Link Video: https://youtu.be/qshgP00YOPk
Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tân lãnh đạo sau khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định điều động ông Nguyễn Thành Phong, cựu Chủ tịch giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đã trở thành tân Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 24/8.
Việc điều chuyển công tác cấp lãnh đạo thành phố lớn nhất đất nước về kinh tế và dân số khá đột ngột được dư luận quan tâm và bàn luận nhiều trong những ngày qua.
Trước câu hỏi của BBC về tin ông Nguyễn Thành Phong nhận công tác mới ở Hà Nội có gì gây ngạc nhiên hay không, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, mô tả điều ông gọi là “phải có những lý do gì đấy”.
“Trong lúc chống dịch rất căng thẳng hiện nay mà lại điều chuyển người đứng đầu bộ máy hành chính của thành phố ra Hà Nội làm công tác khác và cũng cho ông giám đốc sở y tế của thành phố nghỉ hưu, tức là để đẩy mạnh việc chống dịch và nâng cao hiệu quả của bộ máy thành phố lên, thì tôi thấy chắc là phải có những lý do gì đấy,” ông Doanh nói.
Phát biểu tại phiên họp bàn giao để ông Nguyễn Thành Phong nhận nhiệm vụ mới. của Bộ Chính trị quyết định, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng ông Phong “đã có thời gian dài gắn bó với TP.HCM, hơn 35 năm công tác hoạt động sôi nổi, và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”
Đáp lại lời ông Nên, ông Phong nói: ‘Tôi rất áy náy phải rời Thành phố lúc này’.
‘Những người có đầu óc’
Bình luận về những phát biểu này của ông Nên và ông Phong, TS Lê Đăng Doanh nói “có lẽ là ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Thành Phong muốn nói là muốn đóng góp một cách có hiệu quả hơn nữa để phục vụ cho việc chống dịch và gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm khó khăn này”.
“Tôi nghĩ đấy là tình cảm đáng trân trọng và cũng rất thông cảm về mặt tình cảm đối với ông Phong.
“Khi tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh đã có dịp tiếp xúc với ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Thành Phong và những người khác. Ông Nguyễn Văn Nên trước làm ở Văn phòng Trung ương Đảng thì tôi cũng đã có dịp gặp gỡ ông.
“Tôi thấy ông Phong và ông Nên làm việc hết sức nhiệt tình, không kể ngày đêm và là những người có đầu óc, có rất nhiều ý tưởng và số liệu để trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Doanh từ Hà Nội nói với BBC.
‘Yếu tố Thủ Thiêm’
Trong khi đó Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, cho biết trước đó đã có “lời đồn” về việc thay lãnh đạo thành phố.
“Lúc đầu cũng nghe đồn như vậy nhưng tôi cứ nghĩ là ông Nguyễn Thành Phong làm ở TP HCM lâu và đã là đại biểu Hội đồng Nhân dân là được bầu vào Chủ tịch Ủy ban Nhân dân với số phiếu cũng rất cao thì chắc là không có vấn đề gì.
“Nhưng mà qua dịch Covid này thì có khi tình hình thành phố có diễn biến xấu đi thì không biết là có phải vì lý do dó mà dẫn đến việc thay người hay không. Tới lúc này thì cũng chưa có giải thích rõ ràng.
“Cũng có cách lý giải là do giải quyết các vụ như Thủ Thiêm không êm ái thì việc thay đổi nhân sự cấp lãnh đạo thành phố ắt phải xảy ra rồi. Thì cái đó cũng chỉ là suy đoán thôi chứ cũng chưa có ai giải thích cả,” Luật sư Thuận nói.
Khi được hỏi về bình luận của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn lên về năng lực công tác “luôn hoàn thành xuất sắc” của ông Nguyễn Thành Phong và việc ông Phong nói rằng mình “áy náy” khi nhận quyết định của Bộ chính trị, Luật sư Thuận mô rả rằng “cần có nhiều cách hiểu và giải mã”.
“Câu nói của ông Nên đó thể hiện là không phải ông này [Nguyễn Thành Phong] không hoàn thành vai trò của chủ tịch thành phố mà là có một lý do gì khác. Đó là một cách nói nhưng cũng có thể là cách nói động viên.
“Còn việc ông Phong nói khi nhận quyết định ông thấy “áy náy” thì cái đó cũng đúng vì người ta ở lâu năm ở cương vị lãnh đạo của thành phố này trong khi tình hình dầu sôi lửa bỏng nhân dân đang bị đe dọa trước dịch Covid bùng nổ như thế mà mình lại ra đi và nhất là không có lời giải thích nào thật rõ ràng. Thì câu nói đó của ông Phong kể như là câu để mọi người suy nghĩ,” Luật sư Thuận nói với BBC.
Liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự mới là ông Phan Văn Mãi, người dường như chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh tế vào cương vị lãnh đạo thành phố được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là cơ hội để ông Mãi “vừa làm vừa học”.
“Tôi gặp ông Mãi khi ông ấy còn công tác ở Bến Tre và tôi thấy ông Mãi là người làm việc rất nhiệt thành và có nhiều cố gắng lắng nghe ý kiến và làm việc ngày đêm.
“Khi ông Mãi được bầu lên cương vị đó thì chắc chắn là không phải học tập và tập hợp xung quanh mình những người có kinh nghiệm, tham khảo ý kiến của các sở, ban, ngành trước khi có quyết định và về mặt này thì tôi nghĩ là ông Mãi có đủ kinh nghiệm.
“Chỉ tiếc thế là thời gian ông Mãi về thành phố đang còn ngắn cho nên có lẽ ông ấy phải vừa làm vừa học và đấy là cái khó khăn đối với ông Mãi,” Tiến sĩ Doanh nói. “Việc điều chuyển ông Phong ra Hà Nội và ông Mãi thay thì chắc chắn phải có chỉ đạo của Bộ Chính trị, là điều chắc chắn trong hệ thống chính trị của Việt Nam”.
Trong khi đó Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC rằng không loại trừ điều ông gọi là “thay đổi cơ bản” về nhân sự lãnh đạo TP HCM.
“Cũng có người suy nghĩ rằng phải chăng đây là việc thay đổi cơ bản, triệt để lãnh đạo trong vụ việc như Thủ Thiêm vì đã kéo dài tới 20 năm mà không giải quyết được.
“Nếu là như vậy thì cũng có thể là đây là quyết định cho một việc nhưng lại giải quyết được nhiều thứ”, Luật sư Thuận nói với BBC từ TP HCM.
Vào ngày 16/08, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói ‘Tôi tin sẽ kiểm soát được dịch’.
Sáng ngày 20/8 cả ông Phong và ông Nên gặp đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để trao đổi về những khó khăn kinh doanh vì Covid.
Chiều 20/08, Bộ Chính trị phân công ông Phong về làm Phó ban Kinh tế Trung ương.