Gọi Tập Cận Bình là “trùm mafia” – Cựu giáo sư trường Đảng bị khai trừ

https://youtu.be/oK1HXy8hdIs
Link Video: https://youtu.be/oK1HXy8hdIs

Ngày 17/08 vừa qua, bà Thái Hà (Cai Xia), 68 tuổi, một cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị khai trừ khỏi Đảng và tước các quyền lợi hưu trí vì dám gọi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tập Cận Bình là “ông trùm mafia” và Đảng Cộng sản cầm quyền là “thây ma chính trị”.

Hôm thứ hai ngày 17/08, Trường Đảng thông báo khai trừ bà Thái ra khỏi Đảng Cộng sản, đồng thời cắt hết quyền lợi hưu trí của bà bởi vì bà đã có những phát biểu “có vấn đề trầm trọng về chính trị, hủy hoại danh tiếng của Đảng”.

Thông báo trên website của trường nói rằng quyết định kỷ luật bà Thái là kết quả cuộc điều tra của bộ phận chống tham nhũng của trường phối hợp với Ban Tổ chức trung ương của Đảng nhưng không nhắc lại những phát biểu của bà Thái.

Nhưng một đoạn ghi âm hồi tháng Sáu, được hai nhà quan sát Trung Quốc cho là lời của bà Thái, nói rằng, thay thế ông Tập Cận Bình ở cương vị lãnh đạo đảng là bước đi đầu tiên để Đảng Cộng sản tự cứu mình.

Giọng nói được cho là của bà Thái cũng gọi ông Tập là “ông trùm băng đảng mafia”, đã biến Đảng thành công cụ riêng của cá nhân và Đảng Cộng sản chỉ còn là một “xác sống chính trị”.

Bà nói: “Nếu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị [tức là tổ chức lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản có bảy thành viên do ông Tập cầm đầu] có chút ý thức nào về trách nhiệm với nhân dân, với đất nước và với Đảng thì nên triệu tập cuộc họp phế truất ông Tập.”

Không rõ phát biểu của bà Thái nói ra lúc nào, ở đâu và nói với ai. Bà Thái được cho là người ủng hộ tự do hóa chính trị ở Trung Quốc.

Sau khi thông tin về vụ kỷ luật được đưa ra, báo South China Morning Post ở Hong Kong nói rằng bà Thái vẫn an toàn và mạnh khỏe ở Hoa Kỳ nhưng không cho biết chi tiết.

Ảnh chụp bài báo trên The Guardian về bà Thái Hà được đăng ngày 18/08/2020

Tờ báo Anh The Guardian có bài mô tả cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Thái Hà, cũng cho biết bà hiện đã không còn ở Trung Quốc nữa.

Bà Thái từng yêu cầu báo này không đăng tải bài phỏng vấn bà hồi tháng 06 vì lo ngại an toàn cho bà và gia đình.

Bà Thái nói với báo này rằng bà “vui vì bị khai trừ đảng.”

Bà nói: “Dưới chế độ của ông Tập, ĐCSTQ không phải là lực lượng cho sự tiến bộ của Trung Quốc. Trên thực tế, đó là một trở ngại cho sự tiến bộ của Trung Quốc… Tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất muốn bỏ Đảng. Nhiều người muốn rời bỏ Đảng này… Tôi đã định bỏ đảng từ nhiều năm trước khi không thể nói nữa và tiếng nói của tôi bị chặn hoàn toàn.”

Bà Thái cho biết bà muốn rời Đảng từ năm 2016 và bà tin rằng sự bất mãn trong Đảng đang lan rộng, đặc biệt là người thuộc thế hệ của bà. Theo bà, trong nội bộ Đảng đang có sự phản đối tương đối mạnh mẽ nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ bị trả thù chính trị bằng hình thức kỷ luật nội bộ Đảng và chiêu trò cáo buộc tham nhũng.

Vào ngày 18/08, ngay sau khi bị khai trừ Đảng, bà Thái đã mạnh mẽ lên tiếng: “Bây giờ tôi có nhiều tự do hơn. Phát biểu của tôi không có bất kỳ ràng buộc nào. Tôi chịu trách nhiệm về lương tâm và nguyên tắc của chính mình… Nhiều người bạn tốt của tôi khi biết tin về việc tôi bị khai trừ đảng đã vui mừng. Họ nghĩ rằng đó là điều tốt.”

The Guardian cho biết khi có đoạn âm thanh rò rỉ hồi tháng 06, bà Thái đã từng tố cáo ông Tập, đổ lỗi rằng chính ông đã biến Trung Quốc trở thành “kẻ thù” của thế giới, kiểu bình luận rất hiếm và gây chấn động trong Đảng và ở Trung Quốc.

Theo bà, “quyền lực vô biên” của ông Tập khiến dẫn đến những sai lầm không thể tránh khỏi, chẳng hạn như trong việc xử lý đại dịch COVID-19.

Bà Thái nói: “Nếu ông ấy biết vào ngày 07/01 thì tại sao đến ngày 20/01 mới thông báo dịch? Nói cách khác, việc mọi người che giấu tin tức từ ông ấy là hệ quả của hệ thống. Ông ấy không công khai hay huy động nguồn lực thì ông không phải chịu trách nhiệm sao?”

Trước khi nghỉ hưu, bà Thái Hà dạy môn Chính trị dân chủ tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ – nơi đào tạo những cán bộ, quan chức được quy hoạch của Đảng, chuẩn bị cho họ nắm các chức vụ lãnh đạo.

Bà cũng là cháu của một nhà cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản, có lý lịch “đỏ” và đã dạy ở trường Đảng suốt bốn chục năm từ năm 1992.

Bà là nhân vật nổi tiếng thứ ba bị kỷ luật gần đây do phê phán Đảng Cộng sản và ông Tập.

Gần đây Bắc Kinh đã trấn áp một số học giả nổi tiếng vì bất đồng quan điểm.

Tháng trước, giáo sư Từ Chương Nhuận (Xu Zhangrun), khoa Luật trường Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) – trường cũ của ông Tập – đã bị công an bắt và sau đó bị buộc thôi việc vì viết bài phê phán thất bại của ông Tập trong cuộc ngăn chặn dịch cúm Vũ Hán.

Cũng tháng trước, ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) – một doanh nhân thành đạt, chủ tịch của một công ty bất động sản quốc doanh, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và cách chức vì dám gọi ông Tập là “thằng hề”.

Hôm 06/07 vừa qua, khoảng 20 an ninh và 10 xe cảnh sát được huy động để bao vây khu nhà ở ngoại ô Bắc Kinh để bắt giáo sư Hứa Chương Nhuận, nhà trí thức 57 tuổi, là tiếng nói quan trọng phản đối Tập Cận Bình trong hai năm qua.

Một người thân cho biết công an nói với vợ ông lý do bắt vì « quan hệ với gái mại dâm ». Điều mỉa mai là chính giáo sư từ năm 2018 đã tố cáo trò bẩn của an ninh, dùng lý lẽ này để bôi nhọ người đấu tranh.

Từ sau cái chết của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), qua đời trong cảnh tù tội năm 2017, Hứa Chương Nhuận là một trong những tiếng nói cuối cùng đòi hỏi cải cách chính trị, tố cáo sự độc tài của Tập Cận Bình và sự trở lại của nạn sùng bái lãnh tụ thời Mao. Ông đã cảnh báo từ nhiều năm qua rằng: « Tập hoàng đế đưa chúng ta trở về một thời kỳ u ám của sợ hãi và tước đoạt. »

Bằng ngôn ngữ ẩn dụ với nhiều điển tích, vị giáo sư báo động « ông ta hủy hoại cuộc sống của người dân, của giới trí thức và gieo rắc tai họa cho thế giới ».

Hứa Chương Nhuận biết mình đã bị theo dõi chặt chẽ từ tháng hai, thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội, ông treo hẳn một túi xách với đồ dùng cá nhân ở gần cửa để sẵn sàng cho ngày bị bắt. Trong bài « Cảnh báo virus : Khi cơn giận vượt lên nỗi sợ » về vụ Lý Văn Lượng, ông đã viết rằng mình sẽ bị trả thù, đây có thể là bài viết cuối cùng.

Tuy vậy tháng trước ông còn đăng được một bài nữa, tố cáo sự mù quáng của các lãnh đạo đảng trong khi người dân phải chịu đựng « hết thảm họa này đến thảm họa khác » : sau khủng hoảng dịch tễ là thất nghiệp, nạn lụt ở miền nam Trung Quốc làm hàng trăm người chết và mất tích… Giáo sư cho rằng « Trung Quốc phải nhìn nhận các sai lầm trong xử lý dịch bệnh ».

