Các văn kiện trình Đại hội 13 vẫn đưa ra một thông điệp là tiếp tục cải cách thể chế khiến nhân dân nhen nhóm hy vọng về một quá trình chuyển đổi dân chủ. Thế nhưng đi vào nội dung của việc cải cách thể chế mới thấy thông điệp mà Đảng truyền tải để nhân dân chỉ hoàn toàn mang tính tuyên truyền, ru ngủ người dân.
Hai nội dung căn bản của việc tiếp tục cải cách thể chế là thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường và chỉnh đốn Đảng bằng cách tập trung quyền lực cao hơn.
Học giả Phạm Quý Thọ nhận định đây là hai yếu tố mâu thuẫn nhau không thể song hành cùng nhau. Việc tập trung quyền lực đảng nói chung hay chỉnh đốn nội bộ và chống tham nhũng là cản trở cải cách thể chế thị trường.
Phát triển kinh tế thị trường luôn gắn liền với chuyển đổi dân chủ. Đây là xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới.
Phát triển kinh tế thị trường là quá trình thay đổi mọi mặt trong xã hội dẫn đến thay thế những cấu trúc xã hội độc đoán, tập trung quyền lực vào số ít người bằng một hệ thống mà người dân có thể kiểm soát quyền lực, tham gia xây dựng xã hội tự do, bình đẳng.
Thị trường tạo động lực cho chủ nghĩa tư bản phát triển đồng thời cũng sản sinh chế độ dân chủ với thể chế tam quyền phân lập dần hoàn thiện trong thế giới phương Tây phát triển.
Thế nhưng Các Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản “tự đào mồ chôn mình” và bị thay thế bởi chủ nghĩa cộng sản với phương thức sản xuất cao hơn.
Trong giữa những năm thập niên 1920, ngay khi lên nắm quyền, Stalin đã chính thức hóa hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô là chủ nghĩa Marx–Lenin và thay thế nền kinh tế thị trường bằng nền kinh tế kế hoạch.
Có thể gọi đây là nền kinh tế cộng sản nguyên thủy. Nhà nước quản lý và kiểm soát hầu như toàn bộ các mặt kinh tế, xã hội, sử dụng tem phiếu để phân phối hàng hóa tới người tiêu dùng. Ủy ban kế hoạch nhà nước sẽ dự báo về cung và cầu để các nhà máy, nông trường…cung cấp hàng hóa hoặc xuất nhập khẩu.
Mặc dù trong những thập niên đầu tiên, xã hội Liên Xô đã gặt hái được những thành công nhất định như nhà quan sát Võ Văn Quản tóm lược là: nền kinh tế phát triển tịnh tiến tăng dần đều (và chỉ bị gián đoạn trong Đệ nhị Thế chiến); đời sống người dân tuy không tăng trưởng ở tốc độ choáng ngợp và có của cải dư thừa như ở phương Tây, nhưng các nhà khoa học đồng tình rằng nó luôn theo chiều hướng đi lên; sự can thiệp toàn diện của nhà nước vào mọi vấn đề xã hội đồng nghĩa với việc chính phủ Liên Xô luôn duy trì chế độ giáo dục miễn phí, hệ thống y tế toàn dân; đóng góp khoa học và công nghệ của Liên Xô cho nhân loại luôn được Đông – Tây thừa nhận, từ cuộc chạy đua lên vũ trụ cho đến cờ vua và khúc côn cầu, Liên bang Xô Viết luôn khẳng định mình là đại diện duy nhất có khả năng đối trọng với “nửa bán cầu của Hoa Kỳ” suốt hàng chục thập niên.
Tuy nhiên, mô hình Liên Xô tồn tại hàng loạt những vấn đề hệ thống vô cùng nghiêm trọng: từ thói tham nhũng và thân hữu, giới lãnh đạo bảo thủ thiên cực, cho đến giai đoạn kinh tế phát triển chững lại và hơn 20% ngân sách quốc gia phải chi cho hoạt động quân sự để gìn giữ “chế độ xã hội chủ nghĩa” ở nước ngoài… Hơn nữa nền kinh tế tập trung đã gây ra căn bệnh thành tích, triệt tiêu tính sáng tạo, sự cạnh tranh khiến hầu hết các loại sản phẩm của Liên Xô dù là nông nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp hay công nghiệp nặng đều có dấu hiệu thua kém so với các quốc gia tư bản phương Tây.
Những yếu tố trên cùng với sự sụp đổ của các nhà nước chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lênin tại Đông Âu bắt đầu từ Ba Lan đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.
Nhà quan sát Dương Quốc Chính phân tích Trung Quốc, chính xác hơn là Đặng Tiểu Bình, đã sớm nhận ra những mặt hạn chế của chế độ cộng sản nguyên thủy do Liên Xô là đầu lĩnh.
Một phần là do Trung Quốc mâu thuẫn với Liên Xô về con đường phát triển và tư tưởng chính trị, Trung Quốc liên minh với Mỹ kể từ năm 1972, nên Đặng đã học được nhiều điều từ chế độ tư bản, để áp dụng vào việc cải cách kinh tế.
Chính Đặng là người “phát minh” ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Trung Quốc gọi là chế độ cộng sản đặc sắc Trung Quốc. Việt Nam sau khi mất đi “người anh cả xã hội chủ nghĩa” Liên Xô, phải quay lại ôm chân nước bạn thì cũng áp dụng rập khuôn theo mô hình kinh tế, xã hội này, có lẽ giống Trung Quốc 90%.
