Tại hội thảo online về an ninh của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bài phát biểu của ông Esper được truyền thông quốc tế đánh giá vừa là một bản cáo trạng những vi phạm của Trung Quốc trong khu vực vừa là một tuyên bố tái định hình chính sách an ninh tại khu vực của Hoa Kỳ trong đó đặc biệt nhấn mạnh những nỗ lực ngăn chặn đế chế hàng hải Trung Quốc.
Biển Đông là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong bài phát biểu của ông Esper.
Ông Esper đánh giá những hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực là “gây bất ổn” và rằng Trung Quốc đang “tiếp tục hành vi hung hăng ở khu vực phía Đông và trên Biển Đông”.
Ông khẳng định việc bồi đắp và các cuộc tập trận quân sự bất hợp pháp của Trung Quốc trên và xung quanh các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông không phù hợp với các cam kết được nêu trong Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Ông Esper cũng nhắc đến việc Trung Quốc đã bắt nạt các quốc gia ASEAN để buộc các nước này phải ngưng các hoạt động phát triển dầu khí tiềm năng ngoài khơi trị giá khoảng 2,6 nghìn tỷ đôla, đồng thời ngăn cản các nước này đánh bắt cá tại ngư trường quan trọng của họ.
Và ông nói rõ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có quyền biến vùng biển quốc tế thành một khu vực độc quyền hoặc đế chế hàng hải của riêng mình.
Từ đó, ông cho biết chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông là “bảo vệ một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở bắt nguồn từ các giá trị, lịch sử và quan hệ kinh tế mà chúng tôi chia sẻ với các đồng minh và đối tác, và chỉ phát triển sâu hơn khi đối mặt với những nỗ lực làm suy yếu nó”.
Trong phần phát biểu của ông Esper về Biển Đông, giới chuyên gia rất lưu ý đến cụm từ “đế chế hàng hải” đã được giới chức cấp cao của Mỹ sử dụng liên tiếp trong những ngày gần đây.
Báo Thanh niên dẫn lời của Tiến sĩ Satoru Nagao, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ nhận định: Xét về yếu tố lịch sử, chữ “đế chế” ở đây thể hiện quan điểm Mỹ sẵn sàng đối đầu. Đầu thập niên 1980, khi Mỹ bước vào giai đoạn mới của Chiến tranh lạnh bằng cách kích hoạt chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, tổng thống Mỹ khi đó của nước này là ông Ronald Reagan cũng dùng từ “đế chế” nhắm vào Liên Xô. Giờ đây, Bộ trưởng Quốc phòng Esper dùng lại khái niệm “đế chế” dường như ẩn chứa thông điệp đối đầu rõ ràng hơn nhằm vào Trung Quốc.
Học giả Nagao cũng lưu ý đến việc đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng rất nhiều từ mạnh mẽ như: “bắt nạt”, “đế chế hàng hải”, “cưỡng ép”, “hành vi xấu”, “bất hợp pháp”… khi mô tả về Trung Quốc. Trong khi đó, tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore giữa năm ngoái quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Patrick M.Shanahan đã sử dụng những từ ngữ “mềm dẻo” hơn để mô tả về Trung Quốc trong bài phát biểu của mình. Như vậy, sau khoảng 1 năm, Washington đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về hành vi xấu của Bắc Kinh.
Tại hội thảo online về an ninh hôm 21/7 nói trên, ông Esper yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế mà Trung Quốc và người dân Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ những năm qua.
Đồng thời ông đã đưa ra lời cảnh báo rằng: “trong khi chúng ta hy vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi cách thức của mình, chúng ta phải chuẩn bị cho phương án thay thế“.
Ông khẳng định: “Chúng ta phải duy trì một hệ thống tự do và cởi mở, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho hàng triệu người: tôn trọng chủ quyền, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình; tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy thương mại tự do, công bằng…”
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị cộng đồng, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để hỗ trợ một Ấn Độ – Thái Bình Dương thịnh vượng và an toàn cho tất cả mọi người…”
“Chúng tôi đang khuyến khích các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng các mối quan hệ an ninh nội khối và mạng lưới các đối tác cùng chí hướng.”
Điểm mấu chốt của bài phát biểu là về Biển Đông nhưng ông Esper đã đề cập đến các điểm nóng khác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương mà những xung đột này đều liên quan đến Trung Quốc với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực là Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, New Zealand…
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng cho biết Mỹ đang “theo dõi rất chặt chẽ” tình hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế.
Ông nói: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc rất chặt chẽ, những gì đang xảy ra dọc theo Đường kiểm soát thực tế và chúng tôi rất vui khi thấy cả hai bên đang cố gắng làm giảm nhiệt tình hình.”
Ông Esper cũng nói rằng mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ là “một trong những mối quan hệ quốc phòng quan trọng nhất của thế kỷ 21“.
Trong bối cảnh xung đột ở biên giới Ấn Độ với Trung Quốc, một nhóm tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz dẫn đầu đã thực hiện một cuộc tập trận quân sự với một hạm đội tàu chiến Ấn Độ ngoài khơi bờ biển Andaman và Nicobar hôm thứ Hai.
Các quan chức ở New Delhi cho biết bốn tàu chiến tiền tuyến của Hải quân Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận “PASSEX” khi nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ đi qua Khu vực Ấn Độ Dương trên đường trở về từ Biển Đông,.
USS Nimitz là tàu chiến lớn nhất thế giới và cuộc tập trận giữa hai hải quân có ý nghĩa quan trọng bởi nó diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở phía đông Ladakh cũng như việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Ông Esper nói rằng cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa các lực lượng hải quân Ấn Độ và Mỹ.
Ông phát biểu: “Tôi muốn nêu bật sự hợp tác quốc phòng ngày càng mạnh mẽ của chúng tôi với Ấn Độ, một trong những mối quan hệ quốc phòng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Chúng tôi đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Như chúng tôi đã nói hôm nay, USS Nimitz đang tiến hành một cuộc tập trận chung với hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong hợp tác mạnh mẽ hơn và ủng hộ một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
“Các tàu sân bay của chúng tôi đã tới Biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Chúng tôi sẽ ủng hộ chủ quyền của bạn bè và đối tác của chúng tôi.”
Ngoài vấn đề Biển Đông và biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, ông Mark Esper cũng đề cập đến áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc lên bán đảo Đài Loan.
Ông Esper nói rằng không ai ở Đài Loan tin rằng Trung Quốc sẽ thực hiện ‘một quốc gia, hai chế độ’ ở đây.
Ông nói rằng Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận mô phỏng để chiếm lấy một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát, và gọi đây là một hoạt động gây bất ổn và có thể trở thành những tính toán sai lầm.
Cũng trong cuộc trao đổi trực tuyến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper bày tỏ hy vọng có thể thăm Trung Quốc vào cuối năm nay.
Ông Esper hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để cải thiện các kênh ‘truyền thông khủng hoảng’ và bàn về các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.
Ông nói: “Trước khi hết năm, tôi hy vọng sẽ đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan tâm chung, thiết lập các hệ thống cần thiết cho truyền thông khủng hoảng và củng cố ý định cạnh tranh công khai trong hệ thống quốc tế.”
“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi cam kết mối quan hệ mang tính xây dựng và có kết quả với Trung Quốc và, trong mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi, để mở ra các kênh truyền thông và giảm thiểu rủi ro.”
Tuy nhiên, bên cạnh việc thể hiện công khai mong muốn đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay, ông Esper cũng vẫn khẳng định Hoa Kỳ đang bố trí các lực lượng để chống lại sự khiêu khích của Trung Quốc. Cụ thể sẽ gia tăng các hoạt động vì tự do hàng hải (FONOP) nhằm đối phó với những hành vi bất hợp pháp và yêu sách quá đáng của Trung Quốc. Cần lưu ý là số lượng các hoạt động vì tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện đã tăng cao chưa từng thấy trong năm 2019 so với cả bốn thập niên qua.
Không chỉ giới chức trong lĩnh vực quốc phòng, giới chức ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc kể từ sau ngày 13/7/2020 thời điểm Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm chống lại đà bành trướng của Trung Quốc.
Các Đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Campuchia đã liên tiếp đưa ra các thông cáo và bình luận trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, và trên các phương tiện truyền thông địa phương, cho rằng hành động của Bắc Kinh đã vi phạm, xâm lấn chủ quyền của nước khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan đã viết bài tố cáo các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mêkông, giữ lại nước sông trong mùa hạn hán năm ngoái.
Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Myanmar thì so sánh hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với cách thức Bắc Kinh hành xử tại chính nước này, nêu bật những điều bị coi là sai trái, như biến các khoản đầu tư thành bẫy nợ, buôn bán phụ nữ Myanmar qua Trung Quốc dưới hình thức con dâu, để cho ma túy từ Trung Quốc tràn ngập vào quốc gia Đông Nam Á này.
Những động thái mới của giới ngoại giao Hoa Kỳ được coi là sự đánh dấu cho một chiến thuật mới của ngành ngoại giao Mỹ trong khu vực nhằm mục đích chỉ rõ cho thế giới thấy Trung Quốc là mối đe dọa cho hòa bình, ổn định và an ninh của Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Và chiến thuật này đã thu lại được những thành công đầu tiên – đó là sự đồng tình một cách kín đáo hoặc công khai của một số chính phủ Đông Nam Á với lập trường mới nhất của Hoa Kỳ.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Việt Nam trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung ở Biển Đông
>>> “Dằn mặt” Mỹ – TQ điều chiến đấu cơ tới Hoàng Sa
>>> Việt Nam sẽ ‘chọn phe’ nào trên Biển Đông?