Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến thăm chặng cuối Việt Nam vào ngày 30/10 trong chuyến công du mà ông liên tục đưa ra thông điệp kêu gọi các nước quốc gia châu Á hợp tác với Hoa Kỳ trong việc đối mặt với các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc gây ra.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/10, ông Pompeo cho biết ông có nói chuyện với Tổng thống Donald Trump vài ngày trước khi đến Hà Nội.
“Tôi nói với ông ấy rằng tôi đang trên đường đến đây. Ông ấy gửi lời chào trân trọng. Ông ấy nói rằng trong các dịp trao đổi với ông (Thủ tướng Phúc) về những điều quan trọng mà hai nước chúng ta cùng hợp tác, chúng tôi có sự tôn trọng rất lớn đối với người dân Việt Nam và chủ quyền của Việt Nam”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ông Pompeo bày tỏ mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục cùng với Việt Nam “xây dựng mối quan hệ và làm cho khu vực Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – trở nên an toàn, hòa bình và thịnh vượng”.
Về phía mình, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói ông tìm kiếm “sự hợp tác chân thành” trong việc hỗ trợ cho một khu vực hòa bình và tiến triển trong mối quan hệ thương mại và đầu tư.
Việt Nam là chặng dừng được bất ngờ thêm vào trong chuyến công du châu Á dự kiến đến 4 nước của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhằm tăng cường đồng minh chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và đang xâm nhập chính trị và quân sự trên khắp châu Á.
Tại Việt Nam, ông Pompeo không hề đề cập công khai đến Trung Quốc như trong các chặng dừng chân trước đó ở Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Tại Sri Lanka, ông Pompeo nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc giống như một “kẻ săn mồi” và đem đến “sự vô pháp” cho Sri Lanka và Maldives, hai quốc gia thuộc Ấn Độ Dương mà Trung Quốc tài trợ và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau trước sự báo động của Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Tại Maldives, Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc “chiếm đóng trái phép lãnh thổ và gây tổn hại môi trường” của nước này. Ông Pompeo cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ mở đại sứ quán Mỹ đầu tiên ở thủ đô Male trong một nỗ lực nhằm đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc tại đây.
Còn tại Ấn Độ, ông kêu gọi Delhi hợp tác để đối đầu với “mối đe dọa Trung Quốc” đối với an ninh và tự do trong khu vực.
Đối với Indonesia, ông Pompeo một lần nữa tố cáo yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là “phi pháp” và khẳng định Hoa Kỳ sẽ tìm các phương thức mới để hợp tác với Jakarta trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tin cho hay trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Mỹ có cuộc họp kín với Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Trên trang Twitter hôm 30/10, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng được đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông khẳng định “Quyết tâm và hành động của hai quốc gia vì lợi ích chung chắc chắn sẽ đưa chúng ta tiến xa”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng cám ơn Hoa Kỳ về những hỗ trợ chống COVID-19 và trong thảm họa lũ lụt ở miền Trung Việt Nam, trong đó có khoản hỗ trợ 2 triệu USD từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ.
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà thì cũng đưa tin rằng:
Ngoại trưởng Mỹ ông Mike Pompeo đang ở thăm Việt Nam 02 ngày 29 & 30/10 trong chuyến công du Châu Á. Chỉ vài giờ ngay trước khi Pompeo đến Hà Nội, BNG Việt Nam đã đưa ra tuyên bố cho biết, công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn đã được thả vì lý do nhân đạo!
Michael Nguyễn (sinh năm 1964) là doanh nhân sống tại California; ông bị bắt hồi tháng 7/2018 khi về Việt Nam thăm họ hàng, bạn bè. Và, tháng 6/2019 TAND Tp.HCM đã kêu án 12 năm tù, tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 BLHS. Hôm 21/10 vừa qua, ông bất ngờ được đưa ra Tân Sơn Nhất và trục xuất về Mỹ.
Quan chức Mỹ kêu gọi Việt Nam thả bà Phạm Đoan Trang
Hôm 16/10, 12 dân biểu Mỹ đã gửi thư tới ông Pompeo, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi nhà ngoại giao này “nêu việc thả bà Phạm Đoan Trang trong bất kỳ cuộc gặp song phương nào với chính quyền Việt Nam”.
