Trung Quốc đã triển khai tàu chiến và máy bay ném bom tới các căn cứ mà họ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, hình ảnh vệ tinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, trong hành động phô trương sức mạnh quân sự mới nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trang mạng American Military nói máy bay ném bom H-6G và H-6J của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thực tập cất cánh vào ban đêm, và tiếp liệu trên không. Nhưng các chuyên gia nhận định rằng mục đích của các cuộc diễn tập này là để kiểm tra sức dẻo dai chịu đựng của phi công trong những chuyến bay dài.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận các cuộc diễn tập hồi gần đây với báo South China Morning Post, nói rằng đậy là một hoạt động huấn luyện thường lệ nhằm nâng cao khả năng chiến đấu.
Nhưng bản tin của Benar News lưu ý rằng động thái này diễn ra trước cuộc tập trận RIMPAC – Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo có sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực.
Các nước tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 17/7 tới 31/8/2020, gồm có Việt Nam, Úc, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Trung Quốc diễn tập tấn công tàu sân bay Mỹ?
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc có khả năng mang phi đạn chống hạm. Ông Colin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, nói với báo South China Morning Post rằng các oanh tạc cơ này có thể huấn luyện để ứng phó trong nhiều tình huống, kể cả tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn cho biết các chiến đấu cơ hiện đại của họ thuộc Quân khu Miền Nam đã bay tới căn cứ đảo Subi vào tuần trước.
Benar News nói đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã trình chiếu một video tài liệu quay cảnh một phi đoàn Không quân của PLA tham gia diễn tập hồi cuối tuần. Trong một đoạn video, 4 chiến đấu cơ Su-30MKK diễn tập tiếp nhiên liệu trên không trong chuyến bay dài 10 giờ đồng hồ tới đá Subi.
Trung Quốc gần đây đã liên tiếp có các cuộc tập trận ở Biển Đông, gồm đợt thao diễn bắn đạn thật của máy bay ném bom thuộc Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam Quân Giải phóng Trung Quốc, máy bay ném bom diễn tập tuần tra ban đêm trên biển trong các ngày 20-22/7, và máy bay chống tàu ngầm diễn tập hồi đầu tháng Bảy, Hoàn Cầu Thời báo trích dẫn các thông cáo báo chí của quân đội Trung Quốc nói.
Đá Subi chỉ cách đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát có 13 hải lý, đảo Thị Tứ mới được tân trang, xây lại phi đạo, nhưng không thể nào so được với các phương tiện trên đá Subi, nơi có đường bay dài tới 3000 m, trang bị đầy đủ radar và thiết bị liên lạc.
Thái độ bất nhất của Tổng Thống Philippines Duterte
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc, cũng như các tàu của dân quân hàng hải Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ngoài khơi Philippines. Tổng Thống Rodrigo Duterte của nước này thừa nhận nước ông không đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Trung Quốc đòi chủ quyền, chúng ta nói nơi đó là thuộc chủ quyền của chúng ta. Trung Quốc có vũ khí, chúng ta không có vũ khí, cho nên họ đang chiếm đóng vùng lãnh thổ đó.”
Mới đây Trung Quốc còn điều hai tàu chiến tới Đá Vành Khăn nằm cách đảo Palawan của Philippines 150 hải lý. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu chiến 054A và 056 của Trung Quốc có mặt ở nơi này hôm Chủ nhật 2/8. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số tàu tiếp liệu ra vào nơi này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ hai 3-8 vừa đột ngột cấm các hải quân nước này tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và các nước khác ở Biển Đông, một động thái có thể làm suy yếu nỗ lực của Washington nhằm xây dựng liên minh chống Trung Quốc ở vùng biển nhiều tranh chấp.
“Philippines sẽ không tham gia bất cứ cuộc tập trận nào với các nước khác ở Biển Đông, trừ vùng lãnh hải của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một cuộc họp báo hôm 3/8, và nêu ra lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
“Tổng thống Duterte ra lệnh hiện vẫn có hiệu lực với chúng tôi, với tôi, rằng chúng tôi không được tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngoại trừ vùng lãnh hải của chúng tôi, rộng 12 hải lý tính từ bờ biển của chúng tôi”, ông Lorenzana cho hay. “Vì vậy, chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không thể tập trận với họ ở Biển Đông“.
Quyết định gây tranh cãi của ông Duterte gây ra bất bình trên khắp cả nước và bị xem là một sự nhượng bộ nữa của ông Duterte đối với Bắc Kinh, chỉ vài tuần sau khi các quan chức hàng đầu của Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu nước này tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 ủng hộ các yêu sách về biển của Philippines, trong khi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc, Manila phát ra tín hiệu gây phân vân về quốc phòng vì ông Duterte dường như không phản đối việc một đơn vị hải quân khá lớn của Philippines tham gia cuộc tập trận Thái Bình Dương 2020 (RIMPAC20) ở Honolulu, Hawaii, là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu, tiến hành 2 năm 1 lần.
Philippines sẽ điều tàu khu trục tên lửa mới được đưa vào biên chế BRP Jose Rizal (FF-150) tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn giữa Mỹ và khoảng 20 đồng minh, dự kiến kéo dài trong hai tuần vào cuối tháng này.
Mỹ, Úc khẳng định lập trường Biển Đông
Các cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc liên tục kèn cựa nhau trong Biển Đông.
Luật pháp quốc tế về nguyên tắc, vẫn coi Đá Vành Khăn là một bãi cạn, nhô lên khi thủy triều thấp, nhưng Trung Quốc đã xây nơi này thành đảo nhân tạo lớn nhất của họ, và biến Đá Vành Khăn thành một căn cứ quân sự đầy đủ với một cảng lớn và đường băng dài.
