Đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở cộng đồng tại nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay, nếu không kịp thời được ngăn chặn, kiểm soát, có thể sẽ gây ra những hậu quả ‘khôn lường’ về kinh tế – xã hội.
Bộ Y tế chiều 2/8 ghi nhận thêm 30 ca nhiễm nCoV từ số 591 đến 620, trong đó 16 người Đà Nẵng, 9 Quảng Nam, hai Đăk Lăk; Đồng Nai, Hà Nam mỗi nơi một ca, Khánh Hòa một ca nhập cảnh.
Trong 9 ngày qua,kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 120 ca, Quảng Nam 35, TP HCM 8, Đăk Lăk ba, Hà Nội hai và Quảng Ngãi mỗi nơi hai, các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai mỗi nơi một.
Hôm nay, thêm hai “bệnh nhân 524” và 475 tử vong.
Tổng số ca nhiễm cả nước lên 620, trong đó 373 người đã khỏi, năm người tử vong, 242 bệnh nhân đang điều trị.
Hơn 94.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 920 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, tại nhà hoặc nơi lưu trú gần 79.000.
Hôm thứ Năm, 30/7/2020, từ Hội An, một trong các địa phương ở miền Nam Trung Bộ của Việt Nam đang phải tích cực đối phó tái phát dịch bệnh, kinh tế gia Bùi Kiến Thành trước hết đưa ra bình luận bao quát với BBC News Tiếng Việt:
“Theo tôi, đây là hệ lụy của việc chưa kiểm soát được tốt nguồn nhập cư trái phép, nếu tiếp tục thì chưa thể tính được mức tác động đến nền kinh tế nói chung.
“Tuy nhiên các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, khoanh vùng các điểm dịch, cách ly các đối tượng có tiếp xúc với người bị bệnh và truy lùng các đối tượng có nguy cơ truyền bệnh trong cộng đồng.
“Nếu làm tốt các động tác này thì có thể giới hạn nạn bùng phát. Theo kinh nghiệm đã trải qua, có thể tin tưởng rằng công tác truy lùng và hạn chế lây lan trong cộng đồng sẽ có kết quả tốt.”
‘Bế tắc, ngưng trệ, thất nghiệp tăng’
Về hệ lụy, ảnh hưởng kinh tế – xã hội của bùng phát Covid-19, chuyên gia tư vấn chính sách này nêu quan điểm:
“Còn về thiệt hại thế nào đến nền kinh tế, thì trước mắt đã ghi nhận sự bế tắc của hoạt đông du lịch vừa mới được khởi động lại, rồi đây các hoạt động liên quan sẽ bi ngưng trệ, thất nghiệp sẽ tăng thêm, sức tiêu dùng sẽ giảm.
“Các họạt động đầu tư nước ngoài mới vừa được manh nha phát triển tốt, sẽ bị đình trê vì nhân sự nước ngoài đến nghiên cứu thị trường và cung ứng lao động cấp cao sẽ bị hạn chế, môi trường phát trển đầu tư sẽ bị xấu đi, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận đầu tư mới.”
“Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để ước tính hậu quả, trong những ngày tới, với kết quả của các biện pháp “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam như thế nào, thì mới thấy rõ ràng hơn.”
Về ảnh hưởng có thể có của đợt bùng phát dịch Covid-19 với một số địa phương ở Nam Trung Bộ, hay các trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội lớn trong cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến:
“Riêng các địa phương Nam Trung Bộ, như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đến Nha Trang, Phú Yên v.v…, thì mùa du lịch năm nay sẽ bị tác động lớn, nguồn dịch ập đến ngay trong lúc mùa du lịch đang khởi động lại. Một phần khá lớn các du khách đã hủy các chuyến đi, kể cả các Tour v.v…, kéo theo sự đình trệ trong các lĩnh vực liên quan.
“Sài Gòn, Hà Nội đã có các biện pháp cách ly xã hội để ngăn ngừa lây lan, việc cần phải làm tiếp theo là chuẩn bị các phương tiện cứu chữa bệnh, cách ly, hạn chế các khách từ các nơi khác đến… cho có hiệu quả không để cho vỡ trận.”
Khi được hỏi Việt Nam cần có biện pháp gì tiến hành vào thời điểm này để khắc phục một cách hiệu quả, bền vững, chuyên gia kinh tế từ Hội An nêu ý kiến:
“Về hoạt động kinh tế, thì theo tôi cần khẩn trương ngồi lại với các Hội đoàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam – VCCI v.v… để nhanh chóng thống nhất các giái pháp ứng cứu cho doanh nghiệp, phát triển những thị trường nào có tiềm năng, kể cả trong mùa dịch. Đề ra những chính sách, biện pháp tài khóa, tiền tệ cần thiết, để doanh nghiệp có thể tránh bị hủy diệt, xây dựng kế hoạch phát triển trong hoàn cảnh, giai đoạn mới.”
‘Khó tiên lượng, nguy hiểm cao’
Khi được đề nghị đưa ra dự phóng, tiên lượng tình hình tiếp tới đây của việc tái bùng phát Covid-19 ở cộng đồng tại Việt Nam sẽ ra sao và nước này cần phải làm gì để có thể quản lý, kiểm soát an toàn, hiệu quả và bền vững đại dịch, từ Melbourne, bang Victoria, Úc, Bác sỹ Phan Đình Hiệp nói với BBC News Tiếng Việt qua một thảo luận trực tuyến hôm 30/7/2020:
“Nói thật là khó tiên lượng, đợt này có thể nói là nguy hiểm hơn đợt trước, độ nguy hiểm chắc chắn là cao hơn lần trước.
“Còn nếu chúng ta tiên lượng là xấu thì cũng buồn cho Việt Nam, mà nếu nói là tốt thì không hợp lý lắm, thành ra câu hỏi này, câu trả lời xin bỏ ngỏ.
“Chỉ thiết tha mong rằng Việt Nam làm xét nghiệm (test) thật nhiều, giãn cách xã hội cho thật tốt, đặc biệt tôi tin rằng với người Việt Nam thì khá trung thực và khá quan tâm về vấn đề dịch bệnh này, hơn là một số cộng đồng khác.
“Có thể nói là người Việt Nam quan tâm về Covid-19 này tốt hơn cả những người ở bên Úc này nữa, người bên Úc người ta còn chủ quan hơn rất là nhiều.
“Nhưng mà ở Việt Nam có những lỗ hổng quá lớn, đặc biệt là những người Trung Quốc ở biên giới vào Việt Nam quá dễ dàng và cái đó có thể đưa ra đầy đủ các thuyết âm mưu từ đó cũng được, nhưng mà tôi không phải là người đưa ra thuyết âm mưu.
“Chỉ muốn nói rằng một mặt người dân phải chống dịch, một mặt chính quyền phải hỗ trợ người dân, mặt khác y tế phải cố gắng tích cực và trung thực, còn lại sẽ là nhờ Trời.”
Sống ở thành phố Oxford, Anh quốc, Tiến sỹ Hoàng Kim Phúc, một chuyên gia trong lĩnh vực sinh học và y – sinh học nhiệt đới nói với BBC News Tiếng Việt:
“Theo tôi nghĩ, đợt dịch này phức tạp hơn đợt trước rất nhiều vì rõ ràng nó đã có triệu chứng đã lan khá rộng.
“Tuy nhiên, theo tôi hiểu sử dụng những biện pháp ráo riết như đã từng làm ở Việt Nam trong đợt trước thì tôi nghĩ là sẽ có thể kiểm soát được nó.
“Song ở đây, cái mà tôi muốn nói hãy tìm cách để chọn lọc ở trong một loạt những giải pháp đã dùng, những giải pháp nào cần phải duy trì, cần phải đẩy mạnh thì đẩy mạnh, còn những giải pháp nào quá đáng thì phải rút.
“Để làm gì? Để cân bằng giữa sự sống còn của nền kinh tế và đồng thời chúng ta vẫn hạn chế và kiểm soát được dịch.”
Khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong tháng 7 vừa qua, riêng 3 bệnh viện ở Đà Nẵng có 800.000 lượt người đến đây.
Sáng 2-8, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 2 lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng – nơi đang điều trị các ca bệnh Covid-19.
Theo ông Long, Đà Nẵng có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (từ ngày 1 đến 29-7), riêng với khu vực 3 bệnh viện có tới 800.000 lượt người đến đây.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Đà Nẵng áp dụng cách ly như Vũ Hán
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, cả nước đang đứng trước tình thế hết sức đặc biệt. Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, làn sóng thứ hai. 37/63 tỉnh có ca lây nhiễm, trên 50% địa phương có dịch nhưng tổng thể đất nước vẫn an toàn.
Nhận định về nguy cơ, ông Nhân phân tích hiện không có đủ thông tin dự báo nhưng từ đồ thị dịch bệnh, dự báo trong khoảng thời gian từ ngày 23-30/8 nguy cơ cao, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, tức là cả nước sẽ có 970 người đang điều trị trong BV, hiện nay chỉ có 216 ca.
“Nếu không làm quyết liệt, sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, nước ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch“, ông Nhân đánh giá.
Bí thư Nhân đặt vấn đề, Đà Nẵng có 120 người đang điều trị, phải có mục tiêu như thế nào? TP.HCM và Hà Nội có nguy cơ lớn, riêng TP.HCM từ 1-27/7 khi dừng bay, có 140.000 người về từ Đà Nẵng.
Bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số dịch mà thế giới công bố. Ông Nhân cho rằng: “Cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, mức độ rất cao, nhất là khi Bộ Y tế đã thông tin dịch diễn ra 4-5 chu kỳ từ đầu tháng 7“.
Ông Nhân đề nghị, từ kinh nghiệm quốc tế, cụ thể ở Vũ Hán, Đà Nẵng phải áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn dịch.
Ở Vũ Hán, khi xảy ra dịch ở mức cao nhất, họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày 1 người đi chợ 1 lần, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà. Sau một thời gian họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà.
Vấn đề thứ hai là năng lực cách ly cũng phải tính toán, vì từ kinh nghiệm của TP.HCM cứ 1 người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan, nếu áp dụng số này cho Đà Nẵng có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly. “Rõ ràng không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người, Đà Nẵng đang cho xây dựng BV dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ nhưng với số người 28.000 thì điểm cách ly đó rất nhỏ bé. Từ đó, phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất, đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu, hướng dẫn về cách ly gia đình“, ông Nhân cho biết.
Thủ tướng: TP.HCM chưa nên giãn cách xã hội, đồng ý đưa 400 người kẹt ở Đà Nẵng về địa phương
‘Giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất’.
Thủ tướng nhấn mạnh như vậy khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 chiều 2-8.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tăng cường các chuyên gia từ Hà Nội, TP.HCM vào cùng Đà Nẵng, Quảng Nam ngăn ngừa dịch.
Thủ tướng đề nghị các địa phương kiên quyết ngăn chặn dịch và khoanh vùng giãn cách xã hội ở khu vực cụ thể khi có dịch để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
“Như vậy giãn cách xã hội đặt ra tới đâu chứ không phải cả nước giãn cách. Nhưng một vài địa phương vì quá nóng vội đã giãn cách xã hội. Hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất” – Thủ tướng lưu ý.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> COVID-19: Châu Á đối mặt với làn sóng thứ hai
>>> Việt Nam: Làn sóng lây nhiễm mới tràn vào Hà Nội, TPHCM
>>> “Viêm phổi Vũ Hán” chính thức lan ra trong cộng đồng ở Việt Nam