Ông Nguyễn Phú Trọng sai phạm trong quản lý đất đai ở Hà Nội ra sao?

Ngày 18/3, Thanh tra thành phố Hà Nội vừa công khai kết luận vi phạm tại dự án tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm và đề nghị kỷ luật hàng loạt cá nhân trong đó có ông Nguyễn Văn Sửu – phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Sửu, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội bị đề nghị kiểm điểm do sai phạm liên quan đến dự án Dream Town tại phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố kết luận về việc Thanh tra vi phạm tại Dự án tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở (tên thương mại là Dream Town) tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Dự án do Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng Đại Mỗ (Công ty Coma 6) làm chủ đầu tư.
Theo kết luận của cơ quan Thanh tra, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Coma 6 và một số cơ quan khác đã để xảy ra nhiều sai phạm.
Theo đó, Công ty Coma 6 đã sử dụng 37.238,6m2 đất tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) từ năm 1966 để sản xuất cơ khí.
Năm 2008, Công ty Coma 6 tiến hành lập dự án và đề nghị UBND TP Hà Nội cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng 37 nghìn m2 đất thuộc sở hữu của công ty này. Đến năm 2009, UBND Thành phố chính thức chấp thuận cho phép Coma 6 nghiên cứu lập và thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư ban đầu là gần 283 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cho biết, báo cáo tài chính năm 2008 (chưa được kiểm toán) ghi nhận, tính đến 31/12/2008, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty Coma 6 là 24 tỷ đồng, không đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư là gần 283 tỷ đồng).
Mặc dù Sở Tài chính đã yêu cầu công ty tiến hành các thủ tục để được bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo đúng quy định hiện hành, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) lại không yêu cầu công ty này bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu mà vẫn ban hành văn bản số 1148 ngày 26/11/2009 báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị cho phép Công ty Coma 6 nghiên cứu lập và thực hiện dự án. Văn bản này do ông Nguyễn Văn Sửu, khi đó là Giám đốc Sở KH-ĐT ký.

Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm trong sự việc trên thuộc Phòng Đô thị, Sở Kế hoạch – Đầu tư thời điểm năm 2009, 2010 (nay là Phòng Quản lý ngoài ngân sách), ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư năm 2010 và ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư năm 2009 – 2010 đã ký văn bản theo đề xuất của phòng, ban chuyên môn mà thiếu sự kiểm tra, xem xét.

Cơ quan Thanh tra kết luận, điều này trái với quy định tại Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 22/2007 ngày 09.02.2007 của UBND TP Hà Nội, trong đó quy định “Sở KH-ĐT là cơ quan xem xét trình UBND Thành phố chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu lập và triển khai dự án đầu tư”.
Không những thế, việc này cũng trái quy định tại Điểm a Khoản 3, Điều 22 Quyết định số 15/2007 ngày 23/01/2007 của UBND Thành phố, trong đó quy định “Nội dung thẩm tra: Năng lực tài chính của nhà đầu tư: nguồn vốn chủ sở hữu (không nhỏ hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án do nhà đầu tư đề xuất), khả năng huy động vốn của nhà đầu tư để thực hiện theo tiến độ của dự án”.
Cơ quan Thanh tra cho biết, năm 2010, khi lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.186 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty Coma 6 chỉ là 13,6 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2009), bằng 1,1% tổng mức đầu tư. Theo quy định, số vốn này là không đủ năng lực tài chính.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Văn Tứ vẫn ký văn bản số 430 báo cáo UBND Thành phố chấp thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án. Điều này cũng là chưa thực hiện đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Tứ là chánh văn phòng Thành ủy. Vào tháng 12/2019, ông Tứ đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ án Nhật Cường.

Như vậy, mới trong quý đầu tiên của năm 2020, đây là cán bộ cấp cao thứ hai của thủ đô Hà Nội được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa vào lò. Ngày 10/1/2020, ngay trước dịp tết nguyên đán Canh Tý, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ.

ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ

Ngày 10-1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống ở Việt Nam hiện nay, thì:
Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây thất thoát khoảng 8 ngàn tỷ đồng.”
Thông báo của Văn Phòng Trung Ương Đảng nêu rõ : “Vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân”.
Các sai phạm của ông Hoàng Trung Hải được nhắc tới lần đầu vào ngày 9/12/2019 khiến dư luận trong nước quan tâm theo dõi cũng như thắc mắc về mức độ kỷ luật sẽ như thế nào và sự nghiệp chính trị của ông Hoàng Trung Hải sẽ đi về đâu.
Mức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải được coi là ‘giơ cao đánh khẽ’. Theo Luật Lao Động thì cảnh cáo là hình thức nhẹ nhất, thấp nhất trong 7 hình thức cảnh cáo. Theo Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam thì có 4 mức kỷ luật : thứ nhất là phê bình, thứ hai là khiển trách, thứ ba là cảnh cáo, thứ tư là khai trừ. Phê bình thì không ghi lý lịch nhưng từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ thì sẽ phải ghi lý lịch và sẽ có hậu quả về mặt hành chính Nhà Nước chứ không chỉ là kỷ luật đảng nữa.

Công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là không công bằng, không đến nơi đến chốn và không triệt tiêu được tận gốc rễ của tham nhũng – đó chính là thể chế độc đảng dẫn đến độc tài và độc quyền của Đảng Cộng sản Việt nam.

Nếu như trường hợp ông Đinh La Thăng, đương kim Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, bị khởi tố hình sự và bị tuyên án với mức án nặng nề 30 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Hay trong vụ AVG, Mobifone đã làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng khiến hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son chịu hình phạt tù chung thân và Trương Minh Tuấn 14 năm tù.
Riêng vụ Dự Án giai đoạn 2 mở rộng Nhà Máy Gang Thép Thái Nguyên thôi, thiệt hại 8 ngàn tỷ là nhiều hơn cả vụ AVG mà Hoàng Trung Hải chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.
Hơn thế nữa, theo nhà báo Võ Văn Tạo, tội của ông Hoàng Trung Hải khi làm Phó thủ tướng đặc trách khối công nghiệp không chỉ dừng lại ở Nhà Máy Gang Thép Thái Nguyên mà cón liên quan đến 11 dự án khác và đến giờ hậu quả của nó là dự án nào cũng thua lỗ ngàn tỷ cho đến chục ngàn tỷ.
Nhà báo Phạm Thành phân tích thêm : Cái tội của Hoàng Trung Hải không chỉ là Gang thép Thái Nguyên mà toàn bộ hệ thống nhiệt điện của Trung Quốc đưa về Việt Nam khi Hoàng Trung Hải còn làm Phó thủ tướng đã rước về. Nhận mấy cái phế thải ấy về, lẽ ra Trung Quốc phải mất tiền thuê bãi làm phế thải nhưng Hoàng Trung Hải lại tổ chức đưa về thì phải trả tiền cho Trung Quốc
”.

Bản thân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tác giả của chiến dịch đốt lò để mang lại luồng sinh khí mới cho bầu không khí chính trị tại Việt Nam cũng bị phát hiện nhiều sai phạm khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Xin được nhắc lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời còn là Bí thư Thành ủy Hà nội cũng dính vào những sai phạm 3.000 tỷ đồng, trong dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) vào năm 2002. Đây là một dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD do tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư.
Đó là việc nhằm giúp tập đoàn Ciputra (Indonesia) trốn mức thuế sắp áp dụng từ đầu năm 2005, khi đó ông Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch UBND TP và Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất ưu tiên cho tập đoàn Ciputra nộp thuế theo mức “đặc cách”. Quyết định của ông Nghiên, ông Trọng “giúp” Ciputra đã đem lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư và có những đồn đoán cho biết, chủ đầu tư có thể đã hối lộ cho những cán bộ chủ chốt của Hà Nội lúc đó hàng triệu đô la.
Tuy nhiên, cho đến hơn 1 năm sau, việc xin cấp sổ đỏ của hàng nghìn biệt thự tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) bị gặp trở ngại do cố tình áp sai thuế một cách nghiêm trọng. Việc này khiến Liên ngành Thành phố gồm Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục thuế Hà Nội buộc phải đi đến quyết định đề nghị UBND TP. Hà Nội sung thu 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với dự án Ciputra trong số hơn 3.000 tỷ đồng thất thoát.
Không chỉ liên quan trực tiếp đến sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long Ciputra, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có một vai trò nhất định trong vụ ‘xẻ thịt’ rừng phòng hộ ở Sóc Sơn gây bức xúc trong dư luận suốt nhiều năm qua.

Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị xẻ thịt bởi các biệt phủ mà Nguyễn Phú Trọng có liên đới trách nhiệm

Vụ việc khu biệt thư của ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ của họa sĩ Thành Chương được xây trên rừng phòng hộ đã gây nên nhiều ý kiến trong suốt nhiều năm qua.
Từ năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng diện tích 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên là công nhân lâm trường). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600m2, trên tổng diện tích 12.691m2 đất rừng phòng hộ.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh… nhưng khu vực này lại ‘thoát hiểm’ được một cách thần kỳ để đến năm 2009, ca sĩ này xây dựng các công trình nhà ở phòng thu và các công trình phụ cận như: 1 nhà ở và 1 phòng thu diện tích khoảng 390m2, 1 bể bơi khoảng 60m2, ngoài ra gia đình Mỹ Linh còn xây dựng nhà để xe, các công trình phụ trợ khác.
Trong khi đó, đương kim Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm bí thư thành uỷ Hà Nội từ tháng 1/2000 đến 26/6/2006, trách nhiệm của cựu bí thư Hà Nội ở đâu trong sự việc hủy hoại rừng phòng hộ Sóc Sơn diễn ra trong suốt hai thập kỷ qua ?
Nhưng cuộc đốt lò sẽ đi đến đâu khi mà bản thân người đốt lò vĩ đại cũng phải chịu trách nhiệm trong rất nhiều vi phạm. Quyết tâm chống tham nhũng của ông Trọng mà ông rêu rao “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” cũng chỉ là ‘không tưởng’ mà thôi.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)