Thượng viện Mỹ tung đòn với Trung Quốc vì Hồng Kông

https://www.youtube.com/watch?v=xef7c0EW_GE
Link Video : https://www.youtube.com/watch?v=xef7c0EW_GE

Thượng viện Mỹ vừa thông qua một cặp dự luật hôm 25/6 về việc trừng phạt cá nhân và công ty liên đới với Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông.

Dự luật thứ nhất có tên Đạo luật tự trị Hồng Kông, được Thượng viện Mỹ thông qua với sự nhất trí tuyệt đối.

Theo truyền thông quốc tế, dự luật này bao gồm các biện pháp trừng phạt các ngân hàng làm ăn với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào bị phát hiện đã ủng hộ Chính phủ Trung Quốc đàn áp quyền tự trị của Hồng Kông, có khả năng cắt đứt quan hệ của các ngân hàng này với ngân hàng Mỹ và hạn chế các giao dịch bằng đô la Mỹ.

Dự luật này do Thượng nghị sỹ Pat Toomey của Pennsylvania và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Van Hollen của Maryland soạn thảo.

Ông Van Hollen phát biểu: “Những gì chính phủ Trung Quốc đang làm ở Hồng Kông là không thể chấp nhận được. Họ đang lấy đi quyền của người dân ở Hồng Kông. Họ đang dập tắt các quyền tự do hiện tồn tại ở đó.”

Dự luật thứ hai do Thượng nghị sĩ Cộng hòa, bang Missouri, Josh Hawley đề xuất, là một nghị quyết lên án Trung Quốc vi phạm thỏa thuận năm 1984 nhằm đảm bảo quyền tự trị cho Hồng Kông.

Ông Hawley nói rằng luật an ninh quốc gia mới được Trung Quốc thông qua sẽ “giáng một đòn chí tử vào các quyền tự do mà người Hồng Kông đã được hưởng trong nhiều thập kỷ nay. Đó là một sự phá vỡ vĩnh viễn nguyên tắc một quốc gia, hai thể chế đã chi phối thành phố này kể từ năm 1997.”

Ảnh: Thượng viện Mỹ

Các dự luật, được kết hợp thành một dự luật trước khi thông qua tại Thượng Viện và được chuyển đến Hạ viện để biểu quyết trước khi đến bàn của Tổng thống Donald Trump.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nói rằng dự luật này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng họ sẽ lãnh hậu quả nếu phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông.

Dự luật dự kiến dễ dàng được thông qua tại Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, nơi đã nhiều lần đưa các dự luật nhắm vào Trung Quốc đến bàn Tổng thống Trump.

Theo ông Van Hollen, dự luật này gần như đã được thông qua vào tuần trước nhưng đã bị Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin Cramer chặn lại theo yêu cầu của chính quyền Trump, với những yêu cầu muộn màng về sửa chữa kỹ thuật. Việc này đã gây lãng phí thời gian trong bối cảnh Bắc Kinh đang chạy nước rút để áp luật an ninh lên Hồng Kông.

Sự chậm trễ này nhấn mạnh sự phức tạp của việc thông qua dự luật chống lại Trung Quốc, khi chính quyền Mỹ theo đuổi việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng quốc tế, đồng thời xung đột trong vấn đề nhân quyền. Dường như đang có sự chia rẽ giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ về vấn đề trừng phạt Trung Quốc về việc áp đặt luật an ninh lên Hồng Kông.

Chính phủ Mỹ cho đến nay chỉ đưa ra các biện pháp tương đối mang tính tượng trưng để đáp trả và không đặt câu hỏi về mối quan hệ thương mại tổng thể với đặc khu hành chính của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho rằng các phản ứng hiện tại của chính quyền Trump vẫn còn mang tính biểu tượng và chưa đủ để buộc Trung Quốc thay đổi hành vi với Hồng Kông.

Ảnh: Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen, một trong những nhà soạn thảo Đạo luật tự trị Hồng Kông

Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc đã xấu đi kể từ khi đại dịch virus corana bùng phát, khởi phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Hoa Kỳ.

Luật an ninh của Trung Quốc đã khiến ông Trump bắt đầu một quá trình loại bỏ các ưu đãi kinh tế đặc biệt cho phép Hồng Kông duy trì vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu.

Các chính trị gia diều hâu trong Quốc hội Mỹ đã thúc giục Hoa Kỳ phải có các hành động mạnh mẽ đối với bất kỳ cuộc đàn áp nào ở Hồng Kông.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley nói: “Đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta để kiềm chế Bắc Kinh trước khi họ phá hủy những tự do còn lại trong thành phố.”

Tại Hồng Kông, Nhà nghiên cứu chính sách, nhà hoạt động người Hồng Kông Trịnh Tư Luật (Cheng Sze Lut) khẳng định cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” đã bị kết liễu và kêu gọi người Hồng Kông cần học Đài Loan, không được thỏa hiệp với Trung Quốc.

Ông Trịnh Tư Luật, sinh năm 1988, là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông những năm gần đây. Ông đồng thời cũng là nhà nghiên cứu chính sách, từng làm Phó chủ tịch Công đảng và cũng là thành viên chủ chốt của liên minh gồm 50 nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hồng Kông.

Nhìn nhận về tình trạng của Hồng Kông với BBC, ông Trịnh cho biết: “Không riêng gì hệ thống chính trị và pháp lý của chúng tôi bị điều khiển bởi một chính quyền bù nhìn, nền kinh tế, hệ thống giáo dục, xã hội và môi trường cũng bị khai thác.”

Sau khi nhận chuyển giao Hồng Kông từ Anh vào năm 1997, Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp để kiểm soát đặc khu này dù bên ngoài vẫn tuyên bố sẽ thực thi cơ chế “một quốc gia, hai chế độ“.

Những bước đi mới nhất của Trung Quốc, đặc biệt là việc thúc đẩy các luật hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông, khiến giới ủng hộ dân chủ tại đặc khu lo ngại. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối Bắc Kinh cũng như để bảo vệ quyền tự do cho người dân Hồng Kông.

Mới đây, Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh Quốc gia và dự kiến sẽ đưa vào phụ lục Luật cơ bản Hồng Kông ngay trong tháng Sáu.

Vào ngày 04/6, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cũng đã bỏ phiếu (vòng 3) do dự luật Quốc ca, dự kiến sẽ được ban hành thành luật cũng trong tháng 6 này. Một khi luật Quốc ca có hiệu lực tại Hồng Kông, các hành động xúc phạm quốc ca có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền và phạt tù.

Với các nhà đấu tranh dân chủ, đây là những bước đi đánh dấu “sự cáo chung của Hồng Kông ” trong tư cách là một đặc khu với các quyền tự do được đảm bảo.

Ông Trịnh Tư Luật phân tích: “Người dân Hồng Kông lo ngại các luật do Bắc Kinh áp đặt một khi được ban hành sẽ kéo theo hoạt động tư pháp theo kiểu Trung Quốc. Chính quyền đặc khu cũng có thể tự ban hành các luật hạn chế tự do của công dân, chẳng hạn Luật Trật tự công cộng. Tuy nhiên, dù thế thì các luật này cũng dựa trên các nguyên tắc luật pháp của hệ thống thông luật Anh mà các nước khối Thịnh vượng chung còn áp dụng. Còn với các luật do Trung Quốc áp đặt, thật khó để đảm bảo một người được xét xử công bằng trước các tòa án do đại lục kiểm soát.”

Không chỉ là việc ban hành luật, Bắc Kinh còn hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông và gia tăng kiểm soát đặc khu này theo nhiều phương cách khác.

Mới đây, chính quyền Hồng Kông còn cấm người dân tập trung tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, sau đó hàng chục ngàn người đã bất chấp lệnh cấm, vẫn thực hiện cuộc tưởng niệm vào đêm 04/6.

Ông Trịnh Tư Luật đánh giá: “Hành động của chính phủ là một sự khiêu khích nghiêm trọng trong lịch sử của chúng tôi. Cuộc tập trung tưởng niệm ngày 04/6 là một sự kiện quan trọng. Tôi cho rằng việc cấm đoán tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.”

Bên cạnh đó, giáo dục lòng “ái quốc” đối với học sinh và các biện pháp tuyên truyền khác cũng được Trung Quốc triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua. Các giáo viên đăng tải thông tin hoặc hình ảnh chống chính phủ lên Facebook, ngay lập tức họ sẽ bị phòng giáo dục cảnh cáo. Tuy nhiên, theo ông Trịnh, các chương trình tuyên truyền và lối giáo dục tẩy não đó không phát huy tác dụng.

Ông cho biết trong giai đoạn 2000-2010, nhiều người dân Hồng Kông trở nên ủng hộ Bắc Kinh vì ngưỡng mộ thành tựu kinh tế của Trung Quốc nhưng cũng nhiều người mong chờ Bắc Kinh sẽ cải tổ chính trị và truyền thông vào thời điểm 20 năm kể từ năm 1989. Tuy nhiên, tất cả những gì đã xảy ra thì chúng ta đều đã thấy: Chính quyền Tập Cận Bình đàn áp xã hội dân sự và truyền thông, thúc đẩy ý thức hệ yêu nước đơn nhất vốn đe dọa tự do.

Nhà nghiên cứu họ Trịnh nhận định: “Người Hồng Kông đủ thực tế. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không có tự do và cải tổ thực sự ở Trung Quốc thì làm sao đảm bảo được quyền tự trị tại Hồng Kông.”

Nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng ngả về Bắc Kinh của chính giới.

Ông nói: “Có thể là việc chia sẻ quyền lực hoặc các món lợi trở nên quá hấp dẫn đối với họ. Nhưng tôi đặc biệt lo ngại là xu hướng các doanh nhân Hồng Kông hoặc các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đặc khu trở nên thân Bắc Kinh hơn.”

Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, Hội đồng Lập pháp (Legco) của đặc khu cũng khó duy trì được tính độc lập.

Ông Trịnh Tư Luật cho biết: “Phân nửa số ghế trong Legco được bầu bởi ‘các nhóm chức năng’ gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để lấy lại đa số trong Legco, nhưng thật khó làm được điều này. Mà ngay cả khi chúng tôi chiếm đa số trong hội đồng, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng quyền lực để tước tư cách các vị tân cử sau cuộc bầu cử vào tháng chín.”

Xu hướng bài Trung tại đây ngày càng biểu hiện rõ rệt. Người dân nhất là giới trẻ có xu hướng khẳng định bản sắc riêng, độc lập với Trung Hoa của mình. Thăm dò trên trang Pori cho thấy từ năm 1997-2019, xu hướng người dân tại vùng đặc khu nhận mình là người Trung Quốc (Trung Quốc nhân, Chinese) giảm dần, trong khi xu hướng người nhận mình là người Hong Kong (Hương Cảng nhân, Hongkongers) tăng lên.

Ông Trịnh nói: “Tất nhiên tôi là một người Hồng Kông. Tôi cũng là một người thiểu số Trung Quốc. Nhưng có một điều rõ ràng, tôi không phải là một người đại lục, hoặc là một người Trung Quốc theo những điều kiện hiện nay của Bắc Kinh.”

Ông cho biết thêm, lớp người lớn tuổi thường có xu hướng coi mình là người Trung Quốc bởi trải nghiệm sống của họ liên quan tới Quảng Đông hoặc các nguyên quán khác của họ. Nhưng những căn cước này không dựa trên lòng trung thành về chính trị, mà chủ yếu là gốc rễ văn hóa và bản quán.Ngược lại, hầu hết người trẻ đều tin rằng họ là người Hồng Kông và không liên quan gì với Trung Quốc cả.

Sự khác biệt giữa các thế hệ cũng thể hiện trong cách thức mà người Hồng Kông phản ứng trước các chính sách của Trung Quốc. Phần lớn người cao tuổi nghiêng về các phương thức biểu tình truyền thống, chẳng hạn tuần hành ôn hòa, với hy vọng sẽ có câu trả lời thỏa đáng từ chính phủ. Trong khi đó, người trẻ tin rằng không có cách nào để thỏa hiệp với chế độ hiện tại.

Người lớn tuổi cũng có xu hướng thoát ly tới các quốc gia khác để sống. Nhưng đó không phải là lựa chọn của người trẻ tuổi, vốn ít có quan hệ với thời thuộc địa Anh và cũng không đủ giàu có. Ông Trịnh nhận định một số người trẻ có thể cho rằng việc thoát ly ra nước ngoài là phản bội, là sự bỏ cuộc. Nhưng ở lại Hong Kong để tiếp tục tranh đấu, tương lai sẽ như thế nào?

Ông Trịnh Tư Luật nói rằng tương lai rất khó đoán định, nhưng có thể học hỏi từ Đài Loan. Đó là phải vững vàng và từ chối bất kỳ đề nghị thỏa hiệp nào với Bắc Kinh.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Chuẩn bị “ra đòn” mạnh hơn – Trump hoãn phạt Trung Quốc

>>> Lo sụp đổ – Trung Quốc lập văn phòng “mật vụ đỏ” tại Hồng Kong

>>> Human Rights Watch: Việt Nam gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa

https://www.youtube.com/watch?v=sBF4ovsT2ZU
Mỹ – Trung đấu nhau – nửa triệu “người” đã ra đi