Military.com dẫn lời người phát ngôn của quân đội Trung Quốc, ông Ren Guoqiang, nói rằng các cuộc diễn tập với máy bay ném bom là một phần của công tác huấn luyện quân sự thường lệ để nâng cao năng lực chiến đấu.
Ông tuyên bố Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở “biển Nam Trung Hoa”, và cho rằng các cuộc diễn tập của Hải quân Hoa Kỳ gần đây với hai nhóm tàu sân bay tác chiến USS Ronald Reagan và USS Nimitz là chứng cớ cho thấy “thái độ bá chủ” của Mỹ trong khu vực.
Thông báo của Hoa Kỳ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đòi công nhận vùng biển quốc tế từ các đảo do họ chiếm đóng, phù hợp với phán quyết của Tòa án trọng tài năm 2016.
Sau động thái của Mỹ, chính phủ Úc chính thức bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, tiếp theo sau nhiều nước đã lên tiếng tán thành quan điểm của Mỹ và Úc, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Philippines..
Trung Quốc tuyên bố không thay đổi chính sách Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ UNCLOS
Ngày 29/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc không thay đổi chính sách đối với vấn đề Biển Đông và nghiêm chỉnh tuân thủ các luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Tân Hoa Xã đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức nhằm phản hồi bài phát biểu hôm 14/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ nước này không bao giờ mở rộng các yêu sách chủ quyền.
Theo ông Uông Văn Bân, chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn không thay đổi, trước sau như một và ổn định. Quan chức này cho biết thêm Bắc Kinh luôn nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển và lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.
Người phát ngôn Uông Văn Bân nói: “Chúng tôi luôn tuân thủ Tuyên bố về cách ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để thúc đẩy các cuộc tham vấn về Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm sớm đạt được một bộ qui tắc chung cho Trung Quốc và các nước ASEAN”.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh Mỹ không phải là một biên liên quan tới vấn đề Biển Đông, và cũng không phải là một thành viên tham gia UNCLOS, cáo buộc Mỹ vi phạm thô bạo cam kết không thể hiện lập trường về vấn đề chủ quyền Biển Đông và cố tình chia rẽ Trung Quốc và các nước ASEAN. Các quốc gia trong khu vực và nhân dân yêu chuộng hòa bình sẽ không cho phép một số ít chính trị gia Mỹ khuấy động các vùng biển ở Biển Đông.
Theo Reuters, dù Mỹ và đồng minh Úc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao về Trung Quốc và đồng ý về sự cần thiết phải duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh tới quan hệ quan trọng giữa Canberra với Bắc Kinh và tuyên bố không có ý định làm tổn thương mối bang giao này.
Australia-Mỹ ra tuyên bố chung, bác toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Tối 28/7 (giờ Việt Nam), kết thúc cuộc họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ- Australia (AUSMIN) lần thứ 30 tại Thủ đô Washington (Mỹ), các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã ra tuyên bố chung đề cập một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Tuyên bố chung nêu rõ, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ và Australia khẳng định, những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố nhấn mạnh, Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn“, “quyền lịch sử” hoặc toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông, cho rằng hành động của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên khẳng định phán quyết năm 2016 của PCA là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc, đồng thời nhấn mạnh, tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Mỹ và Australia bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi, bao gồm các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt lâu đời, cũng như đảm bảo nghề cá tại Biển Đông .
Tuyên bố cho rằng, các bên cần tăng cường cam kết không tham gia các hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa ở Biển Đông.
Ngoài vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước cũng khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của liên minh Mỹ-Australia và hai nước sẽ cùng hợp tác với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để duy trì một khu vực an toàn, thịnh thượng và dựa trên luật pháp quốc tế.
Về hợp tác quốc phòng song phương, Mỹ và Australia quyết tâm tăng cường hợp tác quốc phòng và thừa nhận sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Mỹ giúp Nhật theo dõi Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp
Quân đội Mỹ sẽ giúp Nhật Bản theo dõi sự xâm nhập “chưa từng có” của Trung Quốc ở quanh các quần đảo thuộc quyền kiểm soát của Tokyo ở Biển Hoa Đông, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, Reuters đưa tin, dẫn lời chỉ huy của các Lực lượng Mỹ ở Nhật hôm 29/7.
Tuyên bố của Trung tướng Kevin Schneider được đưa ra trong một cuộc họp báo trên mạng, giữa lúc các tàu bè của Trung Quốc chuẩn bị đánh bắt tại các vùng biển kế cận.
“Hoa Kỳ cam kết 100% nhằm giúp chính phủ Nhật Bản với tình thế này”, ông Schneider nói, chỉ trích hành động “khiêu khích và thâm hiểm” của Trung Quốc.
“Các tàu bè của Trung Quốc tới rồi đi vài lần trong một tháng và giờ chúng ta thấy chúng thả neo và thực sự thách thức chính quyền Nhật Bản”.
Theo Reuters, bình luận của ông Schneider được đưa ra giữa lúc ông và chỉ huy cấp cao của Mỹ chỉ trích Bắc Kinh củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh hải giữa lúc bùng phát dịch bệnh virus Corona và khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi nhanh chóng.
Trong vòng một giờ, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về phát biểu của ông Schneider.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng quần đảo là lãnh thổ của Trung Quốc và kêu gọi “tất cả các bên duy trì ổn định trong khu vực”.
Cuộc tranh chấp ở quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Washington tuyên bố trung lập về vấn đề chủ quyền này, nhưng đã cam kết giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo trước các cuộc tấn công.
Nhật Bản là nơi hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ lớn nhất ở châu Á.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chuẩn bị “đuổi” Việt Nam – Trung Quốc thay đổi định nghĩa Biển Đông
>>> Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
>>> Tập Cận Bình và cơn “ác mộng” Trung Hoa