là ông Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trước hành động đưa lính lao vào bắn giết người già, cán bộ lão thành cách mạng gần 60 năm tuổi đảng cùng những người dân ở Đồng Tâm.

Máu của nhân dân đã đổ trước họng súng hung tàn của Đảng Cộng sản – và ngay lập tức, chế độ này đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng hàng triệu người dân Việt nam.

Hoàng Trung từ Hà Nội – Thoibao.de (Tổng hợp)