Hôm 10/8, Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 11 công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả các quan chức, để đáp trả việc Washington trừng phạt 11 quan chức Hong Kong và Trung Quốc hôm 7/8, với cáo buộc hạn chế quyền tự do chính trị tại Hong Kong, theo Reuters.
Trong số những người bị Bắc Kinh trừng phạt từ hôm 10/8 có các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Tom Cotton, Josh Hawley, Pat Toomey và Dân biểu Chris Smith, cũng như các cá nhân thuộc các tổ chức phi lợi nhuận và nhân quyền.
“Để đối phó với những hành vi sai trái đó của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có hành vi thiếu nghiêm túc trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 10/8.
Hôm 7/8, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cũng như các cảnh sát trưởng hiện tại và trước đây của thành phố, theo một lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký.
Các biện pháp trừng phạt này bao gồm đóng băng mọi tài sản ở Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các quan chức và thường cấm người Mỹ làm ăn với họ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ bị Bắc Kinh trừng phạt hôm 10/8 từng lên tiếng chỉ trích luật an ninh quốc gia mới nhằm mở rộng thẩm quyền của Bắc Kinh ở Hong Kong.
Biện pháp mới nhất của Bắc Kinh cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt mới đối với những người đứng đầu nhóm vận động nhân quyền Freedom House và Human Rights Watch có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người đứng đầu Viện Dân chủ Quốc gia về Các vấn đề Quốc tế và Viện Cộng hòa Quốc tế.
Hôm 13/7 Trung Quốc cũng tuyên bố trừng phạt ba nghị sĩ cấp cao và một đại sứ Mỹ, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của Washington với bí thư đảng ủy Tân Cương.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh đã trả đũa Washington bằng việc áp lệnh trừng phạt đối với ba nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa, gồm thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz và hạ nghị sĩ Chris Smith, cùng đại sứ lưu động về Tự do, Tôn giáo Mỹ Sam Browback.
Bà Hoa cho biết thêm lệnh trừng phạt cũng được áp dụng với Ủy ban Trung Quốc của quốc hội Mỹ, song không nói rõ về các biện pháp Trung Quốc sẽ áp dụng với các cá nhân và thực thể Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố động thái trên là “để đáp trả hành động sai trái của Mỹ“. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ rút lại quyết định sai lầm của mình và dừng ngay những lời nói, hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc“, bà nói, thêm rằng “Trung Quốc sẽ có phản ứng tiếp theo tùy vào diễn biến của tình hình“.
Mỹ vài ngày trước đó đã áp lệnh cấm visa và đóng băng tài sản đối với một số quan chức Trung Quốc, trong đó có bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, bị Washington cho là “vi phạm nhân quyền” với dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định đây là các “trung tâm đào tạo nghề” và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuy nhiên, cách giải thích này không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 đã ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm ông Trần. Quốc hội Mỹ tháng trước đã thông qua dự luật này chỉ với một phiếu chống, dọn đường cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Trung Quốc nhiều lần cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ của nước này.
Đài Loan ‘xua đuổi’ chiến đấu cơ TQ giữa chuyến thăm của bộ trưởng Mỹ
Hôm 10/8, Chính phủ Đài Loan cho biết các máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc bay chớp nhoáng qua eo biển Đài Loan và bị tên lửa Đài Loan theo dõi, ngay khi Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đến thăm hòn đảo, tuyên bố sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.
Ông Azar đến Đài Loan hôm 09/8, trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này trong bốn thập kỷ. Chuyến đi của ông Azar bị Trung Quốc lên án, gây thêm khó chịu cho quan hệ Trung-Mỹ.
Trung Quốc cử máy máy bay chiến đấu J-11 và J-10 nhanh chóng đến eo biển Đài Loan, nơi ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc, vào khoảng 9 giờ sáng ngay trước khi ông Azar gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, lực lượng không quân Đài Loan cho biết.
Lực lượng không quân cho biết trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng rằng các máy bay Trung Quốc đã bị các tên lửa phòng không đặt trên mặt đất của Đài Loan theo dõi và bị máy bay tuần tra của Đài Loan “xua đuổi”.
Ông Azar nói với bà Thái tại Văn phòng Tổng thống: “Đây là một vinh dự thực sự khi có mặt tại đây để truyền tải thông điệp về sự ủng hộ và tình hữu nghị mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump tới Đài Loan.”
Ông Azar đến thăm Đài Loan để tăng cường hợp tác kinh tế và sức khỏe cộng đồng với Đài Loan và ủng hộ vai trò quốc tế của Đài Loan trong việc phòng chống đại dịch.
Bà Thái nói với ông Azar rằng chuyến thăm của ông đại diện cho “một bước tiến lớn trong hợp tác chống đại dịch giữa các quốc gia của chúng ta,” đề cập đến các lĩnh vực hợp tác bao gồm nghiên cứu, sản xuất vaccine và thuốc.
