Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=ddr1UJXKrxQ
Bộ Y tế Việt Nam thời gian qua đẩy mạnh chiến dịch thông điệp 5K dễ nhớ, dễ hiểu để phòng chống dịch COVID-19 gồm: Khẩu trang, Khử khuẩn, Không Tụ tập, Khoảng cách và Khai báo y tế.
Tuy nhiên, 3 người hiện đang giữ 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam hiện nay (thường gọi là tứ trụ) đều không thực hiện thông điệp này khi thăm vài nơi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua.
Cụ thể, Tổng bí thư Đảng CSVN kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào đêm giao thừa Tết Tân Sửu (ngày 11/2) đã đi thăm những người dân ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm cũng như thắp hương cho vua Lý Thái Tổ.
Các hình ảnh và video cho thấy hàng chục người bao quanh ông không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn…vi phạm ít nhất 3K/5K.
Ngoài ra, còn có tấm ảnh của TTXVN cho thấy ông Trọng bế một cháu bé vào lòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dùng tay bế đỡ phụ cháu bé cho ông Trọng.
Riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong ngày 9/2 khi đến thăm Bộ Y tế đã kêu gọi và bày tỏ mong muốn cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước hãy tiếp tục chung tay, đồng lòng và đồng hành trong cuộc chiến chống COVID-19 cả nước, trước hết là thực hiện “Thông điệp 5K” do ngành y tế phát động.
Ngay mùng Một Tết Tân Sửu (12/2), ông Phúc đi thăm và chúc Tết các lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng và cả quận ủy Hải Châu, tuy nhiên ông Phúc đều bắt tay, không đeo khẩu trang và đứng sát nhau để chụp ảnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chiều 11/2 cũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre – quê hương của bà Ngân.
Các hình ảnh và video của báo Đồng Khởi cho thấy, dù gặp gỡ trong hội trường hay chụp ảnh ngoài sân, bà đều không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách.
Anh Đỗ Nam Trung vào tối mùng Năm Tết Tân Sửu, lên tiếng với RFA, về việc các lãnh đạo không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người dân khi dịch COVID-19 lây lan mạnh vào lúc này ở Việt Nam:
“Tôi thấy hình ảnh các ông Trọng, ông Phúc không đeo khẩu trang gì cả. Những hình ảnh đó thực sự rất là chướng mắt và khó chấp nhận được.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói rằng người dân phải đeo khẩu trang, phải giữ an toàn cho bản thân mình và cho người khác nữa. Nhưng những hình ảnh đó lại quá là trái khoái, tức là lời nói và việc làm của họ hoàn toàn trái ngược với nhau.
Khi chúc tết các vị bô lão, tôi thấy ông Trọng và một dàn lãnh đạo của Hà Nội đứng xung quanh thì không có ông nào đeo cả.
Điều đó khiến cho người dân như tôi thấy họ là những người không đáng tin vì lời nói và việc làm của họ xung khắc với nhau. Họ là những người không đáng tin khi mà nghe họ nói.”
Từ Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng đưa ra bình luận:
“Việc đeo khẩu trang, tất cả các phường, xã đều phải thông báo là thực hiện ‘Năm K’, tức là khẩu trang, giãn cách, không tụ tập v.v….
“Thế thì khẩu trang phải đeo hết, nhưng dư luận cũng cảm thấy bất ngờ và cũng không hài lòng về việc ngày 02/02/2021 tổ chức sự kiện ‘Việt Nam tỏa sáng’ ở Cung Hội nghị Quốc gia, gần 2.000 người tham dự, các quan chức của đảng chẳng có ai đeo khẩu trang cả, mặc dù lập luận rằng trước đó đã được thử, xét nghiệm.
“Rồi tiếp đó, hôm sau 03/02 là ngày kỷ niệm thành lập đảng thì cũng tổ chức một Dạ hội như vậy, điều này rõ ràng là phản cảm. Theo tôi, chính phủ, đảng CSVN nếu đã thể hiện quyết tâm, thì cũng phải làm gương.
“Thế còn kêu gọi nhân dân đeo khẩu trang, trong khi đó hội họp chẳng có đeo khẩu trang gì cả, thì cái này gây ra những dư luận không hay trong nhân dân.”
Tính đến tối 12/2 (mùng 1 Tết), Việt Nam báo cáo có 2.142 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 520 ca nhiễm mới được ghi nhận trên nhiều tỉnh thành trong đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/1.
“Đợt này khả năng nguy hiểm của nó đã được báo động ở mức cao nhất, nghĩa là áp dụng các chỉ thị 15, 16 từ đợt chống dịch trước, cho phép áp dụng những biện pháp mạnh nhất, có thể phong toả cả một thành phố như đợt dịch thứ hai bùng phát ở Đà Nẵng”.
Theo nhà nghiên cứu này, sự chủ quan của nhiều người dân tại Việt Nam, xuất phát từ tâm lý yên tâm với công tác phòng chống dịch của chính quyền trong thời gian qua, đang là yếu tố góp phần thêm vào nguy cơ bùng phát dịch rất cao trong đợt dịch mới này, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khả dĩ về biến chủng virus.
“Chắc còn phải một thời gian nữa mới có thể khống chế được, nhưng sự lan rộng như thế này khiến cho chính quyền cũng có vẻ bối rối bởi vì Việt Nam là một nước nghèo. Năng lực y tế cũng có giới hạn”, TS. Phạm Quý Thọ đưa ra nhận định với VOA.
Ông phân tích: “Thí dụ muốn thành lập một bệnh viện dã chiến như kiểu ở Đà Nẵng thì thành phố Chí Linh (Hải Dương) không có khả năng.
Cho nên khi Chí Linh bị dịch bệnh lan rộng thì người ta phải tháo dỡ bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng để chuyển sang, với cơ số khoảng 500 giường bệnh.
Như vậy, năng lực tại chỗ là không đủ để kiềm chế dịch hoặc năng lực y tế để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID”.
Mô hình chống dịch giá rẻ từng giúp VN thành công bị “toang”?
Từ 0 giờ ngày 16-2-2021, Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước bị phong tỏa trở lại kể từ lần phong tỏa Đà Nẵng hồi tháng 8-2020, tiếp theo đó là Hà Nội cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa trường học, quán ăn… cho đến ngày 28-2.
Nhân viên giấu tên ở một quán ăn tại Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội vào chiều ngày 16 tháng 2 nói với RFA về tin đóng cửa như vừa nêu:
“Bọn em chưa biết thế nào, theo chỉ định thành phố. Em vẫn duy trì thôi.
Cũng cắt giảm nhân viên, nhưng nói chung là khá là mệt. Lượng khách sụt giảm tầm 70-80%.
Nhân sự của em cũng giảm, nói chung là không thể giảm bấy nhiêu người được, nói chung là giảm 50% thôi.
Nhân viên bên em trước COVID tầm 300 người, bây giờ mấy chục thôi. Vẫn mở duy trì, nhưng không có khách”.
Thành phố Hồ Chí Minh sắp tới cũng có thể sẽ cho áp dụng các biện pháp tương tự khi trong cuộc họp ngày 15-2, ông Phúc đồng ý cho 2 thành phố lớn nhất nước có thể “giãn cách xã hội” (phong tỏa trên thực tế) tại một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải có vắc xin trong tháng 2 để tiêm chủng cho lực lượng chống dịch và được hứa sẽ có khoảng 5 triệu liều về trong tháng này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra.
Các tờ báo trong nước thời gian qua liên tục dẫn các bài báo từ quốc tế ca ngợi Việt Nam là mô hình chống dịch chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả, tuy nhiên có vẻ trong đợt bùng phát thứ ba này điều kỳ diệu đó đã không lặp lại?
Hai ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong đợt thứ ba chỉ bằng cách, một công nhân Hải Dương đi xuất khẩu lao động từ ngày 17-1 sang Nhật được phát hiện dương tính từ đó Việt Nam truy nguồn ngược lại.
Trước đó, theo quy trình từ phía Nhật người công nhân này phải cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành từ Việt Nam, đều này đồng nghĩa với việc dịch đã tồn tại trong cộng đồng từ lâu nhưng chưa bị phát hiện và xét nghiệm của Việt Nam cũng có sai số?
Từ 28-1 đến nay đã có gần 700 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận.
Việt Nam là nước duy nhất trong ba nước Đông Dương đến nay chưa được tiêm liều vắc xin nào.
Lào và Campuchia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 7 và 8-2 với hàng trăm ngàn liều vắc xin từ Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng kích hoạt quân đội ‘như thời chiến’ để chống COVID
Việt Nam kích hoạt quân đội vào trạng thái như trong thời gian có chiến tranh đế chống dịch COVID giữa lúc quốc gia Đông Nam Á đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong cộng đồng, theo truyền thông trong nước.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Đơn hôm 16/2 cho VnExpress biết rằng Tổng tham mưu trưởng Quân đội đã chỉ đạo toàn quân tăng cường công tác phòng chống dịch ngay từ khi có thông tin dịch bùng phát trở lại hôm 28/1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 16/2 ra chỉ đạo cách ly toàn tỉnh Hải Dương trong 15 ngày, đóng cửa các nhà hàng và quán bar trên toàn thành phố Hà Nội, và chỉ đạo TPHCM, nơi cũng đang có nhiều ca nhiễm mới, sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra.
“Chúng tôi đã kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch trong toàn quân… đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến,” Thượng tướng Trần Đơn, cũng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Quân đội, được VnExpress trích lời cho biết về việc ứng phó với đợt bùng phát mới ở Việt Nam.
Trước đó vào cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quân đội vào trạng thái “như thời chiến” để dốc sức phòng chống dịch trong đợt bùng phát mới xuất phát từ hai ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, theo báo điện tử VGP News.
Theo vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kích hoạt trạng thái thời chiến trong quân đội là mức cao nhất, trong đó “tất cả hệ thống chỉ huy, từ sở chỉ huy Bộ Quốc phòng đến tất cả đơn vị đầu mối toàn quân, trung tâm phòng chống dịch cũng như các cơ quan tác chiến phải duy trì hệ thống trực ban, trực dịch 24/24; báo cáo kịp thời, hàng ngày và đột xuất về Bộ Quốc phòng để chỉ đạo.”
Bộ đội Biên phòng được tăng cường quân số để ngăn chặn người xuất cảnh trái phép, không để dịch bệnh vào nội địa qua biên giới, theo Thượng tướng Trần Đơn. Ông cũng cho biết rằng hầu hết các đơn vị bộ đội phải “duy trì 100% quân số” trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để “sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với diễn biến mới của COVID-19.”
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng thách thức những gì với phần còn lại của đảng?
>>> Tranh luận sau Đại hội 13: Cải cách thế nào khi thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước?
>>> Kiều hối đổ về ào ạt – Đảng “mở cờ trong bụng”
Thực hư chuyện Phạm Minh Chính đã ép Nguyễn Phú Trọng buông ghế chủ tịch nước?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT