Việt Nam không có tên trong danh sách 10 nước đang tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii, dù đã được mời.
Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức 2 năm một lần, đã bắt đầu tại Honolulu, tiểu bang Hawaii. Với sự lãnh đạo của Mỹ, cuộc tập trận này bao gồm hải quân các nước thuộc khu vực Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực.
Điểm đáng chú ý là RIMPAC 2020 thiếu vắng sự tham gia của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện chính quyền Hà Nội chưa thông báo lý do không tham dự RIMPAC – cuộc diễn tập chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31 tháng Tám và không có các sự kiện giao lưu trên bờ do các quan ngại về virus Corona.
Hải quân Mỹ hồi tháng Năm xác nhận riêng với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam là một trong 25 nước được mời tham dự cuộc thao dượt hải quân diễn ra hai năm một lần và được coi là “lớn nhất thế giới“.
Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách 10 quốc gia, gồm các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, quyết định tham gia sự kiện trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan.
Hai năm trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sỹ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới dự RIMPAC 2018.
Theo Hải quân Mỹ, cuộc thao dượt hải quân quốc tế nhằm mục đích “thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác, vốn mang tính sống còn để bảo đảm an toàn và an ninh của các tuyến đường biển vì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Lực lượng này nói thêm rằng cuộc thao dượt diễn ra ở vùng biển quanh các hòn đảo ở Hawaii là “một nền tảng độc đáo nhằm củng cố khả năng tương tác và các mối quan hệ đối tác hàng hải chiến lược”.
Từ chối Mỹ nhưng Việt Nam lại xác nhận sẽ tham gia Hội thao Quân sự Army Games 2020 tại Nga và cũng có Trung quốc tham gia Hội thao quân sự này.
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tham gia Hội thao Quân sự Army Games 2020 và Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Army-2020 tại Nga, diễn ra từ ngày 23/8.
Trang Quân Đội Nhân Dân loan tin rằng vào tối 20/8, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã dẫn đầu một phái đoàn sang Nga để tham dự Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2020 và Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Army-2020 (Diễn đàn Army-2020).
Mục đích của việc tham gia hai sự kiện này là nhằm “duy trì trao đổi đoàn cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, cũng theo trang QĐND.
Tại Hội thao Army Games 2020, đội tuyển Việt Nam sẽ góp mặt trong 6 nội dung thi đấu, theo trang Thông tấn xã Việt Nam hôm 21/8.
Theo trang Biên Phòng, các nội dung thi đấu của Việt Nam trong hai năm qua là: xe tăng hành tiến, bếp dã chiến, công binh, lộ trình an toàn, cứu hộ-cứu nạn, hóa học, bắn tỉa và quân y, và 3 nội dung lần đầu tham gia trong năm nay là: pháo binh, huấn luyện chó nghiệp vụ, thông tin liên lạc.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 30/7 cho biết “việc quân đội Trung Quốc tham gia hội thao quân sự này là nhằm tăng cường hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Nga”.
Truyền thông Nga cho biết Army Games 2020 có hơn 150 đội tuyển đến từ trên 30 nước tham gia. Các nội dung thi đấu được tổ chức trên lãnh thổ năm quốc gia gồm Nga, Armenia, Azerbaijan, Uzbekistan và Belarus, trong đó chủ yếu là tại Nga. Hội thao năm nay diễn ra từ ngày 23/8 đến ngày 5/9.
Trung Quốc mới hôm nay 23-8 lại vừa có thông báo tập trận lớn ở Hoàng Sa
Đây là cuộc tập trận thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng hai tháng qua. Quy mô cuộc tập trận lần này, theo thông báo, còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7.
Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 23-8 dẫn thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành “diễn tập quân sự” phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 24-8.
Dựa trên tọa độ “khu vực cấm tàu bè ra vào” phía Trung Quốc công bố, khu vực tập trận lần này bao trùm nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc đã triển khai trái phép máy bay chiến đấu và tên lửa, cũng nằm trong khu vực diễn ra tập trận.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua Trung Quốc tập trận lớn ở Hoàng Sa. Quy mô tập trận lần này được thông báo còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7 rồi. Hiện chưa có thêm thông tin từ phía Trung Quốc về cuộc tập trận lần này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản ứng mạnh và gởi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa hồi tháng 7, yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai.
Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó cũng ra tuyên bố chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc tháng 7 năm nay, nhấn mạnh hành vi của Bắc Kinh đang đi ngược lại các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định khu vực. Ngay sau thông cáo, hai tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông và hiệp đồng diễn tập.
Quay trở lại sự kiện Việt nam không tham gia cuộc tập trận RIMPAC do Mỹ tổ chức, GS Carl Thayer hôm 18-5 cũng dự báo rằng “Không có khả năng Việt Nam sẽ gửi một tàu chiến nào tham gia cuộc diễn tập này” .
“Đây là lần thứ tư Việt Nam được mời tham dự RIMPAC. Việt Nam đã gửi các nhà quan sát của mình tới các cuộc tập trận tương tự vào năm 2012 và 2016. Việt Nam cũng là một nước tham gia chính thức vào RIMPAC lần đầu tiên năm 2018 và đã gửi 8 sỹ quan hải quân tham gia, nhưng không mang tới tàu chiến nào.”
