Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Có lẽ ít có thời điểm nào mà Trung Quốc hứng chịu liên tiếp những tin xấu nhiều như tháng 7 vừa qua. Căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây đột ngột gia tăng cường độ, đặc biệt là cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc trên tất cả các mặt trận đều leo thang từ cuộc chiến lãnh sự đến vấn đề Hồng Kông, hồ sơ Huawei hay cuộc chay đua trên Biển Đông.

Việc Bắc Kinh hồi đầu tháng 7 chính thức áp đặt luật an ninh mới với Hồng Kông như một sự kiện khơi mào cho một tháng 7 đen tối của chính nước này.

Canada, Úc, Anh, New Zealand, Liên minh châu Âu, Đức lần lượt thông báo đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông cũng như ngưng xuất khẩu thiết bị quân sự nhạy cảm sang đặc khu này đồng thời các nước phương Tây còn mở rộng cánh cửa đón người dân Hồng Kông đến cư trú.

Chính quyền Canada ngày 03/7 thông báo tạm ngưng hiệp định dẫn độ với Hồng Kông cũng như xuất khẩu trang thiết bị quân sự « nhạy cảm ». Trong buổi họp báo, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định lập trường tin tưởng rằng nguyên tắc « một đất nước, hai chế độ » là nền tảng bảo đảm cho Hồng Kông có những quyền tự do mà không nơi nào khác ở Trung Quốc được hưởng. Vẫn theo ông Trudeau, Canada chấp nhận nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ  không chỉ vì sự an toàn của 7,5 triệu người dân Hồng Kông, mà còn vì 300 ngàn công dân Canada đang sinh sống » tại đặc khu. Do vậy, trong những ngày sắp tới, chính quyền Ottawa sẽ cho « xem xét các biện pháp có thể đưa ra để bảo đảm an ninh cho các công dân của mình, nhất là trên phương diện di dân ». Canada cũng là nước có nhiều người Hồng Kông sinh sống nhất, có thể cấp giấy phép thường trú cho công dân đặc khu nếu đầu tư 112.000 đô la, một món tiền không hề cao so với giá nhà đắt đỏ tại Hồng Kông.

Sang ngày ngày 09/7, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo ngừng thực thi hiệp định dẫn độ với Hồng Kông, đồng thời nới lỏng quy định di trú đối với người dân đặc khu hành chính. Lãnh đạo Chính phủ Úc còn thông báo khoảng 10.000 công dân Hồng Kông hiện đang ở Úc, chủ yếu là các sinh viên, có thể gia hạn thẻ lưu trú thêm 5 năm và khi hết hạn họ có thể xin cấp thẻ thường trú. Còn người Hồng Kông muốn nhập cư Úc theo dạng đầu tư thì số tiền đầu tư ở mức là 1,1 triệu đô la.

Ảnh: Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo tại thủ đô Ottawa ngày 22/6/2020

Tới ngày 20/7, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chính thức tuyên bố dừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông “ngay bây giờ và vô thời hạn” nhằm đáp trả việc Trung Quốc thiết lập luật an ninh mới với đặc khu này.

Bên cạnh đó, ông Raab cũng cho biết lệnh cấm vận vũ khí mà Anh áp đặt lên đại lục từ năm 1999, bao gồm vũ khí sát thương và các thiết bị quân sự có thể bị sử dụng để trấn áp nội bộ, cũng được mở rộng sang Hồng Kông.

Trước đó, Vương quốc Anh đã đồng ý cấp cho 350.000 cư dân Hồng Kông đang mang hộ chiếu hải ngoại của Anh – và hơn 2,6 triệu người đủ điều kiện – quyền cư trú nếu họ muốn đến Vương quốc Anh và một lộ trình để có thể nhập tịch. Những người mang hộ chiếu công dân Anh hải ngoại sẽ có quyền cư trú tại Anh trong 5 năm, trước khi nộp đơn xin quy chế thường trú. 12 tháng sau khi được cấp quy chế thường trú, người này có thể nộp đơn xin quốc tịch Anh.

Ngày 28/7, Ngoại trưởng new Zealand Winston Peters thông báo nước này đã ngừng thực thi hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Ông Peters tuyên bố New Zealand không còn tin tưởng rằng hệ thống tư pháp Hồng Kông đủ độc lập đối với Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Peters, New Zealand cũng hủy những ưu đãi đặc biệt về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho Hồng Kông, đặc biệt là hàng hóa quân sự hoặc có 2 mục đích sử dụng.

Cũng trong ngày 28/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định giới hạn việc xuất sang Hồng Kông các thiết bị sử dụng để giám sát và đàn áp. Với quyết định vừa thông qua, các thiết bị như vòi rồng, camera, phần mềm tin học, cũng như các loại vũ khí dân sự hay quân sự, những thiết bị có thể được sử dụng để trấn áp biểu tình, sẽ không còn được bán sang Hồng Kông. Đối với Châu Âu, đây là một cách để giúp đỡ phong trào đấu tranh dân chủ trước luật an ninh của Bắc Kinh, vốn đề ra những án tù có thể lên đến chung thân đối với mọi hành động bị xem là lật đổ chính quyền, ly khai hay cấu kết với ngoại bang.

Một vế khác trong sự hậu thuẫn của Châu Âu đối với người dân Hồng Kông, là họ sẽ được cấp visa dễ dàng hơn, hay hưởng học bổng, tham gia các cuộc trao đổi giữa các đại học.

Ảnh: Ngoại trưởng Dominic Raab tuyên bố trước quốc hội Anh về quyết định liên quan đến Hồng Kông

Đến ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 31/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo Đức ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, sau khi lãnh đạo đặc khu Carrie Lam tuyên bố hoãn cuộc bầu cử địa phương một năm.

Ngay trước đó, Ngoại trưởng Đức tuyên bố ngừng xuất khẩu những mặt hàng nhạy cảm như công nghệ quân sự hoặc hàng hóa “ứng dụng kép” có thể phục vụ mục đích quân sự sang Hồng Kông, nhằm phản đối việc Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia mới với đặc khu này.

Chính quyền Hồng Kông ngày 31/7 đã hoãn cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vốn dự kiến diễn ra trong tháng 9 và dời sang năm sau, nói rằng đây là điều cần thiết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại thành phố này.

Tuy nhiên, phe đối lập đã cáo buộc chính quyền dùng đại dịch như một cái cớ để ngăn bầu cử, vốn được dự báo là phe đối lập sẽ có thể đạt được nhiều thắng lợi.

Trước đó một ngày, chính quyền đặc khu cũng đã cấm 12 ứng cử viên đối lập chạy đua bầu cử.

Hoa Kỳ là quốc gia có những phản ứng mạnh mẽ hơn cả khi Tổng thống Mỹ Donald Donald Trump hồi giữa tháng 7 cũng đã thông qua “Đạo luật tự chủ Hồng Kông” nhằm trừng phạt những cá nhân và thực thể mà Mỹ cho là đã làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông, đồng thời rút quy chế ưu đãi thương mại dành cho Hồng Kông liên quan đến việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh với đặc khu này.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, Mỹ đã chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng có nguồn gốc từ Mỹ tới Hồng Kông và từng bước áp đặt những hạn chế tương tự đối với các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Mỹ cho Hồng Kông như đối với Trung Quốc.

Đồng thời, các quy định của Bộ Thương mại Mỹ vốn dành ưu đãi cho Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục, gồm các ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu, cũng sẽ bị ngưng lại. 

Ảnh: Ngoại trưởng Đức Heiko Maas

Căng thẳng leo thang thêm một nấc khi các nước Anh (ngày 14/7) và Pháp (22/7) cũng lần lượt thông báo gạt dần Huawei – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G chiến lược.

Bộ trưởng kỹ thuật số Oliver Dowden nói với Hạ viện Anh về quyết định cấm các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động của Vương quốc Anh mua thiết bị mới 5G của Huawei sau ngày 31/12 và họ cũng phải gỡ bỏ tất cả bộ thiết bị 5G của hãng này khỏi mạng lưới của mình vào năm 2027.

Còn tại Pháp, trong tương lai, Huawei sẽ bị loại bỏ khỏi các mạng di động của nước này. Các giấy phép được cấp cho thiết bị của Huawei chỉ có thời hạn từ 3 đến 5 năm, trong khi phần lớn giấy phép dành cho các thiết bị của những đối thủ châu Âu như Ericsson hoặc Nokia đều có thời hạn đến 8 năm. Bên cạnh đó, Cơ quan an ninh mạng Pháp (ANSSI) đã thông báo một cách không chính thức, thay vì tuyên bố chính thức bằng văn bản, với các nhà mạng rằng, giấy phép dành cho các thiết bị của Huawei sẽ không được cấp mới sau thời gian vừa đề cập. Các nguồn tin nhận định những hạn chế như trên sẽ dẫn đến khả năng Huawei bị loại bỏ khỏi các mạng 5G của Pháp vào năm 2028.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những tin xấu nhất với Trung Quốc. Đỉnh điểm của cuộc đọ sức Phương Tây – Trung Quốc là trong cùng ngày 22/7, Hoa Kỳ bất ngờ cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự ở Houston, bang Texas. Ngoại trưởng Mike Pompeo tố cáo lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức « đánh cắp các sở hữu trí tuệ » của Mỹ.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Bộ Tư Pháp Mỹ lần lượt thông báo truy tố hai tin tặc Trung Quốc, tìm cách đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu về COVID-19, và bắt giữ bốn công dân Trung Quốc khác cũng bị tình nghi hoạt động do thám.

« Ăn miếng trả miếng », ngày 24/7, Bắc Kinh yêu cầu đóng cửa lãnh sự Mỹ tại Thành Đô, một trong những lãnh sự quan trọng nhất của Mỹ cho phép bao phủ các vùng phía tây nam của Trung Quốc như Tân Cương và Tây Tạng.

Trong khi đó, đối đầu Mỹ – Trung gia tăng còn làm cho Biển Đông dậy sóng dữ dội.

Lần đầu tiên, Hoa Kỳ điều đến ba hàng không mẫu hạm đến tập trận tại Biển Đông. Ngày 04/7, Hải quân Mỹ ra thông cáo khẳng định hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành các cuộc tuần tra và diễn tập tại Biển Đông nhằm « bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do ».

Hoạt động quân sự này của Mỹ diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang tổ chức các cuộc tập trận có quy mô lớn gọi là « Tam đại chiến địa » ở ba vùng biển lớn : Hoàng Hải, Hoa Đông và Nam Hải mà Việt Nam gọi là Biển Đông, xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam.

Điều đáng chú ý là ngày 14/7, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mạnh mẽ cho rằng các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là « bất hợp pháp », đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ tại Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng thái độ cứng rắn này của Mỹ, ít nhiều cũng mang lại lợi thế cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Hơn nữa, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực với tần suât dày đặc và lực lượng đông đảo có thể là nhằm gây khó khăn cho các hành động đơn phương của Trung Quốc mà nước này dự trù nếu như không có sự hiện diện của Mỹ, ví dụ chiếm thêm các đảo hoặc hung hăng bắt nạt các nước cũng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.

Phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến tranh lạnh mới như nhận xét của nhiều nhà quan sát ?

Theo RFI, ông Pierre-Antoine Donnet (Pi-e Ăng-toan Đon-nê), nguyên thông tín viên hãng tin Pháp (AFP) tại Bắc Kinh, nhận định cuộc chiến tranh lạnh lần này khác rất xa so với những gì xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô năm xưa.

Ông phân tích: « Khác là bởi vì cuộc đọ sức này chủ yếu nhắm vào những khía cạnh công nghệ và thương mại. Trên hai lĩnh vực này, đúng là có một sự đối đầu cực kỳ gay gắt, đã được khởi động để rồi kéo dài trong thời gian rất lâu. Hơn nữa, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 có ra sao, một điều chắc chắn đây là chủ đề duy nhất mà cả Joe Biden và Donald Trump có cùng một quan điểm. »

Julien Nocetti (Giuy-liêng Nô-xét-ti), chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật số, cộng tác viên Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cũng có cùng quan điểm cho rằng công nghệ kỹ thuật số mới chính là cốt lõi của cuộc đọ sức này.

Ông nói: « Tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của một chu kỳ, với việc Hoa Kỳ chấm dứt thái độ ʺngây thơʺ một cách hơi thô bạo. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, người ta hy vọng là sự hội nhập với toàn cầu hóa, sự đổi mới không ngừng trong nền kinh tế sẽ đưa Trung Quốc đi đến việc dân chủ hóa đất nước.

Hai mươi năm sau, người ta rơi vào một bối cảnh hoàn toàn khác biệt, đầy biến đổi, rất hỗn loạn, với sự bật dậy của mô hình Trung Quốc khác rất nhiều so với những gì Mỹ từng hy vọng. Và mô hình Trung Quốc đó còn biết cách trục lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số chỉ trong vòng có 20 năm. Tôi cho rằng những gì đang làm cho căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên xơ cứng, một phần lớn chính là vì vấn đề công nghệ kỹ thuật số. »

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc rải gián điệp – Mỹ thừa cơ truy bắt

>>> Mỹ quyết đập tan Kế hoạch “Made in China 2025”

>>> Cấm nhập cảnh, Khóa tài khoản – Mỹ ra tay trừng phạt quan chức Trung Quốc