Việt Nam: Bao nhiêu người bị xử tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’ từ đầu năm 2021?

Hôm 22/4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Lê Thị Bình (sinh năm 1976, trú phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đây là trường hợp mới nhất bị đưa ra xử, theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam.

Ảnh: Bà Lê Thị Bình, sinh năm 1976, trú phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

1-Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2-Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Lên Facebook ‘nói xấu’

Theo cáo trạng, bà Lê Thị Bình tham gia mạng xã hội Facebook với các tài khoản sử dụng là “Binh Lê“, sau đó đổi tên thành “Lê Ngoclan Ct“, “Ngoc Lan CT Ngoc CT Le“, “Anna Nguyen“.

Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, bà Bình bị nói là thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook này bằng điện thoại di động có kết nối Internet để phát trực tiếp (livestream), đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung “nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước“.

Mới ngày 20/4, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gồm: Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980; cư trú tại căn hộ 3.01 chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh); Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985; cư trú tại căn hộ 5.04 tầng 6, chung cư 241/1/25C, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982; cư trú tại 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Họ bị bắt để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công an thành phố Cần Thơ nói ba người này liên quan vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“, xảy ra tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành do bị can Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn thực hiện.

Ảnh: Nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Trước đó, ngày 17/12/2020, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với ông Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982; tại ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An) cũng theo điều 331.

Vụ Quách Duy

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/4, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TPHCM) xử bị cáo Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND TPHCM) và tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù theo điều 331.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Quách Duy đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh trên Facebook, trong đó 3 bài viết “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm lãnh đạo của thành phố“.

Ngày 13/4, tại Thanh Hóa, xảy ra vụ khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Thị xã Nghi Sơn về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

Vào ngày 3/4, công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1973, ngụ TP Hồ Chí Minh, để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước khi bị khởi tố, tạm giam, ông Nguyễn Hoài Nam đã đăng nhiều bài viết trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; một số bài viết liên quan một số cá nhân đang công tác tại một số cơ quan tố tụng trên Facebook.

Ngày 30/3, tòa án tỉnh Bình Định phạt 4 năm tù với ông Lê Văn Hải, 54 tuổi.

Cáo trạng nói, bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường theo ý của mình, ông Lê Văn Hải lên mạng xã hội nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ảnh: ông Lê Văn Hải, ở Bình Định

Ngày 10/2, công an Quảng Trị bắt tạm giam ông Phan Bùi Bảo Thy, sinh năm 1971, Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung – Tây Nguyên của báo Giáo dục & Thời đại tại Đà Nẵng.

Ông Thy bị bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, theo thông báo.

Ba thành viên nhóm Báo Sạch bị bắt, dư luận nói gì?

Các nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Đoàn Kiên Giang bị bắt liên quan đến hoạt động của nhóm Báo Sạch làm rúng động dư luận.

Ba nhà báo này bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt tạm giam hm 20/4 về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

Theo thông tin do công an công bố, ba người bị bắt gồm ông Nguyễn Thanh Nhã (sinh 1980), ông Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh 1982), và ông Đoàn Kiên Giang (sinh 1985). Các ông Nhã và Giang cư trú tại TP HCM, còn ông Bảo cư trú tại Đà Nẵng.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 22/4, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp nói tội danh trên “đọc qua thì có vẻ điều luật này rất rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì chúng ta mới thấy điều luật này nó rất mù mờ và dẫn đến sự tuỳ tiện trong việc áp dụng. Chính những người áp dụng pháp luật cũng biết điều này.”

Thông tin bắt giữ thêm ba thành viên nữa của nhóm Báo Sạch đã làm dậy sóng mạng xã hội. Trang facebook Lê Nguyễn Hương Trà viết: “Việc bắt gần cả nhóm chiều nay gây rúng động mạnh với giới truyền thông, ngay gần kề ngày bầu cử Quốc Hội 2021.”

Nhà hoạt động Vi Yên cũng viết trên Facebook cá nhân: “Lên tiếng trước các sai phạm của cơ quan công quyền, gây quỹ ủng hộ bác sĩ đợt dịch bệnh vừa lan tới Việt Nam, hỗ trợ nước ngọt cho bà con miền Tây những ngày hạn mặn, giúp đỡ một bà mẹ đi tìm công lý cho con – lẽ nào những việc làm như thế này, ở Việt Nam, được gọi là ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’?”

Facebooker Nguyễn Trường Sơn bình luận: “Xung quanh việc các nhà báo độc lập của Báo Sạch bị bắt, kì khôi thay, thứ mà nhiều người bàn luận lại là nghi vấn phe phái của những nhà báo này, chứ không phải là tính chất tùy tiện, độc đoán và sự sỉ nhục đối với hiến pháp và quyền con người của hành vi bắt giữ này. Hoạt động báo chí, dù ngòi bút của họ có bị cho là ở phía nào đi chăng nữa, cũng không thể là cái cớ để chính quyền bỏ tù nhà báo. ”

Không ít người cho rằng quy định “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là một quy định mơ hồ, dễ dàng cho công an và tòa án có thể diễn dịch theo chủ ý của mình.

Một nhà báo giấu tên tại TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Bạn tố cáo một quan chức nhà nước, dù theo đúng quy định của luật về khiếu nại và tố cáo, thì cũng dễ dàng bị khép vào tội này. Chưa kể, nếu bạn là người mà nhà nước coi là thành phần nguy hiểm, phản động, thì càng dễ bị khép tội hơn.”

Theo ông, những quy định kiểu “lợi dụng quyền tự do dân chủ” này thực sự là một cái bẫy mà bất cứ ai đều có thể bị sập.

Đó là chưa kể việc những người nắm quyền lực trong tay có thể lợi dụng các quy định này để bảo vệ lợi ích của cá nhân,” nhà báo này nêu ý kiến. “Luật pháp nên tránh các quy định mơ hồ như vậy.”

Trang facebook Lê Nguyễn Hương Trà cho biết nhóm Báo sạch ra đời năm 2019 “sau vụ việc của doanh nghiệp Asanzo trên Tuổi Trẻ. Thành viên nhóm bao gồm các nhà báo và đã gây nhiều tiếng vang, nhanh chóng đạt được lượng theo dõi khủng.”

Hồi đầu tháng 4/2021, nhà báo Nguyễn Hoài Nam, người mà theo báo Công an TP HCM là “từng viết một số bài điều tra gây tiếng vang“, cũng bị bắt với tội danh này.

Ảnh: nhà báo Nguyễn Hoài Nam

Bên cạnh nhiều ý kiến lên án cách hành xử của chính quyền trong vụ bắt giữ các thành viên Báo Sạch, một số khác lại thể hiện sự đồng tình. Một số trang mạng được cho là của dư luận viên do chính quyền quản lý, như Hội Cờ đỏ TP HCM, đã đưa tin theo chiều hướng ủng hộ công an.

Chính quyền nói gì?

Theo Cổng thông tin Công an TP Cần Thơ, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ đang thụ lý điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

Sau khi khởi tố và bắt giam nhà báo Trương Châu Hữu Danh vào tháng 12/2020, cơ quan này tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam thêm ba nhà báo nói trên vào ngày 20/4.

Báo chí Việt Nam hầu như chỉ đưa theo thông báo của công an về vụ bắt giữ này. Báo Tuổi Trẻ cho biết các quyết định khởi tố, bắt tạm giam trên đều được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn do vụ việc xảy ra tại Cần Thơ và một số địa phương khác.

Cũng tờ báo này dẫn nguồn tin từ công an viết “quá trình khám xét nơi ở của các bị can, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.”

Cả ba người vừa bị bắt và nhà báo Trương Châu Hữu Danh đều là thành viên của Báo Sạch, một nhóm hoạt động báo chí trên mạng xã hội.

Trong quá trình hoạt động, nhóm Báo Sạch được cho là tham gia đưa tin nhiều vụ việc được coi là đụng chạm tới chính quyền, trong đó có phiên tòa Hồ Duy Hải.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Bị can Vũ ‘nhôm’ hối lộ 5 tỷ hay tặng nấm linh chi?

>>> Vừa về vườn, vụ án “buôn người” liên quan đến Nguyễn Thị Kim Ngân bị khui ra?

>>> Phan Văn Giang vội vã gặp Ngụy Phượng Hòa nhằm ý đồ gì?

Phan Văn Giang đem biển Đông đổi lấy tình hữu nghị?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT