Tỉnh Nghệ An đang xây dựng tượng đài Lenin, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3 tới, nhưng việc này đang bị nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chỉ trích nặng nề.
Các báo này gọi đó là “dấu mốc quan trọng” trong mối quan hệ giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk thuộc Liên bang Nga.
Báo Nghệ An vào ngày 18/2 vừa đăng tải thông tin cho biết thành phố Vinh vừa khởi công xây dựng công trình tượng đài Lênin tại trung tâm thành phố. Theo đó, tượng đài được tỉnh Ulyanovsk, quê hương của ông Lênin tại Nga trao tặng để đánh dấu mối quan hệ Việt – Nga, đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk.
“Đây là công trình mang tính biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp Việt-Nga nói chung, của quê hương Bác Hồ và quê hương Lenin nói riêng”, ông Trần Xuân Lễ, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh, được báo chí Nghệ An trích lời cho biết.
Bức tượng Lenin là do chính quyền tỉnh Ulyanovsk ở Nga “trao tặng” cho Nghệ An, vẫn theo các báo địa phương. Tin cho hay tượng được đúc bằng đồng, có chiều cao 3 mét, “được chế tác tại Nga, sau đó vận chuyển về Việt Nam” và đưa đến Vinh.
Các bản tin cho biết thêm là khu đất đặt tượng đài có diện tích gần 4.300 mét vuông, trong đó, phần lớn dành cho tượng đài với diện tích lên đến 3.000 mét vuông, còn lại là vườn hoa và đài phun nước.
Tuy nhiên, việc xây dựng tượng tượng Lênin tại trung tâm thành phố Vinh lần này lại gặp nhiều phản đối từ phía người dân, không chỉ vì số tiền bỏ ra quá lớn so với một tỉnh như Nghệ An, mà còn vì lập luận việc này không đem lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân.
Mặt trước bệ tượng có khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “Lênin, 1870-1924,” mặt sau ghi “Như là một dấu hiệu của tình bạn.”
Đây không phải lần đầu một trong những lãnh đạo của Nga được xây tượng đài ở Việt Nam. Trước đó, vào năm 2003, chính phủ Hà Nội cho đổi tên vườn hoa Chi Lăng thành Công viên Lênin với tượng đài Lênin, người sáng lập nước Nga Xô Viết ngay giữa công viên.
Hay tượng ‘anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô’ Ghéc-man Ti Tốp được tỉnh Quảng Ninh xây tại Vịnh Hạ Long vào năm 2015. Hoặc tượng ông Dgiec-zen-xki, người được báo chí Việt Nam gọi là ‘nhà cách mạng sáng lập cơ quan Công an Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới’, được Hà Nội xây dựng năm 2017.
Báo Nghệ An cũng cho biết thêm rằng các đơn vị thi công “đang gấp rút xây dựng để hoàn thành việc đặt tượng vào ngày 31 Tháng Ba, 2020.”
Facebooker Báu Hoàng bình luận trên trang cá nhân: “Xây tượng Lênin thì nhớ đúc tượng đồng sau này bán ve chai cho có giá nhé mấy vị lãnh đạo Nghệ An. Tượng bê tông sau này đập phí lắm.”
Việc thành phố Vinh dựng tượng Lênin diễn ra trong bối cảnh ngay tại các xứ sở Cộng sản, hàng trăm tượng Lênin được ghi nhận bị đập bỏ, kéo lê trên đường phố. Ngay cả báo đảng cũng từng tường thuật vụ việc này.
Hồi Tháng Hai, 2016, báo Thanh Niên cho hay chỉ tính trong năm 2015, Ukraine “đã tháo dỡ gần 140 tượng đài các nhà lãnh đạo cộng sản, trong đó có 40 tượng đài Vladimir Lenin.”
Tuy vậy, để tuyên truyền về việc người dân Nga thời hậu cộng sản vẫn “tôn sùng Lênin,” báo Tuổi Trẻ hồi Tháng Mười Một, 2019, đăng bài “Tượng đài Lenin trên dặm dài đôi bờ Volga” và mô tả: “Trên hành trình 1,700 km từ Moskva đến Saint Petersburg theo dòng Volga huyền thoại, chúng tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh Lenin qua những tượng đài của ông ở nhiều làng quê, thị trấn của nước Nga…”
Hồi Tháng Mười Một, 2019, nhiều Facebooker bày tỏ sự ngán ngẩm khi thấy hình ông Hoàng Trung Hải, bí thư Thành Ủy Hà Nội, cùng bộ sậu đến cúi đầu tưởng niệm và dâng hoa tại “thây ma cộng sản” Lênin nhân dịp 102 năm kỷ niệm sự kiện “Cách Mạng Tháng Mười Nga.”
Trước phản ứng của công luận, trang web của đảng CSVN viết: “Một số học giả và thế lực thù địch trong và ngoài nước cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lạc hậu, lỗi thời. Nhưng sự thật hiển nhiên thực tiễn và lý luận không thể chối cãi: Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn…”
Đáng lưu ý, hiện tại, môn “Chủ nghĩa Mác-Lênin” cùng với môn “Tư tưởng HCM” vẫn là bắt buộc trong giáo trình tại các trường đại học công và tư ở Việt Nam. (N.H.K)
Người dân Việt Nam đã quá chán ngán với thứ Chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai đang tàn phá đất nước này, nên có câu “Ông Lê nin ở nước Nga / Tại sao ông đứng vườn hoa nước mình”
“Một ông Lê nin đứng chình ình ở Hà nội đút một tay vào túi, chỉ một tay vào bảo tàng quân đội và cột cờ Hà nội đã đủ vãi linh hồn rồi. Vì cớ làm sao Nghệ An lại phải xây thêm tượng đài ông ấy tốn đến hàng trăm tỷ. Rõ thừa giấy vẽ voi nhỉ ? Trong khi tại chính quê hương của ông và nhiều nơi khác người ta kéo đổ tượng ông ấy ầm ầm ra kìa. Giời ạ!” – Bà Lê Hoài Anh đã viết như vậy trên trang Facebook riêng có hơn 325.000 người theo dõi.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho thấy Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về tổng số hộ nghèo từ năm 2016 đến 2019, dưới tỉnh nghèo nhất là Thanh Hóa. Tính đến tháng 2/2019, thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An là 1.620 đô la, tương đương 63% mức chung của cả nước.
Báo chí trong nước cho biết vào dịp Tết âm lịch hàng năm, Nghệ An vẫn “xin gạo cứu đói” từ chính quyền trung ương cho ít nhất 80.000 hộ nghèo ở tỉnh.
Những người chỉ trích, bao gồm một số Facebooker có nhiều ảnh hưởng như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, các doanh nhân Trần Quốc Quân, Lê Hoài Anh, các nhà hoạt động Nguyễn Quang A, Lê Dũng Vova, Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Võ Văn Tạo, v.v… chất vấn là chính nước Nga và nhiều nước Xã hội Chủ nghĩa trước đây đã đập phá hết tượng Lenin, nhưng sao Nghệ An lại muốn dựng tượng của nhân vật này.
Từ Ba Lan, nơi đã dỡ bỏ ít nhất 500 tượng đài liên quan đến Liên Xô, trong đó có nhiều tượng Lenin, doanh nhân kiêm tiểu thuyết gia Trần Quốc Quân nhận định về những người ra quyết định ở Nghê An là “thậm ngu, hoặc là giả ngu, hoặc là tham lam, hoặc là cả 3 khả năng trên”. Ông Quân ví việc đưa một hình tượng mà các nước khác “đã và đang muốn đập bỏ” về Vinh là “rước của nợ”, là “đưa rác về nhà”.
Đăng một thư ngỏ gửi lãnh đạo Nghệ An trên trang cá nhân có tổng cộng gần 48.000 người theo dõi, tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu viết rằng hai chính quyền của tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An cho tặng nhau tượng Lenin là việc “không đại diện cho ý nguyện” của nhân dân hai tỉnh, vì vậy, việc cần làm là “hỏi ý kiến của nhân dân Nghệ An” để có thể có câu trả lời “sòng phẳng nhất”.
Trong con mắt nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo, việc dựng tượng đài cố lãnh tụ cộng sản có hàm ý nhắc nhở rằng giới lãnh đạo Việt Nam, mà ông gọi là “vua tập thể”, vẫn duy trì sự áp đặt quyền lực, đồng thời đó là “cơ hội vàng” để các quan tham địa phương “móc ruột ngân sách, xực lại quả”.
Các bài viết nêu trên nhận được tổng cộng hàng chục nghìn phản ứng yêu thích và những lời bình luận ủng hộ.
Cùng với các lời bình luận, nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội các câu thơ mang tính chế giễu như: “Lenin bị đập ở Nga/Người Nga họ hận sao ta lại thờ?”
Một số người bày tỏ thái độ thận trọng, cho rằng chính quyền cần cân nhắc kỹ việc xây tượng đài. Theo họ, những gì có tính chất văn hóa, thuộc về nhân dân sẽ có tính bền vững; ngược lại, những gì có tính đảng phái, nhất thời, khi dựng tượng đài có thể dễ nhưng sẽ để lại những hậu quả rắc rối khi cần phải đập bỏ.
Lý giải vì sao lại xây tượng người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản tại Nghệ An, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định: “Quyết định xây tượng đài ngay quê hương ông Hồ Chí Minh theo tôi nghĩ là sự khẳng định, sự lựa chọn của những người đang lãnh đạo chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể như ông Nguyễn Phú Trọng có nói ‘kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh’”.
