Biển Đông: Việt Nam chèo lái ASEAN vững vàng trước Trung Quốc?

Việt Nam có tận dụng tốt cơ hội là Chủ tịch ASEAN năm 2020 để tìm kiếm đồng thuận giữa các quốc gia thành viên trong quản điểm về Trung Quốc trên Biển Đông?

Nửa năm đã trôi qua kể từ khi Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa sự đồng thuận trong khối, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc?

BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn TS Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, quanh vấn đề này.

Tiếng nói chung về TQ và tranh chấp trên Biển Đông
BBC: Với việc Việt Nam là chủ tịch ASEAN năm nay, ông có cho rằng khối này đã có tiếng nói chung đối với các vấn đềTrung Quốc và Biển Đông?

Collin Koh: Với việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm nay, các nước trong khối chắc chắn có quan điểm mạnh mẽ hơn đôi chút đối với vấn đề Biển Đông, được chứng thực qua Tuyên bố của Chủ tịch [Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc] được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36.

Tuyên bố này lần đầu tiên đề cập đến việc Công ước Luật Biển Quốc tế (UNCLOS) là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Chúng ta có lẽ không nên chỉ “ghi điểm” cho Việt Nam, nhưng rõ ràng một số nước ASEAN có quyền lợi trên Biển Đông đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hơn các động thái gần đây của Trung Quốc. Đáng chú ý, Philippines dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte gần đây đã chỉ trích một cách bất thường Bắc Kinh. Những điều này đã xảy ra dưới sự giám sát của Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN.

Người ta cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của quốc gia thành viên khác đối với vấn đề này. Với việc Việt Nam luôn kiên định trong vấn đề Biển Đông, vị trí chủ tịch ASEAN của Việt Nam lẽ ra có thể đã giúp ít nhất một số nước – vốn đã thận trọng hơn với các hoạt động của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 – cũng trở nên kiên định hơn.

ASEAN đã đoàn kết hơn dưới sự dẫn dắt của Việt Nam?

Phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực 2016
BBC: Trong bài viết gần đây trên SCMP, ông đề xuất rằng ASEAN nên xem xét lại phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 [trong vụ Philippines kiện TQ về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông) thay vì nhấn mạnh quá mức vào Công ước Luật Biển Quốc tế (UNCLOS). Tuy nhiên, phán quyết 2016 lại không ràng buộc về mặt pháp lý. Vậy thì ông có nghĩ rằng TQ sẽ bận tâm hoặc sẽ cải thiện hành vi của họ nếu các nước ASEAN làm theo đề xuất của ông?

Collin Koh: Phán quyết này có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan. Mặc dù tất nhiên cũng như nhiều công cụ [phân xử] quốc tế, có rất ít biện pháp để thực thi mà chủ yếu phụ thuộc vào các bên liên quan nhấn mạnh và chứng thực nó như thế nào.

Lý do tại sao tôi đặc biệt nêu ra phán quyết năm 2016 là vì điều này: Bản thân UNCLOS là một công cụ mơ hồ. Bởi lẽ nó là sản phẩm của một thời kỳ đàm phán gian khổ giữa rất nhiều chính phủ trong Chiến tranh Lạnh, và nó phải đạt được cân bằng về lợi ích giữa các quốc gia có bờ biển và hoạt động hàng hải.

Do đó, việc đề cập chung chung về UNCLOS trong các tuyên bố của ASEAN gần như không mang lại hiệu quả gì để giải quyết tranh chấp. Sự mơ hồ của UNCLOS mở ra cánh cửa cho những cách hiểu khác nhau – và đôi khi là sự xung đột – giữa các nước, liên quan đến các quy định trong công ước.

Phán quyết năm 2016, dù không phải là “cuối cùng” do vẫn có thể bị thách thức về mặt pháp lý nếu trong tương lai xuất hiện thêm những bằng chứng mới, nhưng nó thực sự đưa ra những phát hiện quan trọng mà không chỉ các bên có quyền lợi trên Biển Đông mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm.

Quan trọng hơn là, phán quyết năm 2016 đã làm rõ tính hợp lệ hay không của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, và đáng chú ý là tình trạng pháp lý và các quyền lợi hàng hải liên quan đến các thực thể trên đất liền. Do đó, phán quyết năm 2016 nên được ASEAN nhấn mạnh như là một hành động pháp lý và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp.

Cố tình không đề cập đến phán quyết này, trong khi không nói quá về tầm quan trọng của nó, giống như làm suy yếu chính UNCLOS và mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tiếp tục bỏ qua các quy tắc đó và tiếp tục những gì mà họ đang theo đuổi theo chính sách của riêng họ.

Đó là lý do tại sao trong các bài viết của tôi, tôi đề nghị các quốc gia thành viên ASEAN thực sự cần xem xét kỹ hơn phán quyết này và đề cập tới nó trong các phát ngôn chính thức. Điều này có thể chỉ mang tính biểu tượng, nhưng cho thấy rằng ASEAN có chung quan điểm về cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

Thay vì vô tình hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc và các cơ sở pháp lý mà họ muốn dùng để giải quyết các tranh chấp, một sự ủng hộ toàn diện của cả ASEAN cho phán quyết năm 2016 sẽ đặt dấu chấm hết cho sự mơ hồ này, và giúp các quốc gia ASEAN có vị thế vững vàng hơn trước Trung Quốc.

Đây cũng là lý do tại sao Indonesia gần đây đã nhấn mạnh phán quyết 2016, bởi vì nó củng cố lập trường ban đầu của họ rằng không có lý do gì để đàm phán với Trung Quốc về vùng biển Natuna đơn giản vì yêu sách đường chín đoạn là trái luật pháp. Việt Nam, nếu chọn sử dụng biện pháp pháp lý chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua kiện tụng, có thể sử dụng phán quyết năm 2016 này để làm cơ sở.

Tương tự như vậy, Philippines cũng sẽ được hưởng lợi nếu nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết 2016. Nếu ASEAN có thể cùng tập trung nhấn mạnh phán quyết này, tôi tin rằng nó sẽ buộc Trung Quốc phải chú ý và ít nhất là xem xét đẩy lùi các hành vi chèn ép của mình trên Biển Đông.

Bằng không, Bắc Kinh biết rằng họ có những con đường mở trong nội bộ ASEAN. Điều này sẽ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh những yêu sách chủ quyền của mình vì họ biết rõ rằng không có sự đồng thuận trong ASEAN về phán quyết năm 2016.

Tóm lại, Bắc Kinh muốn không nước nào trong ASEAN đề cập đến phán quyết 2016, với mục tiêu cuối cùng là biến phán quyết này thành vô giá trị, mất đi sức mạnh hợp pháp đầy thuyết phục. Đây là những gì chúng ta nên ngăn chặn trước khi nó xảy ra.

Các xung đột song phương
BBC: Để có được sự đồng thuận trong ASEAN, ông cho rằng Việt Nam và Indonesia, cũng như Việt Nam và Malaysia nên giải quyết sự khác biệt trong vấn đề ranh giới trên biển và đánh bắt cá bất hợp pháp trên Biển Đông. Điều này có khả thi không?

Collin Koh: Điều đó là hoàn toàn có thể. Nhìn lại lịch sử các tranh chấp trên Biển Đông – vốn có tính đa phương vì nhiều bên liên quan – kể từ những năm 1990, các nước ASEAN đã có thể giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền của họ, cho dù chúng ta nói về biên giới đất liền hay ranh giới hàng hải.

Họ thực hiện điều đó thông qua các quy định pháp lý quốc tế – như trường hợp xung đột giữa Indonesia-Malaysia trên quần đảo Ligitan và Sipadan, hay xung đột giữa Malaysia và Singapore về Pedra Branca – hoặc thông qua các thỏa thuận chính trị song phương, như trường hợp tranh chấp biên giới trên biển giữa Indonesia-Singapore.

Do đó, hoàn toàn khả thi để dự đoán rằng các khác biệt song phương đang được giải quyết. Nhưng các bên liên quan đến tranh chấp ranh giới hàng hải và xung đột về đánh bắt cá bất hợp pháp trên Biển Đông về cơ bản là đã kéo lê các vấn đề này từ nhiều năm.

Đã có một loạt các sự cố xảy ra do những bất đồng này, trong khi không thiếu các tuyên bố công khai của giới tinh hoa chính sách nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán để giải quyết chúng. Nhưng cho đến nay chúng tôi thấy có rất ít tiến bộ. Nếu không giải quyết được các vấn đề nội bộ này, sẽ khó khăn hơn cho các nước ASEAN có quyền lợi trên Biển Đông để cùng nhau xây dựng một mặt trận mạnh mẽ chống lại “cá lớn” Trung Quốc.

Tiến sĩ Collin Koh

‘Tiếc cho Việt Nam’
BBC:Ông có cho rằng chúng ta nên duy trì một ASEAN như vậy hay không, nếu dường như không có gì được cải thiện về các vấn đề trên Biển Đông và cũng không có sự đoàn kết trong khối kể từ khi tổ chức này ra đời?

Collin Koh: Câu hỏi nên là, chúng ta có trở nên tốt hơn không khi không có ASEAN? Câu trả lời là không.

Chắc chắn là ASEAN có những ưu điểm và nhược điểm. Mặc dù có những hạn chế cố hữu, nhưng một phần không nhỏ do cách thức làm việc ‘kiểu ASEAN” với nhau, khối này đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề quan ngại chính trong khu vực.

Giải pháp thay thế ASEAN là rất nguy hiểm khi mà các cường quốc sẽ kiểm soát an ninh khu vực, đó là điều mà chúng ta không nên hướng tới.

Cũng lưu ý rằng các mối lo ngại về an ninh của ASEAN không chỉ giới hạn trong các vấn đề trên Biển Đông, bởi vì có những thách thức an ninh cấp bách khác mà nó cần phải xem xét, như tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.

Tuy nhiên, như tôi cảnh báo trong bài viết mới đây trên SCMP rằng các vấn đề trên Biển Đông có thể khiến ASEAN mất đi vị thế của mình. Hãy nhớ rằng ASEAN trong những thập kỷ gần đây đã bị “soi” về khả năng giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Sẽ có lúc người ta đặt câu hỏi tại sao ASEAN lại vô tình tránh né hoặc không giải quyết đúng đắn các vấn đề nhức nhối như tranh chấp trên Biển Đông trong khi chỉ tập trung vào các vấn đề nhỏ bé hời hợt?

ASEAN cần phải giữ vững vị thế của mình nếu muốn duy trì vai trò trung tâm trong kiến trúc an ninh khu vực, và vấn đề Biển Đông trở thành một phép tiên quyết. Đây cũng là một bài kiểm tra mà ASEAN nên dồn tâm trí để thể hiện tốt, thay vì tự làm cho mình bị chỉ trích nhiều hơn.

Nói một cách thẳng thắn hơn, thay vì để Trung Quốc dẫn dắt ASEAN về các vấn đề Biển Đông, thì điều quan trọng đối với ASEAN là phải xoay chuyển tình thế và dẫn dắt, đặc biệt là về các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thật là một đáng tiếc lớn khi mà Covid-19 đã khiến tiến trình đàm phán (COC) bị đình lại. Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam, lẽ ra đã có thể giúp củng cố thống nhất nội bộ trong ASEAN quanh vấn đề này. Nhưng như bạn biết, không thể tổ chức các cuộc đàm phán COC do Covid-19, mà phải đợi cho đến khi tình hình dịch bệnh được giải quyết. Đến lúc đó, Việt Nam không còn ở ghế chủ tịch nữa.

Một lần nữa, điều đó thật đáng tiếc vì so với các quốc gia thành viên ASEAN khác, Việt Nam có thể đáng được trông cậy hơn trong việc thể hiện lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53346529