Thất vọng và rùng mình trước “tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn và làm chúng ta lạnh xương sống”, nữ nghị sỹ châu Âu Saskia Bricmont, thuộc đảng Xanh đã “tập hợp khoảng hơn 60 nghị sĩ châu Âu để gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi các cơ quan cao nhất của EU phải có hành động dứt khoát để bảo vệ người dân Việt Nam”.
Ngày 25/09, nữ nghị sỹ châu Âu Saskia Bricmont đã đăng trên trang web chính thức của mình bài viết với tiêu đề “Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam”.
Bà Bricmont được giao nghiên cứu về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tại Uỷ ban Thương mại Quốc tế (thuộc Nghị viện châu Âu).
Trong bài viết của mình, bà Bricmont cho biết bà đã chỉ trích những “thất bại” chồng chất của EU “từ thiếu sót của Ủy ban châu Âu trong việc không thực hiện đánh giá tác động nhân quyền, tức là những ảnh hưởng tiềm năng đến quyền nghiệp đoàn, quyền tự do báo chí, sự tôn trọng tín ngưỡng và tôn giáo v.v.(trong khi đó Liên minh châu Âu đã thông qua một Nghị quyết cứng rắn về tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam); cho đến vụ bắt giữ Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Phạm Chí Dũng, ngay trong giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán hiệp định”.
Bà cũng thừa nhận nhóm phản đối việc thông qua EVFTA “không đủ đông để ngăn chặn hiệp định này” và “Lúc đó, những nghị sỹ thuộc các đảng khác cũng như Uỷ ban châu Âu (EC) đã thề thốt, hứa hẹn với chúng tôi rằng khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi thì sẽ “ tự động thúc đẩy cải thiện các điều kiện sinh sống của người dân Việt Nam”.”
Thế nhưng bà nhận định sau khi thông qua EVFTA: “…tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn và làm chúng ta lạnh xương sống. Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mà được ký kết trước Liên Hiệp Quốc hoặc EU, nhưng khi vi phạm thì không có ai nói gì cả!”
Đó là lý do tại sao bà cùng hơn 60 nghị sĩ châu Âu để gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi các cơ quan cao nhất của EU phải có hành động dứt khoát để bảo vệ người dân Việt Nam, đặc biệt những người có chính kiến độc lập, họ bày tỏ công khai những điều mà nhiều người khác không dám nói, và họ thể hiện sự phản kháng đối với chế độ độc tài.
Bà tuyên bố: “Rất cần phải hành động khẩn cấp và tuyên bố các biện pháp trừng phạt, nhất là khi Đại hội đảng CSVN đang tới gần và chúng tôi lo sợ từ giờ cho tới đó nhà cầm quyền lại càng hà khắc, càng cứng rắn.”
Theo sáng kiến của bà, ngày 25/09/2020, 64 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã ký chung một bức thư gửi đến Liên minh châu Âu (EU), nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam – trong đó có vụ Đồng Tâm và vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng – và yêu cầu EU sử dụng các công cụ được quy định trong EVFTA để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam.
Thư yêu cầu này được gửi trực tiếp tới ông Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại EU; và ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại và là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Trong thư, các nghị sĩ đặc biệt chú trọng đến vụ Đồng Tâm.
Thư viết: “Việc chiếm đất thường xuyên xảy ra, là nguyên nhân sâu xa của bạo lực. Nó đã gây ra sự kiện bi thảm ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm nay. Cảnh sát đã dùng vũ lực quá mức tấn công vào ngôi làng, nơi dân làng đang khiếu nại về việc tịch thu đất sai trái. Một số bị cáo khai rằng họ đã bị tra tấn để buộc phải nhận tội. Hai người đã bị kết án tử hình, và hàng chục người khác bị kết án tù”.
“Sau khi bị bắt tạm giam, những người bị buộc tội chính trị hoặc các vấn đề nhạy cảm như vụ đụng độ Đồng Tâm, không được liên hệ hoặc không có liên hệ thật sự có ý nghĩa với luật sư và gia đình của họ. Họ thường là đối tượng của bạo lực đánh đập, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác, và các phiên tòa xét xử họ một cách nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về tính khách quan, công bằng và độc lập của tòa án. Việc cưỡng bức thú tội trước ống kính truyền hình cũng thường xuyên xảy ra.”
Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng cũng được các nghị sĩ dành nhiều quan tâm:
“Các vụ bắt giữ các blogger, nhà báo và các nhà phê bình chính phủ nhận vẫn tiếp tục xảy ra và thậm chí còn gia tăng trong năm 2020. Vụ ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt nam, bị bắt giam vì liên hệ với Nghị viện Châu Âu. Vụ bắt giữ này đã dẫn tới một bức thư của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu gửi Thủ tướng Việt Nam. Bức thư trả lời của Việt Nam là đáng thất vọng, nó không đề cập đến nội dung của vụ việc và so sánh những hạn chế về quyền tự do ngôn luận ở EU với những hạn chế ở Việt Nam.”
“Ông Dũng chỉ là một trong số nhiều nhà phê bình thường xuyên bị quấy rối, bắt giữ, buộc tội và truy tố theo Điều 109, Điều 117 hoặc Điều 331 tai tiếng của Bộ luật Hình sự mà đã bị Nghị viện Châu Âu cũng như một số quốc gia thành viên EU liên tục tố cáo trong đợt kiểm điểm định kỳ mới nhất của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
“Các nhà hoạt động bị cáo buộc có hành vi lật đổ, tuyên truyền chống phá nhà nước, «lợi dụng quyền dân chủ, tự do xâm phạm lợi ích của nhà nước» và «hoạt động nhằm lật đổ chính quyền của nhân dân».
Phần cuối Thư yêu cầu, 64 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã yêu cầu EU hãy sử dụng các công cụ của EVFTA để làm thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam, và hãy lưu ý Việt Nam về khả năng đình chỉ một phần hoặc toàn bộ Hiệp định EVFTA trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục thiếu tiến bộ về nhân quyền.
Thư viết:
“Trong bối cảnh đáng lo ngại này và vì chúng tôi lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, tất cả các công cụ hiện có nên được sử dụng để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam. Đặc biệt, thể theo các nghị quyết của Nghị viện châu Âu nêu trên, chúng tôi yêu cầu”:
“Tăng cường đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở các cấp cao nhất để yêu cầu họ thực hiện các bước cụ thể để giải quyết tình trạng nhân quyền ngày càng xấu đi trong nước, bao gồm việc khẩn cấp thả tất cả những người bị bỏ tù chỉ vì thực hiện ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến của họ, và cam kết thực hiện cải cách cụ thể bộ luật hình sự và các đạo luật đàn áp khác, tuân thủ các cam kết song phương và quốc tế, và nêu rõ hậu quả nếu không hành động”;
“Khẩn trương theo đuổi việc thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, cung cấp cho người dân bị ảnh hưởng và các bên liên quan tại địa phương khả năng khắc phục có hiệu quả, đồng thời là công cụ giải quyết các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với nhân quyền, đặc biệt là áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước qui định trong chương TSD của Hiệp định Thương mại”;
“Yêu cầu một cách mạnh mẽ về việc thành lập Nhóm cố vấn trong nước và cảnh báo các cơ quan chức năng của Việt Nam về bất kỳ sự can thiệp quá mức nào vào thành phần và hoạt động của Nhóm, cũng như chống lại mọi mối đe dọa hoặc trả đũa có thể xảy ra đối với các thành viên được lựa chọn của Nhóm”;
“Báo cáo với Nghị viện châu Âu về hoạt động của Việt Nam để đạt được tiến bộ trong một loạt các vấn đề nhân quyền”;
“Nhắc nhở đối tác Việt Nam về mối liên hệ ràng buộc pháp lý giữa PCA và EVFTA, và khả năng kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ một phần hoặc toàn bộ Hiệp định Thương mại trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục thiếu tiến bộ về nhân quyền”.
Trong một diễn biến khác, 52 nhà hoạt động người Israel mới đây đã gửi một kiến nghị thư lên Toà án Quận Tel Avis để yêu cầu chính phủ Israel ngừng xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua.
Trong một bài báo được đưa vào mục ý kiến của trang tin Haaretz của Israel, hai đồng tác giả của bài báo là ông Vũ Quốc Ngữ – Giám đốc tổ chức Defend the Defenders và luật sư Eitay Mack – đại diện cho những người tham gia kiến nghị thư, đã chỉ ra một loạt những vi phạm nhân quyền của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là ngay trước Đại hội Đảng 13 dự kiến diễn vào đầu năm tới.
Theo bài báo: “trong vòng 5 năm qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ khoảng 40 nhà hoạt động mỗi năm và buộc họ vào các tội thuộc các điều luật về an ninh quốc gia gây tranh cãi của Bộ Luật hình sự. Chỉ trong vòng 7 tháng của năm nay, chính quyền (Việt Nam) đã giam giữ 19 nhà hoạt động và 30 người đấu tranh vì đất đai”.
Cũng theo các tác giả, Việt Nam hiện là nước có số các nhà hoạt động bị cầm tù nhiều nhất ở Đông Nam Á với ít nhất 276 tù nhân lương tâm.
Theo một báo cáo vào năm 2018 của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai của Israel. Chỉ trong năm 2017, Việt Nam đã chi 142 triệu đô la mua vũ khí của Israel. Việt Nam cũng mới ký một hợp đồng mua các máy bay không người lái của Israel. Ngoài ra, theo các báo cáo của các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam và một số tổ chức nhân quyền, Việt Nam cũng sử dụng các hệ thống giám sát của các công ty Israel.
Bài báo cho rằng: “Không một nước nào hoặc công ty nào bất cứ đâu trên thế giới nên xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam vì có khả năng Hà Nội sẽ sử dụng những vũ khí này để đàn áp người dân của mình, thay vì bảo vệ đất nước từ những mối hoạ từ bên ngoài”.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đột nhập mạng Chính phủ Việt Nam – Tội phạm Trung Quốc bị Mỹ “gô cổ”
>>> 1 Tỷ đồng một chữ – Đảng “ăn hại” Nhân dân
>>> Diễn biến mới vụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT