Trung Quốc đe dọa lật đổ Cộng sản Việt Nam nếu “ngả theo” Mỹ

https://youtu.be/t0nkjGVL9tw
Link Video: https://youtu.be/t0nkjGVL9tw

Ngay sau khi Việt Nam hôm 26/08 lên tiếng phản đối Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết hôm 27/08 cảnh báo rằng Việt Nam sẽ gánh chịu “những hậu quả về ý thức hệ” nếu tiếp tục dùng địa chính trị, “giao thiệp” với Mỹ, để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Bài xã luận viết: “Nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng đòn bẩy địa chính trị để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng cách gia tăng giao thiệp với Mỹ, chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ quả về ý thức hệ.”

Theo tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tình hình trong nước và những thay đổi trong chiến thuật của Hoa Kỳ có thể tác động đến sự ổn định của hệ thống chính trị Việt Nam.

Mỹ hy vọng sẽ giật dây ở Việt Nam để khuấy động khu vực ngoại vi của Trung Quốc. Nhưng chiến thuật này cho thấy quan điểm của Washington không phù hợp với hệ thống chính trị của Hà Nội.

Bài báo cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung sẽ gián tiếp khiến tạo điều kiện cho các thế lực chống Đảng Cộng sản Việt Nam, và như vậy “làm tăng thêm khó khăn cho đất nước trong việc duy trì ổn định chính trị lâu dài,” nhất là khi “chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam chú tâm vào các tranh chấp trên Biển Đông và nhằm vào Trung Quốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của Việt Nam.”

Nhất là khi nếu các nhóm đối lập được tiếp thêm năng lượng, Hà Nội chắc chắn không thể trông cậy vào việc Washington giúp bảo vệ hệ thống của mình.

Ảnh chụp bài xã luận trên Hoàn cầu Thời báo hôm 27/08 đe dọa sự tồn vong chính quyền cộng sản Việt Nam nếu tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ

Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo đưa ra giải pháp: “Trung Quốc và Việt Nam nên giảm bớt căng thẳng hàng hải thông qua các con đường ngoại giao, và ngăn chặn vấn đề gây ra những thay đổi chính trị trong nội bộ hai nước.”

Quan điểm của Hoàn cầu Thời báo hoàn toàn giống với đề xuất của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc Hà Nội đàm phán tranh chấp ở Biển Đông dựa theo mô hình các hiệp định biên giới đạt được trong quá khứ nhân cuộc gặp với đồng nhiệm Việt Nam ngày 23/08/2020 để kỷ niệm 20 năm ký kết hiệp ước đường biên giới và 10 năm thực hiện cắm mốc đường biên.

Trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố : « Chúng ta nên dựa trên thực tiễn thành công trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền để sớm giải quyết các tranh chấp trên biển… Hai nước có đủ khả năng và trí tuệ để tiếp tục các cuộc đàm phán về các vấn đề lãnh hải. »

Theo trang mạng South China Morning Post (SCMP), nhân cơ hội này, ông Vương Nghị gợi nhắc với giới lãnh đạo Việt Nam những cuộc đàm phán thành công trong quá khứ giữa hai nước như Hiệp ước biên giới trên đất liền (30/12/1999); việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới năm 2009 và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ cũng như là Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (25/12/2000).

Ông Vương Nghị cho rằng « Cả hai nước nên tập trung vào các nhu cầu hợp tác lâu dài giữa hai nước và tích cực khởi động các cuộc đối thoại để tìm ra một phương thức cơ bản và bền vững nhằm duy trì sự ổn định trên Biển Đông. »

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại ISEAS – Viện Yusof Ishak tại Singapore với SCMP, những tranh chấp liên quan đến những vùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những hiệp ước biên giới trên bộ được ông Vương Nghị đề cập đến.

Vẫn theo Ngoại trưởng Trung Quốc, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh tế biên giới và ngành du lịch, cũng như thực thi các kế hoạch trong khuôn khổ dự án Một vành đai Một con đường.

Ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham quan cột mốc 1369 (2) tại Việt Nam ngày 23/08/2020 nhân Lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng đặc biệt là trên Biển Đông khi giữa tháng 07 Hoa Kỳ đột nhiên có một tuyên bố cứng rắn rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, Trung Quốc đang liên tục “ve vãn” Việt Nam, quốc gia tuy có cùng ý thức hệ cộng sản nhưng lại có nhiều tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo ông Lê Hồng Hiệp, Trung Quốc dường như đang tiến hành một cuộc « tấn công ve vãn » để giành lại các đối tác trong khu vực, hay chí ít cũng để ngăn ngừa những nước này ngả theo Mỹ chống Trung Quốc.

Ông phân tích: « Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong nỗ lực này của Trung Quốc do vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Việc nhắc nhở Hà Nội một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là một thủ thuật thích hợp và có sức mạnh khi lưu ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nguồn nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất. »

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng Thời báo Hoàn cầu như một công cụ đắc lực tuyên truyền những lợi ích đặc biệt của mối quan hệ Việt – Trung cũng như liên tục cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam đặc biệt là cho sự tồn vong của chế độ cộng sản trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Tháng trước, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, viết bài nói rằng: “Chúng tôi sẽ phản đối việc sử dụng quan hệ Việt – Mỹ để chống Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.”

Cũng trong tháng 07/2020, Thời báo Hoàn cầu từng đưa ra cảnh báo rằng Việt Nam sẽ ‘trắng tay’ nếu đu dây theo Mỹ, tăng cường sức mạnh ở Biển Đông.

Bài báo viết: “Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được.”

Ảnh chụp bài báo với tựa đề “Mỹ và Việt Nam thân cỡ nào?” trên Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 16/07, cảnh báo Việt Nam sẽ “trắng tay” nếu đu dây Mỹ tăng cường sức mạnh ở Biển Đông

Trên thực tế, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có những tiến triển đáng kể, chủ yếu là do sự phù hợp về những lợi ích chiến lược giữa Hà Nội và Washington, nhất là về tình hình Biển Đông.

Ông Hiệp nhận định: « Xét cho cùng, hợp tác với Hoa Kỳ có lợi cho cả an ninh quốc gia và chế độ Hà Nội. Đó là vì nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Mỹ có thể đưa Việt Nam vào một vị thế tốt hơn để chống lại sức ép từ Trung Quốc. »

Nhà hoạt động Trần Bang cũng có cùng quan điểm trên khi chia sẻ quan điểm: “Xét trong hai mối quan hệ, thì quan hệ với Mỹ phải được ưu tiên… Tôi nghĩ rằng nâng cấp quan hệ ngoại giao, chính trị, quân sự với Mỹ là điều tốt cho Việt Nam.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn VOA, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói rằng trong 25 năm bang giao, quan điểm của Washington về ý thức hệ của Hà Nội “khá nhẹ nhàng” và hai bên cam kết tôn trọng đường lối chính trị của nhau.

Trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không có cạnh tranh chiến lược. Việt Nam là nước nhỏ, không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ như là Trung Quốc.

Cách cư xử của Mỹ như họ đã nói từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, và từ đó hàn gắn vết thương chiến tranh, và tiếp tục phát triển càng nhiều càng tốt.”

Ảnh: Lễ ra mắt biểu tượng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2020), diễn ra chiều ngày 18/12/2019, tại Nhà khách Chính phủ. Đây là sự kiện mở màn cho các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định kể từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chính quyền cộng sản Việt nam đã coi chính quyền Trung Quốc là chỗ dựa chính trị và kinh tế cho sự tồn vong của chế độ mình.

Dấu mốc của sự thay đổi đường lối hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là Hội nghị Thành Đô, cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt – Trung diễn ra trong hai ngày 03 – 04/09/1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản của Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc.

Theo thông tin ngoại giao, cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng nhưng cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, kể từ Hội nghị Thành Đô, Việt Nam đã tiến hành một loạt các thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước ASEAN.

Sau hội nghị, Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia và Campuchia dần xa rời Việt Nam để ngả về Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc cũng rút quân khỏi một số khu vực tại biên giới 2 nước. Các xung đột quân sự tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng chấm dứt. Còn quan hệ ngoại thương giữa 2 nước kể từ đầu thập niên 1990 chứng kiến bước phát triển vượt bậc. Trung Quốc luôn là khách hàng ngoại thương số 1 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác số 1 của Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á.

Một điểm đáng lưu ý là chính quyền Việt Nam kể từ sau Hội nghị Thành Đô hầu như không nhắc đến Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 nữa.

Hội nghị Thành Đô cũng tác động đến việc soạn lại Hiến pháp của Việt Nam. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 đích danh lên án “bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược” nhưng Hiến pháp năm 1992 đã loại bỏ những câu từ mang tính chống Trung Quốc trong văn bản pháp lý của nhà nước.

Hậu quả mà Hội nghị Thành Đô để lại cho Việt Nam nghiêm trọng đến mức ngày 02/09/2014, 20 cựu sĩ quan tướng lĩnh quân đội và công an gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công bố những ký kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà đến nay vẫn là bí mật bởi họ cho rằng những cam kết đó tổn hại đến chủ quyền đất nước.

Ảnh: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng dự Hội nghị Thành Đô năm 1990

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam không cần Cộng sản và không chấp nhận Cộng sản

>>> Biển Đông: Căng thẳng Việt Nam-Malaysia gia tăng sau vụ ngư dân Việt bị bắn chết

>>> Belarus – viễn cảnh khi Ba Đình sụp đổ

https://www.youtube.com/watch?v=t-VbrFXi1d8
Tập vừa hung hăng – Mỹ “ghè” cấm vận

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT