Link Video: https://youtu.be/Rr-W7paejsE
Những gì được thông báo về công tác cán bộ và chống tham nhũng tại Việt Nam qua báo chí, truyền thông nhà nước tuần này cho thấy công tác nhân sự hậu bầu Quốc hội khóa XV và công cuộc ‘đốt lò’ chống tham nhũng do ban lãnh đạo của ĐCSVN chỉ đạo vẫn tiếp tục diễn tiến.
Đây là nhận xét từ Hà Nội của Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, trong trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 23/6/2021.
Trước tiên về thông tin Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang kiện toàn bộ máy lãnh đạo ở cấp thành phố, nhà quan sát thời sự này nói với BBC:
“Tại Hà Nội, báo chí của nhà nước đã thông báo công khai việc ông Chu Ngọc Anh được tái bầu vào ghế Chủ tịch UBND Thành phố với nhiệm kỳ từ 2021-2026, theo tôi đây chỉ là việc bầu lại mang tính hình thức, không có vấn đề gì với quy hoạch có trước của đảng.
“Tuy nhiên, ngày mai Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành bầu các vị trí lãnh đạo, theo tôi TPHCM phức tạp hơn, các nhiệm kỳ lãnh đạo ở thành phố này từ trước đã có nhiều tai tiếng.
“Ông Nguyễn Thành Phong đã tham gia ban lãnh đạo Đảng bộ thành phố qua ba đời bí thư thành ủy rồi, tức là từ đời ông Đinh La Thăng, qua thời ông Nguyễn Thiện Nhân và hiện nay là thời của ông Nguyễn Văn Nên..
“Ông Thăng đã bị kỷ luật, ngồi tù với án tù 30 năm, ông Nhân thì làm tạm thời trong thời gian không được lâu, nay về làm Đại biểu Quốc hội khóa mới, ông Bảy Nên thì mới về thì không rõ ông có dám tiến hành các thay đổi mạnh tay nào không, nhưng rõ ràng với địa bàn TPHCM, dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi chẳng hạn như liệu có sự thay đổi, thay thế nào cho lãnh đạo UBND Thành phố cho nhiệm kỳ mới hay không, nếu không thì đâu là nhân tố bảo đảm đổi mới về thực chất?
“Có lẽ trong một vài ngày tới kết quả bầu sẽ được Hội đồng Nhân dân TPHCM cho biết, song việc bầu bán này không chỉ riêng xảy ra ở Hà Nội và TPHCM, mà nó còn diễn ra ở các địa phương, tỉnh thành khác, bởi vì tất cả đang trong quá trình hoàn thiện hay kiện toàn sau bầu Quốc hội vừa qua và trước đó là Đại hội đảng toàn quốc.”
Luân chuyển nhằm tránh ‘ngồi lâu, bén rễ’
Theo ông Phạm Quý Thọ, hiện tại đang có một số thông tin, hay tín hiệu cho thấy công tác cán bộ của nhà nước và ĐCSVN đang tiếp tục được tiến hành, trong đó có những thay đổi nhân sự theo các chiều hướng như từ đảng sang chính quyền, từ Trung ương về địa phương, từ bộ ban ngành này sang nơi khác và các chiều hướng ngược lại trên các nhánh quyền lực liên quan các cấp lãnh đạo cấp cao hay trung cao trở lên.
Bình luận thêm về các chuyển động này, nhà phân tích chính sách công nói với BBC:
“Tôi cho rằng tới đây các thông tin về những chuyển động trong công tác nhân sự này của đảng và nhà nước sẽ tiếp tục được cung cấp và công khai thêm cho công luận.
“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng quá trình củng cố bộ máy và hình thành nên chủ trương ‘đảng mạnh và nhà nước mạnh’ đang tiếp tục được thực hiện. Quốc hội khóa 15 vừa được hoàn chỉnh, bầu xong, có một điểm đáng chú ý trong quá trình này là công tác luân chuyển cán bộ diễn ra khá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và ở các cấp khác nhau bao gồm cả các nhánh, cơ quan hành pháp, tư pháp và cả Quốc hội, tại Trung ương và địa phương.
“Cụ thể có thể thấy rõ, như tới đây tôi cho là sẽ còn cho thấy rõ thêm, sự luân chuyển giữa cán bộ của đảng với cán bộ của chính quyền, xu hướng thứ hai là cán bộ của Trung ương điều về các tỉnh thành làm lãnh đạo và thứ ba số các nhân vật tương đối chuyên môn hay kỹ trị, như các quan chức làm việc ở ngân hàng nhà nước hoặc các tập đoàn lớn cũng có thể được điều sang làm quản lý nhà nước hoặc quản lý đảng, hoặc là quản lý về mặt chính quyền.
“Chủ trương luân chuyển này không chỉ nhằm rèn luyện các cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp cao, trung cao, mà còn để họ không ở lại quá lâu một chỗ nhằm tránh việc họ ‘bén rễ’ như là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là ‘có tiền, có quyền’, lại ở lâu một chỗ đã quen dễ bị ‘cám dỗ’ về mặt vật chất.”
‘Đốt lò tiếp tục tiến hành thế nào?’
Nhân dịp này nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam cũng đưa ra quan sát của mình về chiến dịch chống tham nhũng mà nhà nước và ĐCSVN đang tiến hành vào thời điểm hiện nay.
“Về chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng, tôi cho rằng nó vẫn đang chịu áp lực để tiếp tục diễn ra, vẫn tiếp tục phải đốt và luân chuyển như trên đã nói là một trong các biện pháp mà thôi.
“Mới đây, đã có thêm các thông tin được loan bố công khai trên báo chí Việt Nam, trong số đó có thông tin về xử lý một số cán bộ lãnh đạo cao cấp ở cấp chính quyền địa phương hay trong các bộ ngành, chẳng hạn liên quan trường hợp của nguyên Phó Bí thư thành ủy TPHCM ông Tất Thành Cang, hay Trung tướng Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục tình báo thuộc Bộ Công an.
“Về trường hợp ông Tất Thành Cang, đây là một vụ án được cho là khá điển hình, vì nó không chỉ liên quan đến vấn đề đất đai, những trục lợi mà còn được cho là có những vấn đề liên hệ, liên kết phức tạp về quyền lực với kinh tế v.v…
“Bởi vậy vụ án này khá phức tạp, mà thậm chí kéo dài, nối tiếp, đặc bi có thể liên quan đến vụ Thủ Thiêm mà đã kéo dài hơn 20 năm nay mà chưa giải quyết được rốt ráo, chưa đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của cán bộ, nhân dân, trong đó có những người bị mất đất và dân oan, nhiều lời hứa, cam kết giải quyết vụ việc của chính quyền và đảng bộ TP Hồ Chí Minh từ trước chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
“Có thể nguyên nhân đằng sau việc chưa giải quyết được những vụ việc như vậy liên quan tới quan hệ phức tạp ở những sân sau của các chính quyền và các quan chức can dự, công luận yêu cầu sớm muộn phải giải quyết triệt để.
“Như ở TPHCM có những công ty làm kinh tế sân sau, những cơ sở kinh tài này có thể giúp cải thiện vấn đề thu nhập của một bộ phận quan chức là cán bộ đảng, hay cán bộ chính quyền, nhưng nó lại là môi trường và những ổ tham nhũng rất lớn, rất khó giải quyết.
“Do đã có những liên kết lợi ích, trục lợi, người ta sẽ câu kết với nhau rất chặt chẽ, do đó sẽ là bài toán nếu tân Bí thư thành ủy TPHCM và các ban ngành trung ương, địa phương có chức năng dám làm triệt để hay để như cũ, nhất là về đất đai và kinh tài.
“Về vụ việc liên quan ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo, Nguyễn Duy Linh thuộc Bộ Công an, trước đây báo chí đưa tin rất dè dặt, nhưng gần đây thông tin về những cáo buộc liên hệ giữa ông trong vụ án liên quan ông Phan Văn Anh Vũ đã được báo chí, truyền thông chính thống của đảng và nhà nước đăng khá dồn dập và công khai và đưa ra thêm nhiều chi tiết.
“Đặc biệt các báo như Thanh Niên, hay Tuổi Trẻ, hay kể cả VOV đều đưa thẳng tên tuổi của ông Nguyễn Duy Linh, nêu công khai cáo buộc về ‘nhận hối lộ’ của ông từ ông Phan Văn Anh Vũ qua trung gian.
“Mặc dù người ta không nói rõ đó là con trai của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, người ở nhiệm kỳ trước đây trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng là một quan chức rất quan trọng thuộc Bộ Công an.
“Tôi thấy qua vụ việc đưa tin về ông Linh, có thể cho thấy có hai điều, mà theo đó điều thứ nhất là đáp ứng mong mỏi của người dân rằng những quan chức tham nhũng, hay quan chức hư hỏng phải bị xử lý để làm sao đấy có thể lấy lại một niềm tin từ phía đảng, từ phía chính quyền trước dân.
“Thứ hai là khi truyền thông, báo chí nhà nước đã đưa tin công khai như thế, thì chắc là vụ việc sẽ được xử đến nơi, đến chốn, trong quá trình điều tra nội bộ thường rất khó khăn, nhưng nếu công khai như thế, thì tức là người ta đã vượt qua được những vướng mắc trong nội bộ và trong ngành với nhau mà đặc biệt là trong ngành an ninh thường rất khó.
“Việc công khai được như thế này tôi cảm nhận là người ta đã vượt bỏ được những cản trở để người ta tiếp tục làm và tất nhiên công luận mong mỏi là khi đến lúc, mọi việc cần phải được làm đến nơi, đến chốn và mọi người đều phải được bình đẳng trước pháp luật như đảng và nhà nước đã từng nói.
“Ví dụ như là những vụ đã từng được xử như vụ ở Bộ Thông tin & Truyền thông, từ những gì phát hiện được từ vụ việc của ông Phạm Nhật Vũ, người ta đã đi tiếp và phát hiện được tham nhũng rất lớn, do đó bây giờ dù là ai, hay làm việc ở đâu, tôi nghĩ rằng cũng phải được xử lý bình đẳng, chứ không thể xử người nặng, mà người kia nhẹ được, đứng trước yêu cầu minh bạch và giải trình trách nhiệm đang được nói đến và trong xu hướng cởi mở hơn trong quá trình cải cách tư pháp,” Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu quan điểm riêng với BBC từ Hà Nội hôm thứ Tư.