Trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản (tháng 1, 2016) thực trạng “bất ổn kinh tế và thể chế” khiến nhiều nhà quan sát cho rằng sự cầm quyền của Đảng đang lung lay, và Đảng lo ngại tình hình suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhiều quan chức có thể đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Đó là những dấu hiệu theo quan sát của TS. Phạm Quý Thọ từ Hà nội, ông còn cho rằng các lãnh Đảng Cộng sản cũng đang tự chuyển hóa, tự thay đổi để thích ứng với tình thế mới để duy trì quyền lực thống trị của mình. TS. Phạm Quý Thọ có bài phân tích với tựa đề “Đại hội 13: Chế độ đang phải tự thay đổi để ứng phó với tình hình!”, với nội dung như sau:
Trước những dấu hiệu “bất ổn kinh tế và thể chế”, chế độ đảng toàn trị đang phải tự thay đổi để ứng phó với tình hình: tự củng cố nội bộ đồng thời với nỗ lực phục hồi kinh tế và đối phó với đại dịch COVID-19.
Yêu cầu phải tự thay đổi để thích ứng có ý nghĩa quan trọng để tạo động lực tiếp tục cải cách, chuyển đổi, nhưng mặt khác, cũng có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực quá độ, nguy cơ quyền lực cá nhân áp đảo các chuẩn mực thể chế, tăng cường chuyên chế, tổn hại dân chủ và làm giảm niềm tin vốn là cơ sở của tính chính danh đang yếu ớt.
Sau Đại hội 12 Đảng đã ban hành một loạt các chỉ thị, nghị quyết về tổ chức, các tiêu chuẩn lựa chọn, kỷ luật, nêu gương đạo đức … hướng tới xây dựng bộ máy lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương.
Nghị quyết 4 năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là một trong những căn cứ “đảng lý” để thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng.
Hàng nghìn quan chức “vi phạm nguyên tắc” của đảng và pháp luật nhà nước “gây hậu quả nghiêm trọng” bị kỷ luật đảng với các hình thức khác nhau và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó đáng chú ý có 3 uỷ viên Bộ Chính trị và nhiều uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương là lãnh đạo tỉnh, thành, lực lượng vũ trang… của Khoá 12.
Đảng nhấn mạnh công tác cán bộ là quyết định sự tồn vong chế độ, bởi vậy đồng thời với việc thanh trừng “không vùng cấm” trong nội bộ là củng cố tổ chức, quy hoạch cán bộ và chuẩn bị đại hội các cấp từ cơ sở đến trung ương.
Đến cuối tháng 10/2020 đại hội cấp tỉnh, thành phố và tương đương để thảo luận văn kiện và bầu chọn lãnh đạo đảng ở địa phương đã “hoàn thành”, và được tiến hành “tổng kết”, một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong sinh hoạt đảng, tại Hà Nội ngày 19/11.
Các hội nghị trung ương 12, 13 bàn thảo về công tác nhân sự đảng cũng đã diễn ra, trong đó danh sách các uỷ viên trung ương, cả từ Khoá 12 và mới quy hoạch cho Khoá 13 khoảng hơn 200 người đã được dự kiến.
Còn khoảng hơn hai tháng đến Đại hội 13 dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Trong thời gian này, theo quy trình, có “nhiều nội dung” quan trọng phải hoàn thành, như việc dự kiến cơ cấu “tứ trụ” và các uỷ viên Bộ Chính trị khoá mới. Việc chuyển giao quyền lực cấp cao nhất của đảng đang là vấn đề phức tạp, khi thiếu quy hoạch kế thừa, và vì vậy “các trường hợp đặc biệt”, nghĩa là “quá” tiêu chuẩn quy định, đặc biệt về tuổi, phải “lấy ý kiến” tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Cùng với công tác chuẩn bị cho đại hội, Hội nghị Trung ương 14 sẽ diễn ra trong nay mai, trong đó nội dung nêu trên là chủ yếu sẽ có trong nghị trình.
Đảng nhận định Đại hội 13 sẽ diễn ra thành công. Các nhà quan sát có thể bình luận kiểu “gây chú ý’ rằng “bất ngờ” vẫn có thể xảy ra ở “phút 89”.
Tôi cho rằng sau những động thái quyết liệt ngăn chặn nguy cơ “bè phái” thông qua “chống tham nhũng” thì nhu cầu cần có sự đồng thuận giữa các lãnh đạo đang trở lại “quỹ đạo” và việc lựa chọn các uỷ viên của Bộ Chính trị khoá 13 cần nhận được sự đồng thuận của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hiện thời.
Tăng trưởng kinh tế là “cứu cánh” cho tính chính danh của đảng đang yếu ớt sau những “bất ổn kinh tế vĩ mô” và thể chế. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP dần lấy lại được đà liên tục trong 4 năm đầu: 2016 – 6,21% ; 2017 – 6,81%; 2018 – 7,08%; 2019 – 7,02%. Đại dịch COVID-19 đã “chặn” đà tăng này.
Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) mới đây, ngày 20/11, đưa ra dự báo tăng GDP 2020 của Việt Nam là 2,4%, “một trong những tỷ lệ được xem là cao nhất trên thế giới trong năm diễn ra đại dịch trên toàn cầu, nhờ vào các bước quyết định nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế”.
Với cách tiếp cận thực tế và chủ động, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép cho nền kinh tế vừa phòng và chống dịch COVID, vừa phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng đã đưa đến “thành công kép” trong nhiệm kỳ. Đây là cơ sở đảm bảo cho tăng việc làm và thực hiện các chính sách xã hội.
Bỏ qua “bàn cãi” về tính chính xác của số liệu thì kết quả như trên là “nỗ lực đáng ghi nhận” sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế vĩ mô do sai lầm chính sách trong nhiệm kỳ trước.
Sự thay đổi chính sách kinh tế theo hướng thực dụng đã phát huy tác dụng huy động nguồn lực xã hội lớn hơn cho tăng trưởng.
Giới tinh hoa, các nhà nghiên cứu đã “yên tâm” hơn với “Chính phủ kiến tạo” với phương châm điều hành “liêm chính, phục vụ”, “làm những gì có lợi cho người dân và doanh nghiệp”, trong đó tập trung tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp và loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính và thực thi công vụ.
Một trong những điểm nhấn cần thiết là Chính phủ đã chỉ ra “cải cách thể chế là dư địa lớn để tăng trưởng”.
Theo tôi, hiệu ứng của “chính sách thực dụng” và phương thức điều hành của “Chính phủ kiến tạo” đã lan toả tích cực sang các lĩnh vực khác.
Trước hết, quan niệm về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã “mềm” và bớt “giáo điều” hơn.
Nếu chính sách đối ngoại “thực dụng”, đa phương với mọi chế độ chính trị, thì cớ gì chính sách “đối nội”, đặc biệt về kinh tế lại không “thực dụng” để phát triển!?
Ngoài ra, việc vận hành chính sách hiện hành không những không làm “yếu”, mà còn phát huy được “ưu thế” của nhà nước trong những tình huống cấp bách như phòng, chống đại dịch và ứng phó với thảm hoạ thiên tai, bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung vừa qua.
“Tập trung quá độ”
Nỗi lo của các nhà cải cách: “quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối”.
Thực tế tại nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng tập trung quyền lực quá độ luôn có xu hướng dẫn đến độc tài.
Cách cai trị Trung Quốc hiện thời của Tập Cận Bình cho thấy nhận xét trên là xác thực, từ toàn trị sang độc tài có biên giới mong manh.
Một đặc trưng của chế độ tập quyền là sự thiếu vắng các định chế chính trị mang tính đối trọng, như Nhà nước pháp quyền, hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ, mà chủ yếu dựa vào tầng lớp lãnh đạo đất nước, thông qua con đường “giáo dục”.
Tập thể lãnh đạo không phải là cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, nhưng có thể là “khả dĩ chấp nhận” để ngăn chặn độc tài, và một trạng thái cân bằng lẫn nhau theo truyền thống có thể được thiết lập.
Mặc dù hiện nay các cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương và Ủy Ban Kiểm tra Trung ương có vai trò nhất định trong quá trình “tự củng cố”, chỉnh đốn và chống tham nhũng, nhưng “đối trọng” nào kiểm soát họ, bởi vậy việc duy trì nguyên tắc tập thể lãnh đạo là cần thiết đối với chế độ đảng toàn trị, một mặt, để tránh tha hoá quyền lực, tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ và chuyên chế, và mặt khác, để “tiếp tục” cải cách thể chế chính trị, chuyển đổi dân chủ phù hợp hơn với kinh tế thị trường.
Vì sao không thể xóa việc chạy chức, chạy phiếu vào nhân sự Đại hội 13?
Hôm 19 tháng 11 năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Đại hội Đảng bộ các cấp tại Hà Nội.
Nhận định về việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, ông Trọng phát biểu rằng: “Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự trung ương.
Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn.”
Ông Trọng nói thêm là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc, blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận định về phát biểu của ông Trọng về tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm hẳn:
“Thứ nhất, ông Trọng nên đưa ra con số rõ ràng chứ không nên nói chung chung như vậy. Phải có số tuyệt đối là bao nhiêu con người và số tương đối là chiếm bao nhiêu phần trăm. Ổng phải làm một phép so sánh với các kỳ đại hội đảng trước đây thì mới phát ngôn như vậy được.
Thứ hai, tất cả các đại hội đảng hàng chục năm qua họ đều nói là thành công. Như vậy có phải họ đã nói dối hay không khi đại hội nào họ cũng bảo là chọn ra những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài trở thành chuyện nghiêm trọng.
Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng. Nếu kỳ này gọi là giảm hẳn, thì cũng phải đưa ra những kẻ nào đã chạy chức chạy quyền ra cho dân biết.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, thì cho rằng cách nói của ông Trọng là tự khen, là ‘nói chỉ để mà nói’ thôi chứ làm sao mà biết là giảm hay tăng, bởi chính các ông ấy còn không biết ai chạy ai!
Vì sao chỉ giảm mà không dứt?
Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy phiếu trước mỗi kỳ đại hội đảng không là chuyện lạ trong xã hội Việt nam từ nhiều năm qua. Các cấp lãnh đạo trong Đảng, trong Chính phủ cũng từng nhiều lần đề cập thậm chí ra những quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.
Đây là Quy định của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Một trong những điểm nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là chìa khóa để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo một số nhà quan sát thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn nạn chạy chức, chạy quyền là chuyện không thể có. Còn chuyện giảm hay giảm hẳn như lời ông Trọng nói thì không có căn cứ.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định như vậy. Ông giải thích:
“Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. Với cái thể chế như thế nào thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Lý do thứ nhất là không có sự minh bạch; thứ hai là không có một chính sách rõ ràng để bầu cử; thứ ba là người ta làm việc theo cảm tính và theo kiểu tiến cử cá nhân.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Liên Hiệp Quốc chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam, sách nhiễu người dân
>>> Nguyễn Đức Chung đánh cắp tại liệu bí mật như thế nào?
>>> Việt Nam đe dọa đóng cửa Facebook
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT