Link Video: https://youtu.be/OIGc_WjPOHU
Hôm 20/8, Chính phủ Việt Nam thông báo việc triển khai quân đội trợ giúp ứng phó với COVID-19, chủng vi-rút Delta, tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Đây là một thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách, phản ánh sự lo lắng của lãnh đạo ở Hà Nội vào lúc này khi mà đại dịch đang trở nên trầm trọng và số ca tử vong tiếp tục tăng cao. Đây là một thay đổi rõ ràng trong mối quan hệ quân – dân sự.
Năm 2020, Việt Nam đã là tiêu chuẩn vàng trong đối phó dịch bệnh COVID-19. Quốc gia này có số lượng cơ sở y tế hạn chế, nhưng khả năng của y tế cộng đồng ở hạng cao, cộng với kinh nghiệm ứng phó với vi-rút SARS và các loại chủng cúm khác trước kia. Chính phủ đã làm mọi điều đúng: cách ly nghiêm ngặt, truy vết kỹ lưỡng, gửi thông điệp về y tế cộng đồng một cách nhất quán và thẳng thắn cùng với lời kêu gọi tinh thần yêu nước.
Không giống như Philippines hay Indonesia, những nước đã an ninh hoá các đối phó với dịch bệnh ngay từ đầu, cách ứng phó của Việt Nam được dẫn dắt bởi các giới chức trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Các tướng của Việt Nam không được đặt vào vị trí chịu trách nhiệm đối với khủng hoảng y tế, định hình chính sách, phân bổ nguồn lực, hay tăng cường cách ly qua các biện pháp cưỡng bức. Indonesia và Philippines đã làm tất cả những điều đó, và, kết quả là, có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất khu vực.
Trong khi Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) mở các doanh trại của mình cho trung tâm cách ly, và đóng vai trò nhất định trong việc phân phối sự trợ giúp cho cộng đồng, quân đội rõ ràng chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Điều này đã nâng cao vị thế vốn đã cao của họ trong mắt công chúng.
Kết quả là Việt Nam vượt qua năm thứ nhất của đại dịch một cách ngoạn mục. Đến tháng tư năm 2021, Việt Nam mới có 2.900 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong. Quốc gia này vẫn hầu như mở cửa, và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tốc đốc tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Điều này đã dẫn đến sự tự mãn. Việt Nam từ từ một cách đáng kinh ngạc trong việc ký các hợp đồng mua vắc-xin, phê duyệt vắc-xin (thậm chí ngay cả khi dùng trong trường hợp khẩn cấp), và đầu tư quá nhiều vào việc tự sản xuất bốn loại vắc-xin của mình thay vì tìm cách cho phép dùng vắc-xin nước ngoài sử dụng công nghệ mRNA mãi cho đến gần đây.
Cho đến lúc này, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thấp nhất Đông Nam Á.
Thế rồi chủng Delta tấn công và các ca nhiễm gia tăng. Việt Nam đã ghi nhận hơn 355.000 ca kể từ tháng năm tới nay, và số ca mới hiện vẫn nằm ở mức từ 10.000 đến 12.000 mỗi ngày. Số ca tử vong do dịch bệnh đã tăng lên 9.014 trường hợp.
Dịch bệnh tập trung chủ yếu ở miền Nam, với hơn một nửa số ca nhiễm và 80% ca tử vong là ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), khiến hệ thống y tế quá tải.
Vì vậy có thông báo gây ngạc nhiên của Chính phủ về việc triển khai 10.000 quân vào TPHCM và các khu vực lân cận.
Quân khu 7 (thuộc TPHCM) và Quân khu 9 (khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long) kết hợp có các bệnh viện dã chiến và tổng cộng 2.300 nhân sự. 500 lính từ Quân khu 7 đã được gia tăng cho công tác phong toả từ ngày 23/8.
Chính quyền TPHCM đã yêu cầu thêm 6.000 quân từ Quân khu 7, bao gồm cả quân chi viện cho công tác phong toả và phân phát thực phẩm tới các cộng đồng dân cần trợ giúp.
Quân số bổ sung đang được triển khai từ các quân khu khác bao gồm: Quân khu 5 (Đà Nẵng) gửi khoảng 500 bác sĩ và nhân sự. Quân đội thông báo là họ sẽ triển khai 1.000 nhân viên y tế quân đội từ miền Bắc (họ không nói cụ thể từ quân khu nào), bao gồm 120 bác sĩ từ trường đại học quân y và 180 sinh viên của trường này. Cho đến ngày 23/8, quân đội đã tăng gấp đôi số nhân viên y tế được triển khai vào miền Nam, cùng với 30 xe cứu thương quân đội.
Thêm vào đó, Quân khu 7 đang gia tăng việc triển khai nhân sự và 12 bác sĩ quân y vào tỉnh Long An, cửa ngõ vào Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chỉ trong vài ngày, đã có thêm các thông tin cụ thể về vai trò được mở rộng của quân đội cùng với thông báo từ quân đội rằng họ đã đóng vai trò dẫn dắt trong việc cung ứng thực phẩm. Các đơn vị của quân đội hiện đang giúp việc hoả táng người chết đang quá tải ở thành phố. Chúng ta có thể trông đợi là sẽ có thêm quân được triển khai, đặc biệt là tới các thành phố lân cận. Bộ Quốc phòng đã sử dụng đến 35.000 dân quân tự vệ.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có tiếng ở Việt Nam là một trong các tổ chức chính trị đáng tin cậy nhất trong nước. Tuy nhiên, điều này sẽ rất đáng quan tâm trong mắt của công chúng trong tương lai.
Nó có thể củng cố thêm hình ảnh và chỗ đứng của quân đội. Họ vẫn rất chuyên nghiệp cho đến lúc này. Việc phân phát thực phẩm do họ thực hiện, nhất là tới các cộng đồng gặp khó khăn nhất, đã được ghi nhận kỹ trên truyền thông Nhà nước, củng cố mối quan hệ giữa quân và dân.
Nhưng điều này cũng không phải là đã được định trước và nó cũng bao gồm những rủi ro nhất định đối với chỗ đứng của quân đội.
Thứ nhất, quân đội có nhiệm vụ như cảnh sát trong quá khứ. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, Đảng Cộng sản đã thông qua nghị định (CP-89) cho phép quân đội tham gia đàn áp nông dân biểu tình ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên. Đó là vai trò và nhiệm vụ mà quân đội rõ ràng là không thích và đã lảng tránh, để những vấn đề an ninh nội địa nhất cho Bộ Nội Vụ.
Hình ảnh quân đội được trang bị vũ khí và những người lính cầm súng tại các điểm kiểm soát đã được phát tán nhanh trên mạng xã hội, làm dấy lên những phản ứng từ công chúng. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem quân đội sẽ xử lý nhiệm vụ cảnh sát của họ ra sao.
Thứ hai, trong khi quân đội có được sự ủng hộ rộng khắp, họ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Đảng Cộng sản trước nhất. Quân đội cố gắng gây dựng một hình ảnh độc lập nhưng là một quân đội của đảng. Thực sự thì điều này đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt trong công chúng, đặc biệt là ngay trước Đại hội 12 vào năm 2016 và sau khi Đảng Cộng sản dường như đã khuất phục trước Trung Quốc ở Biển Đông.
Nếu sự tức giận của công chúng đối với Chính phủ gia tăng khi lệnh phong toả được gia hạn thêm, liệu quân đội có bị đổ lỗi là đồng loã, bất chấp việc họ đã cung cấp những trợ giúp trong đại dịch? Nếu không có gì khác thì việc quân đội được triển khai chỉ là một chỉ dấu cho sự thất bại của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo quốc gia rõ ràng đang cảm thấy bất an. Việc Hà Nội liên tục can thiệp vào việc lãnh đạo chính trị ở TPHCM trong các năm qua, nhằm kiểm soát thành phố vốn có đầu óc độc lập này và là thành phố đóng góp nhiều nhất cho đất nước, làm nhiều người khó chịu. Chính phủ đã đồng thời ưu tiên cho bộ máy tuyên truyền với những câu chuyện rõ ràng là bịa đặt về các công nhân kiểu mẫu và gia tăng việc đàn áp các tiếng nói chỉ trích Chính phủ trong việc chống dịch. Truyền thông Nhà nước đã chỉ ra rất rõ là quân đội sẽ được sử dụng để giúp dập tắt bất cứ mối đe doạ nào xuất hiện nhân cơ hội hiện tại, nỗi lo ngại gia tăng cùng với chuyến thăm trong tuần này của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Nhưng nếu ai muốn thực sự nhìn thấy nỗi sợ của chính quyền, hãy chỉ nhìn vào việc quân đội Việt Nam nhận 200.000 liều vắc-xin từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Sự chuyển giao đầu tiên giữa quân đội với quân đội từ một kẻ thù trong quá khứ đến người vốn có sự mất tin tưởng rất lớn trong công chúng, nói lên rất nhiều điều về sự trông đợi của chính quyền răng quân đội sẽ được triển khai nhiều hơn khi thêm nhiều phần của đất nước bị gia hạn phong toả.
Bài bình luận của Zachary Abuza