Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 6 quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, theo đánh giá mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố, trong đó nhận định rằng quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt giam các nhà báo độc lập trong năm qua.
Trong số 180 quốc gia được đánh giá trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF được đưa ra hôm 20/4, Việt Nam xếp hạng 175 và nằm trong nhóm các quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Triều Tiên, được coi là có “tình trạng rất tổi tệ” đối với môi trường báo chí. Đây cũng là thứ hạng mà Việt Nam được đánh giá trên chỉ số 2020, tăng một bậc so với một năm trước đó.
Cùng với nhận định về sự can thiệp trực tiếp của Bắc Kinh vào luật an ninh quốc gia ở Hong Kong hồi tháng 6 năm ngoái gây ra sự đe dọa lớn tới nền báo chí ở Trung Quốc, RSF nói trong thông cáo báo chí hôm 20/4 rằng Việt Nam “cũng tăng cường sự kiểm soát của mình đối với nội dung mạng xã hội, trong khi tiến hành một làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập hàng đầu trong thời gian chuẩn bị cho kỳ Đại hội được tổ chức 5 năm một lần của Đảng Cộng sản” vào cuối tháng 1 vừa qua. Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp, nhắc đến tên nhà báo Phạm Đoan Trang, người được giải Tự do Báo chí ở hạng mục Tầm ảnh hưởng của RSF năm 2019, trong số những người bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào năm ngoái.
“Đúng như nhận định của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, trong thời gian vừa qua – năm ngoái cũng như năm nay, việc bắt bớ rồi kết án nặng nề những người làm báo tự do đã làm nổi lên một mối quan ngại chung cho tất cả những người quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam,” nhà báo Võ Văn Tạo nói với VOA từ Nha Trang, Khánh Hoà. “Cô Đoan Trang bị bắt, đến nay chưa ra toà, nhưng chúng tôi tiên liệu là không nhẹ nhàng đâu bởi vì nhà nước Việt Nam càng ngày càng siết chặt tự do báo chí.”
Trong số những nhà báo tự do bị chính quyền bắt giữ vào năm ngoái, ngoài Phạm Đoan Trang – người được tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) gọi là “nhà vô địch nhân quyền” của Việt Nam – còn có nhà báo Trương Châu Hữu Danh. Họ đều bị bắt chỉ vài tháng trước khi Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra.
Các tổ chức ủng hộ nhân quyền và dân chủ quốc tế đã cáo buộc Việt Nam tăng cường đàn áp các tiếng nói bất đồng và kiểm duyệt trên mạng trong năm ngoái và đầu năm nay, quanh thời gian Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội khóa 15 ở Hà Nội.
Theo nhận định của RSF, để biện minh cho việc bỏ tù những blogger và nhà báo độc lập, Đảng Cộng sản sử dụng Bộ luật Hình sự, đặc biệt là ba điều khoản theo đó “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để đe doạ lợi ích của nhà nước” có thể bị trừng phạt bằng các án tù dài hạn.
Tháng 1 vừa qua, một toà án ở TPHCM tuyên án tù đối với 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn với mức tù giam từ 11 đến 15 năm về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Sau đó hơn 1 tháng, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy bị bắt giam với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo điều 331 của BLHS Việt Nam. Trong những tuần gần đây, một số nhà báo và các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập cũng đã bị chính quyền bắt giữ với cáo buộc “lợi dụng tự do dân chủ tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam.”
Theo nhà báo Tạo, những điều luật này được chính quyền dùng để buộc tội “một cách mù mờ” những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ.
“Những điều luật đó đã được các quốc gia và tổ chức quốc tế đề nghị Việt Nam bỏ đi vì nó tù mù và làm cho người dân mất quyền ăn, quyền nói, mất quyền biểu đạt,” nhà báo Tạo nói.
Thống kê thường niên của RSF đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, bỏ tù nhà báo nhiều nhất. Theo dữ liệu mới được RSF công bố cùng với Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021, tổng cộng có hơn 30 nhà báo và blogger hiện đang bị giam giữ tại các nhà tù của Việt Nam, nơi mà tổ chức này nói là “tình trạng ngược đãi diễn ra phổ biến.”
“Nếu nói một cách rành rẽ ra thì Việt Nam không có báo chí, mà chỉ có công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thôi,” nhà báo Tạo nhận định. “Báo chí là phải độc lập, phải có quyền phản biện chính trị, nhưng ở Việt Nam thì không được (phép) và nó rất là xa lạ với báo chí của nhân loại văn minh.”
Việt Nam chưa lên tiếng về Chỉ số 2021 của RSF nhưng chính phủ Hà Nội luôn phản bác các báo cáo của các tổ chức quốc tế về nhân quyền và tự do ngôn luận ở quốc qia Đông Nam Á, trong đó có RSF, và phủ nhận việc giam giữ các tù nhân lương tâm cũng như những người bày tỏ chính kiến ở Việt Nam.
Theo Chỉ số 2021 của RSF, Na Uy tiếp tục đứng đầu thế giới về tự do báo chí trong bối cảnh mà báo chí toàn cầu, như RSF gọi là “loại vaccine tốt nhất chống lại virus thông tin sai lệch”, bị ngăn chặn ở hơn 130 nước trên thế giới. RSF nhận định rằng báo chí bị “chặn” hoàn toàn hoặc nghiêm trọng ở 73 quốc gia, trong đó có Việt Nam, và bị hạn chế ở 59 quốc gia khác. Việt Nam được phân loại vào nhóm màu đen vì có môi trường “rất tồi tệ” đối với tự do báo chí. Kể từ khi RSF đưa ra Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới vào năm 2013, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước cuối bảng, với thứ hạng tồi tệ nhất là 176 vào năm 2019 và đỡ tồi tệ hơn là 174 vào năm 2014.