Chung sống với dịch hay chết

Link Video: https://youtu.be/YYKdAE2Z6hA

Chúng ta hiểu, khi chính quyền quyết định phong tỏa thành phố thêm 15 ngày, từ ngày 23/08 – ngày 06/09 để nhằm bảo đảm 2 mục tiêu :

  1. Giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và
  2. Bóc tách các ca đã lây nhiễm trong cộng đồng;

Đối với mục tiêu số 1, về ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, việc áp dụng 5k và Chỉ thị 16+ chỉ giúp ngăn chặn được một phần việc lây nhiễm vi-rút trong thành phố mà thôi. Điều này thể hiện qua các báo cáo con số ca dương tính hàng ngày. Trong đó, đã có đôi ngày con số đi ngang và khi tăng thì ở mức độ tăng dần chứ không theo cấp số nhân nữa. Điều này cho thấy, các biện pháp áp dụng gồm 5k và Chỉ thị 16+ có hiệu quả, nhưng chưa căn cơ, chưa đủ sức kéo giảm con số.

Do đó, chính quyền quyết định cho phong tỏa thành phố thêm 15 ngày, bắt đầu từ ngày 23/08, nhằm hạn chế giao tiếp ở mức cao nhất giữa người dân với nhau. Điều này có thể được xem là đã bổ sung thêm biện pháp 1k là “Không giao tiếp“. Tức là thành phố Sài Gòn đang trong giai đoạn áp dụng 6k + Chỉ thị 16+.

Đối với mục tiêu số 2, về bóc tách các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thực hiện mục tiêu này, chính quyền công bố biện pháp lấy mẫu xét nghiệm người dân toàn thành phố. Từ đó, bóc tách, cô lập các ca dương tính để không làm lây lan ra cộng đồng.

Song song đó, hầu như chưa từng có tiền lệ khi chính quyền đưa quân đội vào “tham chiến” trong cuộc phòng chống dịch. Tạm bỏ qua những đồn đoán theo thuyết âm mưu thiếu cơ sở, thì có lẽ, với ưu điểm : Lực lượng đông đảo, đồng nhất, kỷ luật cao… quân đội đã trở thành giải pháp nhằm khắc phục yếu điểm mà ông Võ Đức Đam đã có lần lên tiếng nhận xét trong chuyến làm việc tại thành phố vào cuối tháng 07/2021, khi thấy người dân vẫn tiếp tục đổ ra đường trong thời gian có lệnh giãn cách xã hội.

Hiệu quả từ 2 mục tiêu này có đạt hay không sẽ được phản ánh qua báo cáo con số ca dương tính vào những ngày cuối kỳ phong tỏa.

Rõ ràng, thành phố như con bệnh đang được bốc thuốc chữa trị liều cao với hy vọng “thuốc đắng, giã tật”. Thế nhưng, chúng ta không thể tự hỏi. Đến hạn ngày 06/09, thuốc đắng không giã được tật, mà con số các ca dương tính vẫn cao, hoặc giảm nhưng không đáng kể thì sao? Vô lẽ, chính quyền lại tiếp tục gia hạn lệnh giãn cách? Hoặc giả, chính quyền sẽ còn “bùa” nào khác nữa để “tung” ra?

Tham khảo thêm khi đặt ngược lại vấn đề là có khả thi khi đặt mục tiêu làm sạch các ca F0 hay không ? Khi y học thế giới đã khẳng định khả năng vi-rút cúm Tàu sẽ còn tồn tại lâu dài với loài người. Thì xem ra, “cuộc chiến” với mục tiêu làm sạch các ca F0 trong cộng đồng đã nắm chắc “thua” ngay từ thời điểm bắt đầu cuộc chiến.

Chưa kể nếu biết các giải pháp 6k + Chỉ thị 16+ đang áp dụng lúc này đều có “tác dụng phụ” rất tai hại. Trong đó, bao gồm hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia và bần cùng hóa một bộ phận dân cư không nhỏ.

Quân đội mang thực phẩm đến nhà người dân ở TP.HCM trong thời gian giãn cách

Tin từ trang BBC cho biết, một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của thế giới như Intel (Hoa Kỳ), Aeon (Nhật Bản), Datalogic (Ý)… đang có cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt nam đã bắt đầu lên tiếng phàn nàn về sự đình đốn hoạt động các cơ sở của họ. Chắc chắn, làm bức tranh kinh tế đất nước thêm phần ảm đạm.

Thế thì, đến hạn ngày 06/09, khi hai mục tiêu của đợt giãn cách này không đạt, thì lựa chọn giải pháp kế tiếp như thế nào? Chọn giải pháp có “tác dụng phụ” đóng băng nền kinh tế hay chọn giải pháp không có “tác dụng phụ”, có thể cho tái tục các hoạt động kinh tế … là điều chắc chắn chính quyền phải cân nhắc. Không chỉ vì lợi ích dân tộc mà bao hàm cả sự sống còn của chế độ.

Nhân dịp này, tôi nghĩ về câu chuyện chống lũ ở miền Nam.

Có một thời gian khá dài, ngành thủy lợi tranh cãi với nhau không dứt về giải pháp cho mùa nước lũ hàng năm, thường bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười âm lịch ở các tỉnh miền Tây Nam bộ : Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre…

Theo nếp tư duy cũ, có lẽ chính quyền sẽ chủ trương đắp đê chống lũ. Mức nước cao nhất đến đâu thì đắp đê cao đến đấy. Hàng năm kiểm tra, duy tu đê điều. Giải pháp này không chỉ tốn kém sức người, sức của mà ẩn chứa nhiều rủi ro, 5 ăn 5 thua. Vì lẽ, không thể biết trước mức lũ năm sau sẽ có vượt mức cao nhất hay không ? Hoặc, đê điều có đủ vững chãi khi nước từ phía Tây Nam tràn về ? Nếu không, gây hậu quả khôn lường cho sinh mạng và tài sản của nhân dân đã đành, mà còn ảnh hưởng đến năng suất mùa màng trong vùng lũ.

Cho đến khi giải pháp “sống chung với lũ” được chọn, thì mọi vấn đề trở nên nhẹ nhàng. Vì lẽ, nếu không có những con đê, thì nước lũ tràn vào qua đồng bằng nhanh rồi thoát ra biển đông cũng chóng. Chưa kể lợi ích sau khi nước lũ thoát đi, đã giúp rửa mặn, tẩy phèn, tiêu diệt sâu bọ và nhất là để lại lượng phù sa khổng lồ giúp cải tạo, làm màu mỡ đất đai, tốt cho cây trồng. Việc người dân không lo chạy lũ sẽ tập trung tận dụng các lợi thế để hình thành các mô hình sản xuất mùa lũ theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Về nông nghiệp, dân trồng giống lúa trời (còn gọi là lúa ma), thân có khả năng mọc dài theo mực nước lũ dâng. Ngoài ra, khi lũ về đã mang lại nguồn lợi thủy hải sản rất to lớn do người dân sở tại. Về nhà ở, người dân dựng nhà nổi hoặc các cụm dân cư chống lũ… để bảo đảm thích nghi, phù hợp với kiểu “sống chung với lũ”.

Phòng dịch, có lẽ cũng phải học từ bài học chống lũ. Tương tự thế, chống dịch, có lẽ cũng phải mượn từ tư duy chống lũ.

Đến nay, thống kê chính thức cho thấy con số ca F0 đã phát hiện kể từ cơn dịch bùng phát giai đoạn bốn (cuối tháng 04/2021) cho đến nay là xấp xỉ 350.000 ca tại Việt Nam. Mỗi ca F0 có thể “dắt dây” thêm ba ca F1, tương đương 1.050.000 ca F1. Theo cách làm cũ, cộng lại, con số cần phải đưa đi cách ly là 1.400.000 ca!!! Hệ thống y tế nào gánh nổi con số ấy ???

Do đó, việc dựng rào, giăng dây, cách ly, tập trung cưỡng bức các ca F0, F1, xây dựng liên tục các cơ sở y tế, tận dụng các sân vận động, hội trường, trường học làm cơ sở y tế, thực tế, không khác gì giải pháp đắp đê chống lũ. Giải pháp này gây tốn kém, lãng phí rất nhiều nguồn lực của nhà nước và nhân dân. Tất cả đều quá tải, mệt mỏi, kiệt sức, kiệt quệ mọi nguồn lực.

Thế nên, tư duy “Chung sống với lũ” cần được phát huy thành “Chung sống với dịch”. Hơn nữa, “Chung sống với dịch” cũng không phải là ý tưởng khai phá gì mới, mà đã là thực tế vô cùng sống động gồm cả cộng đồng thế giới đang áp dụng, chỉ trừ Trung Quốc và Việt Nam mà thôi !

Theo đó, xã hội hoạt động theo trạng thái bình thường mới gồm các biện pháp 5k. Tất cả các cơ sở kinh tế bao gồm sản xuất, thương mại và dịch vụ tái tục hoạt động. Các ca F0 được tự điều trị, chăm sóc tại nhà có sự tư vấn của y tế nếu có triệu chứng và chỉ đến cơ sở y tế điều trị khi cần thiết mà thôi. Các ca F1 cũng tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo ước đoán, chỉ có 3% số ca F0 có khả năng trở bệnh cần sự trợ giúp y tế trực tiếp tại bệnh viện. Cho thấy, nếu con số ca F0 tại thành phố là 175.000, giả thiết cùng lúc ngay tại thời điểm này. Thì, 3% của số ấy chỉ là 5.250 ca F0, không phải là gánh nặng quá sức đối với ngành y tế thành phố. Thực tế, khoảng 50% con số ấy đã khỏi bệnh, thì con số cần sự trợ giúp y tế đã giảm đáng kể.

Thế nên, tôi mong rằng khi thời điểm chấm dứt giãn cách vào ngày 06/09/2021, bất luận kết quả như thế nào, thì giải pháp “Chung sống với dịch” nên cần được ưu tiên lựa chọn để từng bước khôi phục các tất cả các hoạt động thông thường của chính quyền và người dân. Bảo đảm mục tiêu kép, gồm phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Đưa tất cả dần vào trạng thái bình thường mới.

Khi nhận thức rõ ràng rằng chúng ta sẽ không bao giờ tiêu diệt được virus cúm Tàu, thì phải xem việc chung sống an toàn được với chúng với tổn thất thấp nhất đã là chiến thắng.

Bài bình luận của LS. Đặng Đình Mạnh

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/live-with-virus-or-die-08242021104151.html