Covid ở Việt Nam: Khi lãnh đạo ‘thất học’

Link Video: https://youtu.be/IhKK5vvUg5c

Với khí thế của chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ở Sài Gòn cách đây đã hơn 45 năm, Việt Nam bước vào “cuộc chiến” chống Covid vẫn ở cùng thành phố, nay với tên Hồ Chí Minh, hồi tháng Tư năm nay.

Sài Gòn năm xưa thất thủ nhưng Hồ Chí Minh năm nay lại cũng chào thua. Covid chủng mới chẳng ngán gì ý thức hệ và các loại “vũ khí” vừa lạc hậu và vừa được triển khai muộn.

Vậy sau nửa năm “chống dịch” gần đây nhất, Việt Nam giờ ở đâu

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới được cập nhật hôm 9/9/2021, Số ca nhiễm ở Việt Nam đang tiến dần tới con số 600.000 ca nhiễm và số người chết vì Covid đã vượt quá 14.000. So với hai nước láng giềng, Cam-Pu-Chia có gần 100.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong; Lào có gần 17.000 người nhiễm và 16 người tử vong.

Nhưng phải so với Thái Lan mới thấy khả năng chữa trị và phòng bệnh của Việt Nam yếu kém tới đâu so với khu vực.

Thái Lan có hơn 1,3 triệu ca nhiễm, gấp hơn hai lần Việt Nam nhưng số người chết của họ chưa tới 14.000, kém số ca tử vong ở Việt Nam.

Chỉ có hai yếu tố lý giải được tỷ lệ tử vong thấp bằng nửa Việt Nam của Thái Lan; sự chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của họ tốt hơn và số người đã được tiêm vắc-xin của họ cũng nhiều hơn Việt Nam.

Điều này có thể hiểu được vì Thái Lan chi tiêu nhiều hơn cho y tế so với Việt Nam và khả năng quản trị xã hội của họ cũng nhỉnh hơn.

Theo số liệu của World Bank, được cập nhật lần cuối vào năm 2018, Thái Lan có chi tiêu bình quân đầu người cho y tế là 275 đô la, đứng thứ 101 trên thế giới trong khi Việt Nam xếp thứ 125 với mức chi tiêu 151 đô la.

Một điều đã được nhiều người chỉ ra là sự kiêu ngạo không đúng lúc của Việt Nam đã góp phần tạo ra sự vỡ trận.

Niềm tin vô căn cứ rằng Việt Nam có dư khả năng “thắng” Covid khiến các nhà lãnh đạo không có sự chuẩn bị về mặt y tế dẫn tới sự quá tải, về mặt an sinh xã hội dẫn tới người nghèo khó bị bỏ rơi, về mặt chính sách dẫn tới việc ban hành những mệnh lệnh không có tính khả thi và làm tình hình thêm tồi tệ.

Kết quả là nhiều ngàn người đã chết oan vì Covid, chưa kể những người chết vì đói và chết vì các bệnh khác do ngành y tế quá tải không cứu chữa được họ.

Đó là còn chưa kể tới sự trả giá khác trong đó có sức khoẻ tâm thần, sự phá sản của các doanh nghiệp khiến không những chủ mà cả nhân viên sẽ điêu đứng sau dịch và sự chững lại của cả nền kinh tế mà khả năng hồi phục của nó bị xếp thứ 125/125 nước có tên trong danh sách của Nikkei từ Nhật Bản hồi cuối tháng Tám.

Hô 4.0, dùng 0.4

Các nhà lãnh đạo Việt Nam không những không chịu học những bài học chống dịch từ cả năm trước của thế giới. Họ cũng không chịu học từ chính những thất bại của họ.

Chẳng hạn thành phố Hồ Chí Minh từng thay đổi chính sách giấy đi đường vào cuối tuần để áp dụng ngay đầu tuần sau đó khiến người dân xếp hàng dài chờ qua các chốt kiểm soát trong điều kiện không đảm bảo giãn cách xã hội.

Thế nhưng Hà Nội vẫn đi theo vết xe đổ này nhiều tuần sau đó, ngay cả khi Đà Nẵng đã thành công trong việc cấp giấy đi đường qua mạng để hạn chế tiếp xúc khi người dân cần có giấy phép.

Chuyện bắt người dân phải lên phường hay tới cơ quan công an cũng khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải chính quyền đang hô hào công nghệ 4.0 nhưng lại dùng công nghệ 0.4.

Một trong những bài học nữa mà Việt Nam không chịu học của thế giới là người già cần được tiêm vắc-xin trước những người trẻ tuổi vì họ dễ tử vong vì Covid hơn vài chục lần so với những người trẻ hơn họ vài chục tuổi.

Nhưng “vắc-xin ông ngoại”, ông anh, ông quen biết khiến cho nhiều người già ở thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp tiêm vắc-xin đã qua đời. Việt Nam cũng có quy trình tiêm vắc-xin kéo dài cả tiếng cho mỗi người, lâu gấp nhiều lần so với các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới.

Điều này, cộng với sự thiếu hụt nhân lực, khiến cho quy trình tiêm vắc-xin chậm hơn nhiều so với mức cần thiết. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi liệu có phải Việt Nam không muốn ưu tiên toàn bộ vắc-xin cho người có tuổi bởi vì họ không còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội và nếu họ có qua đời nhà nước thậm chí còn khỏi phải trả lương hưu cho họ?

Ngoài ra Việt Nam cũng là nước hiếm hoi trên thế giới khổ vì chữ F. Hết F0, tới F1, F2… bị truy vết, bị bắt nhốt và bị kỳ thị.

Chính sách bắt nhốt người lây nhiễm hay những ai tiếp xúc với người lây nhiễm khiến nhiều người mắc bệnh oan vì điều kiện cách ly không đảm bảo vệ sinh và không đủ không gian để có giãn cách xã hội đúng mức.

Điều cuối cùng Việt Nam hiểu ra quá muộn màng, sau khi hơn một vạn người đã chết vì Covid chỉ trong vài tuần, là “cuộc chiến” chống Covid không thể dùng lý luận, khẩu hiệu và hung khí. Nó cần tới não, tới khoa học và tới công nghệ.

Tiếc thay cả ba thứ này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều thật là thiểu não. Bảo sao họ vẫn có thể chẳng sượng sùng mà nói “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa” trong khi nước đông dân trong tốp 20 của thế giới nghiên cứu mãi chưa sản xuất ra vắc-xin và người dân bảo “vắc-xin là vác rá đi xin”.

Trong Đại dịch, thân phận và phẩm giá người Việt không có giá trị!

UBND thành phố Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa rút lại yêu cầu: Người cần cấp cứu và những người vận chuyển họ phải có giấy cho phép đi lại.

Yêu cầu vừa kể được nêu trong quy định mới về hạn chế đi lại, được công bố chiều 9 tháng 9 và sau khi bị chỉ trích kịch liệt, đến cuối ngày, trong hướng dẫn thực thi không đề cập đến nữa.

Nhiều người biết chuyện xem yêu cầu vừa kể là ngu dốt, song nhận định đó dường như chưa thật sự chính xác.

Dẫu có dấu hiệu ngu dốt, nhưng nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả của đại dịch COVID-19 thêm nặng nề, trầm trọng chính là sự tự tin thái quá vào quyền lực nên công quyền hành xử tùy tiện, bất kể hậu quả, bất chấp các yêu cầu, qui định đó ảnh hưởng thế nào đến phẩm giá của công dân.

Ảnh: người dân TpHCM phải chui qua hàng rào kẽm gai để nhận thực phẩm

Nếu chỉ vì không đủ tri thức, hiểu biết, thì sau những tình huống “dở khóc, dở cười”, sau hậu quả thê thảm đối với cả kinh tế lẫn dân sinh vì những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hết sức cực đoan, thiếu viễn kiến ở TP.HCM, Hà Nội đã không vài lần náo loạn bởi các yêu cầu quái gở liên quan tới… giấy đi đường.