Hiện chưa rõ Ngoại trưởng Pompeo có bàn về vấn đề nhân quyền và nêu vụ bắt giữ bà Trang trong cuộc gặp với quan chức Việt Nam ở Hà Nội, nhất là với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hay không.
Trước khi Việt Nam và Mỹ bất ngờ công bố ông Pompeo công du tới Hà Nội, VOA Việt Ngữ hôm 27/10 liên hệ với cơ quan chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để hỏi xem liệu phía Mỹ có nêu vụ bắt giữ bà Trang bên lề Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và Việt Nam phối hợp tổ chức, nhưng tới hôm 29/10 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Trên Facebook có hơn 300 ngàn người theo dõi, Doanh nhân Lê Hoài Anh viết rằng:
“VN cứ mạnh dạn mà tiếp khách quý. Không phải sợ thằng tàu cộng nhé!
Đừng hèn hạ mãi, Tivi dịp này cũng đừng chiếu mấy cái phim “Điện Biên Phủ trên không” rồi “Hà nội 12 ngày đêm”…
Dĩ vãng đã qua, đừng khai quật lên mãi. Chả ích lợi gì! Thời thế! Thế thời phải khác rồi nhé.
Sợ mãi cái bọn bành trướng, hèn lắm! Dân đen ngán lắm rồi!”
Liên quan đến cách hành xử của tuyên giáo tương tự như vậy, Facebook Cao Quyền cũng nhắc lại chuyện thủ tướng Nhật sang Việt nam mới đây:
Thủ tướng Nhật qua thăm Việt Nam, quà cáp đủ thứ, tỏ vẻ rất trân trọng mối quan hệ với VN.
VN ngoài mặt niềm nở nhận quà , nhưng ngay sau đó cho VTV phát bộ phim ca ngợi tinh thần kháng chiến chống phát xít Nhật. Đâm sau lưng đế quốc Nhật sài lang một nhát thật đắc ý.
Nhật Bản chỉ nhẹ nhàng đáp trả bằng cách bố ráp bắt một đống tội phạm trộm cắp Việt Nam. Đưa hai chữ Việt Nam lên đầy trang tin của báo đài Nhật.
Đại khái ” mày đâm sau lưng tao bằng quá khứ, tao sỉ nhục lại mày bằng hiện tại“
Bởi vậy mới nói rằng: khôn lỏi quá thành ra ngu.” Ông Cao Quyền đưa ra phân tích.
Nhà văn Tạ Duy Anh có bài bình luận trên Facebook cá nhân với tựa đề “ĐẤT NƯỚC HAY CHẾ ĐỘ? (Suy nghĩ nhân ngài Pompeo đến Hà Nội), với nội dung như sau:
“Cách nay 8 năm, tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm của hành động Trung Cộng thành lập tỉnh Tam Sa, xin trích:
“…Người Việt không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị Việt Nam, Philippine… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ “ấn” cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí, hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Rồi những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ…do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế. Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!” (hết trích)
Tháng 10 năm 2016, Trung Cộng hoàn thiện bộ máy hành chính Tam Sa thông qua một cuộc bầu cử, bước tiếp theo để hợp thức hóa địa danh bất hợp pháp này.
Cách đây khoảng 10 ngày, Trung Cộng công khai đang có tới 400 doanh nghiệp của chúng hoạt động ở Tam Sa, chủ yếu trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Dự đoán sắp tới Trung Cộng sẽ ném ra món mồi nhử hấp dẫn lôi kéo các công ty, tập đoàn nước ngoài rót tiền đầu tư hoặc sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hệ thống cảng biển, bến bãi, kho chứa để thực hiện bước nguy hiểm là quốc tế hóa địa danh Tam Sa.
Rõ ràng kẻ thù đã tiến sâu xuống phía Nam theo đường biển, đến sát cạnh sườn người Việt, với những cơ sở hậu cần hùng hậu và cực kỳ nguy hiểm, chuẩn bị cho việc thôn tính tiếp theo. Nếu ai còn mơ hồ về điều đó, cứ cố sống cố chết bám lấy tình đồng chí để mong có sự nhân nhượng, chắc chắn sẽ thành tội đồ dân tộc.
Nhưng Tập Cận Bình, tên hoàng đế đỏ, không phải là một lãnh đạo có tầm nhìn xa như mọi người nghĩ về hắn. Với thói kiêu ngạo, háo danh, Tập đang chuốc cho đất nước của y vô vàn kẻ thù. Thế giới phương Tây, sau khi tối mắt vì tiền bạc, đã kịp thức tỉnh, đang cùng với Ấn Độ, Nhật Bản…lặng lẽ siết chặt vành đai thép để kiềm chế con quái thú Trung Hoa. May thay, chúng ta có LỢI ÍCH LỚN từ hành động đó.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ vừa bất ngờ thăm Việt Nam chắc không chỉ để chơi vui. Sẽ có những điều cả hai nước cần giữ bí mật, vì thế tôi không dám lạm bàn bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi hy vọng chính quyền Hà Nội không bỏ lỡ thêm cơ hội then chốt (tôi không muốn nói là cơ hội cuối cùng) hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên hành tinh này còn đủ sức, đủ bản lĩnh, đủ sự tỉnh táo để khiến Trung Quốc phải chùn tay. Nếu quý vị cho rằng công khai thách thức Trung Cộng là thiếu khôn ngoan, thì cũng đừng dại dột công khai khiến các đối tác lớn nản lòng.
Đừng ai quên rằng, hiện chỉ còn Trung Quốc là thế lực ngoại xâm đang chiếm đóng một phần lãnh thổ của người Việt.
Hãy vượt qua ám ảnh về chuyện mất còn chế độ khi đưa ra các lựa chọn lợi ích cho đất nước. Một chế độ tốt đến mấy cũng không thể đồng nhất với đất nước. Nhưng một chế độ tốt luôn là mong muốn của người dân (trong đó có tôi) và chính họ sẽ bảo vệ và chỉ có họ mới đủ sức bảo vệ. Còn một chế độ lỗi thời, thối nát, phản dân, coi công lý là cỏ rác, nhất là lại để mất lãnh thổ vào tay giặc thì nếu không tự nó biến mất, cũng sẽ bị cưỡng bức biến mất. Điều đó vẫn luôn được coi là tiến bộ của lịch sử.” nhà văn Tạ Duy Anh nêu quan điểm.
Ngoại trưởng Mỹ có thể đề nghị cho máy bay săn ngầm bay từ Việt Nam ra Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia hôm 28-10-2020 có nhận định như trên về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Theo ông Carl Thayer, Hoa Kỳ có thể đề nghị phía Việt Nam cho phép máy bay săn ngầm P8 – Poseidon của Mỹ bay từ Việt Nam ra Biển Đông để trinh sát, đồng thời tiến tới hợp tác trong lĩnh vực tuần tra biển để đối trọng với các tàu cá của Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp.
“Ngoại trưởng Pompeo có ba ưu tiên hàng đầu:
Thứ nhất là thảo luận về cách Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác để thúc đẩy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi Mở (FOIP) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ hai là húc đẩy hợp tác chống lại virus corona, liên quan đến vắc xin và phương cách điều trị và phục hồi sau COVID và thứ ba là sự tham gia của Hoa Kỳ vào các hội nghị cấp cao cuối năm của ASEAN và các cuộc họp cấp cao diễn ra sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ ngày 3 tháng 11.
Ngoại trưởng Pompeo sẽ quan tâm đến việc xác định những bước thực tế mà Việt Nam sẽ sẵn sàng thực hiện để thúc đẩy FOIP.
Pompeo có thể tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng bảo vệ bờ biển để chống lại việc đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc, tài trợ cụ thể cho các dự án cơ sở hạ tầng, và có thể cho phép máy bay trinh sát hàng hải của Mỹ, chẳng hạn như P-8 Poseidon, bay từ Việt Nam điều mà Indonesia đã từ chối làm“, Giáo sư Carl Thayer cho biết trong bài đăng trên trang SCRIBD.
Cơ quan Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Nam Trung Hoa (SCSPI) hồi tháng 8 cho biết, chỉ trong tháng 7 năm 2020 quân đội Mỹ đã điều 67 lượt máy bay tới Biển Đông để trinh sát Trung Quốc, trong đó có 29 lượt của máy bay tuần thám P8 – Poseidon xuất kích từ căn cứ quân sự trên đảo Guam.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đảng “đóng cửa” chống tham nhũng- Quan giàu lên, dân nghèo “xơ xác”
>>> Châu Á, Châu Âu cùng Mỹ lập liên minh chống Đảng Cộng sản Trung Quốc
>>> Tàu chiến Mỹ tràn đến Thái Bình Dương vây Trung Quốc ở Biển Đông
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT