Ba dân biểu Bỉ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ra trước Quốc hội

Quốc hội Bỉ

Ngày 26/5/2020 vừa qua, ba dân biểu Bỉ của ba đảng khác nhau đã đưa ra vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Việt Nam, đâm chìm thuyền đánh cả của dân chài Việt Nam tại gần quần đảo Hoàng Sa để thảo luận trước Quốc hội Bỉ. Ba dân biểu đã chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Philippe Goffin về cách phản ứng của chính quyền Vương quốc Bỉ.

Kế tiếp, dân biểu Georges Dallemagne (đảng Cdh) nêu rõ tình trạng hiện nay tại Biển Đông. Ông nói rằng trong lúc Trung Quốc đang thực hiện chính sách truyền thông diều hâu quảng bá về chính sách khống chế đại dịch Covid-19 (cúm phổi Vũ Hán) và sự hỗ trợ nhân đạo hào phóng của họ với thế giới, thì đồng thời Trung Quốc không ngần ngại tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông.

Cuối tháng 3, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập 2 trạm nghiên cứu tại đảo đá Xu Bi và đảo đá Chữ Thập mà họ chiếm đóng bất hợp pháp, bất chấp thế giới lên án.
Từ đầu tháng Tư, cảnh sát biển Trung Quốc tấn công dân chài Việt Nam trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 18 tháng 4 nhà nước Trung Quốc thông qua việc thành lập 2 khu vực hành chính trên đảo Phú Lâm và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà Việt Nam luôn luôn tuyên bố chủ quyền.

Ông Dallemagne nhấn mạnh rằng với việc thành lập các khu vực hành chính, Trung Quốc muốn hợp pháp hóa cuộc chiếm đóng của họ trên 80 đảo đá nhỏ và đá ngầm san hô. Tất cả những sự cố vừa qua, thêm vào vô số các sự cố trước đó, Trung Quốc đã vi phạm luật hàng hải quốc tế cũng như bản tuyên bố về Biển Đông năm 2002 được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN.

Thưa bộ trưởng! Tôi hy vọng hôm nay ngài sẽ báo động về tình trạng nghiêm trọng của sự việc, về nguy cơ leo thang quân sự, về tính khẩn cấp phải phản ứng kịp thời. Điều rất quan trọng là phải duy trì được vùng biển tự do và những tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và hợp pháp. Chúng ta không được sai lầm, an ninh của chúng ta là một phần của an ninh toàn thế giới“, dân biểu Dallemagne cảnh báo.

Ông Dallemagne cũng cho biết thêm rằng trong bối cảnh đó, Hoa kỳ đã kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động bắt nạt trong vùng biển tranh chấp, đồng thời Hoa Kỳ cũng gửi tàu chiến đến Biển Đông để cổ súy cho tự do hàng hải. Ngoài ra Trung Quốc cho chiển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo tại quần đảo tranh chấp.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có dự định thực hiện điều gì đó đối với Trung Quốc để làm họ ngưng việc vi phạm trật tự hàng hải thế giới tại biển đông. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về nguy cơ nổ ra chiến tranh quân sự tại vùng biển này“, dân biểu Georges Dallemagne đặt câu hỏi với Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ.

Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Philippe Goffin trả lời dài dòng rằng nước Bỉ luôn luôn ủng hô tự do hàng hải, ủng hộ luât quốc tế, quyền tự do di chuyển hàng hải và tự do không lưu (trên Biển Đông). Theo ông, hiện đang có cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Ông cho rằng các cuộc đối thoại sẽ đảm bảo sự tôn trong luật quốc tế và luật hàng hải quốc tế. Trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu (EU), nước Bỉ với tư cách thành viên EU, kêu gọi và nhấn mạnh tầm quan trong của việc đối thoại giữa các bên liên quan.

Không hài lòng với câu trả lời, dân biểu Georges Dallemagne cho rằng tuy bộ trưởng đánh giá bộ quy tắc ứng xử biển đông sẽ là giải pháp, nhưng thực tế thì Trung Quốc đã và đang vi phạm và chà đạp luật biển quốc tế và luật hàng hải quốc tế.

Đồng thời tôi chưa nghe thấy Bộ trưởng đã có một lời lên án chính thức và rõ ràng nào về việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép các hòn đảo nhỏ và các rạn san hô đó. Mọi người đều biết sự chiếm đóng đó phục vụ cho mục tiêu hải quân và quân sự“, ông Georges Dallemagne nói.

Dân biểu Samuel Cogolati (đảng Xanh) đặc biệt lưu ý Quốc hội Bỉ về thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói rằng Trung Quốc đã thực hiện một cuộc nghiên cứu địa chất giữa tâm của khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia đồng thời đâm chìm thuyền của ngư dân Việt Nam. Những sự cố đó như đổ dầu vào lửa trên biển đông.

Chính phủ Bỉ có nghiên cứu những hành động vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông hay không và phản ứng của Hải Quân Hoa Kỳ như thế nào? Hoa Kỳ có chia sẻ kế hoạch đối phó của họ với NATO – trong đó Bỉ là một thành viên – hay chưa? Chính phủ Bỉ có tính toán đến phải phản ứng như thế nào trước rủi ro quân sự leo thang ở Biển Đông?“, dân biểu Cogolati nêu ra một loạt câu hỏi. Quốc hội sẽ chuyển những câu hỏi này đến Chính phủ Bỉ yêu cầu trả lời.

Chia sẻ quan điểm với 2 dân biểu trên, nữ dân biểu Els Van Hoof (đảng Cd n V) cho rằng Bỉ cần phải lên án Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, qua các hành động đối với Hồng Kông cũng như các hành động vũ lực trên Biển Đông nhân đại dich covid-19, nước Bỉ phải nhận thức được chủ trương bành trướng của Trung Quốc.

Nước Bỉ phải có các hành động kịp thời để bảo về quyền tự do hàng hải cũng như quyền con người“, bà Els Van Hoof cảnh báo.

Xem clip video về cuộc tranh luận tại quốc hội Bỉ ngày 26.052020 tại đây:

https://www.lachambre.be/kvvcr/media/index.html?sid=55U0627

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 101824402_713395266138099_2738320987282997248_n.png
Từ trái: 3 dân biểu Samuel Cogolati (đảng Xanh), bà Els Van Hoof (đảng CdnV) và Georges Dallemagne (đảng Cdh)

Phần trên là tường thuật tóm lược, dưới đây là phần suy nghĩ cá nhân của tôi.
—————-

Phán đoán của tôi về các phản ứng tiếp theo của chính phủ Bỉ sau cuộc điều trần này có lẽ không có các hành động cụ thể mà công chúng có thể nhìn thấy được, ngoài những lời kết án mà có thể Bộ trưởng Ngoại giao miễn cưỡng phải nêu ra, do bị các dân biểu Quốc hội gây sức ép.

Tuy nhiên hy vọng là câu chuyện này sẽ được các dân biểu người Bỉ trong Nghị viện châu Âu (MEP) sẽ đưa ra trước Nghị viện châu Âu.

Các hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, thậm chí là bắn chết ngư dân của chúng ta trên biển đông hay các hành động phi pháp của Trung Quốc trên lãnh hải của Việt Nam diễn ra hàng chục năm nay, nói chung là chính phủ Việt Nam không có giải pháp nào hữu hiệu, ngoài việc cho người phát ngôn lên tiếng quan ngại, và ít khi quốc tế lên tiếng ủng hộ ngoài Hoa Kỳ, cũng như không nhận được sự quan tâm của thế giới.

Có một sự trùng hợp ở đây là cả 2 đảng Cdh và đảng Xanh lên tiếng về các hoạt động của Trung Quốc đâm thuyền chài Việt Nam trên Biển Đông đều có nghiên cứu về hiệp định thương mại EVFTA và đều bỏ phiếu chống, với lý do muốn ép chính phủ Việt Nam phải thêm nhiều quyền lợi cho người lao động, ngăn chặn việc sử dụng lao động trẻ em, từ bỏ đạo luật hình sự hà khắc, kết án tù đầy khắc nghiệt đối với những người cầm bút tay không một tấc sắt.

Trong trường hợp này Bỉ, một quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu, lên tiếng là một sự khác biệt tích cực đáng kể, có thể làm giảm mức độ hung hăng của hải quân Trung Quốc đối với dân chài của chúng ta, lần này người Việt chúng ta phải ghi nhận chính phủ Malaysia và chính phủ Việt Nam lên tiếng một cách chính thức mạnh mẽ (gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc), đồng thời cá nhân tôi hy vọng người Việt khắp nơi trên thế giới tạo mối liên hệ với các chính trị gia tại các nước sở tại để truyền đạt nguyện vọng, lo lắng, mối quan tâm của chúng ta, những nguyện vọng mà nhiều khi người Việt trong nước không được phép bày tỏ công khai, để nguyện vọng, lo lắng, mối quan tâm của chúng ta được công luận quốc tế chú ý.

Nguyễn Hoàng Hải (ở Bỉ)

Nguồn: https://www.lachambre.be/kvvcr/media/index.html?sid=55U0627&fbclid=IwAR3E_Ylu_jJPqhqTomSiPz6gOi2-hLnd-ndT5Og7gwgES2KsiwCADXjsLy8