Chế độ cộng sản kiểu mới này không còn giáo điều như chế độ cộng sản nguyên thủy, nó chấp nhận có kinh tế tư nhân, có người bóc lột người, đảng viên được làm kinh tế, nhà nước không còn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế cũng như xã hội, xóa bỏ tem phiếu và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Tuy nhiên, nhà nước vẫn kiểm soát 1 số ngành kinh tế thiết yếu, có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, các công ty nhà nước vẫn được nhiều đặc quyền đặc lợi cho dù cùng chung một ngành kinh tế với tư nhân.
Về mặt xã hội, chính quyền cũng giảm bớt sự kiểm soát, một số mặt được thả lỏng hơn, như giáo dục đã được có trường tư, trường Tây, tư nhân được tham gia liên kết với các Nhà xuất bản nhà nước để phát hành sách báo… Toàn dân không hoàn toàn bị trói chặt vào tư tưởng cộng sản như cũ.
Tuy nhiên một số mặt quyết định, ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân vẫn bị nhà nước kiểm soát rất chặt như sách báo vẫn bị kiểm duyệt, giáo dục vẫn chỉ có 1 bộ sách nặng về tuyên truyền “nhồi sọ”.
Cần phải ghi nhận một hiện tượng là ngay tại chính Trung Quốc, chính sách cải cách và mở cửa thực dụng đã khuyến khích kinh tế thị trường giúp tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, “tính thích nghi, tính tinh vi, tính tự trị” đang bị “lung lay” bởi sự tập trung quyền lực dẫn đến cai trị độc đoán. Chính vì vậy mà quá trình chuyển đổi dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng tại quốc gia có nền kinh tế thứ hai thế giới này.
Ông Phạm Quý Thọ nhận định tương đồng về chế độ chính trị Trung Quốc và Việt Nam có những “điểm chung” cơ bản về chuyển đổi dân chủ, đó là việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường nhưng vẫn giữ chế độ đảng toàn trị.
Việt Nam mới đây trong Dự thảo báo cáo chính trị khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng giới quan sát nhận định rằng xã hội chủ nghĩa còn ở xa, “định hướng” tới tương lai bất định, còn thị trường đang hiện hữu ngày càng rõ trước mặt trong thực tế chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.
Các nhà nghiên cứu đã “tìm kiếm” mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ ở các nước phát triển Bắc Âu, như Thuỵ Điển hay Đan Mạch, tuy nhiên nhận định chung đó vẫn là mô hình tư bản chủ nghĩa phát triển với nhà nước phúc lợi rộng rãi trong khi các phương tiện sản xuất được sở hữu chủ yếu bởi tư nhân, tài nguyên được phân bổ đến người dùng thông qua thị trường, chứ không phải bởi kế hoạch của chính phủ hay cộng đồng.
Trước thực tế thành công những mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ Bắc Âu trên nền tảng của mô hình tư bản chủ nghĩa kể trên, để che mắt nhân dân và cộng đồng quốc tế, kinh tế thị trường trong “mô hình kinh tế tổng quát” tại Việt Nam được nhận thức lại rằng không phải là từ khâu phân phối phúc lợi, mà về khía cạnh thể chế như các quy luật và nguyên tắc vận hành để Việt Nam có thể trở thành bộ phận của thị trường quốc tế.
Thế nhưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không tiến bộ hơn nền kinh tế kế hoạch khi hiện tượng tham nhũng trong hệ thống chính trị đã trở thành vấn nạn tại Việt Nam, đe dọa đến tính chính danh và sự tồn vong của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11/2020 đã nói: “Chưa đầy một nhiệm kỳ, hơn 100 cán bộ cấp chiến lược bị xử lý kỷ luật. Trong tất cả những tội lỗi, khiếm khuyết thì điều căn bản nhất tôi nhìn thấy đều có sự khiếm khuyết về đạo đức”.
Từ đầu nhiệm kỳ 12 Đảng đã coi chỉnh đốn nội bộ là trọng tâm đồng thời với việc tăng cường chống tham nhũng “không vùng cấm” mà dư luận hay gọi là chiến dịch đốt lò của ngài Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. Song song với đó là các chỉ thị, quy định của Đảng được ban hành theo hướng tập trung quyền lực. Đơn cử, Quyết định số 244-QĐ/TW năm 2014 về việc ban hành quy chế bầu cử trong đảng, trong đó việc đề cử, ứng cử là do cấp uỷ đảng quyết định. Thí dụ, Điều 13 của quyết định có ghi: “3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”
Nhà nghiên cứu Phạm Quý Thọ kết luận thực tế chỉ ra rằng việc tập trung quyền lực đảng kìm hãm chuyển đổi dân chủ. Sở hữu toàn dân – nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa, là thách thức đối với quá trình tư hữu hoá, cổ phần hoá doanh nghiệp và “tự chủ hoá” đơn vị sự nghiệp công. Thị trường lao động bị chia cắt khi bộ máy nhà nước luôn phình to, hiệu lực thấp nhưng lại thu hút đa số nhân lực bằng cấp cao. Khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa khác biệt với các giá trị phổ quát về dân chủ và nhân quyền, là cản trở thể chế hoá các quyền hiến định của công dân như quyền biểu đạt và hội họp…
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đạp nhau trước Đại Hội – Nguyễn Đức Chung rơi xuống hố sâu
>>> Nguyễn Phú Trọng quyết “chặn đường” quan chức thời Nguyễn Tấn Dũng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT