Trung Quốc thao túng Liên Hiệp Quốc – Mỹ ra đòn phản công

https://www.youtube.com/watch?v=wlQYsqJ8e5c
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=wlQYsqJ8e5c

Suốt thời gian qua, Trung Quốc đã cố sức giành quyền kiểm soát những lĩnh vực sẽ định đoạt tương lai của thế giới : từ các chuẩn mực, hệ thống phân phối, cho đến các hạ tầng cơ sở nông sản thực phẩm, công nghiêp kỹ thuật số, hàng không, vũ trụ và viễn thông. Mỹ và các nước phương Tây đã thức tỉnh và bắt tay phối hợp để dập tắt tham vọng của Trung Quốc.  

Không quốc gia nào khác trên thế giới ngoài Trung Quốc có công dân điều hành nhiều hơn một tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Trong số 15 tổ chức chuyên trách của Liên Hiệp Quốc, người của Trung Quốc hiện đang lãnh đạo 4 tổ chức, đó là Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc – FAO, Liên minh Viễn thông Quốc tế – ITU, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế – ICAO và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc – UNIDO.

Đây là những định chế có giá trị chiến lược.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc – FAO, có trụ sở tại Rome (Ý), cũng có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn toàn cầu và ban hành các quy định quốc tế trong một lĩnh vực thậm chí còn rộng lớn hơn cả viễn thông: nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Nguồn lực của định chế này rất đáng kể, với hơn 10.500 nhân viên có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, điều hòa các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực dinh dưỡng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…

Liên minh Viễn thông Quốc tế – ITU là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức này. Thành lập từ năm 1865, trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, định chế này đã được sát nhập vào Liên Hợp Quốc vào năm 1947. Trong thế kỷ 21 này, vai trò của ITU được cho là rất quan trọng, vì tổ chức này có trách nhiệm điều tiết và quy hoạch màng viễn thông trên thế giới. Thẩm quyền của ITU bao trùm hành tinh, từ việc quy định các chuẩn mực, phân bổ các tần số vô tuyến điện và các quỹ đạo vệ tinh trên không gian, cho đến những vấn đề liên quan đến truy cập Internet và Internet băng thông rộng, liên lạc hàng hải và hàng không…

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế – ICAO cũng rất quan trọng vì là cơ chế tạo ra các chuẩn mực quốc tế thống nhất áp dụng cho mọi nước trong lĩnh vực hàng không dân sự. Đặt trụ sở tại Montreal (Canada), ICAO đảm trách việc tiêu chuẩn hóa ngành vận tải hàng không quốc tế, ấn định mã sân bay, mã công ty hàng không, cấp bằng cho các nhân viên hàng không, chia sẻ tần số vô tuyến… Nói tóm lại, ICAO có trách nhiệm giám sát trên khoảng 100.000 chuyến bay quốc tế hàng ngày.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc – UNIDO có trụ sở tại Vienne (Áo), là một định chế sinh sau đẻ muộn, chỉ mới được thành lập vào năm 1966, có mục tiêu thúc đẩy nền công nghiệp của các nước đang phát triển.

Đây đạt được vị thế chiếm lĩnh các định chế trong Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã lập ra một kế hoạch dài hơi và rất tỉ mỉ.

Ảnh: Bà Liễu Phương (Fang Liu) trở thanh lãnh đạo Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế – ICAO vào năm 2015

Việc đầu tiên là gửi các cán bộ chính trị và hành chính xứng đáng và năng nổ nhất của họ qua “nằm vùng” trong các cơ quan quản lý toàn cầu mà Bắc Kinh đánh giá là có giá trị chiến lược nhất cho họ, rồi chờ dịp là lên giành chức lãnh đạo.

Điểm chung của cả bốn người Trung Quốc lãnh đạo bốn định chế quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, với phạm vi hoạt động khác nhau là họ xuất thân là những quan chức cấp cao từ chính quyền Bắc Kinh.

Ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trước khi qua làm việc tại Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc – FAO vào năm 2015 và giành được chức Tổng giám đốc tổ chức này một cách ngoạn mục vào tháng 06/2019.

Ông Triệu Hậu Lân (Houlin Zhao) đứng đầu Cục Tiêu chuẩn Viễn thông Trung Quốc trước khi gia nhập Liên minh Viễn thông Quốc tế – ITU vào năm 2015 và đến năm 2018 thì trở thành lãnh đạo tổ chức này.