Cách đây 5 tháng, khi virus Corona gây ra đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, có vẻ như Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (PACFLEET) sẽ khó có thể tổ chức cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 6-7/2020. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, PACFLEET đã gửi thư tới 25 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mời tham gia RIMPAC 2020.
Cuộc tập trận đã lùi từ tháng 6/2020 xuống trung tuần tháng 8/2020 và cắt ngắn thời gian từ 5 tuần xuống còn 2 tuần.
Do những lo ngại từ COVID-19, cuộc tập trận sẽ diễn ra hoàn toàn trên biển để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên quân sự và cư dân trên quần đảo Hawaii.
Một số hoạt động như tập trận đổ bộ, các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa trên bộ đều bị hủy. Tập trận trên biển sẽ gồm các mục tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện ngăn chặn hàng hải và bắn đạn thật với mục tiêu là một tàu hải quân Mỹ đã hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 rõ ràng đã tác động tới năng lực sẵn sàng tác chiến của các lực lượng quân đội khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặc dù PACFLEET chưa công bố danh sách các quốc gia tham gia RIMPAC 2020, các thông tin báo chí cho thấy chỉ có 11 nước gồm Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brunei, Philippines và Singapore, giảm đáng kể so với 26 quốc gia tham gia RIMPAC 2018.
Trung Quốc không được mời tham dự RIMPAC 2020. Mặc dù từng tham dự RIMPAC 2014 và 2016, Trung Quốc đã không được mời kể từ RIMPAC 2018 sau khi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc đã “nuốt lời“, không thực hiện cam kết không quân sự hóa tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm giữ ở Biển Đông.
Dù vậy, Hải quân Trung Quốc đã cử tàu do thám tới để theo dõi cuộc tập trận RIMPAC 2018. Có lẽ, Hải quân Trung Quốc sẽ một lần nữa hiện diện không phải với tư cách khách mời tại RIMPAC 2020.
Sự hiện diện hải quân của các quốc gia Đông Nam Á ngoài khơi quần đảo Hawaii lần này đã giảm đáng kể so với cách đây 2 năm, chủ yếu vì đại dịch COVID-19.
Tại RIMPAC 2018, có 7 quốc gia Đông Nam Á tham gia gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cử tàu chiến, trong khi Brunei, Thái Lan và Việt Nam cử nhân sự tham gia và được triển khai trên các tàu hải quân của Mỹ. Campuchia, Lào và Myanmar không được mời tham gia do những quy định hạn chế hợp tác quân sự của Mỹ với 3 nước này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng Mỹ lợi dụng RIMPAC 2020 để “thể hiện và phô trương sức mạnh quân sự, và quan trọng hơn là để thử thách lòng trung thành của các đồng minh và đối tác“.
Sự “nguyền rủa” của Trung Quốc đối với RIMPAC 2020 nhiều khả năng sẽ trở thành cơn cuồng nộ nếu Đài Loan được mời làm quan sát viên RIMPAC 2020 như vùng lãnh thổ này đã đề nghị. Việc này tất nhiên phù hợp với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 của Mỹ, theo đó kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với Đài Loan, trong đó có việc tham gia các cuộc tập trận quân sự như RIMPAC 2020.
Đài Loan từng hy vọng việc củng cố quan hệ của vùng lãnh thổ này với Mỹ sẽ giúp họ được mời tham dự RIMPAC với tư cách quan sát viên, song điều này đã không xảy ra. Ngày 17/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Shih Shun-wen cũng đã xác nhận rằng Đài Loan không nhận được lời mời tham dự, song ông nhấn mạnh rằng “hợp tác giữa Đài Loan với Mỹ sẽ có lợi cho sự ổn định khu vực”. Cuối tháng 7/2020, ông Shih Shun-wen đã tuyên bố rằng Đài Loan muốn được tham gia cuộc tập trận: “Đài Loan mong muốn được tham gia RIMPAC với vai trò quan sát viên bởi điều này sẽ giúp chúng tôi học hỏi được từ các hoạt động hợp tác huấn luyện và cứu trợ nhân đạo”.
Lin Yu-fang – Trưởng bộ phận nghiên cứu an ninh quốc gia tại Cơ quan Chính sách Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách ủng hộ Quốc Dân đảng – cho rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Đài đang ở thời kỳ đỉnh cao, song Washington cũng phải có giới hạn nhất định: “Mỹ đã cử Bộ trưởng Y tế tới Đài Loan, nhưng đây là kết quả của tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục. Chúng ta không nên mong đợi Mỹ làm bất cứ điều gì có lợi cho Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra giới hạn đỏ về vấn đề này và sẽ không cho phép các quan chức khác trong chính quyền vượt qua giới hạn đó bởi điều này sẽ gây ra thảm họa đối với quan hệ Mỹ-Trung, và Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa”. Ông cũng cho biết thêm rằng một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh không có lợi cho Mỹ.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> “Cuộc chiến” Mỹ – Trung quyết định tương lai thế giới
>>> Việt Nam có “thỏa thuận ngầm” nhường Hoàng Sa cho Trung Quốc?
>>> Gọi Tập Cận Bình là “trùm mafia” – Cựu giáo sư trường Đảng bị khai trừ