Ngày 05/6 vừa qua, nhà hoạt động xã hội Trịnh Bá Phương, người đưa tin về những diễn biến ở Đồng Tâm ra công luận một cách tích cực nhất, đã đăng trên facebook cá nhân về một sự việc bất ngờ ở Đồng Tâm là “có hai xe ôtô phủ kín bạt chở vàng mã, đồ cúng về chùa Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, mở lễ cúng bái”.
Tin cho biết khoá lễ bắt đầu từ chiều ngày 05/6 và dự kiến kéo dài 2-3 ngày. Người dân cho biết tờ sớ thầy cúng viết có ghi công an, tư pháp và pháp y.
Anh Phương đã đặt ra giả thuyết: “Phải chăng sự sợ hãi, nỗi ám ảnh sau khi giết cụ Lê Đình Kình đã khiến những người liên quan phải về đây mở khoá lễ cúng bái.”
Theo anh Phương: “Ngay sau ngày 9/1 ngày cụ Kình bị hành quyết tại phòng ngủ, đã có những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí. Các cụ cao niên nói rằng cả đời này mới chứng kiến đêm giao thừa Canh Tý có mưa đá, dông lốc, sấm chớp rền trời. Tiếp đó liên tục xuất hiện mưa đá tại các tỉnh phía Bắc, tàn phá diện tích lớn hoa màu, nhà cửa… Phía Nam thì các vùng ven biển hạn mặn, tại Tiền Giang dân không có nước để sinh hoạt, cây cối chết khô. Trong khi dịch bệnh hoành hành, lòng dân ai oán, giặc bên ngoài kéo đến xâm lăng bờ cõi…
Liên tiếp các sự kiện trên phải chăng đó cũng là điềm báo cho sự kết thúc của một triều đại cộng sản đang cai trị nhân dân bằng súng đạn, bằng dùi cui, còng số 8. Và phải chăng vì vậy mà những kẻ liên quan đến cái chết cụ Kình phải bỏ số tiền lớn mua vàng mã, thuê thầy cúng để cầu thần cầu phật giải cái nghiệp này.”
Cho đến sáng ngày 06/6, anh Phương cho biết thêm: “Hiện công an chìm nổi đang đi khắp làng canh không cho người dân tiếp cận vào chùa, gia đình cụ Kình lo lắng họ kéo đến mộ cụ, nên phải thức trắng đêm trông giữ để đề phòng chúng đưa pháp sư ra đó làm trò ma quỷ bậy bạ lên mộ cụ.”
Từ bài viết của anh Phương, Facebooker Mạc Văn Trang đã cho rằng: “Sự việc trên khiến dư luận bàn tán xôn xao, với nhiều cách nhìn nhận:
1. Có người cho rằng tội ác chúng giết hại Cụ Lê Đình kình quá dã man, tàn bạo, khiến chúng lo hãi bị quả báo, bị thánh thần trừng phạt, nên về đình, chùa cầu cũng, hối lộ thần, phật, mong được thoát tội…
Nhưng thử hỏi: Có Thần, Phật chân chính nào nhận hối lộ của bọn ác nhân mà dung tha cho bọn chúng? Gương tầy liếp đấy, mấy đại ca của chúng cầu cúng tận đất Phật và “cung tiến” vào các đền, chùa cơ man nào là tiền, vàng mà vẫn bị chết thê thảm đấy.
2. Có người nói chúng nó sợ hãi vong linh cụ Kình sẽ về quật chết bọn chúng, nên cầu cúng thánh thần “khuyên nhủ, mua chuộc, quản chế” vong linh Cụ và sớm đưa Cụ siêu thoát đi cho chúng được yên thân…
Nhưng xin nhớ, lúc sống, tiền bạc, cường quyền, kể cả cái chết cũng không đe doạ, lay chuyển được cụ Kình, thì nay cũng không thế lực nào khuất phục được Cụ đâu!
3. Có người bảo, chúng gây tội ác rồi lễ lạt mong cho qua và cầu mong tiếp tục gây tội ác mới được trót lọt. Bọn ác ôn không có lương tri, không hối lỗi đâu; chúng nghĩ thánh thần cũng như cấp trên của chúng: Hối lộ để khoả lấp tội ác trước và tiếp tục gây tội ác mới, khủng khiếp hơn…
Như vậy dân Đồng Tâm, những người bị bắt, sắp đem ra xét xử sẽ bị chúng buộc tội nặng và chúng đem “thầy phù thuỷ về trấn yểm” mộ cụ Kình?…”
Ông Trang kết luận: “Càng ngày các quan chức, đảng viên từ thấp đến cao càng mê tín, cầu cúng khắp nơi, chứng tỏ họ chả tin gì vào chủ nghĩa Mac – Lê “vô thần”; càng ngày họ càng lo hãi, run sợ vì những tội ác đã gây ra với nhân dân, vì những việc làm gian manh, dối trá, hèn hạ, bất nhân … và đi cầu cứu cả thánh thần lẫn ma quỷ…”
“Đáng lẽ họ phải thành tâm nhận ra lỗi lầm, hối cải, cầu cứu Nhân Dân tha thứ và thay đổi bản thân để sống có đạo lý, công lý, theo truyền thống dân tộc: “Lấy Nhân nghĩ thắng hung tàn; Lấy Chí nhân thay cường bạo”, thì họ cứ bấn loạn, không có chính tâm, thành ý, không biết đâu là chân lý!”
Rất nhiều cư dân mạng đã tỏ ra bất bình trước hành động trên của nhà cầm quyền.
Một tài khoản có tên Lê Oanh đã bình luận: “Nghe các bà lão trên chùa nói,trong khóa lễ có lập cả đàn cắt đoạn giải oan, không hiểu chúng giải oan cho ai, nếu giải oan cho cụ Kình và dân Đồng Tâm thì cứ việc mở tòa xét xử trả lại công lí cho cụ và cho dân, chứ vu oan đường trần rồi lại giải oan đường âm có nực cười không chứ.”
Một tài khoản khác có tên Tâm Nguyên đã bình luận: “Tâm bất an sinh mê tín. Làm việc bất chính cầu đảo nơi nào. Đạo trời vốn sẵn phép công bằng. Người càng lớn tuổi chết oan càng linh, hồn cao niên công năng âm phần họ cao lắm. Không phù thủy nào ém được vì họ đã biến thành thất la sát rồi.”
Tài khoản có tên Quynh Chi thì chia sẻ bài viết của anh Phương kèm bình luận: “Chưa giết được người thì mặt đỏ như vang
Giết được người thì mặt vàng như nghệ.
Đây cũng là bài học cho những người cầm súng. Súng là tài sản của nhân dân giao cho các anh để bảo vệ dân, bảo vệ nước. Các anh nhắm vào tội phạm, vào giặc thì luôn được dân quý dân tin. Đi nhắm vào một ông cụ gãy chân, liệt giường, tay ko tấc sắt dễ ăn quả báo lắm.
Các anh em lo sợ như này chắc chỉ có bằng lý luận trung sơ cấp thôi. Không thì cố mà học lấy cái bằng lý luận cao cấp. Có chủ nghĩa Mác Lê vô địch thì còn sợ gì thánh thần nào nữa.”
4/ Nhà hoạt động Lê Dũng VoVa nhận định: “Ngu dốt, vô thần, lưu manh… càng chạy chữa thì càng gánh nghiệp mạnh ! Nghiệp quật rất nhanh, cứ làm bậy xong sẽ lĩnh quả báo nhanh thôi mà.”
Ông Dũng còn nhìn nhận vấn đề dưới khía cạnh tâm linh khi cho biết: “Hôm nay (tức ngày 06/6) ngày Rằm tháng 4 nhuận, là ngày Kỵ tức là ngày cần thanh tịnh, giữ gì môi trường và không gian tâm linh sạch sẽ, tránh ô nhiễm và sát sinh, xả rác.
Thế mà đứa nào xúi đểu cho lũ vô thần đi mua mã tiền vàng rồi lễ ai ? Bị xúi làm điều ngu dốt và dại dột rồi ! Chắc chắn bị thầy đểu xúi bậy vì đang hoang mang lo lắng sau khi gây ra tội ác, làm điều xấu và bị báo ứng.
Lễ vậy thì vừa mất tiền oan, vừa gây thêm nghiệp chướng, đầu độc môi trường, càng bị phạt nặng !”
Hơn nữa, ông Dũng còn nhấn mạnh ngày 06/6 cũng là ngày Môi trường Quốc tế.
Anh Phương cũng đề cập trong bài viết của mình rằng: “Nhà văn Nguyên Ngọc đã nói tội ác này đến trời không dung, đất cũng không tha, thì thần phật nào cứu được cho kẻ ác. Trước đây đã có quả báo nhãn tiền đối với những Trần Đại Quang đàn áp người dân Tây Nguyên, Nguyễn Bá Thanh cướp đất Cồn Dầu…
Có chăng để giải cái nghiệp này thì việc trước mắt là công an, chính quyền phải thể hiện bằng hành động, cầu xin sự tha thứ của nhân dân, đối xử công bằng với những người Đồng Tâm đang bị bắt, sau là mang lễ dù chỉ nén hương, hoa quả, và cả số tiền phúng điếu đang phong toả tại Ngân hàng Vietcombank mang đến tạ lỗi trước vong linh cụ Kình.”
5/ Trong một diễn biến liên quan, ngày 06/6, nhà hoạt động Nguyễn Xuân Diện đã đăng trên facebook cá nhân một câu chuyện lạ khác kèm video cuộc nói chuyện của ông Diện và con gái cụ Lê Đình Kình.
>>> (Mời các bạn xem video: https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2315399412096350)
Ông Diện cho biết: “Ngày 29/3/2020, con gái Cụ Lê Đình Kình cho biết: Kể từ 09/01/2020 đến gần 100 ngày sau không có thân nhân nào của “3 cảnh sát hy sinh ở Đồng Tâm” (theo công bố của Bộ CA) đến Làng Hoành, xã Đồng Tâm để “câu hồn”, “triệu vong”.”
Theo tập tục ma chay của người Việt, nếu người chết không phải do bệnh tật thì tang gia sau khi chôn cất người chết sẽ làm lễ rước hương linh nơi tư vong về bàn thờ, có nơi gọi là “lễ cầu hồn“, có nơi gọi là “rước linh“.
Trước đó, báo Tiền phong đã đưa tin ngày 16/01/2020 Bộ Công an đã tổ chức lễ truy điệu, tiễn đưa ba cảnh sát này về nơi an nghỉ cuối cùng.
6/ Sự việc này khiến dư luận liên tưởng đến sự việc mới đây khi Tòa án Bình Phước không cho tang gia vào cúng rước hương linh ông Lương Hữu Phước, người được phát hiện tử vong tại sân Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, sau vài giờ bị tuyên án 3 năm tù, chiều 29/5.
Ngày 05/6, trên facebook cá nhân, luật sư Trần Đình Dũng cho biết: “gia đình tang gia đã không được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước cho vào nơi ông Phước tử vong để làm “lễ gọi hồn” theo truyền thống tín ngưỡng của người Việt. Mặc dù gia đình đã làm đơn trình bày nguyện vọng.”
Ông Dũng cho rằng: “Người Việt có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” để nói lên rằng chúng ta bỏ hết tất cả những thù tức nếu có đối với người mới qua đời để lo hậu sự cho họ theo truyền thống tín ngưỡng dân giam mà cha ông để lại. Điều đó thể hiện tính nhân văn của con người.”
Qua đó, luật sư Dũng nhận định: “Việc Tòa án Bình Phước không cho tang gia vào nơi ông Phước tử vong là một hành vi rất đáng lên án. Đây rõ rằng là hành vi thiếu nhân văn.
Không những thế, đây cũng được xem là việc xâm phạm tín ngưỡng đối với người dân trong cộng đồng bằng hành vi ngăn cản hoạt động tính ngưỡng thờ cúng.”
Sự việc đã gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản cho bắt giữ hai nhà báo gần 70 tuổi, ngay trước đại hội 13
>>> Virus corona – ‘cứu rỗi’ sự suy đồi của Đảng Cộng sản Việt Nam