Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar với mục tiêu khai triển hai dự án trong kế hoạch Vành đai và con đường của TQ, đó là:
Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc.
Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin.
Một khi con đập được xây dựng thì cả một vùng có diện tích bằng đất nước Singapore sẽ bị chìm dưới lòng nước, gây ra những xáo trộn về môi trường mà khó lòng dự đoán được.
Myanmar cần rất nhiều vốn và dự án để phát triển hạ tầng. Vì thế, Myanmar đang tìm thấy ở Trung Quốc một nhà đầu tư giàu có và hào phóng.
Chính sách “Ngoại giao bẫy nợ” của Trung quốc đang bủa giăng khắp Châu Phi và Châu Á.
So với các khoản vay từ Ngân hàng thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các khoản vay từ Trung Quốc có dễ dãi hơn nhiều, tuy nhiên, đi kèm với đó là những đánh đổi về lợi ích như quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản, chủ quyền, lợi ích chiến lược…
Đã có rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vướng phải “gánh nặng nợ nần” từ các dự án có sự tham gia của Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết có 23 quốc gia nằm trong danh sách mắc rủi ro cao bởi “bẫy nợ” từ Trung Quốc, 8 quốc gia trong số đó đang mắc phải “gánh nặng nợ nần” với Trung Quốc.
Hàng loạt thủy điện do Trung quốc đầu tư có thể giết chết sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện trải dọc sông Mekong. Lào và Campuchia định xây thêm hơn 10 đập, và không dừng lại ở đó.
Một báo cáo tại Campuchia hồi đầu tháng trước cho biết có 30 đập thủy điện hiện đang được xây dựng ở Lào và 7 đập ở Campuchia, chủ yếu được tài trợ bởi Trung Quốc.
Việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ gây khô hạn đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học cảnh báo việc xây dựng nhà máy thủy điện sẽ làm giảm 6,2% thủy lưu hàng tháng.
Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở.
Không những thế một công ty Việt Nam là Petro Vietnam Power Corporation sẽ là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần “giết chết” Đồng bằng sông Cửu long.
Việc cho vay không có gì xấu, nhưng đằng sau núi tiền của Trung Quốc là những toan tính chiến lược có thể xâm hại chủ quyền quốc gia.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc không thực sự hướng tới phát triển nền kinh tế địa phương mà tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh xâm nhập thị trường, mở đường cho hàng hóa giá rẻ và tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nhiều nước.
Điển hình như châu Phi. Một loạt các dự án cảng biển và đường sắt của Bắc Kinh sau khi hoàn thành sẽ tạo khai thông các dòng chảy khoáng sản về Trung Quốc.
Cảng Magampura Mahinda Rajapaska của Sri Lanka hay cảng Gwada tại Pakistan, sau hàng tỉ USD tiền vay để đầu tư, giờ trở nên hoang vắng.
Đặc biệt Sri Lanka là một bài học nhãn tiền: Năm 2017, với số nợ Trung Quốc hơn 1 tỉ USD, Sri Lanka đã phải bàn giao quyền sử dụng cảng nước sâu Hambantota cho công ty quốc doanh China Merchants Port Holdings của Trung Quốc với hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm để có tiền trả nợ.
Báo chí VN gần đây đã nêu ra hàng loạt dự án thiếu hiệu quả có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, tiêu biểu là 4 dự án:
- Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Báo chí VN nói rằng Dự án này đã 8 lần chậm tiến độ và chưa thể đưa vào vận hành do còn 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết.
Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự án này khởi công từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thể vận hành, nhưng đã đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm. - Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng
Cuối tháng 11/2019, dư luận Việt Nam rộ lên việc Bộ giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai lập kế hoạch chi tiết cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Thông tin từ báo chí cũng cho biết là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ số tiền 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 33,4 tỉ đồng để khảo sát lập quy hoạch cho dự án này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyến đường sắt này thực sự không đáp ứng nhu cầu đi lại cùa người dân mà chiếm vốn đầu tư ban đầu lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng là quá phung phí. - Nhà máy đạm Ninh Bình
Theo phân tích của các chuyên gia thì nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm cho Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Việt Nam tưởng có lợi khi được vay với lãi suất 4%, tuy nhiên nó lại đi kèm với điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dùng máy móc, thiết bị thay thế của Trung Quốc… - Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Tổng mức đầu tư là 3.843 tỉ đồng, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.
Ngày 15-5-2013, chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Sai phạm tại dự án này cũng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, đã khiến ông Hoàng Trung Hải – đương kim Bí thư thành uỷ Hà Nội, Cựu phó thủ tướng đã bị chịu án kỷ luật.
Một báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam năm 2018 cho biết: “trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, có đến 4 dự án là sử dụng vốn vay từ Trung Quốc.”
Trong đó, nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ, bị đội vốn lên tới 10.000 tỷ đồng;
Đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng;
dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỷ đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỷ đồng;
dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD.”
Tất cả các dự án sai phạm lớn của Việt Nam mà bài này đã nêu đều có bóng dáng của Trung Quốc với những vấn đề như hợp đồng không rõ ràng, lãi suất cao, các điều kiện kèm theo như sử dụng nguyên liệu và bên thi công từ Trung Quốc…
Những lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nhượng bộ hoặc “vướng vào” tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant là hoàn toàn có lý do.
Chính vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam thực tâm muốn vượt qua “bẫy nợ” này thì chỉ có công khai, minh bạch các thông tin, tôn trọng sự phản biện từ các chuyên gia mới có thể thực hiện được.
Nguyên nhân của tình trạng VN vướng sâu vào bẫy nợ TQ là do sự u mê về ý thức hệ, trình độ kiến thức quá thấp và tham nhũng tột cùng của quan chức ĐCS VN cùng tâm lý hèn kém, mong tựa vào đàn anh Trung Quốc.
Trong khi đó Trung quốc lại là bậc thầy của nghệ thuật hối lộ và thao túng, bởi họ quá rành hiểu tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam vì sự tương đồng của 2 thể chế độc tài Cộng sản.
Sau thời gian dài Chính phủ Việt Nam chìm đắm trong những đồng tiền nợ nần từ Trung quốc, và ngấm đòn thâm độc của họ thì mọi việc đã trở nên quá muộn.
Giờ đây, chỉ còn cách nhìn thẳng vào sự thật để VN thay đổi hoàn toàn, chuyển đổi sang thể chế dân chủ và tự do, có như thế sẽ dần thoát khỏi cái bẫy nợ từ TQ đang đè nặng trên đôi vai của trên 90 triệu người dân VN.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)