Dưới góc nhìn cá nhân, cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân đã giải ngũ giải thích vì sao việc này bị cộng đồng mạng và những nhà quan sát không đồng tình:
“Ở góc độ từng là cựu sĩ quan hơn 10 năm cho cộng sản rồi tỉnh ngộ, tôi phát hiện ra (chế độ cộng sản) có nhiều cái đi ngược với xu thế văn minh của thời đại. Tại sao hàng loạt nước Đông Âu và cả nước Nga đều đập bỏ tượng đài ông này mà Việt Nam lại cứ rước về ‘thờ’, về trưng thì tôi cũng không hiểu. Ông này viết ra chủ nghĩa viển vông, ảo tưởng, không có thật nên người dân phản ứng là đúng. Thực tiễn cuộc sống cho người dân thấy (chủ nghĩa này) chẳng được gì, chỉ đem lại cho nhân loại những thứ lạc hậu, không văn minh cho con người.”
Vẫn theo ông Đức, Lênin thật ra cũng giống những lãnh tụ cộng sản khác, mục tiêu của họ là dùng bạo lực, dùng tuyên truyền lừa mị quần chúng để cai trị nên không cần phải dựng tượng.
Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nói không nước nào coi ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Mác và Lênin mà chỉ riêng Việt Nam, không những không noi theo những nước văn minh mà còn làm trái ngược.
“Thật sự tôi không hiểu tại sao nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam lại có lựa chọn đi ngược lại tất cả nguyện vọng, suy nghĩ của nhân dân. Mọi người, kể cả trí thức góp ý với Đảng đều có nói tư tưởng Mác-Lênin quá lạc hậu, thế giới đã bỏ rồi. Tại sao Đảng Cộng sản lại chọn cách như thế hay họ muốn đối đầu với dân tộc, hoặc họ không còn sự lựa chọn khác? Sắp tới Đại hội Đảng XIII, tôi nghĩ đây là lựa chọn thật sự sai lầm. Như vậy là đảng và nhà nước hoàn toàn đi ngược lại với nhân dân.”
Vào năm 2017, tỉnh Ulyanovsk, quê hương lãnh tụ Lênin của phong trào cách mạng vô sản Nga cũng đã cho xây tượng ông Hồ Chí Minh, lãnh tụ cộng sản tại Việt Nam.
Vì vậy, việc xây dựng tượng đài Lênin tại Nghệ An, quê hương ông Hồ Chí Mính được đánh giá như bước khẳng định quan hệ Việt-Nga nói chung cũng như hai tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk nói riêng.
Ông Võ Minh Đức nhận định:
“Quan hệ giữa Nga-Việt tôi cho rằng họ giữ quan hệ do có nguồn gốc từ thời Liên bang Xô Viết tới giờ. Đến khi chế độ cộng sản sụp đổ, họ tách ra thì còn lại những nợ nần, ơn nghĩa với nhau, chủ yếu Liên bang Nga là nhiều. Nên họ muốn duy trì quan hệ mang tính chất hữu hảo, bạn bè, nếu nói về chí hướng hay quan điểm chính trị tôi nghĩ là khác nhau nhiều lắm.”
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga và sự ảnh hưởng của Moscow với nhà cầm quyền tại Hà Nội có vẻ nồng ấm hơn.
Ông Ngô Nhật Đăng giải thích:
“Bây giờ tôi nghĩ trong tình trạng Trung Quốc như hiện nay, kinh tế không phát triển, nhất là đại dịch coronavirus thì chắc chắn Trung Quốc không gượng được nên có lẽ Việt Nam đang đi tìm chỗ dựa mới.
Thay vì đi với các nước dân chủ, các nước tiến bộ trên thế giới thì họ quay về với đồng minh cũ của mình là nước Nga. Ông Putin cũng theo sửa đổi hiến pháp và những động thái vừa rồi thì ông ta cũng có ý định quay trở lại cầm quyền.
Nước Nga cũng khẳng định qua một số dư luận vừa rồi là muốn khôi phục lại Lênin. Tôi nghĩ rằng chuyện Nga tặng tượng cho Việt Nam đang tỏ chỉ dấu hai bên sẽ là đồng minh, đầu tiên là khôi phục lại tư tưởng Mác-Lênin, tức tư tưởng cộng sản.”
Vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam và Nga có cuộc Đối thoại Chiến lược Quốc phòng lần thứ 5, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực bao gồm trao đổi đoàn cấp cao, đào tạo, hợp tác Quân binh chủng, kỹ thuật quân sự, diễn đàn đa phương, chính trị quân sự, quân y, và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nga hiện là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Việt Nam vừa ký một hợp đồng đặt mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga lên đến hơn 1 tỷ đô la.
Theo thống kê, từ lúc được sinh ra, Chủ nghĩa Cộng sản cùng học thuyết pha trộn Mác Le Nin đã gây ra cái chết của hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Nhân loại đã lên án và rũ bỏ thứ lý tưởng đầy ảo vọng và man rợ này từ lâu.
Tại Việt Nam, người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ đã nhiễm thói sùng bái cực đoan thứ lý thuyết tai hại này từ những năm 80, khi ông sang Liên Xô làm luận án phó Tiến sĩ xây dựng đảng.
Nhà cầm quyền tại Hà nội càng cho xây dựng nhiều tượng đài cộng sản ngoại lai tại Việt Nam, thì sự sụp đổ sẽ đến nhanh hơn nữa, vì Nhân dân không cần thứ ảo tai hại tưởng đó.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)