TQ dùng “toàn cầu hóa” khống chế Việt Nam và các nước

https://www.youtube.com/watch?v=sOV7rPWxL34
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=sOV7rPWxL34

Tạp chí Foreign Policy ngày 05/6 có bài viết của nhà nghiên cứu Matt Schrade đến từ Quốc hội Hoa Kỳ đề cập đến cái cách mà Trung Quốc đã biến quan hệ toàn cầu thành công cụ của riêng mình ra sao, quốc gia này đã trục lợi từ toàn cầu hóa như thế nào.

Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các quốc gia tái kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc khi nước này cố gắng can thiệp vào đời sống chính trị dân chủ bằng các cách thức ‘lừa đảo, cưỡng chế hay cám dỗ’.

Tác giả chỉ ra sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào các quốc gia dân chủ được đặc trưng bởi năm yếu tố có mối quan hệ bổ sung cho nhau:

Thứ nhất là kinh tế Trung Quốc được sử dụng như một loại vũ khí;

Thứ hai là nỗ lực chi phối mọi chủ đề liên quan đến Trung Quốc;

Thứ ba là mối liên hệ với giới tinh hoa;

Thứ tư là hướng mục tiêu đến cộng đồng người Hoa;

Thứ năm là một xu hướng áp đặt các chuẩn mực độc đoán.

Mỗi yếu tố này đã làm nên tiềm năng từ một chiến lược quan trọng: ĐCSTQ tái sử dụng toàn cầu hóa như một động cơ nhằm gia tăng sức mạnh cho tham vọng bá chủ tiến tới vai trò trung tâm của sân khấu toàn cầu. Đảng đã xác định toàn cầu hóa liên kết với nhau như một động lực chính thúc đẩy sự phát triển của Đảng: Cam kết của Trung Quốc trong việc tiếp tục tăng cường kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua trao đổi công nghệ và thương mại là một trong những chủ đề nhất quán của các bài phát biểu và bài viết của nhà lãnh đạo nước này.

Ảnh: phiên bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh vào ngày 28/5

Nhà nghiên cứu người Mỹ đã đi vào phân tích cụ thể từng cách thức mà Trung Quốc áp dụng để điều khiển thế giới.

Thứ nhất đó là sử dụng yếu tố kinh tế như một loại vũ khí.

ĐCSTQ đã tác động lên không gian chính trị của các quốc gia khác nhờ vào việc nước này giữ vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Lowy phát hiện ra rằng vào năm 2001, hơn 80% các quốc gia có khối lượng thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn so với Trung Quốc. Nhưng vào năm 2018, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 30%, với hai phần ba các quốc gia có giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn so với Hoa Kỳ.

Năm 2001 là năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một trong những tổ chức quốc tế quan trọng thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế. Nhờ vào sự hội nhập này mà kinh tế Trung Quốc có những bước nhảy vọt để rồi nước này dùng chính sức mạnh của mối quan hệ thương mại để thương lượng, mặc cả, đe dọa, răn đe các nước khác nhằm đạt được mục đích của mình.

Năm 2010, sau khi Ủy ban Giải Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, ĐCSTQ đã cắt giảm nhập khẩu cá hồi Na Uy trong bảy năm. Vụ việc đáng chú ý một phần là do Ủy ban Giải Nobel Na Uy, tổ chức đưa ra quyết định không phải là cơ quan thuộc Chính phủ Na Uy và các doanh nghiệp đã bị trừng phạt vì những điều mà họ không thể kiểm soát được. Hình thức trừng phạt tập thể này là một đặc điểm chung của sự tấn công của ĐCSTQ nhằm vào nhóm kẻ thù và nó được thiết kế với mục đích khuyến khích tự kiểm duyệt tập thể. Tức là trong nội bộ quốc gia, các thành phần sẽ kiểm duyệt lẫn nhau để tránh một sự trả đũa lên tập thể.

Hay trong một vụ việc khác, vào tháng 10/2019, Giám đốc Daryl Morey của Đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) đã chia sẻ một dòng tweet thể hiện sự ủng hộ cho phong trào phản kháng dân chủ ở Hồng Kông. Kể từ đó, hoạt động kinh doanh NBA tại Trung Quốc đi vào khủng hoảng trầm trọng: Các trận đầu của NBA đã bị ngừng phát sóng bởi truyền hình nhà nước, các sản phẩm của NBA đã bị gỡ xuống trên các sàn thương mại trực tuyến thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu NBA phải sa thải ông Daryl Morey. Chủ tịch NBA Adam Silver ước tính thiệt hại kinh tế cho giải đấu lên tới hàng trăm triệu đô la. Mặc dù Trung Quốc sau đó bị các chính trị gia Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề và NBA đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Morey đến cùng nhưng thông điệp của Trung Quốc vẫn hiển hiện. Kể từ khi tranh cãi, không có cầu thủ, lãnh đạo hay thành viên nào của NBA đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào ủng hộ người biểu tình Hồng Kông.

Ảnh chụp màn hình Twitter của ông Daryl Morey – Giám đốc Đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA)

Cách thức thứ hai mà Trung Quốc theo đuổi đó là nỗ lực chi phối mọi chủ đề có liên quan đến Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình cho phương thức này là câu chuyện với Hollywood.

Năm 1997, hãng phim Hoa Kỳ đã phát hành ba bộ phim lớn trong số đó có Bảy năm ở Tây Tạng. Ngay sau đó, ĐCSTQ đã ngừng phân phối tất cả các bộ phim trong nước bởi các hãng phim vi phạm và thông báo rằng những bộ phim như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các công ty kinh doanh tại Trung Quốc, bao gồm cả một công viên giải trí Disney được lên kế hoạch xây dựng ở Thượng Hải. Sau khi đề xuất Henry Kissinger can thiệp để giúp mọi việc suôn sẻ hơn, Disney cuối cùng cũng được xây dựng công viên của mình tại Trung Quốc nhưng kể từ năm đó, không có bộ phim lớn nào của Mỹ miêu tả tiêu cực về Trung Quốc. Những bộ phim như phiên bản mới của Bình minh đỏ (Red Dawn) đã được viết lại để đặt ra các quốc gia khác, như Bắc Triều Tiên, một kẻ thù tiềm năng thay vì Bắc Kinh. Thật vậy, nhiều bộ phim khác như Người về từ Sao Hỏa (The Martian), Ngày Độc lập: Tái chiến (Independence Day: Resurgence) hay Cuộc chiến không trọng lực (Gravity) đã ‘nhắm mắt’ đưa Trung Quốc vào một cái nhìn tích cực.

Bằng cách đe dọa một trụ cột quan trọng trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của hãng phim Mỹ (Biệt Đội Siêu Anh Hùng 4: Hồi kết (Avengers: Endgame) đã kiếm được khoảng một phần tư doanh thu toàn cầu trị giá 2,8 tỷ đô la từ thị trường Trung Quốc), ĐCSTQ đã chỉ đạo kiểm duyệt mọi yếu tố bất lợi cho hình ảnh Trung Quốc và thay vào đó là một Trung Quốc với tư cách là đối tác đáng tin cậy trong hợp tác quốc tế. Đây là một thành tựu của ĐCSTQ mà có lẽ Liên Xô trong Chiến tranh lạnh sẽ phải them khát.

Cách thức thứ ba mà Trung Quốc áp dụng đó là thiết lập mối liên hệ với giới tinh hoa.

ĐCSTQ duy trì sự cai trị của mình đối với 1,3 tỷ người bằng cách giáo dục, kết nạp và ép buộc giới tinh hoa ngoài đảng, một quá trình mà họ gọi là Mặt trận Thống nhất yêu nước. Giới tinh hoa được Đảng đặc biệt nhắm đến để bồi dưỡng bao gồm các tập đoàn tư nhân hàng đầu, doanh nhân, trí thức và học giả. ĐCSTQ với quyền lực tối cao đã trao cho tất cả những ‘tay trong’ này một vai trò mang tính toàn cầu và một vị trí ngày càng triển vọng; một số cá nhân như vậy đã can thiệp vào chính trị của các quốc gia như Úc và New Zealand theo những cách có vẻ có lợi cho Bắc Kinh.

Không có ‘tay trong’ nào thể hiện rõ hơn những lợi thế của phương pháp này của ĐCSTQ như Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Trong vòng chưa đầy 20 năm, mối quan hệ thân thiết của Huawei với ĐCSTQ đã giúp họ phát triển thành nhà cung cấp thiết bị mạng 4G và 5G lớn nhất thế giới, hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ hai và là người tham gia tích cực vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu. Tập đoàn này, trên danh nghĩa tư nhân, có thể gây ảnh hưởng lên hệ thống thông tin tại các quốc gia dân chủ theo cách phù hợp với lợi ích của Đảng.

Sự hiện diện của Huawei ở nước ngoài cũng có một mặt tối hơn: Nó đã bị cáo buộc khi hỗ trợ công tác tình báo Trung Quốc ở châu Âu và châu Phi và giúp các chính phủ được bầu cử dân chủ ở châu Phi theo dõi các đối thủ chính trị.

Đảng cũng đãi ngộ cho giới tinh hoa ở nước ngoài một cách hậu hĩnh. Các doanh nhân và chính trị gia nước ngoài quan trọng có thể thấy rằng sự ủng hộ của họ đối với mối quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc được đền đáp bằng những cơ hội kinh doanh hấp dẫn hoặc các vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị của các công ty Trung Quốc. Khi làm như vậy, Đảng có thể tận dụng vị thế, uy tín xã hội của những người này để kêu gọi hợp tác kinh tế sâu sắc bất chấp chế độ độc tài của ĐCSTQ. Các chế độ chuyên chế khác, như Nga, có các công cụ tương tự. Nhưng chúng được cho là không hiệu quả như Trung Quốc, do lực hấp dẫn được tạo ra bởi các cơ hội tài chính mà ĐCSTQ có thể đáp ứng.

Hướng mục tiêu đến cộng đồng người Hoa là cách thức thứ tư mà ĐCSTQ theo đuổi.

Kể từ khi mở cửa ra thế giới bên ngoài vào năm 1978, ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để tận dụng lợi thế của cộng đồng người Hoa toàn cầu, sử dụng cùng một cách thực hành quen thuộc là thưởng cho những người biết nghe lời và trừng phạt những kẻ đối nghịch. Những chính sách này xuất hiện từ một thế giới quan lấy nguồn gốc xuất xứ là trung tâm, coi trọng sự trung thành với đất nước bản quán hơn là sự gắn kết cộng đồng với quốc gia khác. Một vị tướng Trung Quốc đã khái quát cho cách tư duy này khi ông nói với một thành viên của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ gốc Hoa rằng: “máu đặc hơn nước. Máu Trung Quốc chảy trong cơ thể ông. Ông hiểu chúng tôi và ông biết rằng dù ông mang cờ của quốc gia nào trên vai thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là ông là người Trung Quốc.”

Lời kêu gọi của Đảng đối với sự đoàn kết dân tộc được củng cố bằng một thực tế hiển nhiên là tính hữu ích của một cộng đồng kết nối toàn cầu cho phép tiếp cận các mối quan hệ, các nguồn quỹ, các tiến bộ công nghệ và nguồn nhân lực phong phú.

Đảng này đã có những nỗ lực chinh phục lực lượng Hoa kiều ở hải ngoại mặc dù nhiều gia đình đã sống bên ngoài Trung Quốc trong nhiều thế hệ và không cảm thấy trung thành với chế độ cộng sản độc tài. Với nhiều chính sách tích cực để khuyến khích lòng trung thành kép, Đảng này cũng đặt những Hoa kiều vào một nguy cơ cao hơn khi họ đang phải đối phó hàng ngày với nạn phân biệt chủng tộc trong cộng đồng nơi họ sống và làm việc.

Bảo vệ công dân khỏi sự ép buộc của ĐCSTQ phải là mục tiêu chính của các quốc gia dân chủ. Những toan tính lộ liễu của ĐCSTQ nhằm sử dụng lực lượng Hoa Kiều giàu có để gây ảnh hưởng không chính đáng đến các chính trị ở các quốc gia như Úc và New Zealand đã khiến các chính phủ dân chủ phản ứng để bảo vệ chủ quyền của họ. Nhưng những động thái được xử lý kém có thể kích động chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tạo thêm khoảng cách với cộng đồng châu Á ở các nước dân chủ. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ quan tâm đến việc này cũng như họ không màng đến hệ quả của việc nhắm mục tiêu đến cộng đồng người Hoa đối với các nước khác.

Cách thức cuối cùng mà ĐCSTQ thực hiện là xu hướng áp đặt các chuẩn mực độc đoán.

Một ví dụ cho cách thức này là vụ việc liên quan đến cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Đầu năm 2019, tờ Tạp chí Phố Wall đã tiết lộ về sự chấp thuận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đề nghị liên quan đến vụ tham nhũng của Chính phủ Malaysia vào năm 2016. Thay mặt Tập Cận Bình, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đề xuất rằng các ngân hàng Trung Quốc sẽ cung cấp hàng tỷ đô la tài trợ để bảo lãnh cho quỹ tài sản tham nhũng của Malaysia là 1MDB, kéo theo triển vọng bầu cử của đương kim Thủ tướng Malaysia.

Trung Quốc cũng cung cấp cho chính phủ Razak những thành quả của việc giám sát hoạt động toàn diện các phóng viên của tờ Wall Street Journal có trụ sở tại Hồng Kông, những người đã tung ra nhiều câu chuyện liên quan đến 1MDB để Chính phủ Malaysia có thể xác định và vô hiệu hóa các nguồn của tạp chí này. Để đáp lại sự giúp đỡ này, chính phủ Malaysia sẽ ký vào các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng chục tỷ đô la với các nhà thầu Trung Quốc. Mặc dù những nỗ lực này đã bị phá vỡ bởi chiến thắng bất ngờ của một liên minh dân chủ trong cuộc bầu cử ở Malaysia và ông Razak và những người khác bị truy tố sau đó nhưng quy mô và bản chất của thỏa thuận được đề xuất cho thấy rõ sự hấp dẫn của hệ thống toàn cầu hóa theo kiểu ĐCSTQ đối với những kẻ chuyên quyền trên toàn thế giới.

Một ví dụ khác đến từ Ecuador. Các quan chức đã ký hợp đồng với nhà cung cấp công nghệ giám sát của nhà nước Trung Quốc Hikvision để xây dựng một hệ thống giám sát video trên toàn quốc. Hệ thống này được sử dụng để theo dõi và đe dọa các đối thủ chính trị.

Hay tại Venezuela, các quan chức đã yêu cầu ZTE một công ty công nghệ nhà nước khác của Trung Quốc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện về công dân. Thông tin của Citizens sau đó được gắn với một thẻ nhận dạng điện tử được sử dụng để từ chối các nhà bất đồng chính trị truy cập vào các dịch vụ công cộng.

Trước những cách thức mà Trung Quốc triệt để lợi dụng từ quá trình toàn cầu hóa, tác giả kêu gọi bảo vệ những thành quả của hệ thống này – những cơ chế nâng cao phẩm giá con người bằng cách cho phép khả năng sáng tạo và hợp tác của loài người. Các quốc gia dân chủ sẽ cần phải hợp tác với nhau trong nỗ lực hợp tác xuyên chính phủ trên mọi lĩnh vực: kinh doanh, học thuật, khoa học, công nghệ và sự hợp tác này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ – Đài Loan – Hồng Kông “tổng tấn công” Trung Quốc

>>> TQ chiếm giữ vùng trời Biển Đông – VN bay qua phải báo cáo

>>> Chế độ toàn trị Trung Quốc – Mối đe dọa cho Việt Nam và các quốc gia láng giềng

https://www.youtube.com/watch?v=QhFYmNcC9cg
Mỹ – Đài Loan – Hồng Kông cùng “dập” TQ