Nhưng gây chấn động nhất là vào mùa hè 2018 : trong một lá thư đăng trên mạng xã hội, được lan truyền rộng rãi bất chấp kiểm duyệt, ông tố cáo « Sau 40 năm cải cách, bỗng chốc chúng ta lại quay lại với chế độ cũ ». Trước đó vài tháng, Tập Cận Bình đã hủy bỏ giới hạn trong Hiến Pháp để có thể trở thành chủ tịch trọn đời. Bài viết này đã khiến Hứa Chương Nhuận bị mất chức giáo sư của trường đại học danh giá Thanh Hoa, và bị điều tra.

Giới phân tích cho rằng việc công bố cách đây vài ngày những bài viết của Hứa Chương Nhuận bằng tiếng Anh trên các trang web phương Tây có thể đã định đoạt số phận của ông, khiến ông bị bắt.

Tiếp đó, đến hôm 23/07, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Bắc Kinh thông báo cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản nhà nước Huayuan Nhậm Chí Cường đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ảnh: Ông Nhậm Chí Cường, tỷ phú bất động sản, nhân vật rất có tiếng nói trong giới tài phiệt cũng như trên mạng xã hội Weibo, bị bắt hồi tháng 03 và bị khai trừ Đảng hồi cuối tháng 07 vừa qua

Ủy ban này cáo buộc ông Nhậm “mất niềm tin“, “không tuân thủ đường lối của đảng về các vấn đề nguyên tắc quan trọng, bôi nhọ hình ảnh của đảng và nhà nước, cũng như không ngay thẳng, trung thành với Đảng“.

Theo thông báo, ông Nhậm cũng bị cáo buộc dùng công quỹ đi chơi golf, sử dụng văn phòng và nhà ở được các doanh nhân chu cấp miễn phí và thu lợi bất hợp pháp khoản tiền lớn.

Những “nguồn thu bất hợp pháp” của ông Nhậm đã bị tịch thu và ông sẽ bị truy tố tại tòa, thông báo cho biết thêm, song không đề cập tới bài viết ông Nhậm chỉ trích cách chính quyền Trung Quốc xử lý COVID-19.

Bạn bè cho biết đã mất liên lạc với ông Nhậm, 69 tuổi, từ ngày 12/03 sau khi ông đăng bài viết. Bài viết của ông được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trong và ngoài nước, nhưng đã bị xóa ở Trung Quốc.

Trong bài viết, Nhậm cho rằng Trung Quốc thiếu tự do báo chí, ngôn luận khiến tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Ông Nhậm viết: “Dịch bệnh này đã tiết lộ một thực tế là quan chức đảng và chính phủ chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích của chính họ và lãnh đạo chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích và vị trí cốt lõi của họ.”

Bài báo tập trung phê phán bài diễn văn của ông Tập Cận Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống dịch cúm Vũ Hán ngày 23/02 vừa qua, trong đó ông Tập tự đề cao mình như một người anh hùng dẫn dắt nhân dân Trung Quốc đi tới chiến thắng trong “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại coronavirus. Tuy không nêu đích danh ông Tập, nhưng ông Nhậm viết: “Tôi thấy không phải một hoàng đế đứng đó khoe khoang bộ áo mới của mình, tôi chỉ thấy một thằng hề bị lột truồng mà vẫn cứ đòi tôn vinh mình là hoàng đế. Dù giăng nhiều tấm vải cố che giấu tấm thân lõa lồ của mình, nhưng ngươi đã không che giấu chút nào cái tham vọng tuyệt đối được làm hoàng đế, cái quyết tâm hủy diệt tất cả những ai ngăn cản tham vọng đó của ngươi.”

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Siết Huawei – Trump „thắt“ dần cổ Tập

>>> Tập Cận Bình cùng âm mưu dùng “Tư bản nhà nước độc tài” để khống chế thế giới

>>> Đặt tên lửa châu Á – Mỹ „nhằm thẳng“ Bắc Kinh?

https://www.youtube.com/watch?v=wxHWeG7vfdA
Siết Huawei – Trump „thắt“ dần cổ Tập