Việt Nam vừa trợ giúp Trung Quốc 100.000 đô la giữa lúc quốc gia láng giềng đang hứng chịu những đợt mưa lớn, lũ lụt và động đất khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.
Hành động nhân đạo của phía Việt nam diễn ra trong bối cảnh Trung quốc vẫn đang leo thang đe dọa trên Biển Đông khiến cho Việt nam phải thiệt hại hàng tỷ Đô la vì hủy bỏ các dự án khai thác dầu khí đã triển khai nhiều năm trước đó.
Trong thông cáo hôm 17/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống và tinh thần tương trợ lẫn nhau giữa hai nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100.000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất”.
Những trận mưa lớn liên tục đổ xuống nhiều khu vực ở Trung Quốc kể từ tháng 6 đến nay đã làm thiệt mạng và mất tích ít nhất 141 người, gần 15 triệu người phải sơ tán chỉ trong tháng 7 này, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đô la, theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc.
Đầu tuần này, chính quyền cho biết có 33 con sông đã đạt mức nước cao kỷ lục, 98 con sông trên toàn quốc đang ở mức báo động trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục đổ vào những khu vực dọc theo sông Dương Tử.
Hiện một số đập trên hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Bà Dương, đã vỡ và lượng nước trong hồ đã lên đến mức kỷ lục, theo dữ liệu từ Trung tâm Vệ tinh Khí tượng Quốc gia Trung Quốc.
Thông tin về khoản trợ giúp của Việt Nam được Bộ Ngoại giao loan báo giữa lúc xung đột trên Biển Đông vẫn đang gia tăng vì những hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền.
Một ngày trước, hôm 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy về “một số nội dung về quan hệ hai nước”, trong đó có việc hợp tác chống đại dịch COVID-19 và vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhưng không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc họp này.
Cuộc họp của hai quan chức ngoại giao diễn ra sau khi Hoa Kỳ công bố lập trường về Biển Đông, trong đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và gọi yêu sách này là “phi pháp”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đưa ra bình luận nói rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời “mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình”.
Hôm 16/7, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo mối quan hệ chiến lược Việt-Mỹ mà Hà Nội đang theo đuổi, nói rằng Việt Nam sẽ “trắng tay” nếu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Biển Đông tạo thêm căng thẳng hay phá vỡ sự cân bằng của mối quan hệ Trung-Việt-Mỹ. Tờ Hoàn cầu viết: “Hà Nội hy vọng sẽ đu dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông. Đây là một lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra trước nhu cầu về sức mạnh quốc gia và tình hình khu vực.”
“Nhưng nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được,” bài báo viết.
Động thái ủng hộ Trung Quốc chống thiên tai của chính phủ Việt Nam cũng vấp phải một số ý kiến chỉ trích. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh viết trên trang Facebook cá nhân rằng bà phản đối việc ủng hộ Trung Quốc vì hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông đối với Việt Nam, ngăn cản ngư dân đánh bắt cá, ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí, xây đập, ngăn dòng chảy đến các con sông của Việt Nam, gây ra tình trạng mất mùa, thiếu lương thực, nghèo đói ở Việt Nam.
Ngoài ra, nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng này nói rằng thiên tai ở Trung Quốc là do chính người Trung Quốc gây ra khi “chính họ là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu”.
Trong một diễn tiến khác, Reuters đưa tin Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn hôm 17/7 cho biết họ sẽ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) vay 100 triệu đô la để giúp ngân hàng này có khả năng cho vay nhiều hơn đối với các công ty tư nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuyên bố của ngân hàng Trung Quốc nói khoản vay, với sự góp vốn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), là một phần trong khoản tài trợ trị giá 10 tỷ USD của AIIB nhằm giúp các khu vực công và tư nhân chống đại dịch.
Hồi đầu năm nay, Việt nam cũng ủng hộ cho Trung Quốc 500 ngàn Đô la vì những thiệt hại nghiêm trọng của dịch Cúm Vũ Hán đang hoành hành ở Trung quốc, nhưng sau đó mạng XH có rất nhiều lời phàn nàn khi Trung Quốc nêu tên 21 nước để cảm ơn mà không hề nhắc đến Việt nam.
Một thông điệp đăng hôm 5/2 trên tài khoản Twitter của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết rằng quốc gia này “đã nhận được” các khoản viện trợ của quỹ UNICEF và chính phủ 21 nước, không có Việt Nam trong đó.
Ngoài quỹ UNICEF thuộc Liên Hiệp Quốc, đoạn tweet liệt kê 21 nước dường như theo thứ tự ưu tiên các nước láng giềng trước, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Kazakhstan, Pakistan, tiếp đến là Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Italy, Hungary, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất, Algeria, Ai Cập, Australia, New Zealand, và Trinidad và Tobago.
Tài khoản Twitter của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến Việt Nam, mặc dù trước đó 6 ngày, báo chí Việt Nam dẫn lại cổng thông tin điện tử của chính phủ nói “Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa, cụ thể là vật dụng y tế cho Trung Quốc trị giá 500.000 đô la để chia sẻ với chính phủ và nhân dân Trung Quốc khi dịch cúm virus corona lan rộng”.
Truyền thông Việt Nam cho biết thêm rằng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam “đã vận động viện trợ hàng hóa trị giá 100.000 đô la nữa cho Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, vẫn theo tin tức trong nước, 7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc “cũng đã có các động thái phù hợp nhằm hỗ trợ cho người dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước”.
Trên mạng xã hội ngày 6/2, nhiều người Việt Nam trong đó có các Facebooker nhiều ảnh hưởng như các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Vũ Quốc Ngữ, Nguyễn Văn Đài, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, nhà báo Đỗ Hùng, v.v… chia sẻ đoạn tweet của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc với thái độ không vui, cho rằng Trung Quốc xem thường Việt Nam.
Một số người nêu ra thắc mắc rằng phải chăng Trung Quốc chưa cảm ơn Việt Nam vì các khoản Việt Nam chưa đến nơi dù gần 1 tuần đã trôi qua sau khi Việt Nam ra thông báo.
Bà Phạm Đoan Trang nêu ra 3 khả năng, một là Hà Nội “chưa quyên góp, viện trợ giúp đỡ được gì” cho Bắc Kinh; hai là phía chính phủ Việt Nam đã gửi rất nhiều đồ viện trợ sang nhưng lãnh đạo Trung Quốc “không tính đó là viện trợ, hỗ trợ”, xem là không đáng giá; và ba là dù phía Việt Nam đã gửi các khoản viện trợ song người đánh máy cho tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Trung Quốc “đơn giản là… quên mất tên Việt Nam”.
Thêm nhiều người chết, Trung Quốc dùng thuốc nổ phá đập để xả lũ
Mưa tiếp tục tàn phá nhiều khu vực của Trung Quốc, gây lũ lụt và lở đất khiến cuộc sống của khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng.
Vô số làng mạc, thành phố và cánh đồng bị nước nhấn chìm, thiệt hại kinh tế đến nay vào khoảng 12 tỷ USD.
Hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ cùng người tình nguyện đã làm việc hết sức trong những ngày qua để sơ tán người dân, cung cấp cho họ chỗ trú và đồ dùng thiết yếu.
Theo CGTN, kể từ tháng 6, đã có hơn 140 người thiệt mạng hoặc mất tích vì mưa lũ. Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo nước tại 433 sông ở mức nguy hiểm kể từ tháng 6, bao gồm 33 sông dâng cao kỷ lục.
Hàng triệu người phải di dời ở 27 vùng cấp tỉnh ở Trung Quốc. Các tỉnh Giang Tây, An Huy và Hồ Bắc thuộc diện bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi đó, theo đài CCTV, trước tình trạng sông Chuhe ngập ứ, các nhà chức trách ở tỉnh An Huy buộc phải dùng thuốc nổ phá một con đập để xả lũ vào sáng 19/7. Nước sông Chuhe sau đó được cho là giảm 70cm.
Không chỉ Chuhe, nước ở hàng chục sông hồ thuộc miền nam và miền trung Trung Quốc, gồm cả sông Dương Tử, đều đang ở mức báo động do mưa to không ngớt hơn một tháng qua.
Việc phá đập, đê kè để xả lũ là một trong những biện pháp mà Trung Quốc buộc phải sử dụng đến trong trận lụt lịch sử vào năm 1998, đợt lũ lụt khiến hơn 2.000 người chết và khoảng 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Kể từ đầu tháng này, mực nước tại sông Trường Giang, sông dài nhất Trung Quốc, đã hai lần đạt đỉnh lũ. Giới chức địa phương cảnh báo, đợt lũ trong tuần này có thể nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên hôm 2/7. Lưu lượng nước đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp hôm 18/7 lên tới 61.000 m3/giây, buộc đập phải mở 3 cửa xả lũ với lưu lượng 33.000 m3/giây. Nhiều thành phố ở cả thượng nguồn và hạ nguồn đập đều đã ban bố cảnh báo đỏ về lũ lụt.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng nâng cảnh báo lũ lụt ở sông Hoài ở miền đông từ cấp hai lên cấp 3 (cấp 4 là cấp nghiêm trọng nhất) khi mực nước tại 10 hồ chứa vượt cảnh báo gần 7 m. Sông Hoài là sông dài thứ 4 ở Trung Quốc, chảy qua các tỉnh như Hà Nam, An Huy, Giang Tô trước khi đổ ra sông Trường Giang.
Tại thượng nguồn Trường Giang, 11 người đã phải bỏ mạng tại Trùng Khánh hôm 18/7 và 3 người tử vong ở tỉnh Hồ Bắc bên cạnh. Hơn 20.000 cư dân phải sơ tán và hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Cùng ngày, nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp dâng cao hơn 15 m so với mức cảnh báo lũ, khiến đập thủy điện lớn nhất thế giới này phải mở 3 cửa xả lũ.
Trung Quốc từng chịu trận lũ lụt kỷ lục năm 1998 với hơn 2.000 thiệt mạng và khoảng 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc cũng từng phải phá đê kè như một biện pháp xả lũ.
Đợt mưa lũ năm nay ở Trung Quốc được cho là khá bất thường khi tần suất các trận mưa lớn cao hơn so với trung bình hàng năm. Kể từ tháng 6, mực nước tại hơn 400 con sông ở Trung Quốc vượt mức cảnh báo, thậm chí vượt mức kỷ lục trong trận lụt năm 1998. Mưa lớn được dự báo còn tiếp diễn ở nhiều khu vực của Trung Quốc đến cuối tháng này.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mất tỷ đô, hủy khoan dầu – Bộ Chính trị Việt Nam “đầu hàng” TQ?