Agnes Chow (Chu Đình), nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của Hong Kong, đã trở thành gương mặt mới nhất bị bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia.
Vụ bắt giữ cô Chu diễn ra sau khi giới chức bắt tỷ phú Jimmy Lai do bị nghi là có thông đồng với các thế lực ngoại bang.
Hai con trai của ông Jimmy Lai cùng các lãnh đạo cao cấp của tờ báo Apple Daily thiên dân chủ thuộc sở hữu của ông cũng bị bắt.
Các tường thuật nói cảnh sát đã có mặt rất đông tại nhà cô Chu trong nhiều giờ đồng hồ hôm thứ Hai.
Nathan Law (La Quan Thông), nhà hoạt động sát cánh bên cô Chu, viết trên Twitter rằng cô Chu đã bị bắt.
“Chu Đình đã bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia, và chúng tôi vẫn đang đi thu thập thông tin về vụ bắt giữ. Một ngày khủng khiếp,” Nathan Law viết.
Kênh truyền hình Anh, ITV, tường thuật rằng Wilson Li, một phóng viên tự do làm việc cho kênh này, đã bị bắt, cũng với lý do nghi là thông đồng với thế lực nước ngoài.
Một nhà hoạt động khác, Andy Li, cũng bị bắt, ITV nói trong một tuyên bố.
Trong một tuyên bố, văn phòng liên lạc Trung Quốc đặt tại Hong Kong nói rằng ông Lai và những người bị bắt giữ là những kẻ chống phá Trung Quốc và làm tay chân cho các thế lực nước ngoài nhằm làm suy yếu Hong Kong.
Giới quan sát nhận định việc chính quyền Hong Kong bắt giữ tỉ phú truyền thông Jimmy Lai theo luật An ninh Quốc gia là đòn nặng nề giáng vào tự do báo chí.
Một nguồn tin từ báo Apple Daily do tỉ phú Lai sở hữu nói rằng các lãnh đạo khác của tờ báo này cũng đang trở thành đích ngắm và cảnh sát đã lục soát nhà của họ.
“Chúng tôi đang làm việc với luật sư để bảo vệ quyền lợi. Chúng tôi coi đây là sự quấy nhiễu trắng trợn“, Reuters dẫn nguồn tin này cho hay.
Ông Mark Simon, Giám đốc điều hành công ty truyền thông Next Digital của ông Lai, cho biết doanh nhân này bị bắt giữ theo luật An ninh Quốc gia, vốn gây tranh cãi khi Trung Quốc áp dụng đối với Hong Kong vào tháng Sáu.
Ông Lai là gương mặt tiêu biểu ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra ở Hong Kong vào năm ngoái.
Hồi tháng 2, doanh nhân 71 tuổi này đã bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp. Sau đó, ông được cảnh sát cho tại ngoại. Lúc bấy giờ, báo chí quốc doanh tại Trung Quốc đã gọi ông là “trùm bạo động”, “kẻ không ngừng lan truyền thông tin thù hận và tiêu cực về đại lục“.
Ông Simon nói rằng: “Ông Jimmy Lai đang bị bắt về tội thông đồng với các thế lực nước ngoài“.
Cảnh sát Hong Kong thông báo có 7 người đã bị bắt hôm thứ Hai vì tình nghi vi phạm luật An ninh Quốc gia, nhưng chưa xác nhận rằng ông Lai có nằm trong số đó hay không.
Sau khi luật An ninh Quốc gia được áp đặt tại Hong Kong, trước câu hỏi liệu ông có rời Hong Kong đi định cư ở nước ngoài không, Jimmy Lai nói nhất định sẽ ở lại và tiếp tục đấu tranh dù ông biết mình là một trong những mục tiêu của luật an ninh mới.
Jimmy Lai là một nhân vật nổi bật trong giới truyền thông tại Hong Kong, với tài sản ước tính hơn 1 tỉ USD.
Ông là người sáng lập Apple Daily, tờ báo thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc.
Trước đó, ông Lai từng nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times: “Giới lãnh đạo ghét tôi lắm. Họ cho rằng tôi là một kẻ phá rối.”
Ngày 30/6, khi luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc được thông qua, Jimmy Lai đã nói với BBC rằng điều này “gióng lên hồi chuông báo tử cho Hong Kong“.
Ông cảnh báo rằng Hong Kong sẽ trở nên thối nát như Trung Quốc đại lục vì “nếu không có pháp quyền, những người kinh doanh ở đây sẽ không được bảo vệ“.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với hãng tin AFP, ông Lai nói: “Tôi đã chuẩn bị cho việc ngồi tù. Nếu điều đó đến, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là trở nên lạc quan.”
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mỹ trừng phạt Hồng Kong – Trung Quốc “hết cửa” trả đũa
>>> Mỹ đưa trưởng đặc khu Hồng Kong vào sổ đen – Hà Nội dè chừng
>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít