Nguyễn Thị Kim Ngân: Dân ép – Đảng đè

Thường thì nội dung làm việc của các kỳ họp Quốc hội ít đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước mà cử tri quan tâm. Và cũng như mọi lần có rất nhiều vấn đề mà cử tri, công luận và người dân đang quan tâm và muốn Quốc hội Việt Nam lưu ý, xử lý hay giải đáp trong kỳ họp lần này.

Trên trang cá nhân Facebook, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nêu lên 7 vấn đề mà cử tri quan tâm đòi hỏi Quốc hội phải thể hiện rõ vai trò của một “Cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” của đất nước, đặc biệt là việc “giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”(Hiến pháp, Chương V, điều 69).

Thứ nhất là Đánh giá tình hình và ra Nghị quyết về Biển Đông;

Thứ hai là Giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải;

Thứ ba là Lắng nghe nguyện vọng của dân và Giám sát tối cao vụ án Đồng Tâm;

Thứ tư là Đánh giá các dự án có liên quan đến Trung Quốc (Đường trên cao Cát Linh – Hà Đông), việc người Trung Quốc chiếm lĩnh các khu đất trọng yếu về an ninh quốc gia, các doanh nghiệp Trung Quốc ở Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh lũng đoạn và vi phạm pháp luật Việt Nam…;

Thứ năm là Tình hình lãng phí ngân sách quốc gia ở các dự án về bảo tàng, tượng đài, khu du lịch núp bóng di tích (Bãi cọc Cao Quỳ (427 tỉ) , Bảo tàng Nông nghiệp Miền Tây ( 400 tỉ), ….;

Thứ sáu là Đánh giá tình hình kinh tế xã hội sau Đại dịch COVID-19, đặc biệt là các gói hỗ trợ dân nghèo và thực hiện các chính sách “khoan thư sức dân” (sau Đại dịch mà triển khai CSGT như hiện nay là rất tệ);

Thứ bảy là Luật mà Dân đòi đã lâu, Quốc hội nợ đã lâu: Luật Biểu tình.

Trong 7 vấn đề nêu trên thì 3 vấn đề đầu tiên cần được ưu tiên là Đánh giá tình hình và ra Nghị quyết về Biển Đông; Giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải; Lắng nghe nguyện vọng của dân và Giám sát tối cao vụ án Đồng Tâm.

Ảnh 1: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người từng ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016

Trả lời BBC, Nhà báo, cựu Đạo diễn truyền hình Song Chi thì nêu ra 3 vấn đề: Thứ nhất là vụ án Hồ Duy Hải, thứ hai là tránh oan sai, thứ ba là những bộ luật mơ hồ chống lại người bất đồng chính kiến.

Nhà báo Song Chi phân tích như sau:

Thứ nhất, vụ án Hồ Duy Hải phải điều tra lại từ đầu: dù Hồ Duy Hải có tội hay không thì cũng phải có những kết luận thuyết phục được lòng người.

Vụ án này, như chúng ta thấy, có quá nhiều sai sót từ trong quá trình điều tra cho tới xét xử mà báo chí chính thống lẫn báo chí tự do, mạng xã hội đã đề cập đến rất nhiều, thiết nghĩ không cần phải lặp lại nữa. Nhưng cách tiếp cận của Hội đồng thẩm phán trong phiên Giám đốc thẩm vừa qua vẫn không khác cách tiếp cận của hội đồng xét xử trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nghĩa là vẫn chủ yếu dựa trên lời thú tội của Hồ Duy Hải mà thiếu những bằng chứng thuyết phục, trong khi chúng ta đều biết, muốn có một phiên tòa công bằng, công minh thì nguyên tắc cơ bản là phải trọng chứng hơn trọng cung.

Được biết “Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải” (báo Tuổi Trẻ) Viện trưởng “Viện KSND tối cao sẽ đề nghị xem xét lại vụ Hồ Duy Hải“, (báo Thanh Niên) bắt đầu từ những ý kiến của một số đại biểu quốc hội. Đó là những tín hiệu đáng mửng. Dư luận để nghị Viện Kiểm Sát NDTC kháng nghị Giám đốc thẩm, Quốc hội xem xét, giám sát vụ án Hồ Duy Hải, thậm chí điều tra lại từ đầu.

Thứ hai, từ vụ án Hồ Duy Hải và làm thế nào để tránh oan sai: Chế độ độc đảng thì khó hơn, tỷ lệ oan sai sẽ nhiều hơn đa đảng. Nhưng với tình thế độc đảng có thể làm gì để cải thiện? Đó là trọng chứng hơn trọng cung – nhất là ở ta không hiếm trường hợp có bạo hành để bức cung, mớm cung. Phải cho luật sư được tham gia ngay từ đầu. Nếu có thể thông qua Luật im lặng/Quyền được im lặng cho người bị tình nghi thì rất tiến bộ, mà nếu chưa thì mọi cuộc hỏi cungg phải có luật sư, có camera giám sát. Trong các phiên tòa, tránh hiện tượng bổ nhiệm người vào các vị trí chồng chéo, có thể dẫn đến sự thiếu khách quan như ông Nguyễn Hòa Bình vừa rồi. Và cuối cùng, Luật sư phải được tranh cãi trước tòa.

Ảnh 2: Ảnh chụp Một bản kiến nghị gửi cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước cao nhất ở Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải” và yêu cầu Quốc hội VN lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm

Một vấn đề cũng nên được đặt ra: Có nên giữ án tử hình hoặc giảm bớt, chỉ giữ án tử hình với những tội danh như gián điệp, giết người hàng loạt, tham nhũng ở mức độ rất nặng, buôn bán ma túy với trọng lượng lớn… còn lại nên bỏ.

Và với tù nhân tử hình trong thời gian chờ thi hành án cũng nên bỏ cùm chân. Thử tưởng tượng Hồ Duy Hải suốt 12 năm qua bị cùm 24/24 nếu bị oan sai thì sai lầm này ai trả nổi? Mà ngay cả không phải oan sai, nếu thời gian chờ án tử quá lâu, có nên cùm chân 24/24 như vậy?

Thứ ba, một điều nữa khiến hình ảnh của nhà cầm quyền Việt Nam trở nên tệ hại trong mắt quốc tế và tạo nên nhiều bức xúc trong dư luận đó là những bộ luật mơ hồ chống lại người bất đồng chính kiến. Sau kỳ họp Quốc hội lần trước, từ ngày 1.1. 2018, các tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(điều 79 Luật Hình sự cũ),Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 luật hình sự cũ) và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân“(điều 258 Luật Hình sự cũ) đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này, theo hướng hà khắc hơn, như tiếp tục giữ quan điểm (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, về những hành vi “gây ảnh hưởng xấu“, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?” hay “Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” của các hành vi theo Điều 79, 88 (Luật Hình sự cũ) cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước.

Ảnh 3: Ông Nguyễn Thanh Chấn xúc động trong vòng tay người thân ngày mới được trả tự do trong một vụ án oan lịch sử

Cũng từ vụ Hồ Duy Hải mà Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu nhấn mạnh để sự cần thiết phải đẩy mạng cải cách tư pháp trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam.

Ông đã liệt kê ra 6 nguyên nhân chính của án oan:

Ép cung – nhóm nguyên nhân số 1 của án oan

Tham nhũng – nhóm nguyên nhân số 2 của án oan

Trình độ điều tra viên yếu kém – nhóm nguyên nhân số 3

Trình độ yếu kém của thẩm phán – nhóm nguyên nhân số 4

Thể thức bổ nhiệm chánh án tòa án và viện trưởng viện kiểm sát chưa hợp lý – là nhóm nguyên nhân số 5

Tính độc lập của tòa án ở mức thấp – là nhóm nguyên nhân số 6

Dẫn đến án oan còn do những khiếm khuyết khác nữa của ngành tư pháp. Trong số những điều cần hoàn thiện – có việc hoàn thiện pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp. Trong số các vấn đề cần cải cách – có việc cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp… Còn những vấn khác nữa mà chỉ các chuyên gia trong ngành tư pháp mới đưa ra được lời giải – chẳng hạn là sự cần thiết phải có Tòa án Hiến pháp.

Từ đó ông kết luận cấp bách số 1 của cải cách tư pháp là vấn đề thẩm phán. Ông nói: Thẩm phán phải là bậc trí nhân. Thẩm phán phải là kẻ sĩ. Thời nào có được thẩm phán như vậy thì quốc gia tất cường thịnh.

Ảnh 4: Khóa tập huấn “Về việc thực hiện các qui định của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/12/2019

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh thì cho rằng: Trong hoàn cảnh hiện nay, việc khôi phục nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm sau COVID, phòng chống dịch bệnh, chống tham nhũng và tình hình biển Đông có vẻ đang được quan tâm hơn cả.

Ngoài ra, việc khoán thi tốt nghiệp phổ thông trung học cho địa phương trong khi bài học về gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La còn đó. Vì lượng thí sinh thi hàng năm rất lớn, liên quan đến gần như mọi gia đình VN, cử tri mong muốn QH yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đưa ra những biện pháp giám sát hiệu quả hơn thay vì nói chung chung như bây giờ. Có như vậy, sai lầm của những năm trước mới không lặp lại.

Bên cạnh đó ông còn lưu tâm đến một số vấn đề khác như công tác soạn thảo, xây dựng các đạo luật.

Ông nhận định: Luật Biểu tình và Luật về Hội là quyền đã được quy định trong Hiến pháp và đến nay vẫn chưa được ban hành, làm hạn chế quyền biểu đạt và tự do lập hội đoàn của người dân. Để nâng cao chất lượng lập pháp, cũng như vai trò, chức năng của Quốc hội, trong đó có giám sát đảm bảo việc thực thi luật pháp, hiến pháp kể cả tư pháp, Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, theo ý tôi vì Việt Nam là nước đi sau cho nên Quốc hội và các Đại biểu nên tham khảo nội dung, cách thức ban hành và cả cách thức thực thi của các nước đi trước, như vậy sẽ tránh được những sai lầm ấu trĩ vì thiếu thực tế.

Vừa qua Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của BCHTƯ của ĐCSVN đã họp về vấn đề nhân sự và phương án nhân sự cấp cao của Đảng, nhưng cũng chỉ đạo, định hướng cả vấn đề nhân sự, bầu cử của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của Việt Nam dự kiến vào sang năm (2021), tôi không có ý kiến vì đã chỉ đạo thì không còn tự do bầu cử nữa rồi.

Còn hướng tới sự kiện được dự kiến của Đảng CSVN là Đại hội 13 vào sang năm, nếu có điều gì công luận và người dân cũng quan tâm, kỳ vọng xử lý, thì theo tôi chống tham nhũng và cải cách triệt để bộ máy nhà nước để sử đụng đúng người, đúng việc và hiệu quả hơn là điều đáng lưu ý.

Ảnh 5: Băng rôn tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một trường đại học ở Hà Nội

Một vấn đề khác được Đạo diễn Song Chi nhấn mạnh là mối quan hệ với Trung Quốc.

Vị đạo diễn bày tỏ: Theo tôi, về đối ngoại, mối quan hệ với Trung Quốc luôn luôn là mối quan tâm nhất của người dân. Trong lĩnh vực kinh tế, người dân rất lo ngại hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm dự án nhạy cảm như bất động sản, năng lượng, tài nguyên, thương mại điện tử…

Với tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ, cùng cơ chế trải thảm đỏ, thông thoáng về thủ tục, ưu đãi đầu tư (thuế, đất đai), những năm qua, Việt Nam đã kéo được hàng loạt tập đoàn lớn, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, tuy nhiên, nhiều dự án có sự góp mặt của các doanh nghiệp Trung Quốc để lại nhiều rủi ro, hệ lụy và nguy cơ với an ninh quốc gia. Điểm nóng gần đây là thành phố Đà Nẵng. Trên thực tế, các doanh nghiệp TQ thâu tóm nhiều dự án nhưng đa phần là có lợi cho họ, ngược lại lợi thì ít, thậm chí chả có lợi gì cho phía VN mà còn gây hại nặng nề về ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt quỹ đất, trong một số dự án ở góc độ kinh tế cũng lỗ.

Về độc lập, chủ quyền, gần đây bất chấp đại dịch hoành hành ở Trung Quốc và khắp thế giới, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ngang ngược hiếu chiến trên biển Đông, phía VN đã có công hàm phản đối. Người dân muốn hỏi bao giờ thì VN tiến hành đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Hoàng Sa – Trường Sa lẫn những hành vi vi phạm chủ quyền của VN trên biển Đông?

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 08/5 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, việc giải quyết tốt kiến nghị của cử tri có tác động rất lớn đến niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bà nói: “Cử tri có đặt vấn đề vai trò của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở đâu? Dĩ nhiên đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị, nhưng có trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo bám để giải quyết đến cùng một vấn đề.”

Lý thuyết thì ai cũng nói được như để đi tới hành động thì vẫn còn cả một quãng đường dài đối với các ông nghị, bà nghị trong Quốc hội hiện nay của Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là cho đến lúc này, tại ngày làm việc thứ sáu, thứ bảy của Quốc hội, những nội dung mà cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân này đã và đang thảo luận mới chỉ phản ánh được một phần nhỏ những yêu cầu nóng bỏng của cử tri cả nước.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: nghi can thứ năm bị bỏ sót là ai?