Cứ xem thật kỹ những qui định liên quan tới… giấy đi đường ở khắp nơi, chắc chắn sẽ nhận ra sự khinh miệt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với thường dân. Họ xem thường cả cá nhân lẫn những pháp nhân đang hoạt động hợp pháp, nên tất cả giấy đi đường phải được cơ quan hành chính và công an xem xét, phê duyệt!

Tương tự, bất kể chính quyền TP.HCM đã bị thực tế đẩy vào thế bị buộc phải chấp nhận cho F0 (những người bị nhiễm COVID-19) cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí từ trung tuần tháng 7, hết Bộ Y tế tới Thủ tướng bắt đầu nói đi, nói lại về việc phải chuẩn bị hỗ trợ cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà nhưng sau đó cả tháng…

Người ta vẫn thấy nhiều nơi như Nghệ An – các viên chức hữu trách ở địa phương cạy cửa thông gió, đột nhập vào tư gia một phụ nữ, phá cửa phòng riêng, dùng bạt cuốn bà lại mang vào khu cách ly chỉ vì bà là F1 (có tiếp xúc với F0) …

Hoặc như Cà Mau, Chủ tịch một phường ở thành phố Cà Mau ra lệnh cho thuộc cấp xông vào nhà cưỡng bức một người đàn ông 49 tuổi, đem ông nhốt vào khu cách ly tập trung chỉ vì ông… không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng…

Tại sao? Hãy nhìn Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID của Việt Nam.

Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính đang kiểm tra công tác chống dịch tại TpHCM

Ông Chính vừa là người chỉ đạo điều trị F0 ngay tại xã, phường vừa yêu cầu… nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng.

Ông Chính cũng là người hô hào “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thực thi nghiêm ngặt truy vết, cách ly, cô lập người nhiễm COVID-19, khu vực có người nhiễm COVID-19, rồi tuyên bố… phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối…

Chỉ ở Việt Nam, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới dám thản nhiên phô bày sự bất nhất, tùy tiện đến vô lối như thế bởi dẫu có thế nào họ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đại dịch là dịp để thiên hạ có thể thấy rõ hơn, trong mắt của các viên chức hữu trách, dân không phải là đối tượng họ phải phục vụ, dân là đối tượng bị trị.

Nếu… đẩy lùi dịch bệnh vì dân, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cấp trên sẽ không thể để thuộc cấp muốn làm gì thì làm. Tuy mỗi nơi một kiểu nhưng rất nhất quán về bản chất: Bất chấp cả sinh mạng lẫn nhân phẩm công dân, bất kể dân sinh sẽ như thế nào. Sau khi được thực thi, thân phận con người chẳng khác gì rơm, rác.

Đó là lý do hồi hạ tuần tháng 8, thị trấn Văn Điển thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vừa dỡ bức vách bằng tôn cao 2 mét, dài 200 mét, chia đôi ngõ 54 phố Ngọc Hồi để cô lập dân cư phía bên kia ngõ này vì… thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội thì sang thượng tuần tháng 9, tới lượt phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, khóa cổng, không cho dân ngõ 56 phố Đặng Xuân Bảng ra đường cho dù chẳng có ai trong ngõ bị nhiễm COVID-19 hay tiếp xúc với F0.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Thế giới nhìn vào cách Việt Nam chống dịch: “Đói khổ là hình ảnh thấy rõ nhất”

>>> Phụ nữ Việt qua Ả Rập Xê Út: lao động xuất khẩu hay nạn nhân buôn người?

>>> Bí thư Hà Nội – Đinh Tiến Dũng “bị tấn công”, ai đã ra đòn?

Rosneft rút khỏi dự án với Việt Nam trên Biển Đông, liệu có nguy cơ an ninh?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT