Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=ABN_2heGx_4
Việc lựa chọn nhân sự cấp cao tại Đại hội của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn là một công việc ‘khép kín’ mà dường như được ‘đàm phán trước’ nội bộ mà không thể có được sự tham gia của người dân, ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt tuần này.
Hôm 04/02/2021, từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nêu nhận xét với BBC:
“Ở Việt Nam, trong hệ thống chính trị hiện nay, việc được bổ nhiệm, được giữ chức ở những chức vụ quan trọng không hẳn gắn với thành tích của cá nhân.
“Mà việc lựa chọn nhân sự ở Đại hội đảng là một công việc khép kín mà dường như người ta quy hoạch rồi, thỏa thuận rồi, cũng như là đàm phán với nhau một cách nào đó.
“Còn để cho người dân đánh giá, xin thưa là trong những ngày gần đây rất nhiều người dân mong muốn được bỏ phiếu cho ông Vũ Đức Đam làm Thủ tướng, nhưng nó không gắn được với việc ở trên.
“Kể cả những người vào được Bộ Chính trị, tôi nói luôn trường hợp như ông Nguyễn Hòa Bình chẳng hạn, vụ án Hồ Duy Hải là vụ án rất lớn, ảnh hưởng đến nền tư pháp rất ghê, nhưng mà ông ấy vẫn được vào Bộ Chính trị.
“Điều này trong dân chúng đã làm cho người ta thấy rằng tiêu chí đánh giá về thành công hay thất bại của một con người không nằm trong quy trình nhân sự của đảng để sắp xếp những vị tr trong đảng và nhà nước.
“Điều này là rất đặc thù ở Việt Nam mà nhân dân đều nhận thấy, nhưng đây là việc của đảng, của nhà nước, đành chịu thôi.”
Vai trò cá nhân trong chủ nghĩa tập thể và nhân sự thế nào?
Từ Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, bình luận thêm với BBC, nhấn mạnh khía cạnh quan hệ giữa cá nhân và chủ nghĩa tập thể trong cơ chế, bộ máy lãnh đạo của đảng Cộng sản tại Việt Nam hiện nay:
“Có lẽ với cơ chế nào, một cá nhân nào đó không là anh hùng, bởi vì trong chủ nghĩa tập thể vốn làm nền tảng cho cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối này, một cá nhân không thể đặt cao hơn lợi ích của đảng được.
“Cho nên đúng là mọi thứ người ta đã quy hoạch trước rồi, hơn nữa, trong một bối cảnh tình hình tham nhũng, rồi tình hình gọi là ‘suy thoái’ rồi ‘tự chuyển biến’, ‘tự chuyển hóa’ rất là lớn, cho nên người ta đặt những tiêu chí ấy ưu tiên hơn là những thành tích mà người dân nhìn thấy.
“Ở một góc cạnh nào đấy, người dân cho rằng vai trò của chính phủ trong thời gian vừa rồi rất năng nổ, ví dụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được không chỉ người dân đánh giá, mà còn kể cả những nhà quan sát nước ngoài cũng đánh giá là rất năng nổ.
“Rồi những người như ông Vũ Đức Đam cũng là một trong những người năng nổ và thường xuyên xuất hiện vào những nơi rất khó khăn của vùng dịch.
“Thì họ cũng chỉ là những cá nhân trong thể chế này và phải chấp hành, phải tuân theo những nguyên tắc của đảng, mà đấy cũng chính là những cốt lõi của thể chế này, tức là dựa vào một chủ nghĩa tập thể để người ta quyết định vấn đề nhân sự, chứ không phải là một cá nhân hay một nhóm cá nhân nào đấy,” ông Phạm Quý Thọ nói với hội luận của BBC hôm thứ Năm.
“Tập trung hóa” và “nhuốm màu giáo điều“
Cũng đánh giá về Bộ Chính trị sau Đại hội 13 của Đảng CSVN, một tác giả từ Hoa Kỳ cho rằng 18 tân ủy viên có tuổi trung bình “già hơn, nặng quân đội, công an và giảm kỹ trị hơn” so với khóa 12.
Trong bài viết trên trang The Diplomat (02/02/2021), ông Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ trường National War College, Hoa Kỳ nói với lứa tuổi trung bình 63, đây là Bộ Chính trị “già, đông nam giới hơn Bộ Chính trị khóa 12“.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đăng gấp đôi số đại diện trong cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam.
Ở khóa 12, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng (Ngô Xuân Lịch), cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN có ghế trong Bộ Chính trị.
Nay quân đội có hai vị, tướng Lương Cường và tướng Phan Văn Giang.
“Đại diện của công an cũng dày“, theo ông Abuza. Ngoài Bộ trưởng Công an Tô Lâm tái cử, thì còn những người các có xuất thân từ bộ này: Phạm Minh Chính từng là Thứ trưởng, Nguyễn Hoà Bình cũng đã từng làm trong Bộ Công an trước khi sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Tác giả này cho rằng các thành phần ủy viên phản ánh “xu thế, các ưu tiên và lo ngại” của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Zachary Abuza còn chú ý đến tính đại diện thiếu hụt của các nhân vật kỹ trị, gồm cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người chỉ đạo chiến dịch sáng chói (stellar) chống Covid-19 của Việt Nam.
Điều này cho thấy bất kể tính phức tạp về kinh tế, kỹ thuật, các quyết định quan trọng sẽ thuộc về nhóm cầm quyền “tập trung hóa” và “nhuốm màu giáo điều“, ông Abuza nêu quan điểm của mình.
Người dân có quan tâm và bất ngờ về kết quả Đại hội?
Trở lại với cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, bình luận với BBC từ Paris nhà báo tự do Tường An cho rằng mặc dù Đại hội 13 của ĐCSVN muốn ‘giữ bí mật’ đến phút chót, nhiều người dân, trong đó có người Việt ở nước ngoài, dường như không tỏ ra bất ngờ về các kết quả nhân sự được thông báo của Đại hội và bà giải thích nguyên nhân:
“Tôi nghĩ rằng ngoại trừ một số người làm báo, hay người làm truyền thông tự do v.v… thì họ quan tâm, nhưng đa số những người khác không quan tâm.
“Tại sao không quan tâm? Là bởi vì nó không có gì là bất ngờ cả, ngay cả trước đó có những nguồn tin là những nhân sự này sẽ được giữ bí mật đến phút chót, nhưng mà thực ra người ta cũng đã biết trước khi Đại hội bầu lên dàn nhân sự.
“Nó không có gì là bất ngờ, nó cũng giống như là mấy chục năm qua, trong khi chúng ta thấy cuộc bầu cử ở bên Mỹ bất ngờ đến phút cuối, còn ở Đại hội 13 không có gì là bất ngờ hết.
“Và cũng như các quý vị ở trên đã dùng những từ như đã có những sự ‘thỏa thuận’, sự lựa chọn, những sự ‘đàm phán’ với nhau v.v…, tất nhiên ở đây chỉ là một sự dàn xếp với nhau để coi ai sẽ giữ những chức vụ gì, thế thôi.
“Còn người dân không có bất cứ tiếng nói gì cả, người dân không có quyền tham gia vào một cơ chế mà lãnh đạo chính họ, thành ra tôi nhớ rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rằng dàn nhân sự Bộ Chính trị mới này sẽ hội nhập vào vận hành quốc tế v.v…, nghĩa là những sáo ngữ rất ‘hay’, nhưng không có gì thay đổi cả.
“Có nghĩa là những chức vụ ấy chỉ là những sự dàn xếp, thỏa thuận với nhau và tranh giành ảnh hưởng với nhau trong nội bộ mà thôi, trong khi người dân không có một tiếng nói nào cả và đó là điều chính mà tất cả mọi người hướng về Việt Nam đều quan tâm, có nghĩa là tất cả người dân đều phải có tiếng nói trong việc bầu bán Bộ Chính trị, hay Ban chấp hành Trung ương đảng lãnh đạo v.v… mà có ảnh hưởng đến họ.
“Ông Hoàng Ngọc Giao ở trên có nói một câu mà cá nhân tôi rất là buồn, khi ông nói ‘đó là việc của đảng, đó là việc của nhà nước và chúng ta phải chấp nhận thôi’, tôi cho rằng không có chuyện chấp nhận ở đây, người dân phải có tiếng nói của người dân, người dân phải có quyền quyết định những việc liên quan đời sống của họ.
“Chứ không phải chỉ có một số người ‘già cỗi’ và một số người đi theo một đảng duy nhất quyết định, đó là điều mà những người ở hải ngoại mà có quan tâm đến Việt Nam đều mong muốn; rằng Việt Nam thay vì có một đảng, thay vì chỉ có tiếng nói của một đảng, thì phải có tiếng nói của nhiều đảng khác nhau. Xã hội nào cũng vậy, có sự cạnh tranh thì nó mới đưa đến những cái mới, những cái lợi cho người dân,” nhà báo tự do Tường An nói với BBC.
Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng ông Trọng, 77 tuổi, là một trong mười trường hợp đặc biệt trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, cụ thể là quá giới hạn về độ tuổi tham gia Ban Chấp hành được quy định trong điều lệ của đảng.
“Bây giờ tôi cũng không được khỏe lắm, tuổi cũng cao rồi, tôi cũng xin nghỉ nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên tôi phải chấp hành, nên tôi sẽ cố gắng hết sức”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại một cuộc họp báo hôm 1/2, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Giáo sư Mạc Văn Trang, người thường lên tiếng phản biện xã hội, chia sẻ ý kiến với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh:
“Ông Trọng là người cao tuổi, đã bị tai biến, sức khỏe đã giảm sút, thậm chí đi phải có người dắt, thế mà ông lại tiếp tục nữa. Điều đó chứng tỏ có khủng hoảng lãnh đạo trong giới chóp bu của đảng cộng sản.
Ông Trọng vi phạm chính điều lệ của đảng. Bây giờ ông làm nhiệm kỳ thứ ba, như thế tạo ra dư luận không hay. Lẽ ra phải có những người trẻ lên thay thế.
Điều này chứng tỏ là đang có sự bế tắc, thiếu tin tưởng vào tầng lớp kế cận”.
Nhà báo tự do Song Chi, một cựu đạo diễn phim rời bỏ Việt Nam đi tị nạn chính trị năm 2009 và hiện sống ở Anh, bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng: “Cả nước [Việt Nam] lại được dẫn đường bởi một ông già 77 tuổi, hai lần bị đột quỵ, đầu óc xơ cứng, chỉ lặp đi lặp lại về chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Xã hội, luôn luôn đặt sự tồn vong của đảng, của chế độ lên trên hết”.
Trong con mắt của nữ nhà báo, ông Nguyễn Phú Trọng là “hình ảnh của một người cộng sản từ những năm 40, 50 của thế kỷ 20, là một con người thủ cựu, chỉ có mớ lý thuyết Mác-Lê cũ rích, chứ không phải là một nhà lãnh đạo của thời đại hôm nay, không có tư duy sắc bén, tầm nhìn xa để lãnh đạo đất nước”.
Bà Song Chi hình dung viễn cảnh không mấy tích cực cho Việt Nam với lời bình luận rằng: “Khi nhìn như thế thì thấy tương lai, vận mệnh của đất nước ít nhất trong 5 năm cầm quyền tới của ông cũng chả có gì thay đổi, vẫn loạng choạng đi theo con đường zic zac, vẫn tiếp tục vá chỗ này bịt chỗ kia”.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng có phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ khi cho người hối lộ ra về?
>>> Vì sao Mai Tiến Dũng “choảng” Vũ Đức Đam?
>>> Trọng trúng „số đỏ“ Tập thời vui ra
Đặt hỏa tiễn chĩa vào hà Nội, Tập muốn thị uy với ai?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT