Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 13 do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 10/6 được Đảng tung hô là mang đến những điểm mới mẻ khiến dư luận le lói một niềm hy vọng mong manh. Nhưng khi biết điểm được cho là mới – đó là Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú báo cáo là: “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)” thì dư luận chỉ còn biết ngán ngẩm than rằng “bình mới rượu cũ”.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 2001 từng nêu rõ chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Vậy mà nay đã đến thời điểm đề ra thì mục tiêu nêu trên vẫn chưa đạt được và được Đảng nỗ lực gia hạn đến giữa thế kỷ 21.
Với tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng đây chỉ là cái bánh vẽ, bởi cho đến bây giờ chưa thấy đưa ra tiêu chuẩn thế nào là XHCN. Ông nhắc lại tại Đại hội Đảng khóa trước họ nói đến năm 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hóa. Bây giờ 2020 rồi mà chả thấy đâu mà cũng chưa thấy họ kiểm điểm coi vì sao họ chưa làm được và ai chịu trách nhiệm. Ông nói thêm: “Thứ nhất là họ chả định nghĩa thế nào là XHCN. Thế giới chưa có mô hình nào là CNXH hoàn thiện cả. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói là đến cuối thế kỷ này chưa biết có CNXH hoàn thiện chưa. Làm sao thực hiện cái mà đến bây giờ chưa ai “sờ” thấy?
Tiêu chuẩn CNXH đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị!”
Cũng trong Đại hội IX (4/2001), khái niệm kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đảng.
Tuy nhiên khái niệm KTTT định hướng XHCN xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1986, sau khi nhà nước Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế chuyển từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường kiểu tư bản. Cái đuôi định hướng XHCN, khi đó hoàn toàn chỉ nhằm mục đích biện minh cho sự vi phạm nguyên tắc kinh tế học của học thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là công hữu hóa toàn bộ về tư liệu sản xuất. Đồng thời nhằm để chứng tỏ rằng việc đổi mới kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không bị chệch hướng hay xa rời lý tưởng cộng sản, mà vẫn kiên định với Chủ nghĩa Marx -Lenin.
Và cũng từ Đại hội IX, Đảng xác định nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
KTTT định hướng XHCN được định nghĩa là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN.
Mô hình này được Đảng và Chính phủ nức nở tán tụng, khen rằng đó là đỉnh cao trí tuệ, là sáng suốt, là phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đời sống và xã hội Việt Nam, là lực đẩy mọi mặt, v.v..
Nhưng thực chất nó vận hành như thế nào, cơ chế ra sao thì đến tầm cỡ bộ trưởng còn chưa lĩnh hội được. Ông cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh từng phát biểu: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Cái thứ đó ở đây chính là ‘thị trường định hướng XHCN’.
Ngày 28/02/2015, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhận thức về KTTT định hướng XHCN”. đã cho biết Đảng sẽ ra định nghĩa mới về KTTT định hướng XHCN.
Điều đó cho thấy trong vòng mấy chục năm nền kinh tế Việt nam thực sự là đã được Đảng CSVN dẫn dắt một cách mò mẫm và thiếu cơ sở lý luận khoa học.
Đó cũng là lý do giải thích cho thắc mắc của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó và nay đã trở thành Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi đã thổ lộ tâm tư cá nhân tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12/2014, rằng: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.
Khái niệm KTTT định hướng XHCN của Đảng trong suốt một thời gian dài với chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực chất chỉ có tác dụng nhằm khẳng định rằng Đảng CSVN vẫn kiên định và không đi chệch hướng. Điều đó trái với nguyên tắc cơ bản của nền KTTT, đó là kinh tế tư nhân phải nắm vai trò chủ đạo, hay nói một cách khác “Nhà nước sẽ không làm những gì mà tư nhân có thể làm được“, là nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế Việt nam. Và hậu quả của sự sai lầm đó đã mang lại là sự lỗ lã không lồ với sự đổ vỡ của các “quả đấm thép” của kinh tế Nhà nước như Vinashin, Vinaline…
Dư luận thường gọi nền KTTT định hướng XHCN mà Đảng đề ra và theo đuổi những năm qua là nền KTTT có đuôi.
Điều đáng chú ý là phần đầu KTTT thì Đảng, Nhà nước và Chính phủ hưởng còn phần đuôi ‘định hướng XHCN’ thì dành cho dân.
Facebooker Nguyễn Thông trong một bài viết từ năm 2019 đã nhận định: “Với doanh nghiệp và dân trong nước, lúc nào họ cũng ép buộc, hô hào phải nghiêm túc thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết không được trật. Nhưng khi yêu cầu thế giới, yêu cầu các nước công nhận thì họ chỉ đòi quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Cái đuôi tự rụng mất. Vẫn để đuôi, có mà đến tết công gô cũng chả ma nào nó thừa nhận.
Luôn luôn leo lẻo kinh tế thị trường nhưng khi cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải dứt khoát không chịu tổ chức đấu thầu mà cứ khăng khăng chỉ định thầu, phải giao cho ACV (một doanh nghiệp nhà nước, sân sau của các đầy tớ). Không kinh tế thị trường gì sất, tao làm thế, làm gì được tao. Đơn giản, bởi vì cho ACV làm thì mới được chia chác, chứ đấu thầu thì còn gì mà chấm mút.”
Blogger Lê Minh Nguyên thì lý giải nền KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ người anh hai XHCN là Trung Quốc. Tác giả giải thích: “Đảng Cộng sản mở cửa ra cho tư bản thế giới tràn vào, tức dollar ào ạt đi vào Việt Nam (KTTT), không vô sản nữa, nhưng không muốn những thứ này đi vào tay dân vì dân sẽ mạnh lên, đe dọa ngược lại uy quyền của Đảng Cộng sản, nên họ muốn những dòng tư bản này phải là của họ, sở hữu bởi những người trong gia đình họ, có cái đuôi “theo định hướng XHCN”, là để thủ lợi trên các dòng tư bản này, tức thu tóm tài sản quốc gia vào trong tay một thiểu số người, vận hành bởi các nhóm lợi ích làm bình phong cho các phe phái trong Đảng.
Do quyền lực chính trị vẫn tập trung vào trong tay một đảng độc tài duy nhất, mà chính yếu là khoảng 200 người trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, nên tài sản quốc gia chính yếu nằm trong tay khoảng 500 người trong gia đình hay thân nhân của các ủy viên trung ương, như VinGroup, VietJet, Viettel…”
Theo nhiều nhà quan sát thì XHCN là một khái niệm mơ hồ nhưng Việt Nam vẫn phải bám theo những từ ngữ đó dù thực chất không phải như vậy.
Tiến sĩ Đinh Đức Long phân tích rằng, trước đây kinh tế là quan liêu bao cấp tập trung, bây giờ thì KTTT. Mà KTTT là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Họ làm rồi nhưng họ vẫn thêm cái đuôi CNXH. Ông giải thích lý do vẫn giữ câu chữ XHCN: “Cái đấy nó có lý do mà theo tôi hiểu là lý do về chính trị. Bây giờ, khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương hoạt động theo chuẩn mực quốc tế thì thực chất là đi theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi. Họ vẫn giữa cái đuôi XHCN là để an dân thôi. Họ muốn giữ với mục đích an ủi những người đã ngã xuống, những cựu chiến binh, những người già, những người cả đời đi theo lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng CNXH.
Nếu họ bỏ chữ XHCN thì hóa ra họ thừa nhận khẩu hiệu mấy chục năm nay của họ sai à? Cộng sản thì họ nói một đường làm một đường khác. Họ không bao giờ nhận sai dù trên thực tế họ có sửa sai.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng, không cần quan tâm đến từ ngữ của họ. Họ phải bám lấy những từ ngữ đấy bởi nếu không bám lấy từ ngữ “định hướng XHCN” thì họ tự vả vào mồm mình rằng họ phản bội chính cái đường lối, cái mục tiêu từ ban đầu. Thử nhìn lại thực tế của 25, 30 năm qua thì không có một cái gì gọi là định hướng XHCN cả nhưng họ cứ phải bám lấy những từ đấy. Ông nói thêm: “Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là XHCN cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!”
Một điều thú vị là cách đây mới chỉ hơn 1 tháng, ngày 27/3, ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng bí thư khóa tới hiện là Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Ông Ngô Trường An trong một bài viết trên facebook cá nhân đã nhận định việc chuyển đổi từ mô hình từ KTTT qua kinh tế tập thể và ngược lại trong suốt lịch sử lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là quá trình ‘hốt sạch tài sản nhân dân về tay họ’.
Ông tóm lược lịch sử ‘ăn cướp trắng trợn’ của Đảng trong sự ai oán như sau: “Miền Nam trước 1975 theo nền kinh tế thị trường. Khi chính phủ Miền Bắc vào tiếp quản, họ bắt tay xây dựng ngay nền kinh tế tập thể. Thế là tất cả các hãng xưởng, nhà máy, xí nghiệp, công ty…của tư nhân bị nhà nước tóm thâu dưới chiêu bài: “quốc hữu hóa”!
Ở nông thôn thì đất vườn, đất ruộng, trâu bò, vật nuôi, máy cày, xe tải… đều được dồn vào Hợp Tác Xã do nhà nước làm chủ sở hữu. Người nông dân trắng tay!
Khi mô hình kinh tế tập thể không còn sinh lợi cho đảng nữa, họ lập tức chuyển qua nền kinh tế thị trường (có thêm cái đuôi tào lao: định hướng XHCN).
Họ bắt tay vào bán các công ty, hãng xưởng, nhà máy….để chia chác mà trước kia họ thâu tóm của tư nhân dưới hình thức “quốc hữu hóa”
Nào nhà máy Bia Sài Gòn, nào công ty sữa Ông Thọ, nào cảng biển Quy Nhơn.v.v… họ bán sạch, dưới danh nghĩa mỹ miều: Thoái vốn! Họ bán đất ở nông thôn cho doanh nghiệp trên nhiều danh nghĩa: dự án phát triển kinh tế (nhà máy, công ty, kho bãi cho tư nhân); dự án công cộng (trường học tư, bệnh viện tư, khu resort vui chơi giải trí… cũng tư nhân sở hữu). Và bán cho cả doanh nghiệp nước ngoài.
Coi bộ nền kinh tế thị trường bây giờ không còn gì để bán nữa. Nên ông Trần Quốc Vượng muốn chuyển qua mô hình kinh tế tập trung để quốc hữu hóa các doanh nghiệp về tay nhà nước? Và nhân dân sẽ lại bị dồn vào HTX, để nhà nước muốn lấy đất bán thì không cần phải xua quân đi cưỡng chế?
Khi cần bán doanh nghiệp để chia chác, mấy ông chạy qua Mỹ, qua phương Tây cầu cạnh họ công nhận VN là nước có nền KTTT. Nay muốn quốc hữu hóa tài sản toàn dân thì các ông lại bảo đổi mới để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế tập thể?
Kinh tế tập thể thì đã từng thực hiện hàng chục năm rồi, dân từng đói rã họng rồi, đổi mới gì nữa?…”
Tóm lại, dù là kinh tế thị trường định hướng XHCN hay kinh tế tập thể thì miếng bánh ngon không bao giờ đến được tay người dân mà sẽ một cách ‘minh bạch’ và ‘hợp pháp’ thuộc về thượng tầng chính trị để rồi những người đầy tờ của nhân dân ‘toàn tâm toàn ý’ trung thành với lý tưởng của Đảng và tiếp tục dành tâm huyết và sức lực vẽ ra những chủ trương mới ‘lừa bịp’ người dân.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Thả ngựa Ba Đình – Tô Lâm bôi bẩn Lăng Hồ Chí Minh
>>> Chế độ toàn trị Trung Quốc – Mối đe dọa cho Việt Nam và các quốc gia láng giềng
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”