Ngay sau tuyên bố của Mỹ về các yêu sách trên Biển Đông được Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo hôm 13/7, các đại sứ Mỹ trong khu vực ASEAN đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời tố cáo những hành vi sai trái của nước này tại các quốc gia sở tại.
Các đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia… đã có các bài viết trên trang web chính thức của đại sứ quán Mỹ hay trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông địa phương, lên án những hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại các quốc gia trong khu vực.
Ngày 14/7, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Michael George DeSombre đã có một bài viết dài trên tờ Khaosod English. Cùng với việc chỉ ra việc Trung Quốc đang biến Mekong thành Biển Đông thứ hai, ông DeSombre cũng phân tích chi tiết về các sự kiện gần đây trên Biển Đông, bao gồm cả việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam…
Ông viết: “Những hành động này nằm trong cùng một mô hình. Trung Quốc đi tới đâu sẽ phá luật tới đó, tự tạo ra các sự thật và phá vỡ những lời hứa của chính mình.”
Nhà ngoại giao Mỹ đã dẫn chứng cho nhận định của mình bằng việc Trung Quốc xây đập trên thượng lưu Mekong đã khiến mực nước tại nhiều con sông ở Thái Lan xuống mức thấp kỷ lục.
Mặc dù Bangkok đã phản đối việc nổ mìn khơi dòng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tác động tới dòng sông trên lãnh thổ Trung Quốc và tìm cách làm suy yếu Ủy hội sông Mekong để tối đa hóa lợi ích, bất chấp thiệt hại mà các nước hạ nguồn phải gánh chịu.
Còn về vấn đề Biển Đông, đại diện hàng đầu của Mỹ tại Thái Lan khẳng định Thái Lan có lợi ích nhất định tại tuyến hàng hải quan trọng này.
Trong bài báo của mình, ông viết: “Thái Lan không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng là nước hưởng lợi lớn từ tự do hàng hải. Giá trị thương mại hàng hóa của Thái Lan thường xuyên vượt quá 80% GDP và phần lớn trong số đó đều đi qua Biển Đông.”
Ngay trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bangkok Post đăng hôm 14/7, ông DeSombre đã lên tiếng ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông được đưa ra tại hội nghị cấp cao ASEAN hôm 26/6 và nhấn mạnh lập trường này phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS).
Đại sứ DeSombre cũng nhấn mạnh trong dịp này rằng Biển Đông rất quan trọng đối với Thái Lan vì nước này phụ thuộc vào sự tự do lưu thông ở Biển Đông để xuất khẩu hàng hóa.
Ông khẳng định khi “các dòng xuất và nhập khẩu thông qua một tuyến đường không tự do và mở cửa” thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xứ sở chùa Vàng.
Tại Philippines, bài xã luận của Đại sứ Mỹ Sung Kim thì lại đề cập đến việc Trung Quốc đã tàn phá môi trường khi cải tạo trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh nước này không tuân thủ các cam kết hỗ trợ bảo vệ môi trường biển.
Tại Myanmar, Đại biện Mỹ George N. Sibley đã có bài viết đăng ngày 18/7 trên tờ Irrawaddy của Myanmar về những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, mặc dù Myanmar có thể đang nghĩ tranh chấp Biển Đông là chuyện của những nước liên quan nhưng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông là rất đáng lo ngại và bất kỳ nước nào cũng có thể trở thành nạn nhân kế tiếp, trong đó có Myanmar.
Ông Sibley còn chỉ ra cách mà ông cho là Trung Quốc đang làm suy yếu chủ quyền Myanmar bằng việc biến các khoản đầu tư thành bẫy nợ; tàn phá thiên nhiên và môi trường đất nước Myanmar bằng việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên một cách không kiểm soát; hủy hoại tương lai của đất nước đã vốn nhiều đau khổ bằng cách đẩy thế hệ trẻ của nước này vào vòng nghiện ngập khi phần lớn ma túy đều đến từ biên giới phía bắc. Đất nước và người dân Myanmar không được lợi gì từ những khoản đầu tư hay sự hiện diện của người Trung Quốc tại đây; tài nguyên quốc gia, lợi nhuận đều bị Trung Quốc thâu tóm một cách trắng trợn.
Tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng đã có một bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 20/7. Bài viết khẳng định những tuyên bố về chính sách của Washington vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và Washington sát cánh với Hà Nội để bảo vệ quyền chủ quyền cũng như lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế đồng thời bác bỏ tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông.
Với phong cách ngoại giao chiến lang được thúc đẩy trong thời gian gần đây, Trung Quốc tất nhiên đã phản ứng một cách gay gắt và hung hăng.
Theo RFI, Đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan đã nói rằng Washington đang “nỗ lực gây bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ven Biển Đông”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã hai lần dùng từ “bẩn thỉu” để chỉ Hoa Kỳ trong một bài trên Facebook và cho rằng các cơ quan Mỹ ở hải ngoại đã làm những “công việc ghê tởm” để ngăn chặn Trung Quốc và đã lộ rõ bộ mặt “ích kỷ, đạo đức giả, đáng ghét và xấu xa”.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng chính “Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa lên mạng những bình luận tấn công và lên án Trung Quốc” và các nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ làm sáng tỏ vấn đề và đáp trả mà thôi.
Đối với giới phân tích, cuộc khẩu chiến Mỹ – Trung đang bùng lên là kết quả một chiến thuật mới của ngành ngoại giao Mỹ trong khu vực.
Mỹ đang huy động lực lượng đại diện ngoại giao ở các nước trong khu vực vào chiến dịch vạch mặt Trung Quốc nhằm chỉ rõ Trung Quốc là mối đe dọa cho chủ quyền các nước Đông Nam Á. Các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng lập luận và thuyết phục rằng các nước có lợi ích từ việc thượng tôn luật pháp quốc tế. Và hành động cụ thể các nước có thể làm là phản đối các hành động trái luật của Trung Quốc trên Biển Đông bởi nếu dung túng cho hành vi bất tuân luật của Bắc Kinh, một ngày nào đó các nước im lặng sẽ là nạn nhân.
Về phía mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục đường lối chiến lang hung hăng ngăn chặn những hành động tố cáo của đối thủ trong khu vực mà nước này coi là sân sau của mình.
Một điều cần được ghi nhận là chiến dịch ngoại giao của Mỹ dường như đã phát huy tác dụng.
Giới chuyên gia nhận định các nước Đông Nam Á đã ít nhiều hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ mới đây và mạnh dạn hơn trong việc chống lại hành vi của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Ngày 14/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi nhất trí mạnh mẽ với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng nền có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA và UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc vốn là bên đã ký kết. Sẽ là lợi ích tốt nhất cho sự ổn định của khu vực khi Trung Quốc chú ý tới lời kêu gọi của cộng đồng các quốc gia về tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành.”
Trả lời tại họp báo trực tuyến ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là “hy vọng của mọi quốc gia”: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, là vấn đề mấu chốt và cấn được tất cả các bên duy trì.”
Trong thông cáo báo chí về quan điểm của Malaysia với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Hisshamuddin Hussein nhấn mạnh Kuala Lumpur sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Theo đó, các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Malaysia hy vọng tiến trình thảo luận sớm được thúc đẩy, nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Bản thân ASEAN cũng đã lên tiếng thể hiện sự ủng hộ Mỹ trong nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Đại diện các nước ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ngày 18/7 đã cùng Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN tại Thủ đô Washington trao đổi trực tuyến với Hạ nghị sỹ Joaquin Castro, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đồng Chủ tịch Nhóm ASEAN của Quốc hội Mỹ về củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Mỹ. Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN đề cao sự ủng hộ của Mỹ trong nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982, tại Biển Đông và các vùng biển trong khu vực. Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện ra tuyên bố khẳng định các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Đây cũng được coi là một trong những động thái cứng rắn hiếm hoi của ASEAN về vấn đề Biển Đông vốn gây chia rẽ các nước trong nội khối.
Theo Tiến sĩ Tạ Văn Tài, Giáo sư Luật của Đại học Harvard nhận xét với VOA: “Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, cũng theo tiếng nói của ASEAN nói chung và dâng cao quan điểm của ASEAN, nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam dám nói mạnh hơn với Trung Quốc.”
Theo Giáo sư của Đại học Harvard, đây là điểm mạnh duy nhất mà Việt Nam thể hiện cho tới nay đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đi đến hành động quyết đoán hơn nữa là khởi kiện Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mỹ quyết “đánh gục” đế chế hàng hải Trung Quốc
>>> Việt Nam trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung ở Biển Đông
>>> Trung Quốc đe dọa “Việt Nam sẽ trắng tay” nếu đu dây theo Mỹ