Chính sách quyết đoán khẳng định quyền lực và chủ quyền của Trung Quốc trong những ngày gần đây dường như đang tạo thêm nhiều đối thủ cho Bắc Kinh, nhưng với quốc gia láng giềng có chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông là Việt Nam, một số chuyên gia nhận định với VOA rằng Hà Nội khó có thể ở trong thế đối đầu với Bắc Kinh, dù rằng có vẻ như đang “ngả” về phía Mỹ với tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ.
Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam vừa cho biết đã dẫn đầu các nước ASEAN lên tiếng “cảm ơn và đánh giá cao” sự ủng hộ của Mỹ sau khi Uỷ ban Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một động thái mà theo TS. Tạ Văn Tài, giáo sư Luật của Đại học Harvard, là thúc đẩy bày tỏ mạnh hơn quan điểm của khối các quốc gia Đông Nam Á sau hàng loạt các tuyên bố chính thức của Mỹ.
“Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, cũng theo tiếng nói của ASEAN nói chung và dâng cao quan điểm của ASEAN, nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam dám nói mạnh hơn với Trung Quốc”, GS. Tạ Văn Tài nhận xét với VOA.
Theo Giáo sư của Đại học Harvard, đây là điểm mạnh duy nhất mà Việt Nam thể hiện cho tới nay đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đi đến hành động quyết đoán hơn nữa là khởi kiện Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Trong khi đó, Trung Quốc, thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiếp tục đưa ra “cảnh báo” Hà Nội về việc “chọn phe” nhằm chống lại Bắc Kinh.
“Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích nhận được”, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong bài viết phân tích về mối quan hệ Mỹ – Trung sau khi Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố gọi yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là “phi pháp”.
Nhận định về vấn đề này, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói với VOA rằng: “Trung Quốc từ khi trỗi dậy thì đã đặt ra vấn đề là cảnh báo các nước nhỏ xung quanh là đừng có ngả theo một nước nào đó chống lại Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo ông,“Một khi lợi ích quốc gia của một nước bị xâm hại trong khi nó nhỏ quá, chưa có cách nào để chống lại được thì buộc lòng nó phải đi nhờ sự giúp đỡ của những nước khác, đặc biệt là các nước lớn”.
Vì vậy, TS. Hà Hoàng Hợp nói kể cả khi Việt Nam với chính sách quốc phòng “4 không” hiện nay, trong đó có nguyên tắc “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia”, thì trong trường hợp xảy ra những tình huống nguy hại đến lợi ích quốc gia, Việt Nam chắc chắn sẽ bỏ các chính sách trên để tìm sự trợ giúp hay “đồng minh” để chống lại.
“Cho nên, nếu Trung Quốc nói rằng Việt Nam ngả theo Mỹ hay Mỹ bỏ vai trò trung gian đi thì không phải. Mỹ vẫn đứng ở giữa. Cho nên Mỹ không nói gì đến chuyện ở chỗ khác, không nói đến Hoàng Sa, mà Mỹ dựa vào đúng một chuyện là Công ước Luật biển và vấn đề thềm lục địa”, TS. Hà Hoàng Hợp nói và cho rằng đây chính là điểm chung khiến cho Việt Nam và Mỹ thoạt nhìn có vẻ như đang “phe” với nhau.
Còn GS. Tạ Văn Tài nhận định rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi từ trước tới nay. Mỹ vẫn không can thiệp vào vấn đề quốc gia nào nắm chủ quyền ở đảo, đá nào trong những khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tuyên bố “cụ thể hơn” lần này của Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các quan chức Mỹ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt, theo cả hai nhà nghiên cứu.
“Mỹ đã lên tiếng ủng hộ một cách cụ thể, đó là lợi ích chính trị”, TS. Hà Hoàng Hợp nói. “Còn lợi ích chiến lược là có một sự cam kết ngay trong tuyên bố của Mỹ, là họ đảm bảo rằng thế kỷ 21 này chính sách bành trướng, bá quyền theo lối ‘săn mồi ăn thịt’ (predatory) là không có chỗ đứng. Người Mỹ sẽ không để người Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này”.
Về mặt ngoại giao, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng tuyên bố của Mỹ thể hiện một “bước tiến lớn” của Hoa Kỳ trong việc đưa ra hành động cụ thể ủng hộ tiến trình giải quyết các tranh chấp để duy trì hoà bình và quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
Trong khi đó, GS. Tạ Văn Tài nói rằng về mặt quân sự, Việt Nam không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể “đấu” với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
“Tuy Việt Nam có hải quân mạnh thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc, tại Biển Đông, nhưng không bao giờ là đối thủ của Trung Quốc khi đứng một mình được, chỉ có thể có can đảm hơn là vì Mỹ đã có lập trường như vậy, Việt Nam có khả năng quân sự như vậy và tinh thần chống Trung Quốc của dân chúng như vậy thì Việt Nam ‘đừng sợ’”.
Theo ông, Hà Nội “không việc gì phải do dự để nói những tiếng nói mạnh mẽ nhất” vào lúc tất cả các nước ASEAN (trừ Campuchia và Lào) đang đồng loạt chống Trung Quốc, với sự ủng hộ của cả hành pháp lẫn lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ.
“Thành ra Việt Nam nên nói mạnh hơn nữa”, GS. Tạ Văn Tài nói và thêm rằng dù Việt Nam có hành động mạnh hơn nữa thì cũng khó có khả năng xảy ra chiến tranh nên “không việc gì phải sợ”.
Đại sứ Kritenbrink: Mỹ thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, sát cánh với Việt Nam
Những tuyên bố về chính sách của Washington vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, và Washington sát cánh với Hà Nội để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế, cũng như để bác bỏ tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông.
Đó là quan điểm của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink thể hiện trong một bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 20/7.
Đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội nhắc lại sự kiện vào tháng 7/2016, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, không có cơ sở pháp lý cho bất cứ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào của Trung Quốc trong khu vực được gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ về Biển Đông, ngoài những điều được quy định tại UNCLOS.
Nhưng trong 4 năm qua, Trung Quốc phớt lờ phán quyết, đẩy mạnh chiến dịch hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như các nước ven biển khác ở Đông Nam Á, đại sứ Mỹ viết.
Hoa Kỳ ngày càng quan ngại khi Bắc Kinh lợi dụng việc thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19 để đẩy các yêu sách của họ ở vùng biển đi xa hơn, thay thế luật pháp quốc tế bằng tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam bày tỏ.
Trước những hành động của Trung Quốc nhằm bác bỏ luật pháp quốc tế và dần xóa bỏ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố thay đổi chính sách của Washington đối với các yêu sách hàng hải, đại sứ Kritenbrink viết.
“Mỹ phản đối bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo nước này đưa ra yêu sách ở quần đảo Trường Sa hoặc từ bãi cạn Scarborough”, nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Điều này bao gồm cả sự bác bỏ rõ ràng yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính, nơi Bắc Kinh đã tiến hành “một chiến dịch cưỡng bức và quấy rối hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam”, vẫn lời của Đại sứ Kritenbrink. Ông viết tiếp rằng Ngoại trưởng Pompeo và Mỹ coi sự bắt nạt này “không chỉ mang tính khiêu khích và gây bất ổn, mà còn là bất hợp pháp”.
Nhận xét về các quan điểm của Mỹ do các nhà ngoại giao hàng đầu nước này đưa ra gần đây, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với VOA:
“Tuyên bố của ngài Ngoại trưởng Mike Pompeo và ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là lập trường có thể nói là rất rõ ràng, rất cương quyết, rất mạnh mẽ so với trước đây. Những nội dung đấy hoàn toàn phù hợp với những quan điểm của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Một lần nữa, chứ không phải là lần đầu tiên, phía Hoa Kỳ lại ủng hộ, đứng về các nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam để mà đấu tranh chống lại các hành động sai trái để mà nhằm thượng tôn pháp luật”.
So sánh cách hành xử của hai cường quốc hàng đầu thế giới đối với UNCLOS, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh trên tờ Thanh Niên hôm 20/7 rằng mặc dù Mỹ không phải thành viên của công ước này, nhưng mọi chính quyền Mỹ trước giờ đều “công nhận và tuân thủ” những điều khoản của công ước.
Trong khi đó, ngược lại, Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS, nhưng “ngang nhiên phớt lờ” các nghĩa vụ hiệp ước của mình được quy định tại công ước, nhà ngoại giao Mỹ viết.
“Những tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết duy trì thượng tôn pháp luật của chúng tôi ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS. Đây là cam kết Mỹ chia sẻ với Việt Nam, một trong những thành viên chủ động nhất của UNCLOS”, lãnh đạo phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam khẳng định.
Đề cập đến quan hệ ngoại giao song phương kéo dài 25 năm mà hai nước vừa kỷ niệm, và quan hệ Đối tác toàn diện có từ tháng 7/2013, Đại sứ Kritenbrink chỉ ra rằng những tuyên bố của Mỹ cũng là “minh chứng cho sức mạnh” của mối quan hệ này, đồng thời bình luận thêm:
“Lập trường của Mỹ về Biển Đông cho thấy Mỹ sát cánh với Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của các bạn nhất quán với luật pháp quốc tế – bao gồm cả quyền đối với các nguồn dầu khí ngoài khơi, và quyền đánh bắt cá, là những điều sống còn cho sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á”.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng khẳng định: “Mỹ sát cánh với Việt Nam để bác bỏ sự áp đặt tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ tại Biển Đông”.
Tiến sĩ Trần Công Trục, người có hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, nhận định rằng tuy các tuyên bố của Mỹ có lợi cho Việt Nam và một số nước ASEAN song vẫn nhắm đến phục vụ lợi ích của Mỹ là trên hết.
Trong lúc nhiều người ở Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự phấn khích về các tuyên bố của Mỹ, cũng như mong muốn Việt Nam tiến xa hơn trong quan hệ với Mỹ, chuyên gia Trần Công Trục cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc Mỹ liên minh với Việt Nam. Ông nói với VOA:
“Tôi không cho rằng Mỹ phát biểu như vậy và có những lời mạnh mẽ như vậy là để nhằm mục đích lôi kéo Việt Nam, không có nghĩa là làm như vậy để lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc. Bởi vì họ thừa biết là Việt Nam không bao giờ có chủ trương đứng về nước này để chống nước khác. Không liên minh liên kết, nhất là trong thời gian hiện tại. Còn sau này tình hình như thế nào là chuyện khác”.
Chuyên gia về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam nói đất nước này lâu nay cố gắng đạt được sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn để tránh xung đột, chiến tranh, và ông cho rằng cách tiếp cận này “đạt được hiệu quả nhất định” trong cuộc đấu tranh cho lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Người dân Đức ngày càng muốn „xa lánh“ Trung Quốc