Trong những ngày gần đây, căng thẳng Mỹ – Trung tại Biển Đông đã leo thang gay gắt cả trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự. Là một quốc gia chung biên giới, chung hình thái kinh tế – xã hội với Trung Quốc, lại có chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông, Việt Nam đang lâm vào thế khó xử trong cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ tại vùng biển chiến lược này.
Hôm 13/7 vừa qua, Mỹ đã đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ nhất từ trước tới nay về Biển Đông khi Ngoại trưởng Mike Pompeo bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến tàu biển quan trọng đi qua.
Giới chuyên gia nhận định động thái này của Mỹ nhằm dọn đường cho các hành động cứng rắn hơn của nước này trong thời gian tới ở Biển Đông.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á David R. Stilwell trong ngày 14/7 còn cho biết có khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông.
Chuyên gia Gregory B.Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C. nhận định bản tuyên bố lập trường của Ngoại trưởng Mỹ giải thích những hành động của các chính quyền trước và mở ra con đường cho các thông điệp ngoại giao hiệu quả hơn, đáp trả mạnh mẽ hơn những hành động quấy nhiễu láng giềng của Trung Quốc.
Theo ông, lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc giở trò với một giàn khoan ngoài khơi Việt Nam, hay một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Indonesia, Hoa Kỳ có thể lên tiếng kiên quyết hơn để tố cáo những hành động bất hợp pháp trên, khiến Trung Quốc mang tai tiếng nhiều hơn trên trường quốc tế.
Học giả Mỹ cũng khẳng định bước đi này của Mỹ có thể khuyến khích các nước đòi hỏi chủ quyền ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines có thể tự vệ một cách mạnh mẽ hơn.
Trung Quốc rõ ràng đã phản ứng gay gắt với những tuyên bố của Mỹ.
Ngay hôm 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên đã chỉ trích tuyên bố lập trường mới của Mỹ về Biển Đông là “một hành động vô trách nhiệm“. Ông này cáo buộc Mỹ cố tình tạo ra tranh cãi về các yêu sách hàng hải và phá hủy hòa bình, ổn định khu vực.
Phản ứng trước phát ngôn của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 15/7 rằng Trung Quốc sẽ không sợ các biện pháp trừng phạt của Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục cáo buộc Mỹ đang gây rối và tạo ra bất ổn trong khu vực trước khi kêu gọi Washington “đừng tiếp tục đi sai đường“.
Bà nói: “Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn thận về chính sách của mình. Còn nói về biện pháp trừng phạt, Trung Quốc không sợ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Nếu Mỹ muốn khuấy động rắc rối thì hãy để bão tố nổi lên mạnh hơn nữa.”
Ngoại trừ sự phản đối của Trung Quốc, tuyên bố lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông nhận được sự đồng tình, ủng hộ tùy theo mức độ nhiều hay ít, phô trương hay kín đáo của các quốc gia liên quan.
Philippines là một trong những quốc gia đầu tiên bày tỏ sự đồng tình mạnh mẽ chỉ vài giờ sau Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định “nhất trí cao” với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết: “Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”. Ông Lorenzana đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982, tuân thủ các phán quyết của Toà trọng tài thường trực năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trong cuộc họp báo ngày 15/7 khi trả lời câu hỏi đề nghị bình luận về Tuyên bố lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông, đã nói: “Australia đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và chúng tôi tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải tại các vùng biển trong khu vực này”. Ông Morrison cũng cho hay Australia sẽ can dự chủ động, tích cực và theo cách của Australia vì Biển Đông là vấn đề mà nước này rất quan tâm.
Ngày 16/7, tại cuộc họp báo thường kỳ tại thủ đô New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết: “Ấn Độ coi Biển Đông là một phần của không gian toàn cầu chung, và New Delhi có những lợi ích vĩnh viễn gắn với hòa bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động thương mại hợp pháp, không bị cản trở tại các tuyến đường hàng hải quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho hay, New Delhi tin rằng mọi khác biệt có thể được giải quyết một cách hòa bình bằng việc thượng tôn các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam được truyền thông quốc tế đánh giá là phản ứng dè dặt trước bước ngoặt của Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Trong thông cáo ngày 15/7/2020, Bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề nhắc đến lập trường mới của Mỹ, mà chỉ ghi rằng « Việt Nam hoan nghênh quan điểm của các nước về vấn đề Biển Đông, theo quy định của luật quốc tế ».
Thái độ dè dặt này của Việt Nam được nhiều người lý giải rằng kịch bản tốt nhất cho Hà Nội là không có sự thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vì thay đổi sẽ không có lợi cho Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, thì nhận định Hà Nội bị kẹt trong một vị thế mà ở đó « ngoại giao là giải pháp đầu tiên và cuối cùng ». Bởi vì nếu các cuộc thương lượng – đó cũng là những gì chính phủ Việt Nam đang làm mỗi khi có những sự cố xảy ra – thất bại, nguy cơ bùng nổ xung đột là điều rất có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thế Phương, cộng tác viên cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, cũng khẳng định đối với Việt Nam, « giải pháp quân sự là lằn ranh phòng thủ sau cùng, chỉ sử dụng đến khi các thành tố khác của chiến lược phòng thủ đã thất bại ».
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam đang cân nhắc về việc kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết tuy chủ trương thương lượng, nhưng Việt Nam không loại trừ các biện pháp khác như hòa giải, trọng tài hay kiện tụng. Hồi tháng 5 Hà Nội đã chỉ định bốn trọng tài và bốn nhà hòa giải, dấu hiệu cho thấy Việt Nam chuẩn bị cho vụ kiện.
Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam đã được khuyến khích trước việc Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn hẳn trong chính sách Biển Đông, sự hiện diện của Hải quân Mỹ giúp ngăn chặn việc bành trướng quân sự của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này. Sau tuyên bố của Mỹ, phía Việt Nam cũng đã lên tiếng tái khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đang tìm cách chiêu dụ Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc loan báo thứ trưởng La Chiếu Huy (Luo Zhaohui) đã gặp gỡ đồng nhiệm Việt Nam Lê Hoài Trung hôm thứ Năm 16/7, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể. Đến thứ Sáu 17/7, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc tài trợ thông báo sẽ cho VPBank (Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) vay 100 triệu đô la để mở rộng tín dụng cho các cơ sở tư nhân bị thiệt hại vì đại dịch virus corona.
Sự việc này khiến giới quan sát tự hỏi phải chăng Bắc Kinh dùng lá bài tài chính để thuyết phục Việt Nam từ bỏ ý định đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo ra trước tòa án quốc tế, nhất là khi lập trường cứng rắn của Việt Nam như vừa được châm thêm củi lửa với việc Hoa Kỳ bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hà Nội vẫn đang cực kỳ thận trọng với những quyết định trong thời gian tới.
Hà Nội đang phải đánh giá xem liệu Hoa Kỳ có thật sự đến bảo vệ Việt Nam hay không trong trường hợp xảy ra xung đột nhất là khi Việt Nam và Hoa Kỳ chưa phải là những đối tác an ninh nên Hà Nội sẽ không có được một bảo đảm nào là sẽ có được một sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, đặc biệt là dưới một chính quyền đầy bất định của Tổng thống Donald Trump hiện nay.
Mặc dù, tuyên bố mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rất có thể là một ý định vạch ra một lằn ranh đỏ, một lời đe dọa rằng Washington có thể can thiệp nếu Bắc Kinh chiếm đóng thêm lãnh thổ hay có những hành động gây hấn nhắm vào những nước Đông Nam Á khác có đòi hỏi chủ quyền.
Nhưng lịch sử đã cho thấy nhiều lần Hoa Kỳ vạch ra lằn ranh đỏ nhưng lại không thực hiện nghiêm túc về mặt quân sự mỗi khi các đối thủ vượt qua giới hạn được ấn định. Chỉ mới đây trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Donald Trump, việc Damas sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân ở Syria và việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines năm 2012 vẫn là những bài học đắt giá với Hà Nội trong việc đưa ra quyết định về sách lược trên Biển Đông.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> “Dằn mặt” Mỹ – TQ điều chiến đấu cơ tới Hoàng Sa
>>> Mỹ và châu Âu bắt tay chống Trung Quốc
>>> Kẹp Tỷ dân, Trung Quốc toàn trị – Đè thế giới, Bắc Kinh bá quyền