Chính phủ Mỹ mới đây đã công bố dữ liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lập mức kỷ lục cao nhất trong lịch sử quan hệ kinh tế hai nước. Đặc biệt, thông tin được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu tiến hành hai cuộc điều tra riêng biệt đối với việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng 11% giữa tháng 07 và tháng 08 vừa qua với mức thâm hụt lên đến gần 7,6 tỷ USD và là mức tăng 38,9% so với cùng kỳ 1 năm trước đó.
Đây cũng là mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 1992, thời điểm 3 năm trước khi Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là hơn 55,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng hơn 16,2 tỷ USD so với năm 2018.
Mức thâm hụt thương mại hơn 39,4 tỷ USD của năm 2018 tăng 3,1% so với năm 2017.
Cơ quan Thống kê của Hoa Kỳ nhận định thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam vượt quá 20 tỷ đôla kể từ năm 2014.
Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cũng cho thấy thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không ngừng tăng sau mỗi năm kể từ khi Mỹ bắt đầu ghi nhận con số âm hơn 101 triệu USD trong cán cân thương mại với Việt Nam trong toàn bộ năm 1997.
Sau Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia bị chính phủ của Tổng thống Trump đề cập đến khá nhiều lần về vấn đề cạnh tranh không công bằng và thao túng tiền tệ. Hồi tháng 06/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Việt Nam là quốc gia “lợi dụng tồi tệ nhất” trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer hồi tháng 07/2019 cũng cảnh báo Việt Nam phải có biện pháp cắt giảm thặng dư thương mại trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục tăng cường áp lực lên Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.
Hồi tháng 11/2019, phái đoàn thương mại do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu, với sự tham gia của giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội. Trong chuyến thăm Việt Nam này, ông Ross đã bày tỏ “quan ngại” ngay tại Hà Nội về mức thâm hụt thương mại hàng chục tỷ đôla với Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một thành viên nội các Mỹ lên tiếng ngay tại Việt Nam về mức thâm hụt trị giá hàng chục tỷ đôla.
Trong bữa tiệc trưa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tập đoàn BRG đồng tổ chức hôm 08/11, ông Ross phát biểu: “Trong vòng 25 năm qua, thương mại giữa hai quốc gia đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng hơn bốn lần trong vòng một thập kỷ qua, đạt 10 tỷ đôla năm 2018. Và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng hóa của Việt Nam… Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về thâm hụt thương mại 40 tỷ đôla. Chúng tôi muốn làm việc với chính phủ Việt Nam để giảm mức thâm hụt thương mại này”.
Ngoài ra, ông Ross cũng lên tiếng quảng bá và kêu gọi các công ty Việt Nam cân nhắc đầu tư ở Hoa Kỳ đồng thời khéo léo chào mời Việt Nam nhập khẩu thêm hàng hóa từ Hoa Kỳ.
Ông nói: “Có rất nhiều các lợi ích vô hình khác từ việc đầu tư ở Mỹ như chất lượng đời sống rất cao; sự đa dạng văn hóa…15.372 sân golf. Và quý vị sẽ không đơn độc: Có 2,1 triệu người Mỹ gốc Việt… Hoa Kỳ cam kết vì sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với quý vị để gây dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với các công ty cũng như người tiêu dùng Mỹ… Đổi lại, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, và rằng cộng đồng doanh nghiệp làm việc để tạo ra các điều kiện để mọi công ty có thể thành công.”
Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa rằng Việt Nam sẽ mua thêm các sản phẩm của Hoa Kỳ, chẳng hạn như máy bay của Công ty Boeing.
Vào tháng 08, lần đầu tiên Việt Nam cho biết đang đàm phán để mua than của Hoa Kỳ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ Việt Nam về “thực hiện kế hoạch hành động tiến tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững Việt – Mỹ”, hồi tháng 02/2020, Việt Nam đã ký cam kết mua 3 tỷ đô la hàng hoá nông sản của Mỹ trong vòng 2 – 3 năm tới. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 18 biên bản ghi nhớ với 4 hiệp hội ngành hàng của bang Nebraska để mua hơn 3 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, 100.000 con bò sống, thức ăn chăn nuôi, hoa quả, ngô và đậu nành.
Việt Nam cũng vừa phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực trấn áp tình trạng hàng hóa Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để né thuế quan của Mỹ, sau khi một số sản phẩm như thép nhập khẩu từ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế nặng vì là hàng gốc Trung Quốc.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hôm 02/10 vừa qua đã khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Thông cáo của cơ quan thương mại Mỹ cho biết cuộc điều tra được tiến hành “theo chỉ đạo của Tổng thống Donald J. Trump” về hai vấn đề quan trọng, bao gồm: hành vi, chính sách và phương thức thực hiện của Việt Nam liên quan đến nhập khẩu và sử dụng gỗ buôn lậu hay khai thác lậu; và hành vi, chính sách và phương thức thực hiện của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền và gây hậu quả lên thương mại Mỹ.
Thông cáo dẫn lời Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer nói: “Tổng thống Trump cam kết kiên quyết chống lại các hành vi thương mại bất công, gây hại cho nhân công, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại của Mỹ.”
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gây hại cho môi trường và không công bằng đối với công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ, vốn buộc phải tuân thủ quy định là chỉ được sử dụng gỗ được khai thác hợp pháp.
Ông Lighthizer cũng nói thêm rằng: “Ngoài ra, các hành vi tiền tệ không công bằng có thể gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam do tiền tệ bị định giá thấp… Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận các kết quả của cuộc điều tra và xác định những hành động thích hợp để thực hiện, nếu có.”
Mục 301 của Đạo luật Thương mại cho phép USTR điều tra các đối tác thương mại của Hoa Kỳ để xác định xem họ có vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế hoặc gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng cho thương mại Mỹ hay không.
Nếu bị kết luận vi phạm, cơ quan của Mỹ có thể sẽ đưa ra các biện pháp để loại bỏ tình trạng bất công thương mại và bảo vệ quyền lợi của Mỹ theo lệnh của Tổng thống.
Các biện pháp được cho phép thực hiện bao gồm áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối tác thương mại bị kết luận vi phạm, đình chỉ các lợi ích của hiệp định thương mại và ký kết các thỏa thuận với đối tác thương mại để giải quyết những tác động tiêu cực mà các hành vi vi phạm gây ra.
Các cuộc điều tra đối với Việt Nam là cuộc điều tra thứ tư và thứ năm mà cơ quan của Mỹ thực hiện kể từ năm 2017 khi USTR bắt đầu điều tra về các chính sách và việc thực thi thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Sau kết quả điều tra đó, USTR đã áp đặt bốn đợt thuế liên tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt hơn hai năm qua. Hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán, trong đó Trung Quốc đã phải cam kết và nhượng bộ nhiều vấn đề để được gỡ bỏ hay đình chỉ một phần thuế quan.
Trong thông báo chi tiết, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng yêu cầu công luận đóng góp thông tin cho cuộc điều tra, bao gồm thông tin liên quan đến mức độ gỗ lậu nhập vào Việt Nam, mức độ sử dụng gỗ lậu tại nơi sản xuất hay trong các sản phẩm gỗ của Việt Nam, các chính sách, hành vi hay thực tế tại Việt Nam liên quan đến nhập khẩu và sử dụng gỗ lậu, chính sách, mức độ và thực tế phá giá tiền tệ của Việt Nam…
Cơ quan thương mại của Mỹ cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cơ quan này không thể tiến hành các buổi lấy ý kiến công cộng. Vì vậy, thông tin cung cấp cho USTR phải được viết bằng tiếng Anh và gửi qua phần “Bình luận” (Comment) trên trang Regulations.gov cho đến hết ngày 12/11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 03/11.
USTR không đưa ra một thời gian biểu nào cho cuộc điều tra này nhưng cuộc điều tra đối với Trung Quốc diễn ra trong bảy tháng.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Du học rồi ở lại bất hợp pháp – Sinh viên từ VN bị Mỹ cho vào “sổ đen”
>>> Công đoàn quốc doanh “rung động”- Các doanh nghiệp cùng lúc “vùng lên”
>>> Vụ buôn lậu ma túy từ Berlin có dính líu tới Tô Lâm?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT