Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã tô đậm thêm một đặc tính của nền ngoại giao Trung Quốc ‘dưới triều đại’ Tập Cận Bình – đó là nét hung hăng, ngạo mạn, thô lỗ khác hẳn với một Trung Quốc ‘ẩn mình, chờ thời’ cùng với thế hệ các nhà ngoại giao khiêm tốn, nhã nhặn trước kia.
Hiện Trung Quốc bị chỉ trích dồn dập từ tứ phía. Washington, Luân Đôn rồi đến Paris lần lượt lên tiếng nghi ngờ và đòi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ấn Độ thì đòi Trung Quốc bồi thường hàng ngàn tỷ USD. Tất cả bắt nguồn từ chính sách đối ngoại mang màu sắc Tập Cận Bình.
Bà Marie Holzman, nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng tất cả những sự động thái của các quốc gia nói trên là hậu quả của một sự thay đổi cứng rắn, thô bạo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt có liên quan đến đường lối chính sách do Tập Cận Bình đề ra.
Nhà Trung Quốc học nhắc lại, về mặt nguyên tắc, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì phải biết cách nói chuyện với mọi người, luôn cởi mở, ưu tiên đối thoại, thảo luận và nếu có thể thì giải quyết các xung đột. Những đức tính này của một nhà ngoại giao đã được những bậc cha ông của chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng một cách khôn khéo.
Thế nên, thế giới mới biết đến một Chu Ân Lai, cố thủ tướng và cũng là ngoại trưởng thời Mao Trạch Đông, người đã kiến tạo nền ngoại giao “bóng bàn” cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc nối lại bang giao ngay giữa lòng chiến tranh lạnh. Hay Đặng Tiểu Bình, người đưa đất nước đi lên nhưng tránh mọi sự ngạo mạn. Những chính khách uyên thâm này hiểu rằng vị thế và sự rộng lớn của đất nước, thế mạnh mà Trung Quốc có thể tác động trên quy mô toàn cầu có nguy cơ gây lo ngại cho những người cùng thời, gần hay xa.
Chỉ có điều những lời khuyên dạy này của các bậc tiền bối đã bị ông Tập Cận Bình nhanh chóng bỏ rơi. Khá kín tiếng khi mới lên cầm quyền, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã nhanh chóng để rớt mặt nạ và tỏ rõ tham vọng toàn cầu mà dự án Con đường Tơ lụa mới là một ví dụ điển hình.
Bằng việc theo đuổi một chính sách riêng có của mình, Tập Cận Bình đã phủ nhận, vô hiệu hóa những thành quả ngoại giao từ những người tiền nhiệm.
Tháng 7/2009, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cầm Đào đã có bài phát biểu trước các quan chức ngoại giao trong nước, nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tăng cường sức mạnh cũng như ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào đã nhắc đến một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược mà nhà lãnh đạo tiền bối Đặng Tiểu Bình từng đưa ra hồi đầu những năm 1990, đó là: “giấu mình, chờ thời“, đồng thời khẳng định Trung Quốc nên “tuân thủ nghiêm ngặt” nguyên tắc đó.
Mặc dù toàn văn bài phát biểu đó của ông Hồ Cẩm Đào không được công bố chính thức, song tờ “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên “theo đuổi để đạt được 4 thế mạnh” trong chính sách đối ngoại: Một là, Trung Quốc nên tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trên vũ đài chính trị quốc tế; Hai là, Trung Quốc nên tăng cường khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu; Ba là, Trung Quốc nên tự xây dựng cho mình một hình ảnh thân thiện hơn; Bốn là, Trung Quốc nên trau dồi để trở thành một cường quốc có đạo nghĩa.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình tiến hành củng cố quyền lực, bức tranh ở Trung Quốc đã thay đổi. Ông Tập Cận Bình không còn nhắc tới nguyên tắc “giấu mình chờ thời” nữa mà thay vào đó, ông đưa ra “chiến lược chủ động“, tìm mọi cách để hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” trên vũ đài quốc tế, đặc biệt là trong chính sách ngoại giao với các nước lân cận (chính sách ngoại giao ngoại biên) của Trung Quốc. “Giấc mơ Trung Hoa” vẽ lên viễn cảnh đất nước Trung Quốc hồi sinh, trở nên thịnh vượng và có sức mạnh quân sự…
Ông Tập Cận Bình coi Trung Quốc là một cường quốc lớn trên vũ đài thế giới. Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2014, ông đã đưa ra khái niệm “chính sách ngoại giao nước lớn mang đậm bản sắc Trung Quốc“. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, giới lãnh đạo Bắc Kinh mô tả chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chính sách ngoại giao của một “nước lớn“.
Những nỗ lực “quyền lực mềm” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào để thế giới chấp nhận văn hóa, điện ảnh, thư pháp (nghệ thuật viết chữ), khí công và nhiều giá trị văn hóa khác của Trung Quốc đã bị Tập Cận Bình bỏ rơi.
Giờ đây, thay cho những lời nói khiêm tốn và nhã nhặn cần phải có, các nhà ngoại giao Trung Quốc trở nên hung hăng và không ngần ngại có những lời chỉ trích dối trá ngay khi được chính phủ bật đèn xanh.
Nội dung, giọng điệu, thời điểm, tất cả đều được chỉ đạo từ xa, từ thượng tầng lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình là người chủ trì.
Giới quan sát Trung Quốc hay nói đùa rằng, sẽ rất dễ đoán được những phát ngôn tại các cuộc họp báo của chính phủ nước này với sự xuất hiện liên tục lặp lại của các cụm từ như: phản đối mạnh mẽ, chống lại “sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc”; chỉ trích “ý định thâm hiểm không kể xiết” và “bá quyền“; buộc tội ai đó đã “làm tổn thương cảm xúc của 1,3 tỷ người Trung Quốc“.
Nhưng vào năm 2019, một cái gì đó mới mẻ đã bắt đầu, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc bắt đầu tham gia Twitter với các tài khoản chính thức và tweet với những giọng điệu hơi thiếu kỷ luật.
BBC đã xác định được khoảng 55 tài khoản Twitter được cho là của các nhà ngoại giao, đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, 32 trong số đó được tạo vào năm 2019.
Các tài khoản này thường có cùng một giọng điệu và chiến thuật công kích phương Tây và các tiếng nói đối lập, đó là lối ngụy biện “whataboutism”, từ cụm từ ‘What about…‘ nghĩa là ‘Thế còn quý vị thì sao...’.
Lối ngụy biện này chỉ ra rằng các quốc gia khác cũng có những vấn đề giống với Trung Quốc, thậm chí còn tệ hơn, và cáo buộc những người chỉ trích là đạo đức giả.
“Whataboutism” là một chiến thuật kinh điển từng được Liên Xô sử dụng trong Chiến tranh Lạnh và đã trở nên phổ biến toàn cầu trong thời đại mạng xã hội.
Nhưng tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau, với hầu hết là những bình luận tiêu cực.
Nhiều dùng Twitter nói rằng, họ không tin vào “lời nói dối” của Trung Quốc và cho rằng các nhà ngoại giao đang đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề của Trung Quốc.
Trong khi một số người khác thì khen ngợi các nhà ngoại giao vì đã nói lên “sự thật“. Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ về tính chân thành của những bình luận tích cực này.
Chính phủ Trung Quốc vốn được biết là vẫn tuyển dụng các dư luận viên để bình luận trên mạng nhằm gây tác dộng đến dư luận trong nước. Và có những dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh có thể đang thử chiến thuật này trên phạm vi quốc tế.
Vào tháng 8, Twitter và Facebook đã xóa hàng trăm tài khoản khỏi nền tảng của họ, để chặn những gì họ mô tả là một chiến dịch thông tin sai lệch của nhà nước Trung Quốc, liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Trung Quốc cũng rất muốn truyền bá thông tin truyền thông nhà nước đến thế giới phương Tây bằng cách trả tiền để đăng các tweet về các vấn đề như Hồng Kông, với nội dung thường đối lập với hầu hết các bản tin của truyền thông toàn cầu.
Truyền thông nhà nước đã trả hàng triệu nhân dân tệ cho các công ty bên thứ ba trong hai năm qua, để quảng bá nội dung tin tức của họ trên YouTube, Facebook, LinkedIn và Twitter, theo hồ sơ chi tiêu công mà BBC Tiếng Trung có được.
Đây có thể là lý do mà mạng xã hội Twitter gần đây đã cấm quảng cáo từ các kênh truyền thông nhà nước trên thế giới.
Nhiệm vụ của mọi đại sứ là thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của đất nước mình. Nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc còn phải đảm nhận một “tinh thần chiến đấu” mà Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã chỉ thị đồng thời còn phải thể hiện sự cam kết trung thành với các nhà lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã trở thành một cơ hội hiếm có cho các nhà ngoại giao nước này phát lộ tài năng.
Những người đại diện cho đất nước tại nước ngoài phải hoàn toàn tuân thủ đường lối của Đảng, không được phép tỏ ra yếu đuối hoặc dao động.
