Myanmar: Biểu tình đòi dân chủ và vai trò của Trung Quốc trong cuộc đảo chính – Việt Nam cảnh giác cao độ

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=i4nAEue5QD0

Những ngày qua, ngày càng có nhiều người Myanmar xuống đường phản đối cuộc đảo chính quân sự mà giới quân đội tiến hành từ ngày 01/02/2021. Bên cạnh đó, cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự tại quốc gia Đông Nam Á này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc. Xin mời quý khán giả cùng tìm hiểu hai nội dung này trong bản tin dưới đây.

Giới quan sát ghi nhận đây là cuộc biểu tình vì dân chủ lớn nhất tại Myanmar kể từ năm 2007.

Ngày 07/02/2021, nhiều nguồn tin đưa ra con số thống kê là khoảng 100.000 người đã xuống đường tại Rangoon, thủ phủ kinh tế của Myanmar để biểu tình phản đối đảo chính từ giới quân đội.

Những người biểu tình thường mang theo áo đỏ, cờ đỏ hay bóng bay màu đỏ, sắc màu biểu tượng của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ hay những bức hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự, vừa bị giới tướng lĩnh lật đổ.

Các thông điệp chính của những người biểu tình là đả đảo chế độ độc tài quân sự, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, tái lập dân chủ.

Thủ đô Naypyidaw cũng ghi nhận khoảng 1.000 người xuống đường.

Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn khác như Mandalay.

Trước đó, từ sáng ngày 05/02/2021 hàng trăm giáo sư và sinh viên biểu tình ôn hòa trước Đại học Dagon, Rangoon.

Ở thủ đô Naypyidaw, nhân viên của các bộ, ngành ngừng làm việc, trên ngực đeo ruban đỏ, biểu tượng của đảng Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Ảnh: Người dân Myanmar biểu tình đòi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, phản đối quân đội đảo chính, tại Rangoon, ngày 07/02/2021

Thông tín viên Juilliette Verlin của RFI tường thuật từ Rangoon cho biết: Phong trào phản kháng càng lúc càng lớn mạnh.

Tại Rangoon, vào lúc 8 giờ tối, từ ban công, dân tình hô vang những khẩu hiệu phản đối cuộc đảo chính. Họ khua gõ xoong nồi, hay hát những bài ca kháng chiến nổi tiếng từ cuộc đấu tranh của thế hệ 88.

Làn sóng chống đối này thậm chí đã lan rộng ra cả những khu phố giàu có, vốn ủng hộ quân đội. Có nhiều nhân chứng cho biết hiện tượng này đã lan tới Mandalay, thành phố kinh tế lớn thứ nhì tại Myanmar.

Sau cùng, một dấu hiệu quan trọng là tại Pyin U Lwin, thành phố được mệnh danh là thành trì của quân đội do quân số đóng tại đây rất đông, phong trào phản kháng cũng đang hình thành kể từ hôm qua.

Ngày càng có nhiều bác sĩ, giáo sư, doanh nhân bãi công hoặc kêu gọi tẩy chay hàng do các xưởng có liên hệ với quân đội sản xuất.

Tuy nhiên, các cuộc tuần hành chống cuộc đảo chính thường là ở quy mô nhỏ. Đây là các cuộc tập hợp chớp nhoáng, thậm chí chỉ diễn ra trong vài phút và với khoảng vài chục người, chủ yếu là tại Rangoon và Mandalay. Phần đông là giới trẻ và nhiều người đã bị câu lưu.

Trái lại, các cuộc tuần hành ủng hộ tập đoàn quân sự Myanmar được hàng ngàn người ở Rangoon và thủ đô Naypyidaw hưởng ứng. Trên các mạng xã hội, họ bị lên án là nhận tiền của quân đội để xuống đường biểu dương lực lượng. Đây là điều thường xảy ra tại Myanmar.

Sang đến ngày 06/02, trong lúc đoàn người biểu tình ngày càng đông thêm và có những lời kêu gọi tham gia trên mạng xã hội thì mạng lưới internet đã bị chặn trên toàn quốc.

Ảnh: Biểu tình tại Rangoon lên án cuộc đảo chính của giới tướng lĩnh, ngày 06/02/2021

Theo tổ chức phi chính phủ NetBlocks, chuyên về vấn đề này, internet chỉ hoạt động ở mức 14% so với ngày thường và đây là lần thứ hai internet bị cắt.

Việc truy cập Twitter và Instagram đã bị hạn chế từ hôm 05/02, do các hashtag như #WeNeedDemocracy, #HeartheVoiceofMyanmar et #Freedomfromfear được sử dụng hàng triệu lần.

Reuters ghi nhận trước đó Facebook cũng đã không còn truy cập được.

Hãng Telenor của Na Uy xác nhận chính quyền ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ ngưng phục vụ « cho đến khi có lệnh mới ».

Một tài liệu của Bộ Giao thông và Thông tin, mà AFP tham khảo được, nói rằng các mạng xã hội « chỉ gây ra hiểu lầm nơi công chúng ».

Nhiều người Myanmar thì cố gắng dùng VPN để vượt tường lửa.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar Tom Andrews nhấn mạnh là, bằng cách này, « giới tướng lĩnh cố gắng làm tê liệt phong trào phản kháng, và không để cho bên ngoài biết được những gì đang xảy ra trong nước ».

Tập đoàn quân sự còn tiếp tục chiến dịch bắt giữ các nhà hoạt động và chính khách Myanmar. Theo hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị, có trụ sở tại Rangoon, cho đến nay đã có hơn 160 người bị câu lưu. Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đang bị quản thúc tại gia. Luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết chính quyền quân sự từ chối yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ.

Hôm 05/02, một thành viên kỳ cựu của Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ và cũng là cánh tay phải của bà Aung San Suu Kyi, ông Win Htein, đã bị bắt giữ. Trước đó, trả lời truyền thông quốc tế, ông biết trước rằng mình sẽ bị bắt « nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh trong ôn hòa ». Nhân vật này từng bị tập đoàn quân sự cầm tù trong hơn 20 năm.

Một trong những cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi, ông Sean Turnell, người Úc cũng đã bị quản thúc tại khách sạn từ hôm 06/02.

« Bắc Kinh có hậu thuẫn cuộc đảo chính ở Myanmar hay không ? » là câu hỏi thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu Azeem Ibrahim của Trung tâm tư vấn chính trị quốc tế Center for Global Policy, mặc dù giới tướng lĩnh Myanmar liên tục gây áp lực với chính quyền dân sự kể từ tháng 11/2020, trong vụ cáo buộc cuộc bầu cử ngày 03/11 là « gian lận », và buộc chính phủ của bà Aung San Suu Kyi phải xét lại kết quả, nhưng họ chưa quyết định hành động.

Tại sao Tatmadaw lại ra tay vào thời điểm này ? (« Tatmadaw » là từ mà người Myanmar thường dùng để gọi giới tướng lĩnh).

Theo tác giả, cần chú ý đến việc giới tướng lĩnh Myanmar kiên quyết phản đối kết quả cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trong bối cảnh tại nước Mỹ, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump cũng tìm mọi cách để phản bác kết quả cuộc bầu cử dân chủ, cho dù không đưa ra một bằng chứng nào, mang lại những áp lực chưa từng có đối với các định chế dân chủ, pháp quyền tại Mỹ (với đỉnh điểm là những người ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc Hội ngày 06/01). Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh là rất có thể chính Trung Quốc mới là thế lực có « vai trò quan trọng nhất » trong quyết định đảo chính của giới tướng lãnh.

Nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và lãnh đạo tập đoàn quân sự Myanmar Min Aung Hlaing trong chuyến công du Myanmar của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), ngày 11 và 12/01/2021.

Ông Azeem Ibrahim nêu giả thiết : chính cuộc gặp này đã là tác nhân dẫn đến quyết định đảo chính của giới tướng lĩnh.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ, rất có thể là phía Trung Quốc « đã không hề có một dấu hiệu công khai nào, để bật đèn xanh cho ý đồ đảo chính của giới tướng lĩnh Myanmar », nhưng thái độ của đại diện ngoại giao Bắc Kinh có thể đã khiến cho giới tướng lĩnh Myanmar nghĩ rằng dù sao chăng nữa, họ cũng sẽ được Bắc Kinh bảo vệ.

Tính toán của giới quân sự Myanmar có thể là Bắc Kinh « sẽ không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng ảnh hưởng tại châu Á ». Và trong trường hợp Hoa Kỳ và các đồng minh trừng phạt giới quân sự Myanmar, do đảo chính, chính quyền Trung Quốc ắt hẳn sẽ đứng về phía giới tướng lĩnh, để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.

Báo Nhật Nikkei Asia thì phân tích sự việc ở khía cạnh Myanmar thời Aung San Suu Kyi đã luôn tìm cách thoát “bẫy nợ” Trung Quốc.

Nikkei Asia dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, theo đó, nợ Trung Quốc của Myanmar vào cuối năm 2019 chỉ còn 3,34 tỉ đô la, thấp hơn 26% so với cuối năm 2015, tức trước khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lên nắm quyền.

Nikkei Asia so sánh đà sụt giảm về nợ nần với Trung Quốc của Myanmar với tình hình ngược lại ở hai nước láng giềng Đông Nam Á. Trong cùng khoảng thời gian này, nợ của Lào tăng vọt 72%, nợ của Campuchia tăng 34%.

Riêng về nợ nước ngoài của Myanmar nói chung thì tỉ lệ nợ Trung Quốc trên tổng số nợ chung, từ 45% tụt xuống còn 30% trong thời gian 4 năm cầm quyền của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Chính phủ Aung San Suu Kyi rất lo ngại rơi vào « bẫy nợ » của Trung Quốc, bởi sẽ có nguy cơ buộc Myanmar phải nhượng một số cơ sở hạ tầng chiến lược cho Bắc Kinh.

Một ví dụ tiêu biểu của việc điều chỉnh chiến lược của Myanmar là dự án xây cảng ở Kyaukpyu, bên bờ Ấn Độ Dương. Cảng này cho phép đưa dầu lửa và khí đốt từ biển vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông qua hai đường ống dài 870 km. Với tuyến cung ứng nhiên liệu này, Trung Quốc sẽ không bị phụ thuộc vào tuyến đường qua eo biển Malacca. Dự án ban đầu có trị giá tới 7,2 tỉ đô la, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 1,3 tỉ đô la vào lúc thỏa thuận được ký kết năm 2018. Chính phủ Myanmar đã yêu cầu thay đổi nhiều nội dung của dự án.

Tuy nhiên, nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế không dễ dàng. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn, chiếm 30% tổng trao đổi thương mại của Myanmar. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar dễ thấy, đa số xe buýt lưu hành ở Rangoon được sản xuất tại Trung Quốc là một ví dụ. Trung Quốc xem khối ASEAN là khu vực quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới, đầy tham vọng, có tên gọi chính thức là « Một Vành Đai, Một Con Đường ». Tổng đầu tư của Trung Quốc vào khối ASEAN trong dự án này là hơn 300 tỉ đô la, riêng tại Myanmar là hơn 20 tỉ.

Cuộc khủng hoảng người Rohingya, bị quân đội Myanmar truy bức, khiến cho nỗ lực thoát phụ thuộc vào Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn với chính phủ dân sự, bởi Myanmar bị quốc tế lên án, các nhà đầu tư phương Tây xa lánh. Cuộc đảo chính vừa qua có thể dẫn đến các trừng phạt quốc tế mới. Trong trường hợp đó, giới quân sự Myanmar sẽ tìm đến sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc đã can thiệp mạnh mẽ để Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ đưa ra bản tuyên bố chung về tình hình Myanmar, bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về tình trạng khẩn cấp do quân đội áp đặt, yêu cầu « trả tự do tất cả những người bị bắt », mà không lên án cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự.

Phần liên quan đến việc lên án « cuộc đảo chính quân sự », theo dự thảo tuyên bố chung của Anh quốc, đã bị loại khỏi văn bản cuối cùng. AFP cho hay, theo một số nguồn tin ngoại giao ẩn danh, Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An phản đối cách gọi này.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vượng chịu thua, Phúc chịu thiệt, Võ Văn Thưởng “ngư ông đắc lợi”!

>>> Đại hội 13 không sửa điều lệ Đảng là một ‘điều lạ lùng’

>>> Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng vẫn áp chế tiếng nói đối lập

Những động thái mới của Chính quyền Tổng Thống Joe Biden đối với Việt Nam


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT