Hôm 10/6, Việt Nam công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV với 499 người đắc cử, trong đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp, nhưng đạt tỷ lệ phiếu hợp lệ thấp nhất trong nhóm lãnh đạo “tứ trụ” kỳ này. Trong số 500 người được bầu có Bí thư tỉnh Bình Dương nhưng ông không được công nhận tư cách đại biểu vì bị cho là có vi phạm liên quan đến quản lý đất đai.
Tỷ lệ số phiếu hợp lệ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là 93,23%, của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là 96,65%, của Thủ tướng Phạm Minh Chính là 98,74%, và của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là 99,89%, trang VietnamNet dẫn kết quả do Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố cho biết.
Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, người tham gia Quốc hội liên tục từ khóa XI (tháng 6/2006) đến nay, đạt được số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử số 1 ở Hà Nội với 557.717 phiếu bầu trong kỳ bầu cử Quốc hội XV ngày 23/5 vừa qua.
Ông Phúc trúng cử tại một đơn vị bầu cử ở TP.HCM với 622.984 phiếu; ông Chính trúng cử tại một đơn vị bầu cử ở TP. Cần Thơ với 335.484 phiếu; còn ông Huệ trúng cử tại một đơn vị bầu cử ở TP. Hải Phòng với 499.461 phiếu, theo thông tin của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Truyền thông Việt Nam cho biết tất cả 17 Ủy viên Bộ Chính trị, 19 tướng lĩnh, sỹ quan ngành công an, và 32 lãnh đạo cấp cao của quân đội đều trúng cử vào Quốc hội.
Hội đồng Bầu cử cho biết trong 499 đại biểu có 4 người tự ứng cử và 14 người ngoài Đảng. Như vậy tỷ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội khóa XV là 3,6%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu “phấn đấu” là 25-50 người, tức khoảng 5-10%.
Báo Pháp Luật Online (PLO) cho biết 4 người tự ứng cử trúng cử là ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam; ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, và bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam.
Ông Lương Thế Huy, một trong 9 người tự ứng cử của cả nước, chỉ được 101.479 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 17,69% số phiếu hợp lệ, không trúng cử.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng, không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, theo một quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, do bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, công bố hôm 10/6.
Trang SGGP dẫn lời bà Thanh cho biết rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra, bước đầu đã xác định những dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và ông Trần Văn Nam.
Bà nói: “Bước đầu cho thấy ông Trần Văn Nam vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong thời gian đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam có vi phạm về quản lý nhà nước, nhất là liên quan đất đai.”
Nhận định về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, nói với VOA:
“Bầu cử ở Việt Nam nói chung là không có tự do, không có công bằng vì tất cả ứng cử viên đều do Đảng chọn ra trước rồi dân bầu mà thôi. Gọi Đảng cử dân bầu là như thế.”
Cũng từ Hà Nội, Luật sư Lê Quốc Quân, một cựu ứng cử viên thất cử năm 2011, nói với VOA:
“Khi tôi ra ứng cử tôi mới thấy rõ một điều là: về mặt chính trị, không một ai có thể làm được gì nếu không có sự đồng ý của Đảng Cộng sản.”
Báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam miêu tả cuộc bầu cử ngày 23/5 vừa qua là một cuộc “bầu cử thành công trong đại dịch thể hiện niềm tin của nhân dân.”
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết hôm 10/6 rằng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 “đã diễn ra trong không khí phấn khởi, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và đã thành công rất tốt đẹp với tỷ lệ cử tri đi bầu là 99,6%, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.”