Bà Liễu Phương (Fang Liu) nguyên là người đứng đầu ngành Hàng không dân dụng Trung Quốc, đã được cử qua làm việc tại Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế – ICAO vào năm 2007 và lên làm lãnh đạo tổ chức này vào năm 2015.

Còn ông Lí Dũng (Li Yong) là Thứ trưởng Tài chính của Trung Quốc trước khi qua lãnh đạo UNIDO từ năm 2013.

Một chuyên gia phân tích thừa nhận: “Chúng tôi không đánh lại được Trung Quốc. Họ gửi hàng chục cộng tác viên qua làm việc miễn phí cho các tổ chức vốn bị ràng buộc chặt chẽ về ngân sách”.

Để đạt được mục tiêu giành ghế lãnh đạo tại các định chế của Liên Hiệp Quốc cho công dân của mình, Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, gây sức ép đến đe dọa.

Ảnh: Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (FAO) với nhiệm kỳ 4 năm, phát biểu tại hội nghị ngày 22/06/2020

Đơn cử như cuộc chiến không khoan nhượng tại FAO mà ứng cử viên Trung Quốc đã giành chiến thắng vang dội trước cả ứng cử viên của từ châu Âu và châu Mỹ. Hồi năm ngoái, các quốc gia thành viên của Tổ chức Lương Nông đã tề tựu ở Rome để chọn người thay thế tổng giám đốc sắp mãn nhiệm. Trung Quốc đã đề cử ông Khuất Đông Ngọc, Thứ trưởng Nông nghiệp của họ.

Bắc Kinh tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước đang phát triển. Tại Uganda, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gặp nhau tại trang trại của Tổng thống Yoweri Museveni và cam kết xây dựng một lò mổ bò và một nhà máy dệt trị giá 25 triệu USD nếu chính phủ của ông ủng hộ ông Khuất.

Quốc gia châu Phi Cameroon đã giới thiệu kinh tế gia Médi Moungui, ứng viên có khả năng lôi kéo sự ủng hộ ở Tây Phi. Khi Trung Quốc hủy khoản nợ quá hạn trị giá 78 triệu USD cho Cameroon, ông Moungui đã đột ngột rút lui.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại chia rẽ về vấn đề này. Châu Âu ủng hộ kỹ sư nông nghiệp Pháp Catherine Geslain-Lanéelle. Còn Mỹ dồn sức cho ông Davit Kirvalidze, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp của Georgia.

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã cử một phái đoàn từ 80 đến 100 người tới Rome so với phái đoàn bình thường chỉ hơn chục người của các nước. Trong một số trường hợp, phía Trung Quốc yêu cầu đại diện các nước khác cho chụp ảnh lá phiếu của họ để làm bằng chứng rằng họ ủng hộ ông Khuất.

Với sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, ông Khuất đã giành chiến thắng áp đảo. Sau khi giành chiến thắng, ông Khuất phát biểu: “Tôi biết ơn tổ quốc mình.”

Tổng cộng, Trung Quốc đã chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.

Giành được ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc cho phép Trung Quốc bóp nghẹt sự giám sát quốc tế đối với hành vi của họ ở trong và ngoài nước.

Ảnh: Ông Triệu Hậu Lân (Houlin Zhao), Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế – ITU

Khi Trung Quốc hạn chế các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông vào tháng 06 vừa qua, hai tuyên bố đối nghịch nhau đã được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Một, do Cuba soạn thảo để ca ngợi việc làm của Bắc Kinh, đã giành được sự ủng hộ của 53 quốc gia. Tuyên bố kia, do Anh đưa ra và bày tỏ quan ngại, chỉ có được 27 nước ủng hộ.

Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế, vốn là một người Trung Quốc đã nhậm chức vào năm 2015, đã ủng hộ Huawei trong cuộc chiến với Mỹ và thúc đẩy hình thành giao thức Internet mới mà các chính phủ phương Tây cho rằng sẽ cho phép giám sát và kiểm duyệt nhiều hơn.

Hơn thế nữa, khoảng 30 cơ quan và tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã ký các bản ghi nhớ ủng hộ Ý tưởng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bao gồm cả Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc, do Trung Quốc lãnh đạo từ năm 2013. Do đó, Trung Quốc có thể trình bày các dự án Vành đai và Con đường của họ, vốn chủ yếu sử dụng các công ty Trung Quốc và thường khiến các quốc gia nghèo lâm vào cảnh nợ nần, là ‘sự hỗ trợ tốt lành được Liên Hiệp Quốc chấp thuận’.

Không chỉ lạm dụng quyền phủ quyết, Bắc Kinh còn lập ra những liên minh nhằm ngăn chặn những nghị quyết mình không ưa. Để phản đối việc mở rộng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có thể có lợi cho đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc thẳng thừng đe dọa Jamaica, do đại diện nước này phụ trách việc chuẩn bị cải cách. Một nguồn tin cho biết người của Trung Quốc đến thẳng Kingston (thủ đô Jamaica) dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu không rút lui.

Một lĩnh vực được Bắc Kinh đặc biệt chú ý là nhân quyền, họ muốn vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vô hiệu hóa cơ quan này. Từ khi Hoa Kỳ rút ra năm 2018, Bắc Kinh tha hồ làm mưa làm gió, đứng đầu một khối các nước độc tài (Cuba, Iran, Venezuela, Syria…). Nếu không đủ số phiếu để chặn một văn bản, họ dùng thủ đoạn để ngăn các nhà ly khai phát biểu.

Tại Tổ chức Y tế Thế giới – WHO – dưới sức ép của Bắc Kinh đã buộc Đài Loan phải đứng ngoài – nếu tổ chức này chịu nghe lời cảnh báo từ ba tuần trước đó của Đài Loan về nguy cơ virus corona lây từ người sang người, thì đại dịch đã có thể ngăn chặn được ngay từ đầu. Nay Trung Quốc dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm và « gắp lửa bỏ tay người » sang Mỹ và một số quốc gia khác.

Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những sáng kiến cạnh tranh như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Con đường tơ lụa mới…Những dự án « quốc tế » mà Bắc Kinh là trung tâm, nhằm vô hiệu hóa Liên Hiệp Quốc một cách có phương pháp.

Chiến thắng của ông Khuất tại FAO đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh đối với Mỹ và các đồng minh. Vào tháng 11 năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến New York để gặp các đại sứ Liên Hiệp Quốc từ châu Âu, Nhật Bản và các nền dân chủ khác để đề xuất thành lập một mặt trận chung chống lại Trung Quốc.

Một chiến dịch phối hợp vào tháng 03 vừa qua của Mỹ và các đối tác đã đánh bại nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm quyền lãnh đạo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, được gọi tắt là WIPO.

Hồi đầu năm, Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các nước khác như Ấn Độ đã gạt sự đối đầu sang một bên để cùng nhau phản đối nỗ lực của Trung Quốc dẫn đầu WIPO.

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước có bằng sáng chế quốc tế nhiều nhất được đệ đơn lênWIPO, chủ yếu do các nhà đầu tư quốc tế thích nộp hồ sơ từ Trung Quốc, nơi có chi phí rẻ hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phản đối đề cử của Trung Quốc bằng văn bản rằng: “Chúng ta không thể để cho một nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng loạt điều hành tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.”

Các quan chức Mỹ tập trung vào việc thiết lập các quy tắc cho cuộc bỏ phiếu, hy vọng tránh được các biện pháp hung hăng mà Trung Quốc đã sử dụng ở Rome trong cuộc chiến giành ghế lãnh đạo FAO. Mỹ giành được sự ủng hộ để hạn chế số lượng đại biểu trong phòng bỏ phiếu và đảm bảo sự kín đáo của từng lá phiếu.

Cuộc đua bắt đầu với 10 ứng viên. Washington đã thuyết phục Nhật Bản và một số nước khác rút lui sớm và ủng hộ ứng viên Singapore vốn được xem nằm cùng nhóm các nước đang phát triển.

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 04/03, Trung Quốc phàn nàn rằng Mỹ đang bắt nạt các nước nhỏ hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Washington đã có những ‘hành vi phi đạo đức’ khi dùng ‘thủ đoạn đe dọa và tống tiền’.

Mỹ đã cố gắng giữ cho cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian ngắn để Bắc Kinh không có thời gian gây áp lực ngoại giao lên các nước. Chiến thuật này đã có hiệu quả.

Sau khi bỏ phiếu, ứng viên của Singapore đã vượt qua ứng viên Trung Quốc ở vòng đầu tiên và giành được đa số tuyệt đối ở vòng bỏ phiếu thứ hai.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc hứng loạt đòn về Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc

>>> Thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền: Cộng sản Việt Nam giam giữ 258 tù nhân lương tâm

>>> Bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý – Bí thư Đảng lộng quyền, tiểu nhân

https://www.youtube.com/watch?v=p1oJAGugqeQ
Đảng Cộng sản tự tách đôi – Con đường cứu nguy cho Việt Nam

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT