Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây ra chỉ thị về thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, trong đó có điều khoản khuyến khích người dân tố cáo tài sản bất minh của cán bộ, theo tường thuật trên các báo mạng VietnamNet, Zing News, Nhà Đầu Tư và Tri Thức & Cuộc Sống.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, phản ứng về thông tin kể trên qua mạng xã hội, không ít người bày tỏ nghi ngại rằng người dân có thể bị quy tội vu cáo khi tố giác quan chức.
Toàn văn chỉ thị của Ban Bí thư ban hành hôm 2/6, được VietnamNet đăng lại hôm 9/6, thể hiện quyết tâm của đảng cộng sản trong việc “nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.
Bản chỉ thị nhấn mạnh vào yêu cầu phải “rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.
… việc khuyến khích người dân tố giác khó có hiệu quả. Điều quan trọng là phải để cho người dân lập các tổ chức và các tổ chức đó lên tiếng, các tổ chức đó mới có khả năng, năng lực và sức mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Văn bản của Ban Bí thư cũng có điều khoản yêu cầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và các đoàn thể “tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt”. Trong cùng điều khoản này, chỉ thị viết rằng cần phải “có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng”.
Trong một cuộc thảo luận trên Diễn đàn Nhà báo và Chính sách về chỉ thị, nhiều người đưa ra ý kiến ngắn gọn rằng họ “chả dại” hoặc “thôi ạ”.
Có thành viên đưa ra ý kiến châm biếm rằng các lực lượng công an, an ninh, thuế, tài nguyên và môi trường… theo dõi và biết hết mọi động tĩnh của các quan chức, sao lại “xúi dân tố giác”.
Một số thành viên khác bình luận rằng “tự do dân chủ bị hạn chế, sao giám sát được” hoặc nêu lên mối lo rằng tố giác chưa chắc đã đem lại kết quả gì, nhưng “chắc chắn gặp phiền phức” cho bản thân, thậm chí có thể còn nhận “án vu khống, xâm phạm đời tư” hay nặng hơn nữa là “làm lộ bí mật nhà nước.”
Theo tìm hiểu của VOA, những mối lo ngại kể trên là có cơ sở. Một bài phân tích của tác giả Lê Đức Trung, thuộc Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, đăng trên trang web của viện hồi cuối tháng 10/2020 có đoạn chỉ ra rằng căn cứ vào Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và một thông tư năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, “có thể thấy việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay mới chỉ được giới hạn ở phạm vi hẹp, trong nội bộ cơ quan, đơn vị, mà chưa mở rộng việc công khai đến người dân”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ được nhiều người biết tiếng, đặt vấn đề rằng các lãnh đạo và các quan chức thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải công khai tài sản trước toàn dân, có như vậy, người dân mới so sánh và tố giác được. Nếu không theo trình tự như vậy, khi người dân tố giác, phía đảng cộng sản có thể quy cho dân tội vu cáo, ông Quang A cảnh báo.
Nhà hoạt động này nói với VOA rằng vai trò của người dân trong tố giác quan chức chỉ có thể có sức mạnh khi nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp lý để người dân tập hợp lại với nhau trong một tổ chức, ví dụ như một hội thúc đẩy liêm chính:
“Từng người dân không làm được gì cả. Chỉ có đứng dưới một tổ chức nhất định thì người dân mới có khả năng làm được. Rất tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam cản trở. Cho nên việc khuyến khích người dân tố giác khó có hiệu quả. Điều quan trọng là phải để cho người dân lập các tổ chức và các tổ chức đó lên tiếng, các tổ chức đó mới có khả năng, năng lực và sức mạnh”.
Đảng Cộng sản Việt Nam nói ‘người dân làm chủ’ nhưng họ chỉ muốn người dân là từng người một, như những chiếc đũa rời rạc, họ bẻ tạch cái là xong, không để cho những chiếc đũa này gộp thành bó đũa, thành tổ chức.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Vẫn tiến sĩ Quang A đưa ra nhận định rằng khi một hội có tư cách pháp nhân đứng ra thu thập bằng chứng và tố giác quan chức, chính quyền sẽ khó quy tội vu cáo cho một tổ chức như vậy hơn là quy tội cho một người dân đơn lẻ. Vì vậy, việc ra đời những hội đoàn thực chất của người dân vẫn là một viễn cảnh xa vời. Ông Quang A nói thêm:
“Đảng Cộng sản Việt Nam nói ‘người dân làm chủ’ nhưng họ chỉ muốn người dân là từng người một, như những chiếc đũa rời rạc, họ bẻ tạch cái là xong, không để cho những chiếc đũa này gộp thành bó đũa, thành tổ chức. Điều này những người cộng sản Việt Nam hiểu rất rất là kỹ. Bất cứ ai nhăm nhe tạo thành tổ chức gì đấy là họ diệt ngay từ trong trứng nước”.
Tiến sĩ Quang A kết luận rằng chừng nào đảng cộng sản không thay đổi tư duy về công khai thông tin tài sản quan chức và cho dân lập tổ chức, những lời kêu gọi của đảng “chỉ là bịp mà thôi”.
Bài phân tích của tác giả Lê Đức Trung đăng trên trang web của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra hồi cuối tháng 10/2020 đã chỉ ra rằng “quy định về công khai có tính chất nội bộ khép kín như hiện nay chưa phát huy tác dụng của việc kê khai tài sản”, và đưa ra đề nghị rằng “về lâu dài, cần phải công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập người có nghĩa vụ kê khai tại nơi làm việc, nơi cư trú và trên các phương tiện thông tin đại chúng”.