Đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã mang lại cho nước này không ít rắc rối cả trong và ngoài nước nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhìn ra trong cơn hoạn nạn của thế giới một cơ hội hiếm có cho âm mưu tăng cường kiểm soát hệ tư tưởng và giám sát người dân cũng như thúc đẩy tham vọng bá quyền ra thế giới. Cùng một lúc, Trung Quốc đã thực hiện hai chiến dịch quy mô chưa từng có: bên trong thì củng cố chế độ toàn trị, bên ngoài thì thực thi chiến lược ngoại giao « cực kỳ hung hăng » theo kiểu đế quốc.
Từ khi thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ kiểm soát xã hội và mọi phương diện trong cuộc sống của người Trung Quốc một cách nghiêm ngặt.
Cơ cấu của đảng từ trung ương cho đến vùng xa xôi hẻo lánh nhất, không nơi nào không có mặt cơ quan của đảng. Các quan chức trong chính phủ tuyệt đại đa số là đảng viên, nhận lệnh từ hệ thống ĐCSTQ. Những cán bộ vừa là quan chức vừa là đảng viên này đã khiến “đảng” và “chính phủ” bắt rễ đan xen vào nhau.
Trong một xã hội thông thường, đảng viên, cơ cấu tổ chức của các đảng phái không được nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước, mà chỉ có cơ quan chính phủ phục vụ người dân là nhận được lương từ tiền thuế của dân. Nhưng ĐCSTQ lại trực tiếp làm con đỉa hút máu bám trên thân chính phủ, đủ loại cơ cấu đảng vụ chuyên trách, bán chuyên trách được cấp dưỡng từ những đồng tiền mồ hôi xương máu của những người nộp thuế một cách cưỡng chế. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc không thể phân biệt được rõ ràng khái niệm đảng và chính phủ, quốc gia và dân tộc. Vì vậy mà tại Trung Quốc, người dân từ lâu đã bị nhồi nhét quan niệm nhầm lẫn rằng “yêu nước” là “yêu đảng”; “phản đảng” chính là phản chính phủ, chính là không yêu nước, chính là phản Trung Hoa, chính là bán nước, chính là làm người Trung Quốc mất mặt, bôi nhọ dân tộc.
Không những thế, Trung Quốc còn lạm dụng khoa học công nghệ để kiểm soát người dân trong nước.
Trung Quốc là nơi có nhiều camera hơn cả so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Hệ thống camera ở các nơi công cộng của Trung Quốc có thể thu thập những dữ liệu khổng lồ.
Công nghệ cưỡng chế quét khuôn mặt và nhận dạng khuôn mặt cũng bị lạm dụng. Trung Quốc có “siêu máy ảnh” 5 triệu điểm ảnh, có thể lập tức nhận diện bất cứ khuôn mặt nào trong đám đông.
Nhờ vào hệ thống camera chằng chịt khắp mọi nơi mà Trung Quốc đã duy trì trật tự bằng cách dự đoán trước. Ở nước này, người ta có thể bị bắt giữ và bị đưa đến “viện giáo dưỡng” khi không làm bất hành vi phạm tội nào, ví dụ như “không giao thiệp với hàng xóm, thường xuyên không sử dụng cửa trước”, chỉ cần chính quyền Trung Quốc cho rằng là khả nghi, thì có thể bị cho là tham gia vào hoạt động khủng bố. Thậm chí, người để râu quai nón có thể sẽ bị cho rằng là người có liên quan đến hoạt động khủng bố mà bị bắt hay những người để râu ít nhiều đều rất dễ bị máy ảnh ghi lại trong hồ sơ lưu trữ.
Việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động cũng là một nguồn thông tin để giám sát người dân của chính quyền Trung Quốc. Cảnh sát nước này sẽ tổng hợp dữ liệu từ lịch sử sử dụng ứng dụng của người dân và sẽ xử lý những người bị cho là có khả năng tạo thành mối đe dọa cho quốc gia.
Một đặc trưng khác nổi tiếng thế giới của nhà nước cộng sản Trung Quốc đó việc kiểm duyệt thông tin trong nước. Ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông được cấu tạo là một bộ phận của chính phủ nhằm thực hiện sứ mệnh chính trị đó là tuyên truyền phục vụ cho sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản. Tất cả các tin tức bên ngoài đều bị ngăn chặn. Hơn 10.000 trang web (ví dụ như Wikipedia) được người phương Tây truy cập mỗi ngày, nhưng ở Trung Quốc đều bị “vạn lý tường lửa” ngăn chặn. Những trang web bị ngăn chặn bao gồm: trang web của các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Quan sát Nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế…; các kênh truyền thông của phương Tây như Fox News, Reuters, The Guardian…; các trang tìm kiếm như Google, Yahoo, DuckDuckGo…; các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, WhatsApp, Twitter, Instagram, Pinterest, Snapchat… Vì vậy mà có nhận định cho rằng, mạng internet mà chính quyền Trung Quốc kiểm soát đã ngày càng khác xa mạng internet toàn cầu.
Trong một tương lai gần, Trung Quốc còn sẽ tăng cường tối đa việc giám sát người dân bằng công nghệ di truyền.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, Trung Quốc sắp tới sẽ lập phiếu ADN cho 700 triệu người phục vụ cho chiến dịch lập danh mục ADN của nam giới nước này nhằm mục đích có thể giúp tìm những đối tượng tội phạm. Cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt đầu lấy mẫu máu của tất cả đàn ông trong cả nước, từ vị thanh niên cũng như trưởng thành, để lập hệ thống dữ liệu ADN. Chương trình được thực hiện với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật mua của công ty Mỹ Thermo Fisher.
Theo tờ báo Pháp Courrier Internationnal (Cua-ghi-ê Anh-téc-na-xi-on-nan), với dự án này, Trung Quốc đã vượt qua một bước lớn trong việc sử dụng dữ liệu di truyền để kiểm soát dân chúng. Dù chính quyền nhấn mạnh việc chia sẻ dữ liệu ADN này dựa trên cơ sở tình nguyện. Nhưng một số quan chức tại Trung Quốc và hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài đã cảnh báo việc làm trên quy mô toàn quốc như vậy là hành động xâm phạm đời tư và tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt người thân của những nhà ly khai hay hoạt động tranh đấu.
Đây là công cụ bổ sung thêm vào mạng lưới giám sát tinh vi đang ngày càng được công an triển khai rộng rãi trong cả nước, như hệ thống nhận diện và trí thông minh nhân tạo. Công an Trung Quốc khẳng định cần có cơ sở dữ liệu đó để ngăn chặn các đối tượng phạm pháp. Việc chỉ lập phiếu ADN của nam giới được giải thích rất đơn giản rằng: theo các thống kê, đàn ông có xu hướng phạm tội nhiều hơn phụ nữ.
Đại dịch lịch sử mà nhân loại đã và đang phải chiến đấu trong thời gian vừa qua có một phần lớn nguyên nhân đến từ chế độ toàn trị, độc tài của chính quyền Trung Quốc.
Khi những dấu hiệu đầu tiên về một bệnh lạ có khả năng lây lan tại Trung Quốc xuất hiện, Trung Quốc đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn mọi tiếng nói cảnh báo. Đầu tháng Giêng, tám vị bác sĩ ở Vũ Hán đã bị bắt vì tội “phổ biến thông tin thất thiệt làm xáo trộn trật tự xã hội” chỉ vì phát hiện thấy virus lạ, để rồi sau đó, chính tư pháp Trung Quốc lại miễn tội cho họ.
Dường như Trung Quốc không rút kinh nghiệm những lần có dịch bệnh trước đây, tiếp tục duy trì “phản xạ” che giấu, bưng bít thông tin, gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Chính vì kiểm duyệt mà Bắc Kinh đã đánh mất tối thiểu là ba tuần lễ trong cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chặn virus corona.
Trên internet, cỗ máy kiểm duyệt của Trung Quốc cũng tăng tốc hoạt động. Ngày 05/02, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố sẽ trừng phạt “các trang web, các diễn đàn và tài khoản” nếu đăng những nội dụng “gây hại” và “reo rắc sợ hãi” liên quan đến virus corona mới. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc nêu đích danh các công ty Sina Weibo, Tencent và ByteDance và cho biết sẽ tiến hành “kiểm tra chuyên đề” trong các diễn đàn của những nhà cung cấp này.
Song song với việc cảnh báo công luận về hậu quả của việc “phát tán tin đồn”, cảnh sát liên tục cảnh cáo, truy bắt tác giả những tin trên. Rất nhiều công dân đã bị cảnh cáo, phạt và giam giữ hành chính và hình sự vì “truyền bá tin đồn” tại nước này.
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 lên tới đỉnh điểm tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã phải vật vã đối đầu cùng lúc với hai loại virus : Một là virus corona đang hoành hành và hai là virus đòi cải cách « chính trị ».
Hai lá thư công khai đòi tự do ngôn luận từ một số nhà trí thức đã được đăng trên mạng xã hội Weibo (tương đương với Twitter) nhưng ngay sau đó đã bị kiểm duyệt.
Lá thư thứ nhất được 9 giáo sư tại một đại học có tên tuổi ở Bắc Kinh ký tên đưa ra năm yêu sách. Trong đó đòi hỏi thứ nhất là lấy ngày mồng 06/02 ngày bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ đầu tiên báo động về sự xuất hiện của virus corona chủng mới, qua đời vì chính bệnh COVID-19 là ngày tự do ngôn luận toàn quốc.
Thư ngỏ thứ hai là do 10 giáo sư của Đại học Vũ Hán cũng đòi tự do ngôn luận – như được quy định trong Hiến pháp, đồng thời còn kêu gọi chính quyền phải có lời « xin lỗi công khai » đối với những bác sĩ đưa ra báo động và phải công nhận bác sĩ Lý như « anh hùng dân tộc ». Trước đó, hashtag « Tôi muốn có tự do ngôn luận » tập hợp được hơn 1,5 triệu lượt người xem nhưng cũng đã bị bộ máy kiểm duyệt xóa.
Còn bên ngoài lãnh thổ Hoa lục, chính quyền Trung Quốc cũng không kém phần hung hăng, tàn bạo.
Chỉ trong một vài tháng qua, Trung Quốc đã hành động ỷ vào sức mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế: gây đụng độ với Ấn Độ ở vùng biên giới đang có tranh chấp Ladakh; trả đũa Úc bằng cấm vận thương mại vì nước này yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch virus corona; đẩy mạnh nắm quyền kiểm soát các công ty chiến lược và hạ tầng cơ sở trọng yếu bằng cách gán nợ cho các nước, trong đó có cả châu Âu; tấn công mạng, thao túng dư luận ở các nền dân chủ giữa đại dịch…
Chưa kể đối với các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc luôn coi là một phần lãnh thổ của mình, nước này cũng thúc đẩy những hành động bất chấp luật pháp. Tại đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc đã ban hành luật an ninh quốc gia, kéo theo một loạt vụ bắt bớ trấn áp những người thúc đẩy dân chủ tại đặc khu. Tại Đài Loan, Trung Quốc liên tục gia tăng áp lực chính trị và quân sự với đảo quốc này.
Truyền thông quốc tế nhận định hành vi như vậy nằm trong chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh thế giới như Tập Cận Bình đề ra từ Đại hội Đảng thứ 19.
Chủ đề của Đại hội thứ 19 được tổ chức vào năm 2017 là: “Không quên khởi đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quyết tâm xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, giành được thắng lợi vĩ đại từ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, không ngừng phấn đấu thực hiện giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.”
“Kỷ nguyên mới” của Trung Quốc là chủ đề chính xuyên suốt báo cáo chính trị được ông Tập Cận Bình đọc tại khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hôm 18/10/2017. Trong bài phát biểu, ông Tập 26 lần miêu tả Trung Quốc bằng những từ như “siêu cường” hoặc “cường quốc“. Đây là bước tiến dài kể từ thời mà các lãnh đạo Trung Quốc còn gọi đất nước họ là nước nghèo và đóng vai trò khiêm tốn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách của Tập Cận Bình đang vấp phải ngày càng nhiều sự phản kháng. Từ châu Âu cho đến châu Á, các quốc gia ý thức được mối đe dọa, đã hành động để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.
Giới Phương Tây ngày nay đã nhận ra rằng Trung Quốc giờ đây là mối đe dọa hàng đầu về tự do và hòa bình thế giới với tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình là « một thế giới, một chế độ ».
Một bài xã luận mang tiêu đề “Trung Quốc: Luật của kẻ mạnh” trên tờ báo Pháp Le Point (Lơ Poanh) đã kêu gọi đã đến lúc các nền dân chủ phải chống lại Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô sau Thế Chiến Thứ 2.
Tờ báo còn đưa ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc theo 5 trục chính :
Thứ nhất là hình thành một liên minh các nền dân chủ bao gồm các quốc gia tự do châu Á, trong đó châu Âu phải tham gia.
Thứ hai là phá thế bao vây nhờ chính sách cùng phát triển với các quốc gia đang trỗi dậy và đầu tư mạnh trở lại cho các định chế đa phương.
Thứ ba là tái lập lại cân bằng kinh tế bằng việc quy hồi các hoạt động sản xuất chiến lược. Cần có qua có lại trong trao đổi buôn bán.
Thứ tư là khôi phục mạnh hơn cạnh tranh công nghệ.
Thứ năm là đấu tranh tư tưởng bằng việc khẳng định lại các giá trị phổ quát về tự do chính trị và nhân quyền.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mất tỷ đô, hủy khoan dầu – Bộ Chính trị Việt Nam “đầu hàng” TQ?
>>> “Tứ bề thọ địch” – Trung Quốc bất ngờ “xuống nước”
>>> Trung Quốc đe dọa “Việt Nam sẽ trắng tay” nếu đu dây theo Mỹ