Các nghị sĩ trong Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU bày tỏ chính kiến sau khi bỏ phiếu về hiệp định thương mại với Việt Nam.
Ngày 21-1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu họp tại Brussels đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) với kết quả: 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).
Thỏa thuận với Việt Nam sẽ đem ra cho toàn thể nghị viện bỏ phiếu, khi các nghị sĩ gặp nhau trong tuần từ ngày 10/2.
Bernd Lange, chủ tịch ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, bỏ phiếu ủng hộ và viết trên Twitter:
“Chúng tôi đã sử dụng đòn bẩy của mình và đưa ra những thay đổi tích cực nhằm cải thiện tình hình của hàng triệu công nhân tại Việt Nam. Chúng tôi đảm bảo rằng các vấn đề lao động và nhân quyền luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của các cuộc đàm phán”
Một phó chủ tịch khác của ủy ban thương mại quốc tế, Iuliu Winkler, cũng ủng hộ và nói:
“Vẫn còn con đường dài cho đến phiên toàn thể vào tháng Hai.
“Việt Nam phải tiếp tục thực thi các cam kết và duy trì thống nhất trong giao thiệp với EU.“
Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), phát biểu:
“Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam.
“Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền.”
Một số dân biểu cho rằng INTA đã bỏ phiếu thông qua bất chấp những tiếng nói phản đối về tình hình nhân quyền đang ngày càng tồi tệ ở Việt Nam.
Dân biểu Saskia Bricmont, một trong 6 Dân biểu bỏ phiếu chống, lên tiếng với RFA sau khi có kết quả từ Nghị viện Châu Âu:
“Tôi thật sự sốc khi những đồng nghiệp của tôi chỉ lắng nghe tiếng nói từ chính quyền mặc dù có những nỗ lực từ phía cộng đồng hải ngoại và các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Right Watch), Phóng Viên Không Biên Giới ( Reporter Sans Frontière), Ân Xá Quốc Tế (Amesty International) tố cáo về tình trạng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc là có vẻ như họ chỉ xem như là một công việc thương mại bình thường và không hề đặt câu hỏi. Và đó là vấn đề !”
Bà Bricmont cho rằng việc thông qua hiệp định ở thời điểm này là mâu thuẫn với nghị quyết về Tù nhân Chính trị mà Nghị viện Âu châu đã ký hồi tháng 11 năm 2018.
Giới chỉ trích đã kêu gọi EU không thông qua với lý do Việt Nam có nhiều khiếm khuyết về nhân quyền và quyền lao động.
Nghị sĩ Anna Cavanizzi tuyên bố bỏ phiếu phản đối khi uỷ ban Thương mại EU (INTA) tiến hành bỏ phiếu cho khuyến nghị hôm 21/1.
Trên Twitter bà từng viết: “Ngày mai, ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về thương mại tự do và các hiệp định bảo vệ đầu tư với Việt Nam. Tôi sẽ bỏ phiếu chống lại nó. Đây là lý do của tôi.”
Nghị sĩ người Czech Markéta Gregorova viết trên Twitter:
“Hôm nay, tôi đã không ủng hộ hiệp định EU – Việt Nam trong Ủy ban Thương mại Quốc tế.
“Đây là chính thể độc đoán đè nghẹt nhân quyền, kiểm soát internet và truyền thông.”
Người Việt ở Châu Âu đã tổ chức biểu tình phản đối EVFTA ở Bruxelles, Bỉ hôm 21/1/2020
Trong khi Ủy Ban Thương Mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) họp tại thủ đô Bruxelles về việc phê chuẩn EVFTA thì bên ngoài, một cuộc biểu tình do Cộng đồng Người Việt Tị Nạn Chính trị tại Âu Châu và Cộng đồng Việt Nam Tự Do tại Vương quốc Bỉ tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Nam cho biết thông điệp của đoàn biểu tình gửi đến các Dân biểu Châu Âu của INTA: “Với 3 lời nhắn nhủ rất rõ ràng là không có Nhân quyền thì không có EVVFTA, nghĩa là thương mại không dùng để phục vụ người dân thì không thể ký hiệp thương này.
Cũng như khi không có những tổ chức nghiệp đoàn tự do để bảo vệ công nhân thì cũng không thể ký Hiệp thương này. Đó là những kêu gọi của chúng tôi đến với các Dân biểu đang có thẩm quyền quyết định về EVFTA.”
Ông Ngô Hoàng Phong, một nhà hoạt động tại Đức đã vào bên trong INTA để trao tận tay các dân biểu Châu Âu một Thỉnh Nguyện thư cùng với một số hồ sơ Nhân quyền. Ông Ngô Hoàng Phong cho biết:
“Tôi đã thực hiện một kháng thư với rất nhiều chữ ký của người Việt Nam cũng như người Đức và tôi đã nộp cho họ, và trong đó cũng có hồ sơ Đồng Tâm để các các Nghị sĩ Châu Âu đọc và quan tâm đến vấn đề đó nhiều hơn”
Vụ đụng độ ở Đồng Tâm, ngày 9/1 đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, bao gồm 1 người dân và 3 cảnh sát.
Nhiều nhà hoạt động trong nước cho rằng chính quyền đã không minh bạch thông tin về vụ tấn công này và vì vậy đã lập Báo Cáo Đồng Tâm để gửi tới các tổ chức nhân quyền và các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Nam cho rằng việc giết chết Cụ Lê Đình Kình, một người dân xã Đồng Tâm, đồng thời là một đảng viên Cộng sản, là giọt nước làm tràn ly.
“Một giọt nước đã làm tràn ly nhẫn nại của chúng ta là vụ Đồng Tâm, họ đã nhẫn tâm giết chết 1 cụ già 84 tuổi, một người đã từng là đồng chí của họ, đã hơn 50 năm phục vụ cho họ. Thế mà họ đã tàn sát như vậy.
Thế thì từ đây cho đến tháng 2, giai đoạn cuối cùng của việc phe chuẩn Hiệp thương này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến họ những sụ thật đã xảy ra trong nước”.
Ông Lê Hữu Đào, một trong những người trong Ban Tổ Chức cho biết mặc dù dự đoán rằng, EVFTA rồi cũng sẽ được thông qua, nhưng ông cũng vẫn tổ chức biểu tình vì dù sao, người Việt hải ngoại cũng cần phải lên tiếng:
Tham gia biểu tình chị Lương Thế Hương tin rằng EVFTA rồi cũng sẽ phê chuẩn, nhưng chị cũng mong mỏi Việt Nam sẽ thực hiện những điều khoản ký kết chứ không chỉ là những lời nói suông.
Từ châu Âu, Việt kiều Lê Hữu Đào nói: “Tôi không chống việc Việt Nam ký kết hiệp định FTA với EU mà muốn họ phải tuân thủ luật pháp của Châu Âu, của Quốc tế, chứ không thể cứ dùng luật rừng của họ”
Ban Tổ Chức cho biết sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình vào tháng 2 sắp tới tại Strasbourg khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA.
Ông Đào nói thêm: “Nếu họ (EU) ký cái (hiệp định ) này thì họ có thể ảnh hưởng đến chế độ Cộng sản. Họ nghĩ rằng nếu họ không ký (hiệp định) này thì Cộng sản Việt Nam sẽ đi theo Trung cộng,
Vì vậy cho nên, khoảng ngày 10/2 sắp tới, chúng ta vẫn sẽ phải có mặt. Nhưng từ đây đến đó, chúng ta phải liên lạc và đưa tất cả các tài liệu cần thiết để cho 751 vị dân biểu có đầy đủ dữ kiện để họ lấy quyết định đúng đắn.”
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam và châu Âu là rất cần thiết cho Việt nam vào lúc này, vì điều đó sẽ giúp hàng hóa từ đây xuất khẩu sang các nước châu Âu, giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Cũng thông qua Hiệp định này, nhà cầm quyền Việt nam phải sửa đổi và đưa ra những điều luật tương đồng để bảo vệ quyền của người Lao động, họ có thể tự thành lập công đoàn độc lập để cùng đàm phán với giới chủ, tạo công bằng hơn trong công việc.
Tuy nhiên, điều bất lợi nhất là hiện nay, Việt Nam đang bị Đảng cộng sản độc tài cai trị, nên liệu ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thực thi nghiêm túc luật pháp và các đòi hỏi của công nhân và người lao động Việt nam hay không?
Sắp tới, những người sẽ đứng ra thành lập tổ chức Công đoàn độc lập tại Việt nam có bị Đại tướng Tô Lâm cho Công an đàn áp, giết hại như tại Đồng Tâm hay không? – Tất cả những điều này vẫn còn bỏ ngỏ và trên 90 triệu người dân Việt nam sẽ tiếp tục giám sát, mạnh mẽ đưa lên công luận trong nước và quốc tế.
Trung Nam từ Đà Nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)