Bắc Triều Tiên: Mặc dân đói khát – Đảng vẫn chế tên lửa hạt nhân

https://youtu.be/8pEoVKbVZYM
Link Video: https://youtu.be/8pEoVKbVZYM

Phương Tây trong thời gian gần đây đã liên tục báo động tình trạng mất an ninh lương thực tại Bắc Triều Tiên. Nguyên nhân sâu xa là từ lệnh cấm vận năm 2006 của Liên Hiệp Quốc nhưng thiên tai và đại dịch COVID-19 ập đến cùng một lúc trong năm 2020 đã đẩy tình hình thêm trầm trọng đến mức rất đáng quan ngại.

Ngày 13/08 vừa qua, trong một báo cáo, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tình trạng « mất an ninh lương thực » tác động đến 59,8% (15,3 triệu) người dân Bắc Triều Tiên, cao hơn 57,3% so với năm 2019 tức là có thêm 700.000 người lâm vào tình trạng không có đủ lương thực để ăn.

Theo tiêu chuẩn, những người không có đủ 2.100 calori/ngày bị coi là « mất an ninh lương thực ».

Trước đó, từ tháng 06/2020, một báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã báo động về nguy cơ thiếu lương thực ở Bắc Triều Tiên, dù tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng từ những năm 1990. Trong một thông cáo, ông Tomas Ojea Quintana cho biết « ngày càng có nhiều gia đình Bắc Triều Tiên chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, hoặc chỉ ăn ngô và rất nhiều người bị đói ». Số người vô gia cư tại các thành phố ở Bắc Triều Tiên dường như cũng tăng, trong đó có rất nhiều trẻ em nghèo và không có nơi ở cố định (kotjebi) ; giá thuốc cũng tăng chóng mặt.

Bà Elisabeth Byrs, phát ngôn viên của tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới (PAM), trong một buổi họp báo tháng 06/2020, cũng phát biểu tình hình nhân đạo tại Bắc Triều Tiên vẫn « rất đáng quan ngại », 40% người dân Bắc Triều Tiên (khoảng 10 triệu người) luôn cần hỗ trợ nhân đạo. Tình trạng suy dinh dưỡng, không những « vẫn tồn tại » mà còn « lan rộng » : Khoảng 10% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu cân và khoảng 20% bị chậm tăng trưởng.

Tại Bắc Triều Tiên, nuôi chó trong nhà giờ bị coi là biểu tượng cho « xu hướng thối nát của hệ tư tưởng tư sản », một « hình thức suy đồi » của phương Tây. Từ tháng 07/2020, tất cả những gia đình có chó, mèo trong nhà phải giao nộp cho các vườn thú của Nhà nước hoặc các nhà hàng để giết thịt. Tuy nhiên, lý do thực được truyền thông quốc tế tiết lộ là do Bắc Triều Tiên thiếu lương thực.

Ảnh: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì phiên họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên về tình hình dịch COVID-19 và thiên tai, ngày 20/08/2020

Tình trạng khẩn cấp « mất an ninh lương thực » và y tế tại Bắc Triều Tiên phần nào được thể hiện qua một loạt chương trình nhân đạo được Liên Hiệp Quốc cấp phép trong tháng 07 và 08/2020.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF gửi 758.920 đô la trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân mắc lao và sốt rét trong bối cảnh dịch Covid-19 ; Hàn Quốc tặng PAM 10 triệu đô la để cung cấp lương thực cho phụ nữ và trẻ em Bắc Triều Tiên ; Pháp tặng 230.000 đô la cho hai tổ chức phi chính phủ Triangle Génération Humanitaire (TGH) và Première Urgence Internationale (PUI) để mua thêm cá và rau cho 70.000 người Bắc Triều Tiên, đặc biệt là trẻ em ; tổ chức Medical Aid for Children (MAC) của Hàn Quốc được cấp phép đến 13/02/2021 để cung cấp dụng cụ y tế cải thiện sức khỏe răng miệng và dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ ở Bắc Triều Tiên…

Bắc Triều Tiên là đối tượng bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt từ năm 2006 vì phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Lệnh trừng phạt sẽ kéo dài cho đến ngày 04/02/2021.

Do các lệnh trừng phạt, trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên với bên ngoài giảm xuống rõ rệt.

Trao đổi kinh tế giữa hai miền Triều Tiên đã giảm 1.000 lần chỉ trong vòng 5 năm, từ 2,4 tỉ euro vào tháng 05/2015, xuống còn 3,1 triệu euro vào tháng 05/2020. Nguồn thu gần 89 triệu euro hàng năm từ khu công nghiệp Kaesong cũng bị mất do chính quyền Bình Nhưỡng đóng cửa vào năm 2016.

Các chương trình cứu trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên cũng bị giảm đi. Hàn Quốc từng gửi khoảng 2,6 tỉ euro từ năm 1995, nhưng trong giai đoạn 2017 đến 2019, số tiền này chỉ còn khoảng 26 triệu euro.

Đại dịch COVID-19 càng làm cho trao đổi kinh tế của Bắc Triều Tiên trở nên khó khăn đặc biệt là với đối tác chính Trung Quốc.

Từ tháng 01/2020, Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa biên giới với Bắc Kinh để phòng dịch COVID-19. Quyết định này đã khiến tổng trao đổi thương mại giữa hai đối tác truyền thống giảm 90% vào tháng 03 và 04/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Những khó khăn của Bắc Triều Tiên vẫn chưa hết bởi đất nước này mới đây còn phải gánh chịu những hậu quả to lớn từ thiên tai.

Mưa lớn làm ngập một phần cơ sở hạt nhân Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Nhiều khu vực sản xuất lúa gạo ở miền nam cũng bị ngập lụt. Theo một số cơ quan truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên, được Yonhap trích dẫn ngày 14/08, tổng cộng 39.296 héc-ta hoa mầu đã bị hỏng do ngập lụt, ít nhất 16.680 ngôi nhà và 630 công trình công cộng bị ngập hoặc bị hư hại trên khắp nước, rất nhiều cây cầu và đường sắt cũng bị hư hỏng.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã phải quyết định mở kho dự trữ ngũ cốc quốc gia để cứu trợ dân làng Taechong-ri, ở tỉnh Bắc Hwanghae, sau chuyến thị sát thiên tai ngày 08/08.

Tuy nhiên, Kim Jong Un tuyên bố không nhận hàng cứu trợ từ bên ngoài do lo sợ lây nhiễm virus corona. Ngày 14/08, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhấn mạnh : « Tình hình dịch COVID-19 ngày càng xấu đi trên khắp thế giới thì càng cần phải đóng cửa biên giới và tăng cường các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn và không chấp nhập bất kỳ cứu trợ lũ lụt nào từ bên ngoài ».

Những khó khăn chồng chất trên vẫn chưa đủ để khiến nhà lãnh đạo độc tài xuống thang trong căng thẳng giữa hai miền liên Triều cũng như trong việc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Theo một báo cáo mật của một nhóm chuyên gia gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 03/08 vừa qua, Bắc Triều Tiên « vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân, trong đó có việc sản xuất uranium được làm giầu ở cấp độ cao và xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ ». Thậm chí, nhiều nước cho rằng chế độ Bình Nhưỡng « đã phát triển được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ » và có thể có khoảng 100 vũ khí hạt nhân ngay trong năm 2020.

Chưa hết, theo một báo cáo hơn 300 trang được quân đội Mỹ công bố vào cuối tháng 07/2020, Bắc Triều Tiên có lẽ có kho trữ vũ khí hóa học lớn thứ ba thế giới, gồm ít nhất 2.500 tấn hóa chất và sinh học.

Kim Jong Un từng tuyên bố Bắc Triều Tiên sẽ không bị các thế lực thù địch bên ngoài đe dọa và sẽ không có chiến tranh khi còn được chương trình vũ khí hạt nhân bảo đảm sự ổn định và tương lai cho nước này.

Hồi tháng 06 vừa qua, Bắc Triều Tiên cũng đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên nóng bỏng khi ngày 09/06, lấy cớ trả đũa Hàn Quốc để cho những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên thả truyền đơn, Bình Nhưỡng đột ngột cắt đường dây liên lạc về chính trị và quân sự với Seoul; rồi sau đó một tuần, ngày 16/06, Bắc Triều Tiên đã cho đánh sập tòa nhà được dùng làm Văn phòng Liên lạc Liên Triều, một hình thức ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên được khánh thành vào năm 2018 tại thành phố Kaesong vốn là biểu tượng cho sự hòa dịu giữa hai bên.

Tuy nhiên, đến ngày 24/06, báo chí Bắc Triều Tiên loan tin lãnh đạo Kim Jong Un đã cho ngưng các kế hoạch hành động quân sự nhắm vào Hàn Quốc, sau nhiều ngày căng thẳng. Giới quan sát cho rằng với sự thay đổi chiến lược này, Bắc Triều Tiên hy vọng sẽ có được sự nhượng bộ từ bên ngoài. Các nhận định bi quan hơn thì cho rằng quyết định này xuất phát từ việc quân đội Bắc Triều Tiên cần thêm thời gian chuẩn bị trước khi có hành động khiêu khích.

Về mặt chính trị nội bộ tại Triều Tiên, giới phân tích đang ghi nhân một sự chuyển giao quyền lực đáng kể từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un với em gái Kim Yo Jong, người được cho là nắm quyền chỉ huy thứ hai trên thực tế và một số quan chức cấp cao khác trong bộ máy quyền lực.

Ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại văn phòng tổng thống ở Seoul

Cơ quan tình báo Hàn Quốc tin rằng bà Kim Yo Jong, người thân duy nhất của ông Kim Jong Un có vai trò chính trị công khai, đang giữ vai trò “người chỉ huy thứ hai trên thực tế” nhưng không nhất thiết phải được chỉ định là người kế nhiệm.

Theo các nhà phân tích, sự nổi trội của bà trong chiến dịch chống lại Hàn Quốc trong năm nay cho thấy vai trò chính sách thực chất đã vượt ra ngoài vai trò trợ lý của bà Kim. Bà Kim Yo Jong gần đây đang dẫn đầu một chiến dịch mới, khó khăn hơn nhằm gây áp lực lên Hàn Quốc với những tuyên bố công khai đầu tiên chỉ trích quốc gia láng giềng.

Hồi tháng 7, bà cũng đưa ra quan điểm cá nhân về ngoại giao với Hoa Kỳ trong một tuyên bố bất thường trên truyền thông nhà nước, nói rằng anh trai đặc cách cho bà xem các bản ghi âm về lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Mỹ.

Quyền lực về chính sách kinh tế và quân sự cũng đã được giao cho một số quan chức cấp cao khác, mặc dù ở cấp thấp hơn.

Sự chia sẻ quyền lực được lý giải là có thể nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng cho Kim Jong Un cũng như giúp nhà lãnh đạo này tránh bị đổ lỗi cho bất kỳ thất bại nào.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Gọi Tập Cận Bình là “trùm mafia” – Cựu giáo sư trường Đảng bị khai trừ

>>> Siết Huawei – Trump „thắt“ dần cổ Tập

>>> Đặt tên lửa châu Á – Mỹ „nhằm thẳng“ Bắc Kinh?

https://www.youtube.com/watch?v=jZQEzj3Qp0o
VN có “thỏa thuận ngầm” nhường Hoàng Sa cho TQ?