Bà Rose Luwei Luqiu, cũng là một nhà báo kỳ cựu nhận định: Hiếu chiến với phương Tây là cách ngoại giao “chính xác nhất” đối với các quan chức đối ngoại đại diện ở nước ngoài.
Vì vậy, dẫu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không có ngón tay ngứa ngáy để tweet như ông Donald Trump, thì hàng chục nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đang tweet những suy nghĩ của ông, hoặc những gì họ tin là suy nghĩ của ông, ra thế giới.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm dấy lên câu hỏi Trung Quốc có còn là một đối tác đáng tin cậy của thế giới nữa hay không ? Không chỉ bị cáo buộc che giấu sự thật về một loại siêu vi chủng mới gây viêm phổi cấp tính, ru ngủ Tổ chức Y tế Thế giới về sức công phá của virus corona mà Bắc Kinh còn lao vào một cuộc chiến tuyên truyền từ việc nêu ra thuyết virus corona do quân đội Mỹ cấy vào Vũ Hán đến lời vu cáo một số chính khách của Pháp về hùa với Đài Loan thóa mạ tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới vì màu da của ông…
Đa phần các nhà ngoại giao Trung Quốc hàng đầu ở Bắc Kinh và hải ngoại một mặt lên án phương Tây bóp méo sự thật về dịch viêm phổi Vũ Hán mặt khác trực diện chỉ trích Âu, Mỹ vô nhân đạo, để người già chết trong cô đơn và đói lạnh, kém cỏi trong việc đối phó với dịch bệnh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với RFI Tiếng Việt, nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff giảng dạy tại trường Khoa học Chính trị Lyon cho rằng viêm phổi Vũ Hán là “một điểm khởi đầu mới đem lại một tầm nhìn mới về quan hệ quốc tế” đặc biệt là với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng Trung Quốc là một thách thức trong giai đoạn hậu viêm phổi Vũ Hán.
Điều quan trọng là ngay từ bây giờ chúng ta phải xác định về mối quan hệ trong tương lai với Bắc Kinh, tức là đòi Trung Quốc phải đối mặt với quá khứ, phải giải thích về những gì đã xảy ra trong những tháng vừa qua từ khi virus corona bùng phát, về những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng y tế tại quốc gia này và cách Bắc Kinh giải quyết dịch bệnh.
Quốc tế cần xác định được rằng liệu có bị Trung Quốc lừa dối hay không và phương Tây cần phải làm những gì để có được một mối quan hệ lành mạnh hơn, ổn định hơn, bền vững hơi với quốc gia này.
Trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền để mọi người quên đi rằng virus corona xuất phát từ Vũ Hán và chiến dịch tuyên truyền đó không có hiệu quả thì quốc tế cần nắm lấy thời khắc lịch sử này để lấy cân bằng lại bang giao với Trung Quốc.
Ngay cả đến giờ phút này Bắc Kinh vẫn muốn lừa gạt thiên hạ, khi bán những lô hàng kém chất lượng cho châu Âu trong lúc châu Âu đang phải ráo riết đối mặt với đại dịch.
Ông Corcuff nhận định: Thế giới cần lập tức ngăn chặn Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền, thâu tóm các định chế đa quốc gia như đã thao túng Tổ chức Y tế Thế giới. Hành động này của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của hàng triệu con người. Đó là điều mà Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới phải chịu trách nhiệm.
Thói ngạo mạn những năm gần đây và đặc biệt là trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán của ngành ngoại giao Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ thái độ hai mặt của ông Tập Cận Bình: Lời lẽ có vẻ ôn hòa khi công du nước ngoài, nhưng khi ở trong nước thì lại độc tài không giới hạn.
Chỉ có điều, ngòi lửa đã được châm khắp nơi và giờ đây ngành ngoại giao Trung Quốc phải ra sức dập tắt, không chỉ ở Washington, Paris, Luân Đôn, các nước phương Tây khác, mà cả ở châu Phi nơi Trung Quốc có những đối tác quan trọng hay ở ngay chính khu vực châu Á của Trung Quốc.
Với Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tỏ ra hữu nghị với 4 tốt và 16 chữ vàng, nhưng mặt khác họ lại thực hiện mưu đồ bành trướng bá quyền trên Biển Đông với đường 9 đoạn để thôn tính lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.
Nhà cầm quyền tại Hà Nội qua vụ việc bị phía Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh dẫn đến các thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước, giờ đây cần có biện pháp đề phòng ngay chính người đồng chí đến từ phương Bắc.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)